WHO khuyến cáo không dùng rượu bia ngừa Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng đồ uống có cồn không thể ngăn ngừa nCoV, kêu gọi chính phủ các nước mạnh tay kiểm soát mặt hàng này.
“Lạm dụng rượu bia trong thời gian cách ly có thể làm các vấn đề sức khỏe sẵn có thêm nghiêm trọng, thúc đẩy các hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý hoặc làm gia tăng tình trạng bạo lực”, WHO tuyên bố hôm 14/4.
WHO một lần nữa bác bỏ các tin đồn sai lệch cho rằng đồ uống có cồn, cụ thể là rượu ethyl và ethanol giết chết được nCoV hoặc khiến cơ thể người miễn nhiễm với virus. Các loại rượu nồng độ cồn từ 60% trở lên có thể khử trùng da, song nó không giúp diệt mầm bệnh khi hấp thụ vào cơ thể.
“Uống nhiều rượu bia thậm chí có thể làm tổn hại hệ miễn dịch, gây suy giảm khả năng chống lại virus ở người. Vì vậy uống rượu bia trong khi đang mắc bệnh sẽ làm gia tăng các rủi ro”, WHO khuyến cáo.
WHO khẳng định uống rượu bia không ngăn ngừa mắc Covid-19. Ảnh: AP
Video đang HOT
Carina Ferreira-Borges, giám đốc Chiến dịch Phòng chống tiêu thụ Rượu và Ma túy Bất hợp pháp của WHO châu Âu, cho biết dù ở trong đại dịch hay không, lạm dụng rượu bia vẫn là một vấn đề nan giải. Mỗi năm, thế giới ghi nhận ít nhất ba triệu ca tử vong liên quan đến rượu bia.
“Giữa đại dịch, khi đang cách ly, chúng ta nên tự hỏi những mối nguy mà mình và người thân sẽ gặp phải nếu sử dụng một thức uống có hại cho sức khỏe thể chất, ảnh hưởng đến hành vi cá nhân, dễ dẫn đến có bạo lực”, bà Borges phát biểu.
WHO cũng cho rằng nên “duy trì, thậm chí thắt chặt” các quy định về sử dụng rượu bia trong đại dịch.
Hiện chưa có thống kê cho thấy Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ rượu bia. Song dữ liệu về doanh thu của các đại lý cho thấy người dân có xu hướng mua nhiều đồ uống có cồn hơn khi đang cách ly.Trong tuần thứ ba của tháng 3, con số này tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Nielsen.
Trước đó vào tháng 3, 27 người tử vong do ngộ độc methanol sau khi uống quá nhiều rượu “để chữa Covid-19″.
Thục Linh
Chưa thể vội nới lỏng phong tỏa
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo việc sớm dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự "hồi sinh chết người" của loại virus này
Một số quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế về kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) vẫn đang bùng phát và khiến hơn 120.000 người thiệt mạng trên toàn cầu.
Phản ứng trước động thái trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 13-4 cảnh báo các biện pháp chống dịch cần phải được dỡ bỏ từ từ và có chiến lược để người dân có thể quay trở lại cuộc sống ổn định hơn là nguy cơ xuất hiện "làn sóng" phong tỏa mới trong tương lai. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Tốc độ giảm của dịch bệnh chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng. Điều này đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế dịch bệnh phải được dỡ bỏ chậm và có kiểm soát chứ không thể tiến hành ngay lập tức".
Các nhân viên đeo khẩu trang làm việc tại chợ hoa ở thủ đô Vienna - Áo khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế hôm 14-4 - Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo, tổng giám đốc WHO cho hay một chiến lược mới tóm tắt thông tin về loại virus mới này sẽ được công bố.
Chiến lược mới cũng sẽ bao gồm 6 tiêu chí cho các quốc gia đang xem xét dỡ bỏ hạn chế: Kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh; bảo đảm hệ thống y tế có đủ năng lực trong phát hiện, xét nghiệm, cách ly, điều trị ca bệnh và theo dõi các trường hợp tiếp xúc; phải giảm thiểu nguy cơ bùng phát ổ dịch trong cộng đồng, đặc biệt là ở các cơ sở y tế và viện dưỡng lão; triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa được áp dụng tại nơi làm việc, trường học và những địa điểm nhiều người đến; cần kiểm soát được rủi ro xuất hiện ca nhiễm mới từ nước ngoài vào; các cộng đồng xã hội phải được tuyên truyền đầy đủ, tham gia và tuân thủ những "chuẩn mực mới" về phòng dịch.
Theo hãng tin Reuters, Áo - một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên nới lỏng các biện pháp phong tỏa - hôm 14-4 cho phép hàng ngàn cửa hàng trên cả nước mở cửa trở lại. Tại Tây Ban Nha, từ hôm 13-4, công nhân tại các nhà máy và công trường xây dựng ở nước này đã trở lại làm việc sau khi chấm dứt lệnh hạn chế đi lại kéo dài 2 tuần.
Tây Ban Nha, quốc gia có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày liên tục giảm và chứng kiến mức giảm thấp nhất trong 3 tuần qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết giãn cách xã hội và lệnh cấm đối với hoạt động đi lại không cần thiết vẫn được duy trì. Chính quyền Ba Lan hôm 14-4 cho hay sẽ dần nới lỏng các lệnh phong tỏa từ ngày 19-4.
Tại Mỹ, 10 bang hôm 13-4 đã thiết lập các hiệp ước khu vực, lên kế hoạch phối hợp với nhau để dần tái khởi động các hoạt động kinh tế.
Trong khi một số quốc gia dần nới lỏng các biện pháp hạn chế thì một số nước khác lại đang cân nhắc gia hạn lệnh phong tỏa. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố gia hạn lệnh phong tỏa đối với 1,3 tỉ dân tới ngày 3-5 khi số ca mắc Covid-19 vượt 10.000.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc được gia hạn đến ngày 11-5 khi nước này có hơn 15.000 người chết vì Covid-19. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 là thảm họa quốc gia trong bối cảnh số người nhiễm tại nước này tăng mạnh.
Xuân Mai
Vaccine đã cứu nhân loại trước đại dịch nào? Đậu mùa, bại liệt, sởi... từng là đại dịch khiến nhiều người tử vong trong lịch sử nhưng đã giảm thiểu tối đa số người chết từ khi có vaccine. Vaccine là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Từ khi có loại vaccine đầu tiên phòng đậu mùa, con người đã xử lý thành...