Vụ tử vong sau tiêm thuốc dị ứng: Đúng phác đồ nhưng cần rút kinh nghiệm
Đến bệnh viện điều trị vì nổi mẫn ngứa, nữ bệnh nhân được bác sĩ tiêm thuốc trị dị ứng sau đó rơi vào hôn mê, tử vong. Báo cáo được Sở Y tế gửi đến cơ quan quản lý khẳng định bệnh viện xử lý “đúng phác đồ” nhưng cần xử lý tiêm bắp thay vì tiêm dưới da….
Như Dân trí đã thông tin, ngày 17/4 sau khi ăn cơm với thịt bò, ăn bánh tráng trộn và uống trà sữa tráng miệng, cơ thể chị L.N.T. (30 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị nổi mẩn ngứa. Ngày 18/4 tình trạng mẫn ngứa không thuyên giảm, chị T. được chồng đưa đến Bệnh viện An Sinh điều trị.
Sau thăm khám, thực hiện xét nghiệm, bác sĩ đã tiêm thuốc trị dị ứng cho bệnh nhân. Sau chích thuốc, người bệnh có diễn tiến nặng nên được đưa vào phòng cấp cứu. Tại đây người bệnh được tiêm thêm 2 mũi thuốc nhưng diễn tiến bệnh ngày càng nặng, phải chuyển sang Bệnh viện Nhân Dân 115. Dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua được nguy kịch.
Bệnh viện An Sinh nơi tiếp nhận, điều trị ban đầu cho người bệnh
Sau vụ việc, ngày 27/4 Sở Y tế đã họp Hội đồng chuyên môn làm rõ quá trình khám, chữa bệnh của Bệnh viện An Sinh và Bệnh viện Nhân Dân 115 về ca bệnh trên. Ngày 14/5, Sở Y tế TPHCM cung cấp thông tin cho biết, ngày 3/5 sở đã báo cáo kết quả lên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế.
Theo báo cáo được PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế ký và gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: “Sau khi Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Nhân Dân 115 báo cáo kết quả khám chữa cho người bệnh và xem xét các dữ liệu trên hồ sơ Hội đồng chuyên môn kết luận, bệnh nhân bị phản vệ độ IV do dị ứng thức ăn; nguyên nhân tử vong, tổn thương đa cơ quan (tim, phổi, gan) do sốc phản vệ.
Tại Bệnh viện An Sinh, lúc nhập viện bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán dị ứng thức ăn (độ I) là phù hợp; bệnh viện xử trí đúng phác đồ. Lúc 20h (ngày bệnh nhân nhập viện – PV) bác sĩ đã theo dõi sát và phát hiện kịp thời sốc phản vệ, xử lý tiêm Andrenalin tiêm dưới da thay vì tiêm bắp; bệnh nhân bị sốc phản vệ nguyên nhân dị ứng thức ăn, không nghĩ tới thuốc điều trị; bệnh viện đã tổ chức cấp cứu kịp thời và hiệu quả sau đó rút nội khí quản khi bệnh nhân có biểu hiện chống thở máy vào lúc 23h30 cùng ngày.
Tuy nhiên, bệnh diễn tiến nặng đột ngột, sau hội chẩn liên viện người bệnh được chuyển sang Bệnh viện Nhân Dân 115 điều trị. Tại đây các kết quả xét nghiệm tìm thấy Chlopheniramin, Seduxen là những thuốc đã được bệnh viện An Sinh sử dụng với liều lượng đúng.
Video đang HOT
Từ ca bệnh trên, trong phần rút kinh nghiệm chuyên môn Sở Y tế cho rằng, Bệnh viện An Sinh cần xử lý tiêm bắp (theo thông tư 51/2017/TT-BYT) thay vì tiêm dưới da.
