Võ đạo của thầy
Là thầy dạy võ, võ sư Nguyễn Văn Dũng không dùng đến những từ hoa mỹ của một giáo viên giỏi văn mà bắt đầu từ chính việc dạy con để làm gương cho học trò
“Chiều hôm qua, một đạo quân không làm tôi sợ. Tối hôm nay, tôi sợ bóng mình”. Huyền đai đệ thất đẳng Suzucho
Karate-Do Nguyễn Văn Dũng trầm tư rồi nhắc lại câu mà tất cả các thế hệ môn sinh đều từng học thuộc khi là môn sinh ở phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do (số 8 Trương Định, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Dạy con để làm gương
Lão võ sư 75 tuổi này vừa kết thúc một chặng đường dài trong hơn 10 năm đặt chân lên hầu hết các địa danh nổi tiếng của châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Á để vừa chiêm nghiệm, gặp gỡ các cựu môn sinh và trở về trải lòng trong 2 tập bút ký nổi tiếng “Linh Sơn mây trắng” và “Đi tìm ngọn núi thiêng”. Trở lại TP HCM vào một chiều mưa tầm tã, võ sư và các môn sinh nay là phóng viên của các báo Tuổi Trẻ, Lao Động, Người Lao Động… bàn bạc việc chuẩn bị cho giải Nghĩa Dũng Karate-Do mở rộng lần II, tổ chức tại TP Huế từ ngày 8 đến 12-7.
Video đang HOT
Võ sư Nguyễn Văn Dũng
Võ sư Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1941, tại TP Huế. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm vào năm 1965, ông trở thành thầy giáo dạy văn, hiệu trưởng một trường THPT rồi làm cán bộ thanh tra giáo dục ngay tại quê nhà. Từ năm 1992, ông là chuyên viên karate của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thầy và trò Nghĩa Dũng Karate-Do khổ luyện trên đỉnh Bạch Mã. (Ảnh tư liệu của Nghĩa Dũng Karate-Do)
“Năm 1963, nửa đêm, một nhóm xông vào nhà thờ đánh đập, hành hạ thầy tôi. Khi tôi bênh vực thầy thì bị vây đánh một trận ra trò. Tôi đã chỉ tay lên trời thề sẽ đi học võ để hạ từng thằng một trả thù. Được thọ giáo với võ sư Suzuku Choji nên tôi miệt mài khổ luyện. Mười năm sau, khi đã có thể thực hiện lời thề thì ngộ ra tự nâng lên mình cao hơn kẻ thù, tha thứ cho kẻ thù cũng là một cách trả thù nên tôi bỏ qua cho họ. Thế rồi, họ trở thành những bạn thân” – Nguyễn Văn Dũng kể về cơ duyên khiến ông trọn đời cống hiến cho nghiệp võ.
Lập phân đường vào năm 1978, võ sư Nguyễn Văn Dũng gầy dựng sự nghiệp dạy võ từ nền móng là những điều thọ giáo từ thầy Suzuku Choji rằng võ học không phải là những triết lý cao siêu mà đơn giản chỉ là có tấm lòng yêu thương tha nhân, có dũng khí để làm người tử tế, có nhân nghĩa để sống chí tình; khi sống được như vậy, chúng ta sẽ là người hạnh phúc.
Dạy võ, ông không dùng đến những từ hoa mỹ của một giáo viên văn mà bắt đầu từ chính việc dạy con để làm gương cho học trò. Năm người con đều được luyện võ từ nhỏ và đều phải chấp hành nghiêm túc những môn quy của võ đường và hệ phái, khi vi phạm thì bị xử phạt nặng nhất.
Nhờ sự giáo dục chỉn chu của cha mẹ nên các con ông đều tốt nghiệp đại học, sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ. Người con cả là võ sư Nguyễn Dũng Chinh nay bận rộn với công việc của một doanh nhân nhưng vẫn miệt mài tâm huyết với việc giảng dạy môn karate tại Trường ĐH Cảnh sát TP HCM. Người con trai thứ Nguyễn Dũng Minh là một thạc sĩ giáo dục thể chất, đoạt rất nhiều huy chương của các giải karate, nay trở thành trọng tài karate quốc gia và là giảng viên Trường ĐH Phú Xuân. Hai cô con gái sau khi tự tìm được học bổng du học đều được mời ở lại làm việc tại Canada và Đức, trong đó có một cô đã là tiến sĩ kinh tế. Trong thời gian du học, dù là phận nữ nhi nhưng bằng ý chí trui rèn qua học võ, con gái của võ sư Nguyễn Văn Dũng đã mạnh dạn mở lớp dạy karate cho sinh viên ở Liên Xô (cũ). Đó chính là hạt nhân cho việc mở rộng hoạt động của phân đường vượt ra khỏi biên giới nước nhà.
