Vụ phóng vệ tinh giúp tăng sức mạnh cho quân đội Tiều Tiên
Triều Tiên thông báo đã đưa vệ tinh trinh sát đầu tiên vào quỹ đạo và cam kết sẽ tiến hành thêm các vụ phóng khác trong tương lai.
Nhiều nhà phân tích cho biết nếu vệ tinh này hoạt động, nó có thể cải thiện đáng kể năng lực quân sự của Triều Tiên.
Tên lửa đẩy Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 rời bệ phóng tại tỉnh Bắc Phyongan, Triều Tiên ngày 21/11. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 22/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 từ Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan, lúc 22 giờ 42 phút hôm 21/11 (giờ địa phương).
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), cùng ngày 22/11, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) đánh giá vệ tinh trinh sát mà Triều Tiên phóng một ngày trước đó đã đi vào quỹ đạo thành công. JCS cho rằng cần phân tích thêm các dữ liệu để xác định liệu vệ tinh này có hoạt động bình thường trên quỹ đạo hay không.
Triều Tiên đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phóng số lượng lớn vệ tinh trinh sát cho mục đích quân sự theo lệnh của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 3/2022.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng vệ tinh trinh sát “Malligyong-1″ tại tỉnh Bắc Phyongan, ngày 21/11. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Video đang HOT
Vụ phóng ngày 22/11 là nỗ lực thứ ba của Triều Tiên đưa vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo. Ngày 24/8, Triều Tiên xác nhận nỗ lực phóng vệ tinh trinh sát thứ hai đã kết thúc thất bại. KCNA đưa tin Bình Nhưỡng đã phóng vệ tinh trinh sát Malligyong-1, được gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1, nhưng xảy ra lỗi trong giai đoạn phóng thứ 3.
Vụ phóng này diễn ra chưa đầy ba tháng sau chuyến bay đầu tiên của tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1. Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 gắn trên Chollima-1 sáng 31/5 theo kế hoạch đã định, nhưng vụ phóng này đã thất bại.
Triều Tiên khẳng định việc sở hữu vệ tinh là biện pháp tự vệ hợp pháp trước những điều Bình Nhưỡng coi là một loạt hành động khiêu khích của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng ngay cả một vệ tinh đơn lẻ trên quỹ đạo cũng giúp ích cho thế trận quân sự của Triều Tiên.
Ông Carl Schuster, cựu lãnh đạo Trung tâm tình báo chung của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ phân tích: “Nếu vệ tinh này hoạt động, nó sẽ cải thiện năng lực chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tình báo và giám sát của quân đội Triều Tiên. Điều đó sẽ nâng cao khả năng chỉ huy lực lượng của Triều Tiên”.
Ngoài ra, ông Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế phân tích: “Vệ tinh sẽ cung cấp cho Triều Tiên khả năng mà trước đây họ còn thiếu. Nó có thể hỗ trợ họ nhắm mục tiêu quân sự, đánh giá thiệt hại”. Ông cũng nhấn mạnh rằng bài học rút ra từ vụ phóng hôm 21/11 sẽ được sử dụng để phát triển các vệ tinh trong tương lai.
Nhưng một số ý kiến khác cho rằng cần phải xem xét kỹ khả năng thực sự từ vụ phóng của Bình Nhưỡng.
Cảnh báo căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên
Sau hai lần phóng thất bại trước đó, CHDCND Triều Tiên ngày 22/11 tuyên bố phóng thành công vệ tinh trinh sát Malligyong-1 vào quỹ đạo khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đồng loạt lên tiếng cảnh báo về căng thẳng có thể tái leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/11 đưa tin, Cơ quan công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia nước này đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1 từ bãi phóng vệ tinh Sohae ở tỉnh Bắc Phyongan vào đêm trước đó.
Cơ quan này khẳng định, vụ phóng vệ tinh là quyền hợp pháp của Bình Nhưỡng nhằm tăng cường năng lực tự vệ và thành công này sẽ góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Triều Tiên, phù hợp với môi trường an ninh được tạo ra ở bên trong và xung quanh đất nước.
Hình ảnh về vụ phóng tên lửa được KCNA công bố ngày 22/11.
Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới thị sát vụ phóng tại hiện trường và nhiệt liệt chúc mừng toàn thể đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, kỹ thuật viên của Cơ quan công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia, cùng các cơ quan hữu quan đã "đạt được thành tựu to lớn, góp phần nâng cao năng lực răn đe chiến tranh của Triều Tiên, cũng như thực hiện một cách chính xác nhất và xuất sắc nhất nghị quyết của Đại hội lần thứ 8 Đảng Lao động Triều Tiên".
Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra 89 ngày sau khi nỗ lực thứ 2 đưa vệ tinh vào quỹ đạo gặp thất bại do lỗi phát sinh từ hệ thống kích nổ khẩn cấp trong hành trình bay thuộc giai đoạn 3 hôm 24/8 vừa qua.
Tuyên bố thử tên lửa của Triều Tiên đã ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh từ các nước láng giềng. Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã ngay lập tức tổ chức các cuộc điện đàm sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh mà 3 nước cho là vệ tinh quân sự. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng đây là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc cấm Triều Tiên phóng hệ thống sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, Bình Nhưỡng đã thực hiện các vụ phóng tên lửa bất chấp lời kêu gọi liên tục của cộng đồng quốc tế về việc từ bỏ các chương trình phát triển hạt nhân tên lửa và đây là vụ phóng mới nhất ngoài khung thời gian đã thông báo. Theo ông Matsuno, hàng loạt hành động khiêu khích của Triều Tiên đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Nhật Bản và là điều vô cùng đáng tiếc, hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã triệu tập cuộc họp khẩn của nội các và cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình rằng chính phủ đang tiến tới đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều đã ký với Bình Nhưỡng năm 2018. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh: "Cho đến khi Hàn Quốc và Triều Tiên có được sự tin tưởng với nhau, bằng không, chúng tôi đang lên kế hoạch đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều. Đây là biện pháp cần thiết và là hành động phòng vệ tối thiểu vì an ninh quốc gia. Đây cũng là biện pháp hợp pháp phù hợp với các quy định của pháp luật".
Ngay sau tuyên bố của Thủ tướng Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng nước này cho biết, Seoul sẽ nối lại các hoạt động giám sát hàng không gần biên giới với Triều Tiên ngay sau khi Chính phủ đình chỉ một phần thỏa thuận liên Triều. Ông Heo Tae-keun, Thứ trưởng Chính sách Quốc phòng Hàn Quốc, khẳng định sẽ "trừng phạt nhanh chóng và mạnh mẽ" Triều Tiên nếu nước này lấy động thái của Seoul là cái cớ để tiến hành bất kỳ hành động khiêu khích nào khác.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và chính phủ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về vụ phóng, cho rằng đây là hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn an ninh trong khu vực. Trong thời gian này, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cũng đã cập quân cảng tại Busan, miền Nam Hàn Quốc nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và thị uy chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trước diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi các bên tránh căng thẳng và giải quyết qua đàm phán. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và sự ổn định cũng như thúc đẩy các giải pháp chính trị trên bán đảo Triều Tiên.
"Trung Quốc đã ghi nhận báo cáo liên quan việc Triều Tiên phóng vệ tinh và chúng tôi cũng ghi nhận sự hiện diện thường xuyên của tàu sân bay ném bom chiến lược của Mỹ gần bán đảo. Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều đó ảnh hưởng không tốt đến lợi ích cơ bản. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan nhìn thẳng vào mấu chốt của vấn đề, chấm dứt đối đầu và gây áp lực, có hành động cụ thể nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề bằng chính trị và bảo vệ hòa bình và sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên".
Trước vụ phóng ngày 21/11, các quan chức Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên có thể nhận được sự hỗ trợ công nghệ của Nga cho chương trình phóng vệ tinh trinh sát, như một phần trong nỗ lực của hai nước nhằm tăng cường quan hệ đối tác. Mỹ, Hàn Quốc và một số đồng minh cáo buộc Triều Tiên vận chuyển vũ khí thông thường để hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine để đổi lấy việc nhận công nghệ cao của Nga nhằm tăng cường các chương trình quân sự của nước này. Cả Triều Tiên và Nga đều phủ nhận cáo buộc này.
Những điều cần biết về vệ tinh trinh sát mới của Triều Tiên Giới chức và chuyên gia trên khắp thế giới đang tìm cách xác minh tuyên bố trong tuần này của Triều Tiên rằng nước này đã phóng thành công vệ tinh trinh sát đầu tiên. Tên lửa mang vệ tinh trinh sát Malligyong-1 chuẩn bị được phóng tại tỉnh Bắc Kyungsang, Triều Tiên. Ảnh: KCNA/Reuters Theo hãng tin Reuters (Anh), trong vụ phóng...