Bệnh viện nên hội chẩn liên viện sớm ngay sau khi cấp cứu ngưng hô hấp, tuần hoàn thành công; tiếp tục thở máy khi người bệnh có biểu hiện chống máy thở nhưng tình trạng còn nặng; nên chụp X-quang phổi tại giường kèm siêu âm tim, đánh giá chức năng co bóp cơ tim và thể tích máu để tìm và xử lý nguyên nhân phù phổi.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Có thể mất cơ hội làm mẹ nếu mắc ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh. Là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả, tuy nhiên nếu chủ quan, phát hiện muộn, ung thư cổ tử cung không chỉ khiến điều trị tốn kém, mất đi cơ hội làm mẹ, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bệnh ung thư gặp thứ 2 ở phụ nữ
Ths BS Nguyễn Thị Minh Thanh - Phó Trưởng Khoa khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) chia sẻ về ca bệnh mắc ung thư cổ tử cung từ khi còn rất trẻ của cô gái 23 tuổi (Quốc Oai, Hà Nội). Sau một thời gian ra máu khi quan hệ tình dục, cô gái trẻ đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám. Sau khi khám, các bác sĩ phát hiện cô bị nhiễm vi rút HPV tuýp 16 và đã có tổn thương biểu mô vảy mức độ cao.
"Bệnh nhân nữ còn rất trẻ, mắc bệnh ở giai đoạn đầu, chuẩn bị cưới, chưa có con nên chúng tôi đã phải cân nhắc khi điều trị cho bệnh nhân, để sau này bệnh nhân vẫn có thể mang thai. May mắn, do mắc bệnh ở giai đoạn đầu, nên sau khi được xử lý tổn thương tại chỗ, cắt cổ tử cung sau 3 tháng bệnh nhân đã mang thai. Ngay khi có thai, bác sĩ đã phải khâu cổ tử cung để phòng nguy cơ xẩy thai cho bệnh nhân", BS Thanh nói.
Theo BS Thanh, trước đây người ta thường nghĩ 40 - 50 mới có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Trên thực tế, mọi phụ nữ đều có nguy cơ khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Đây là căn bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ Việt độ tuổi 15 - 44.
Điều nguy hiểm là các dấu hiệu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm rất mơ hồ, hầu như không có biểu hiện. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể biểu hiện mệt mỏi, quan hệ tình dục ra máu, kém ăn, sụt cân nhưng ít người nghĩ đến ung thư cổ tử cung, không đi khám sớm.
Đừng ngại khám phụ khoa, sàng lọc ung thư
Theo BS Thanh, một thực tế đáng buồn là rất nhiều chị em e ngại khi đi khám phụ khoa. Nhiều người quan niệm "đang yên đang lành" sao bỗng dưng đi khám. Họ chỉ đến viện khi đã bắt đầu có dấu hiệu như ra máu khi quan hệ tình dục, khi bị mắc bệnh lý viêm đường sinh dục dẫn đến khí hư nhiều, rong kinh... rồi "tiện thể" khám khi bác sĩ tư vấn.
BS Thanh tư vấn cho bệnh nhân tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
BS Thanh chia sẻ trường hợp thai phụ 32 tuần đến BV Phụ sản Hà Nội khám vì thấy ra máu bất thường, sợ động thai nhưng khi khám, các bác sĩ không phát hiện nguy cơ nào từ thai nhi. Thai phụ rất ái ngại khi bác sĩ muốn thăm khám phụ khoa, do lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Đúng như nghi ngờ, khi khám bác sĩ phát hiện cổ tử cung của bệnh nhân có tổ chức sùi, bấm sinh thiết và cho kết quả ung thư cổ tử cung giai đoạn 2.
Bệnh nhân được chỉ định chờ thai đến 34 tuần bác sĩ chủ động mổ lấy thai và can thiệp chữa trị ung thư cổ tử cung cho thai phụ.
BS Thanh dẫn chứng thêm, số liệu trong tháng 4/2018 tại Khoa khám chuyên sâu sản phụ khoa (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) có gần 500 trường hợp sàng lọc vi rút HPV, trong đó có 29 ca dương tính với chủng HPV tuýp nguy cơ cao, ngoài ra là các bệnh phụ khoa khác. Dù đại đa số bệnh nhân khi đến khám vì một dấu hiệu khác không nghĩ đến nguy cơ ung thư cổ tử cung", BS Thanh nói.
