Vụ tàu siêu tốc văng, 3 học sinh thương vong: “Lỗi ở nhà trường”
Luật sư, chuyên gia giáo dục chung quan điểm, vụ tàu siêu tốc trật khỏi đường ray khiến 3 học sinh thương vong có trách nhiệm của nhà trường cũng như người đứng đầu.
Không thể “mất bò mới lo làm chuồng”
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), khiến 1 học sinh trường THPT Đông Anh (Hà Nội) tử vong và 2 học sinh khác bị thương, do toa tàu lượn trật khỏi đường ray rơi xuống. Cùng ngày (14/1), 1 học sinh lớp 4 trường tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP.Hồ Chí Minh) trong quá trình tham gia đợt ngoại khóa của trường tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), đã rơi xuống vùng biển nhân tạo rồi tử vong.
Hằng năm, thời điểm sau khi kết thúc học kỳ, các trường từ bậc tiểu học đến THPT đều tổ chức cho học sinh đi hoạt động ngoại khóa, thường chọn các điểm du lịch ngoài địa phương. Đây là thời điểm mà những tai nạn ngoài ý muốn từ các chuyến đi trải nghiệm ngoại khóa xảy ra nhiều nhất. Cũng vào thời điểm này năm ngoái, một học sinh lớp 12 ở tỉnh Sóc Trăng tử nạn khi đi tham quan ngoại khóa ở TP.Đà Lạt.
Không ít phụ huynh thừa nhận, mặc dù rất lo lắng cho con khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm nhưng lại không thể không “gật đầu”, bởi những hoạt động đó không thể thiếu trong chương trình học. Vậy, nhìn từ những sự cố thương tâm trên, cần có những lưu ý gì để mỗi chuyến đi của nhà trường không trở thành những “mê cung” tiềm ẩn những rủi ro, nguy hiểm?
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) – đánh giá: “Những sự cố vừa qua xảy ra cũng có lỗi của các khu du lịch khi tổ chức các dịch vụ, trò chơi nhưng lại không bảo trì, bảo dưỡng cẩn thận, dẫn đến sai sót. Bản thân các nhà trường có nhìn bằng mắt thường cũng chưa chắc đã đánh giá được, phải có những quy trình kiểm định, đánh giá thường xuyên bằng máy móc, kỹ thuật…
Trách nhiệm không chỉ thuộc về phía nhà trường, mà còn ở phía công ty du lịch, bởi khi đón khách tham quan, công ty phải cam kết an toàn trong hợp đồng và đặc biệt, trách nhiệm nằm ở chính địa điểm khu vui chơi, khi đã tắc trách, không thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng thiết bị”.
Luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) chỉ ra: “Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.
Vì vậy, người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức, quản lý học sinh của mình tham quan, vui chơi bị tai nạn tử vong hoặc bị thương tích. Việc tổ chức tham quan phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để học sinh tham gia các trò chơi mạo hiểm, đồng thời, tăng cường quản lý học sinh trong thời gian tổ chức các hoạt động để không xảy ra những trường hợp tương tự”.
“Để xảy ra những sự cố đáng tiếc trên, do phía nhà trường chưa trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước khi đi; chưa có sự kiểm tra, đặc biệt đối với các trò chơi có tính nguy hiểm. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng là nhà trường phải cử người đi tiền trạm địa điểm, khu vui chơi, chỗ nào có nguy cơ nguy hiểm cần được vẽ sơ đồ cảnh báo trước cho học sinh, thì lại chưa thực hiện. Vì chưa tròn trách nhiệm trước khi đi nên sự cố mới xảy ra” – theo vị luật sư, đó cũng chính là những việc mà mỗi nhà trường cần phải lưu tâm để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.
Video đang HOT
Không đảm bảo được thì không tổ chức
Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý giáo dục, bà Phạm Thị Lệ Hằng nhìn nhận: “Hoạt động ngoại khóa là nội dung nằm trong chương trình của bộ GD&ĐT. Hằng năm, các nhà trường đều phải xây dựng kế hoạch, phối hợp với phụ huynh, sau đó, phòng GD&ĐT sẽ xem xét về kinh phí, thời gian, địa điểm, phối hợp với đơn vị hỗ trợ nào… và lưu ý đến số lượng học sinh tham gia. Mỗi trường thường có hàng nghìn học sinh nhưng không nên cho đi quá đông mà phải chia nhỏ nhóm học sinh, có thể từ 300-500 em.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phải cân nhắc môi trường và địa hình tham quan, đối với những địa hình đồi núi, sông suối, ao hồ,… thường rất nguy hiểm, mà nếu số lượng học sinh đông thì nhà trường sẽ càng khó kiểm soát.
Khi đi tham quan, mỗi lớp thường có tối thiểu 2 giáo viên giám sát, đồng thời, mời từ 3-5 đại diện hội phụ huynh của lớp, của trường đi cùng. Ngoài ra, sẽ có thêm 2-3 hướng dẫn viên phụ trách một lớp học, càng nhiều người hỗ trợ thì càng đảm bảo giám sát tốt các hoạt động của học sinh. Ở mỗi lớp, chúng tôi cũng chia học sinh thành các tổ, nhóm tự quản để các thành viên quan tâm nhau”.
