Vui – Buồn chuyện “khoe” thành tích học tập
Thời điểm cuối năm học, câu chuyện về những tấm giấy khen lại nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Mấy hôm nay, bức ảnh cậu học sinh lẻ loi không giấy khen giữa cả lớp giơ giấy khen hay hình ảnh cậu học trò lần đầu tiên nhận được giấy khen check-in khắp nơi khiến mạng xã hội dậy sóng.
Theo kế hoạch thời gian năm học Bộ GDĐT công bố, thời gian kết thúc năm học trước 15/7/2020 nhưng nhiều trường đã tổng kết năm học, trao tặng giấy khen và phần thưởng cho học sinh. Từ đó, những câu chuyện xung quanh tờ giấy khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi… lại là chủ đề được nhiều người quan tâm như những bức ảnh khiến mạng xã hội dậy sóng với những lời khen – chê.
Không khó để thấy trong bức ảnh đầu tiên là hình ảnh được chụp ở một lớp học cấp tiểu học. Trong bức ảnh này, nếu 100% các em đều được tặng giấy khen thì không có gì đáng nói bởi những năm gần đây, việc các học sinh tiểu học cuối năm học được giấy khen không phải việc hiếm thấy. Từng xuất hiện những bảng điểm toàn 9, 10 của các học sinh tiểu học chuẩn bị thi vào lớp 6 một trường chuyên ở Hà Nội.
Chưa bàn đến nguồn gốc của bức ảnh hay mục đích của người chia sẻ bức ảnh này nhưng điều khiến mọi người suy nghĩ là bệnh thành tích tiếp tục ảnh hưởng tới hình ảnh của giáo dục Việt Nam.
Chính căn bệnh này khiến nhiều học sinh phải chịu những áp lực không đáng có trong quá trình học tập suốt chặng đường giáo dục phổ thông. Những em này vô tình bị đẩy vào vòng xoáy thành tích của ngành giáo dục, đối với học sinh tiểu học, chắc chắn những việc như thế này sẽ để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp trong cuộc đời học hành của các em.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ khía cạnh tích cực như nhiều người đang chia sẻ thì việc em không nhận được giấy khen chứng tỏ việc học hành của em là thực chất, đó chính là động lực để em vươn lên đạt được những kết quả tốt đẹp chứ không chạy theo những giá trị ảo, những tấm bằng khen, giấy khen mà nhiều khi không phải bằng chính thực lực của bản thân.
Nếu em làm được điều đó trong chặng đường học tập của mình cũng chính là thực hiện được lời dạy thứ 5 của Bác Hồ: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Đây là đức tính quý báu của một con người mà tôi tin rằng, người này sẽ trở thành người có ích và có trách nhiệm đối với xã hội.
Chính cậu bé trong bức ảnh cho chúng ta thấy rõ một điều, bệnh thành tích, dối trá vẫn tồn tại trong cuộc sống này. Chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn những mặt tiêu cực nhưng nếu nhận diện rõ ràng, khắc chế được nó thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.
Video đang HOT
Nam sinh lớp 12 “khoe” giấy khen học sinh tiên tiến với bất kỳ người nào em gặp (ảnh: VTC news)
Không giống như bức ảnh đầu, những hình ảnh về nam sinh lớp 12 lần đầu tiên được nhận giấy khen học sinh tiên tiến ở cấp THPT mang đi “khoe” khắp nơi, với bất kỳ ai em gặp trên đường lại mang đến cái nhìn khác về thành tích trong ngành giáo dục.
Những hình ảnh về nam sinh này sau đó cũng được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trong khi nhiều người cho rằng, việc đạt được học sinh khá giỏi là quá dễ dàng, không có gì đặc biệt thì với nam sinh này, đó lại là niềm tự hào sau chặng đường cuối cùng của những năm học trung học.
Cùng là khoe thành tích, nhưng có những cách khoe khiến người ta thấy ấm lòng, vui vẻ nhưng cũng có những cách khoe khiến chúng ta thêm nặng lòng về những hình ảnh phi giáo dục, không đáng có trong nền giáo dục Việt Nam.
Trong cả 2 trường hợp, những bức ảnh thể hiện những thái cực khác nhau về cách nhìn nhận về thành tích của các học sinh thời nay. Thế nhưng cả 2 lại thể hiện được 1 điều rằng, giá trị thực chất thật đáng trân quý. Chúng ta có thể buồn vì bệnh thành tích len lỏi và chế ngự đâu đó trong nền giáo dục hiện đại này. Nhưng chúng ta phải vui vì có những học sinh quý trọng thành quả học tập của mình.
