WB và IMF cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) Kristalina Georgieva đã thông báo về gói hỗ trợ trị giá 3 tỷ USD của WB cho Ukraine, trong khi đó, IMF sẽ sớm xem xét các đề xuất viện trợ khẩn cấp.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố chung ngày 1/3 của WB và IMF nêu rõ: “Các tổ chức của chúng tôi đã phối hợp cùng nhau để hỗ trợ Ukraine trên mặt trận chính sách và tài chính… Tại WB, chúng tôi đang chuẩn bị gói hỗ trợ 3 tỷ USD trong những tháng tới, trong đó gói giải ngân nhanh nhất trị giá 350 triệu USD sẽ được đệ trình để ban lãnh đạo phê duyệt trong tuần này, tiếp theo là gói 200 triệu USD giải ngân nhanh cho hỗ trợ y tế và giáo dục”.
IMF cho biết tổ chức này có thể xem xét đề nghị viện trợ khẩn cấp của Ukraine thông qua cơ chế huy động vốn nhanh vào đầu tuần tới. Ngoài ra, IMF sẽ tiếp tục phối hợp với Ukraine từ nay đến cuối tháng 6 để hỗ trợ thêm 2,2 tỷ USD.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo nước này sẽ cung cấp 100 triệu euro (111 triệu USD) để hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng xung đột ở Ukraine.
Theo bộ trên, khoản tài chính nhằm hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng nhân đạo sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cũng như đáp ứng đề nghị của Kiev. Chuyến hàng đầu tiên khoảng 33 tấn, chủ yếu gồm lều, chăn, túi ngủ, đồ dùng cá nhân đã đến Ba Lan vào tối 27/2 và được bàn giao cho chính quyền Ukraine một ngày sau đó.
Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 1/3 đã nhấn mạnh đến nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp diễn ở Ukraine.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của NATO về căng thẳng Nga-Ukraine, tại Brussels (Bỉ), ngày 25/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại căn cứ lục quân Tapa ở miền Bắc Estonia, Tổng Thư ký NATO đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức xung đột ở Ukraine, Nga cần rút quân khỏi Ukraine và can dự các nỗ lực ngoại giao.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông muốn khẳng định rõ rằng Anh sẽ không tham chiến với lực lượng Nga ở Ukraine và việc điều chỉnh lực lượng Anh sẽ chỉ nằm trong biên giới các nước thành viên NATO. Ông cũng khẳng định áp đặt "vùng cấm bay" với máy bay Nga ở không phận Ukraine là một bước rất lớn và "không nằm trong chương trình nghị sự của bất kì quốc gia NATO nào".
Cũng trong ngày 1/3, Tổng thư ký NATO đã tới Ba Lan và có chuyến thăm căn cứ không quân Lask.
Trong khi đó, hãng tin Belta của Belarus đưa tin Tổng thống nước này Alexander Lukashenko ngày 1/3 thông báo đã điều thêm binh sĩ tới khu vực miền Nam giáp biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, ông Lukashenko khẳng định lực lượng Belarus sẽ không tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Ngoài ra, Tổng thống Belarus cho biết lực lượng quân đội ở biên giới phía Tây giáp với Ba Lan cũng sẽ được bổ sung, nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra một vụ tấn công của lực lượng NATO trên lãnh thổ Belarus.
EU cấm truyền thông Nga phát sóng Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm các kênh truyền thông nhà nước của Nga là RT và Sputnik phát sóng ở khối này, đồng thời cấm "một số" ngân hàng Nga tham gia hệ thống tin nhắn ngân hàng SWIFT. Biểu tượng của kênh truyền hình RT. Ảnh: Reuters Thông báo của Chủ tịch EU, dự kiến có hiệu lực từ ngày...