Theo bà Hằng, mỗi đơn vị cần xem xét lại quy trình giám sát, đảm bảo an toàn cho học sinh, những chuyến đi dã ngoại cần phải được tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn, phân công và quy nhiệm vụ đối với từng giáo viên đi theo giám sát.
“Các Sở, phòng cũng cần yêu cầu các trường tập huấn kỹ năng cứu hộ, xử lý tình huống cho giáo viên trước khi đi ngoại khóa. Cụ thể, hướng dẫn chi tiết cho từng bậc học, nên tổ chức ở những địa điểm nào, phân công giáo viên ra sao. Nếu trường nào cảm thấy không bảo đảm an toàn được thì không tổ chức, đã tổ chức thì phải lên kế hoạch và có trách nhiệm, không phải báo cáo vài dòng cho xong.
Trước mỗi chuyến đi, nhà trường, giáo viên đã phải phổ biến, quán triệt các quy định, cho học sinh, lưu ý nơi nào không được đến gần hoặc tham gia, như những khu vực địa hình nguy hiểm hay các trò chơi mạo hiểm… Và bản thân mỗi học sinh cũng cần ý thức rằng, không nên tham gia các trò chơi nguy hiểm” – vị Trưởng phòng GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PV, trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên tổ chức tuần lễ trải nghiệm cho học sinh trong mỗi học kỳ, với những hành trình nhằm giáo dục cho học sinh về lịch sử, văn hóa dân tộc…
Để tổ chức cho hàng chục lớp tham gia trải nghiệm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và những người tham gia; có bộ phận y tế với thiết bị cần thiết nhất. Trong suốt hành trình, giáo viên và ban giám hiệu vẫn là người thức sau cùng, điểm danh từng phòng để nhắc học sinh ngủ đúng giờ…
Thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa) – cho biết: “Khi xây dựng kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa, yếu tố an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Trước tiên, phải chọn lựa những địa điểm an toàn và đích thân ban giám hiệu và ban đại diện cha mẹ học sinh phải đi tiền trạm. Nếu thấy an toàn cả về địa điểm, thực phẩm và phù hợp với lứa tuổi, với mục tiêu mà chuyến đi hướng tới thì mới quyết định”.
Từ vụ học sinh đuối nước trong KDL Đại Nam: Lo gặp nạn khi đi ngoại khóa
Trước những tai nạn liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trong khi trách nhiệm các bên liên quan vẫn chưa được làm rõ
Liên quan vụ việc 1 học sinh (HS)lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP HCM) rớt xuống vùng biển nhân tạo ở khu du lịch (KDL) Đại Nam (tỉnh Bình Dương) rồi tử vong hôm 14-1, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-1, ông Dương Vân Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 8, cho biết lãnh đạo nhà trường đã báo cáo cho phòng. Trường cũng túc trực liên tục với gia đình HS gặp nạn để xử lý.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Dương Vân Dân, kế hoạch sinh hoạt ngoại khóa đã được Trường Tiểu học Âu Dương Lân thực hiện đầu năm học và liên hệ các đối tác để tổ chức. Trong đợt ngoại khóa lần này có các đơn vị phối hợp tổ chức như công ty du lịch lữ hành và Công ty Đại Nam.
"Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường bằng văn bản, hằng năm có nhắc lại về việc bảo đảm an toàn cho HS khi sinh hoạt ngoại khóa, đặc biệt là những nơi có nước. Để xảy ra sự việc thương tâm này, tôi rất đau lòng" - ông Dương Vân Dân bày tỏ.
Ông Dương Vân Dân cho rằng mỗi chuyến sinh hoạt ngoại khóa ngoài sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm còn có thêm lực lượng hỗ trợ, giám sát và cả phụ huynh (PH) HS. "Dù là sự cố đáng tiếc nhưng cũng là trách nhiệm của người lớn. Trước mắt chúng tôi lo hậu sự và chung tay phụ gia đình rồi sẽ có phương án xử lý sau. Từ thời điểm xảy ra sự cố đến nay, luôn có một đại diện ban giám hiệu và giáo viên đồng hành cùng gia đình để hỗ trợ, chia sẻ" - ông Dương Vân Dân nói.
Theo cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Dương Lân, hiện chưa thể quy trách nhiệm cho ai vì đang chờ cơ quan chức năng kết luận. Đợt ngoại khóa này nằm trong kế hoạch hằng năm của trường. PHHS tự nguyện đăng ký cho con tham gia và đóng phí 280.000 đồng/em. Sau sự cố đau lòng này, trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Về việc có tiếp tục tổ chức ngoại khóa cho HS trong thời gian tới hay không, ông Dương Vân Dân nhìn nhận đối với Trường Tiểu học Âu Dương Lân, để tiếp tục tổ chức trong thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, không vì một trường hợp hy hữu mà chỉ đạo tất cả các trường phải ngưng tổ chức ngoại khóa cho HS.