Trong khi đó, vi rút HPV là một mối nguy hiểm thầm lặng bởi đến 80% phụ nữ nhiễm HPV một lần trong đời. Ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra và có đến hơn 100 chủng vi rút HPV, nhưng có 4 chủng được "nhận diện" nguy hiểm là chủng 16 và 18 là tác nhân gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung; chủng 6 và 11 dẫn đến 90% trường hợp mụn có sinh dục. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm HPV không chỉ qua quan hệ tình dục mà qua tiếp xúc tình dục, vật dùng, lây từ mẹ sang con.
"Nhiễm HPV từ 10 - 15 năm sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên vấn đề không ai biết mình nhiễm HPV từ khi nào,HPV tồn tại dai dẳng, có thể thành tế bào ung thư, vì thế, việc khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư, xét nghiệm HPV là rất quan trọng để theo dõi. Khi phát hiện HPV dương tính với tuýp nguy cơ không phải là gây ung thư ngay, mà là cơ sở để bệnh nhân được theo dõi, tiên lượng bệnh. Khi phát hiện có thể sản sinh tế bào ung thư sẽ được can thiệp sớm ngay ở giai đoạn tiền ung thư", BS Thanh nói.
Nếu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, khu trú tại chỗ tỷ lệ điều trị thành công 93%. Tuy nhiên, khi ung thư phát hiện ở giai đoạn trễ thì tỷ lệ trị khỏi chỉ 15%.
BS Thanh lưu ý thêm, tỉ lệ nhiễm HPV dương tính ở người trẻ đào thải khá nhiều, nhưng từ trên 35 trở đi, giai đoạn đó tồn tại dai dẳng, có thể trở thành tế bào ung thư. Lúc này phải tầm soát tế bào thường xuyên hơn, định kỳ hơn.
Bởi vậy, các chị em phụ nữ cần tạo thói quen đi khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ hằng năm và làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Đây là xét nghiệm tìm kiếm những tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung, là những tế bào bắt đầu có những biến đối đầu tiên và chúng ta có thể bắt đầu tầm soát xét nghiệm này từ tuổi 21.
Ngoài xét nghiệm PAP, nên làm thêm xét nghiệm tìm vi rút HPV ở cổ tử cung (HPV test) vì đây là nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung. Nếu xét nghiệm PAP bình thường, nguy cơ biến đổi tế bào để xuất hiện ung thư cổ tử cung là rất thấp. Nếu cả hai xét nghiệm bình thường thì chỉ cần làm lại các xét nghiệm sau mỗi 3 năm.
Ngoài ra, bệnh ung thư cổ tử cung đã có thể phòng ngừa với vắc xin phòng cả 4 tuýp nguy cơ của vi rút HPV dành cho phụ nữ từ 9-26 tuổi. Vì vậy, trẻ em gái từ khi chưa có quan hệ tình dục, bắt đầu tròn 9 tuổi đã có thể tiêm để phòng nguy cơ.
BS Thanh lưu ý thêm, hiện nhiều phụ nữ có sai lầm rằng đã quan hệ tình dục, hoặc đã nhiễm vi rút HPV không cần tiêm vắc xin nữa. Thực tế, vi rút HPV có nhiều chủng nên việc tiêm vắc xin vẫn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi các chủng HPV khác. Hiện tại, hiệu quả vắc xin đến 99% phòng nhiễm 4 tuýp HPV nguy hiểm nhất. Song song với việc tiêm vắc xin, bạn cũng nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP để tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Chủ quan với vết xước lúc làm bếp, nhiễm trùng cả bàn tay Bệnh viện Sài Gòn-ITO vừa xử trí cứu một nữ bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn tay nguy hiểm do chủ quan với thương "xoàng" trong lúc nấu ăn. Sáng 13/5, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Sài Gòn-ITO, cho hay vừa xử trí cứu một nữ bệnh nhân trẻ chủ quan, bị tai nạn nội...