Người lớn cũng nên vui vì nhờ những hình ảnh này mà biết rằng nền giáo dục của chúng ta có những “điểm mờ” để mà từ đó khắc phục.
3 năm trở lại đây có nhiều sự việc đáng buồn xảy ra trong ngành giáo dục, có những điều không thể nào nghĩ rằng sẽ xảy ra trong một ngành liên quan trực tiếp tới việc hình thành nhân cách con người, vậy mà có lúc vẫn xảy ra.
Những phiên tòa với những bản án là cái kết dành cho những con người vì tiền, vì thành tích mà bán rẻ lương tâm nghề nghiệp, đạo đức người thầy của mình.
Nhưng cũng từ những sự thanh lọc như thế, các phụ huynh và học sinh lại tiếp thêm hy vọng giáo dục sẽ là môi trường rèn giũa những đứa trẻ trở thành những con người có ích cho xã hội hiện tại và tương lai sau này.
Bộ GD&ĐT lên tiếng về bức ảnh cậu bé duy nhất trong lớp không được nhận giấy khen
"Nếu bức ảnh nếu có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh".
Bức ảnh ghi lại hình ảnh một cậu bé tiểu học 'lẻ loi' giữa cả 'rừng giấy khen' trong lớp được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Bức ảnh chụp toàn cảnh lớp học từ trên bục giảng xuống, cậu bé duy nhất không cầm giấy khen, lại ngồi ngay bàn đầu trở nên lạc lõng khiến nhiều người tranh cãi.
Nhiều quan điểm khác cho rằng việc tất cả các học sinh giơ giấy khen chụp ảnh vô tình đã làm tổn thương và là hành động thiếu nhân văn với em học sinh duy nhất trong lớp không nhận được giấy khen
Theo đó, nhiều người nhận định một lớp học với 40 học sinh nhưng có đến 39 bạn nhận được giấy khen là biểu hiện bệnh thành tích.
Bức ảnh cậu bé duy nhất trong lớp không có giấy khen gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho PV Vietnamnet biết: Về hình thức khen, có nhiều cách khác như: khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp... chứ không nhất thiết phải phát giấy khen mới là khen.
"Việc lạm dụng giấy khen không đúng thực tế đã được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo để có những điều chỉnh.
Bức ảnh nói trên nếu có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh, đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác", ông Thái Văn Tài chia sẻ.
Ông Tài phân tích, nếu phê bình, nhắc nhở cũng không được phê bình trước lớp mà giáo viên cần gặp riêng các con hoặc phụ huynh, bởi lẽ độ tuổi này rất nhạy cảm. Điều này còn thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên.
Cũng theo ông Thái Văn Tài, việc đổi mới đánh giá học sinh ở các bậc học, trong đó có bậc tiểu học đã được ngành Giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua, được xã hội đồng thuận và dần đi vào thực chất.
Cụ thể là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
Hiện, Bộ GD&ĐT đã dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học; hình thức khen thưởng trong dự thảo Thông tư này đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận.
"Việc khen không đúng thực chất, khen không đúng bản chất còn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục cần được tiếp tục khắc phục trong thời gian tới", ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, đã viết thư ngỏ gửi tới em học sinh nam duy nhất trong bức ảnh không được nhận giấy khen.
Ông cho PV Zing biết mình bị sốc vì người chụp ảnh, nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi theo đúng nghĩa thực chất, nếu bức ảnh đó là thật. TS Hợp cho rằng tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Ông mong nam sinh đừng so sánh mình với những bạn được giấy khen, mà nên cố gắng, chăm chỉ trong năm học tới.
"Em cũng nên nói với cha mẹ rằng cha mẹ đừng buồn phiền, lo lắng khi em không có giấy khen. Hãy hứa với cha mẹ em sẽ cố gắng học tập tốt, nhưng không phải vì tờ giấy khen", ông nhắn nhủ.
Hiện hình ảnh này vẫn đang là tâm điểm gây gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội. Bên cạnh đó cũng chưa xác minh được nguồn gốc bức ảnh chụp ở trường nào, lớp nào, địa phương nào.
Người lớn thế nào trẻ em thế ấy Mấy hôm nay trên mạng xã hội có một bức ảnh được lan truyền: Trong một lớp học, hầu hết học sinh giơ giấy khen lên khoe, còn một em thì không có. Ảnh: Quang Vinh. Tôi không biết bức ảnh ấy có thật không, chụp ở trường nào lớp nào. Nhưng việc ấy khiến tôi nghĩ đến một câu chuyện thi cử....