Tiết học ngoại khóa nhằm mục đích chính là phát triển cho HS nên vẫn phải thực hiện nhưng cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các trường khi tổ chức cho HS đi ngoại khóa cần phải chú ý an toàn hơn nữa, hạn chế đến những nơi ao, hồ, sông, suối...
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết hướng xử lý vụ việc tiếp theo đang được ban lãnh đạo sở cân nhắc. Trước hết, Sở GD-ĐT sẽ ban hành văn bản tăng cường chỉ đạo hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Khu Du lịch Đại Nam với nơi vui chơi dành cho trẻ em (ảnh minh họa) Ảnh: KDL ĐẠI NAM
Phụ huynh lo lắng
Cũng trong ngày 14-1, tại KDL Đảo Ngọc Xanh ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, có một nhóm người chơi tàu lượn siêu tốc. Trong quá trình vận hành, toa tàu lượn siêu tốc bị trượt khỏi đường ray khiến nhiều người rơi xuống đất, trong đó có 2 HS bị thương, 1 HS tử vong.
Tất cả các em đều sinh năm 2004, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, gặp nạn khi đi dã ngoại do trường tổ chức. Hiện công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ tai nạn. UBND huyện Thanh Thủy cũng đã chỉ đạo Công ty CP Ao Vua (chủ đầu tư) tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.
Trước những tai nạn liên tiếp liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều PHHS đã bày tỏ lo ngại. Anh Đào Lê - có 2 con học tiểu học ở quận Phú Nhuận, TP HCM - cho biết đã thành "thông lệ", cứ trong buổi họp với phụ huynh đầu năm học mới, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp tiểu học đều đưa ra chương trình ngoại khóa trong năm. Theo đó, có trường lập kế hoạch 3 buổi ngoại khóa, có trường 2 hay 1 với cam kết từ GVCN là việc học ngoại khóa hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc.
Thế nhưng, thực tế cứ vào các ngày nhà trường tổ chức cho HS đi học ngoại khóa thì PH lại nhận được thông báo từ GVCN: "Nếu anh (chị) không cho con tham gia buổi học ngoại khóa thì đến rước bé về lúc 10 giờ, vì nhà trường không tổ chức ăn trưa cũng như dạy vào buổi chiều cho các bé". Điều này đồng nghĩa với việc sinh hoạt của không ít PH không cho con đi ngoại khóa bị đảo lộn do phải sắp xếp thời gian, công việc đưa đón, phục vụ trẻ ăn ngủ khi ở nhà.
Vì vậy, dù có khá nhiều PH không muốn con em tham gia ngoại khóa (đa phần là ở các công viên nước như Đầm Sen, Suối Tiên, KDL Đại Nam...) do sợ nguy hiểm, thất lạc nhưng vì không thể sắp xếp được công việc nên phải đăng ký cho con đi mà lòng lo lắng, bất an. "Dẫu biết việc học ngoại khóa nhằm giúp trẻ năng động hơn, đoàn kết hơn, sáng tạo hơn nhưng để cùng lúc đưa hàng trăm bé đi cùng thì đòi hỏi phải có lực lượng người lớn hùng hậu đi kèm, còn cứ 1 người quản 40-50 trẻ xem ra khó tránh khỏi những điều bất trắc" - anh Đào Lê góp ý.
Chị Thu Thủy - có con học lớp 7 tại quận Gò Vấp, TP HCM - cho rằng dù PH được quyền lựa chọn cho con tham gia sinh hoạt ngoại khóa hay không thì phần lớn đều bị "ép tự nguyện". HS sợ khi không đăng ký đi ngoại khóa sẽ bị đánh giá hạnh kiểm hoặc điểm hoạt động thấp; còn PH đồng ý cho con tham gia, nếu xảy ra sự cố thì không biết ai sẽ chịu trách nhiệm.
"Tôi rất ủng hộ việc tổ chức ngoại khóa để trẻ có cơ hội tiếp xúc thực tế, học được nhiều kỹ năng. Vấn đề là nhà trường có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ không hay được vạ thì má đã sưng?" - chị Thủy băn khoăn.
Đại diện KDL Đại Nam nói gì?
Ngày 15-1, trả lời Báo Người Lao Động, đại diện KDL Đại Nam cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc. Hiện KDL đang làm việc với các cơ quan liên quan và gia đình để hỗ trợ, lo ma chay cho HS gặp nạn.
Về nguyên nhân dẫn đến tai nạn cũng như trách nhiệm của KDL Đại Nam, vị đại diện này cho biết đang chờ kết quả từ cơ quan điều tra.
Theo ghi nhận, trong ngày 15-1, rất đông HS vẫn đến KDL này vui chơi, giải trí.
T.Đồng
Liên tiếp 2 vụ học sinh đi dã ngoại tử vong, làm sao để đừng lặp lại? Dù có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia dã ngoại nhưng vẫn có học sinh bị tử nạn khi trường tổ chức các hoạt động này. Liên tiếp học sinh bị tử nạn Liên tiếp trong ngày 13 - 14/1 năm 2021, hai học sinh ở các địa phương khác nhau đã tử nạn khi tham gia...