Vững tin
Các cơ sở giáo dục ngày càng phản ứng nhanh và chủ động sau những đợt ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Ảnh minh họa/INT
Còn nhớ đầu năm 2020, khi lần đầu tiên thế giới biết đến bệnh dịch này, quyết định cho học sinh dừng đến trường, rồi tiếp tục mở cửa trường học trở lại làm đau đầu các nhà quản lý. Việc ứng phó với dịch, chuyển trạng thái dạy và học không tránh khỏi bỡ ngỡ, bị động.
Bộ GD&ĐT đã 2 lần lùi thời gian kết thúc năm học. Phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” được ngành Giáo dục đưa ra trong giai đoạn này với hướng dẫn kịp thời về triển khai dạy học qua Internet và trên truyền hình.
Mặc dù ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục không mới, nhưng dạy học trực tuyến được triển khai đồng loạt trên quy mô cả nước là việc chưa từng có tiền lệ. Và dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ dạy học thế giới khi đạt tỷ lệ học sinh được học trực tuyến cao hơn mức trung bình của các nước OECD.
Nếu nói đến việc nhanh chóng thích nghi với trạng thái bình thường mới, ngành Giáo dục là dẫn chứng sinh động. Điều này thể hiện ở việc, mỗi cơ sở giáo dục dù trong hoàn cảnh bình thường vẫn cảnh giác phòng dịch và luôn sẵn sàng phương án, kế hoạch dạy học khi dịch bệnh quay trở lại.
Kế hoạch dạy học trực tuyến của nhiều cơ sở giáo dục không chỉ dừng lại ở việc giúp học sinh được ôn tập, học kiến thức mới mà còn đặt mục tiêu rèn luyện năng lực tự học, tự chủ; giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh.
Như vậy, khi dịch bệnh bùng phát, học sinh phải tạm dừng đến trường, hoạt động dạy học ngay lập tức chuyển trạng thái một cách trơn tru, nhẹ nhàng. Thế nên, không ít trường, chiều 4/5 có thông tin tạm dừng đến trường, ngay tối đó, giáo viên đã gửi kế hoạch, thời khóa biểu để sẵn sàng học trực tuyến từ sáng 5/5.
Việc học do đó không hề bị gián đoạn, dù là chỉ một ngày. Có lẽ, đây cũng là cơ sở để đại diện Bộ GD&ĐT tự tin khẳng định sẽ hoàn thành chương trình năm học đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học được Bộ GD&ĐT ban hành, trước ngày 31/5.
Để có được sự nhuần nhuyễn như trên là nhờ sự chuẩn bị, tích lũy ngày càng dày thêm sau mỗi đợt dịch; cả về tâm thế, kinh nghiệm, hạ tầng công nghệ, hệ thống bài giảng, và đặc biệt là hành lang chính sách… Trong số đó, không thể không nói đến Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến này đã giao quyền tự chủ cao cho các trường. Trong đó, người đứng đầu được quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.
Một trong những nỗi lo của các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh khi phải tạm dừng đến trường là bài kiểm tra cuối kỳ chưa hoàn thành. Từ trước đến nay, bài kiểm tra này luôn được thực hiện trực tiếp trên lớp. Nhưng, chúng ta từng làm và thành công với việc “chưa có tiền lệ”.
Chưa kể, kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến đã được quy định và người đứng đầu nhà trường hoàn toàn có quyền quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến trường hợp bất khả kháng. Với sự linh hoạt, sáng tạo, tin rằng các địa phương, nhà trường sẽ có giải pháp khả thi; từ đó kết thúc tốt đẹp năm học 2020 – 2021 theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Dịch Covid-19: Kết thúc năm học sớm, học sinh có bị thiệt thòi?
Việc Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị với UBND TP.HCM cho học sinh ngưng đến trường từ ngày 10.5 là hợp lý và rất cần thiết trước diễn biến của dịch Covid-19.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến dịch Covid-19, nhiều địa phương dồn lịch thi, kết thúc năm học sớm - NGỌC DƯƠNG
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp những ngày qua và TP.HCM luôn là điểm nóng. Do đó, việc cho học sinh ngưng đến trường sẽ giúp hạn chế rất nhiều nguy cơ lây nhiễm cho học sinh lẫn phụ huynh. Tuy nhiên, việc các trường ở TP.HCM kết thúc học kỳ 2 sớm hơn có ảnh hưởng đến kế hoạch năm học hay không? Và học sinh có bị thiệt thòi hay không?
Sáng 6.5: Thêm 8 ca Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Ủng hộ kết thúc năm học sớm
Theo kế hoạch năm học của Sở GD-ĐT TP.HCM từ đầu năm nay thì năm học 2020-2021 kết thúc trước 15.5. Tính đến thời điểm này, chỉ còn một số ít các trường đang kiểm tra cuối kỳ 2, trong khi đa số đã kiểm tra xong.
Việc kết thúc kiểm tra cuối kỳ 2 sớm là phù hợp trong tình hình dịch Covid-19 nhưng sẽ gây ra áp lực cho nhà trường lẫn học sinh vì các em phải thi dồn nhiều môn trong ngày và nhiều ngày liên tục so với lịch thi trước đó.
Trong tình cảnh dịch bệnh luôn rình rập như thế này, thiết nghĩ, tất cả mọi người nên chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục.
Qua thăm dò ý kiến của nhiều phụ huynh có con học các cấp, chúng tôi nhận thấy đa số đều muốn kết thúc năm học sớm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho con em mình.
Ngưng đến trường không đồng nghĩa ngừng học
Theo kiến nghị của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngưng đến trường từ ngày 10.5 không đồng nghĩa ngưng học.
Chương trình còn lại của những lớp không phải cuối cấp (lớp 9, 12) cần được nhà trường tổ chức cho các em học trực tuyến tại nhà. Nhà trường và giáo viên tập trung chấm bài, làm công tác tổng kết, kết thúc thúc năm học.
Kết quả sẽ thông báo qua sổ liên lạc điện tử, mạng xã hội. Nếu cần thiết, nhà trường sẽ tập trung học sinh hoặc phụ huynh vào một buổi hợp lý, khoảng cuối tháng 5, để thông báo kết quả và kế hoạch cho năm học mới.
Riêng học sinh lớp 9 và 12 sẽ phải trải qua 2 kỳ thi quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10 (dự kiến vào đầu tháng 6) và tốt nghiệp THPT (dự kiến vào đầu tháng 7) nên chưa cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch dạy học.
Hầu hết các trường hiện nay đã dạy xong chương trình cho 2 khối lớp 9 và 12, đồng thời đang chuẩn bị ôn tập.
Nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến quyết định không tổ chức tập trung ôn thi trực tiếp thì nhà trường cần phát huy việc học trực tuyến, tự ôn tập của học sinh, vốn là điều các em đã được làm quen trong những đợt bùng phát dịch trước đây.
Dù tính hiệu quả của việc học trực tuyến chưa thật sự rõ ràng nhưng đây là thách thức để đánh giá ý thức và khả năng tự học, kiến thức thật, học thật thi thật của học sinh. Điều này rất cần cho học sinh lớp 9 vào 10 và lớp 12 vào đại học trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết.
Nhà trường có thể kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến Trước tình hình diễn biến dịch ngày càng phức tạp, nhiều tỉnh thành trong đó có Thủ đô Hà Nội đã quyết định cho học sinh dừng việc đến trường và chuyển sang học trực tuyến. Tình huống bất khả kháng này diễn ra vào đúng thời điểm học sinh bắt đầu bước vào giai đoạn kiểm tra, đánh giá học kỳ II,...