Khơi gợi và nuôi dưỡng tình thương
PGS-TS-BS Lê Đình Khánh, cựu môn sinh Nghĩa Dũng Karate-Do, nhớ lại: “Ở Nghĩa Dũng Karate-Do, chúng tôi không chỉ học võ mà còn trưởng thành nhân cách nhờ được dạy những điều hay lẽ phải. Những điều này đều có trong sách nhưng quan trọng hơn đó là thầy đã làm, đã sống để chúng tôi học theo”. Một trong những điều nhỏ mà bác sĩ Khánh không quên được là ngay trong những năm của thời bao cấp khó khăn là thế nhưng môn sinh của võ đường trong giai đoạn đầu theo học đều có bổn phận hằng tháng góp nửa lon gạo, trưởng thành hơn thì góp 1 lon và sau cùng là 2 lon, tích lũy lại để thầy trò cùng nhau mang đến tận tay người nghèo, có lúc đến tận đảo xa như Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Sư cô Minh Tú ở chùa Đức Sơn trên ngọn đồi nhỏ của huyện Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên – Huế) kể chùa nuôi dưỡng 198 trẻ em khuyết tật, mồ côi. Do hoàn cảnh xuất thân đều khá đặc biệt nên các em luôn yếu đuối về tinh thần và rất ngại tiếp xúc người lạ. Năm 1992, khi lên vãng cảnh chùa, cảm động trước những mảnh đời bất hạnh, võ sư Nguyễn Văn Dũng nảy ý định dùng tinh thần võ thuật để “truyền lửa” cho các em vượt qua mặc cảm số phận. Thế là từ đó, thầy trò Nghĩa Dũng Karate-Do dù nắng hay mưa vẫn đều đặn vượt hàng chục km đến truyền dạy quyền cước cho trẻ. Rồi từ nguồn quỹ gạo, võ đường còn là nguồn bảo trợ đỡ đần nhà chùa nuôi dưỡng các em.
Học võ để rèn phẩm chất
Võ đường Nghĩa Dũng có điều rất đặc biệt so với nhiều võ đường khác chính là ở chỗ không chỉ là nơi dạy quyền cước đơn thuần mà còn là một trường học theo gần như đúng nghĩa của từ này. Môn sinh nào đến với võ đường cũng đều được nghe những lời răn dạy đầu tiên của thầy: “Tập luyện karate để làm gì? Để thứ nhất là khỏe về thể chất và tinh thần; hai là nắm một số kỹ năng cần thiết để tự vệ trong tình huống ngặt nghèo; điều thứ ba cực kỳ quan trọng là qua học võ để rèn luyện phẩm chất đạo đức mà đỉnh cao nhất của đạo đức là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, biết thờ cha kính mẹ, ăn ở thủy chung son sắt với thầy, với bạn và những người xung quanh, biết sẻ chia nỗi đau nhân thế”.
TS Lê Hoài Trung, cựu môn sinh của phân đường, cho đến lúc trở thành một cán bộ ngoại giao đi khắp nơi trên thế giới rồi làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao, vẫn nhớ như in bài giảng đầu tiên của thầy: “Học võ không phải để thi thố cơ bắp hay tranh giành huy chương mà để có sức khỏe, chăm học và học giỏi; học võ cho thật giỏi để không bao giờ dùng đến võ, bởi chiến đấu với bản thân mình luôn là cuộc chiến đấu trường kỳ và gian khổ nhất. Muốn là kẻ chiến thắng, trước hết phải thắng chính mình”. Nhà báo Lê Thanh Phong, khi đã thành một cây viết bình luận có tiếng của Báo Lao Động vẫn trải lòng: “Học với thầy Nguyễn Văn Dũng, chỉ cần tiếp thu 1/10 lời dạy của thầy thì ra đời nhất định sẽ thành công. Có chi mô: đúng giờ, đúng hẹn, cần cù học tập, việc chi ra việc nấy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao… Được thế thì hỏi ai mà không ưa? Sếp nào không tín nhiệm?”.
Sau những chuẩn hóa kỹ thuật và quyền pháp, các môn sinh đủ tiêu chuẩn thi lên huyền đai sẽ được tham gia cuộc hành quân lên đỉnh cao trên 1.400 m của núi Bạch Mã khổ luyện, tham thiền và được trao bằng chứng nhận ngay trên đỉnh cao nhất của ngọn núi thiêng liêng này. Vì sao lại chọn ngọn núi Bạch Mã khổ luyện, tham thiền? Võ sư Nguyễn Văn Dũng giải thích: “Đối với các võ sinh tân huyền đai, sau 3 năm tập luyện phải qua kỳ thi quyền, công phá và đấu. Các môn sinh này chỉ đậu khi vượt qua đợt thử thách sau cùng: hành quân lên Bạch Mã với balô 15 kg trên vai, sau đó phải viết tiểu luận, thu hoạch về 3 năm tập karate và về chuyến đi. Gọi đây là đợt thử thách bởi muốn vượt qua thì phải có đủ tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, sức chịu đựng, tinh thần vượt khó, tác phong khẩn trương, nhanh nhạy”.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều lần cùng thầy trò Nghĩa Dũng Karate-Do lên Bạch Mã và đã viết như sau trong thiên bút ký nổi tiếng “Ngọn núi ảo ảnh”: “Tôi cùng đi với đoàn võ sinh của Nghĩa Dũng đường hành hương lên Bạch Mã với mục đích hàm dưỡng nhân cách và lý tưởng hành thế. Họ theo sư phụ lên Bạch Mã để luyện võ thuật nhưng chủ yếu là tu dưỡng tâm pháp được truyền dạy rằng học võ thuật là để không bao giờ cần sử dụng bạo lực. Hóa ra là thế, những giá trị tâm linh bao giờ cũng được hun đúc trên những ngọn núi cao”.
Hơn 20.000 võ sinh
Suzucho là từ ghép tắt của họ và tên võ sư Suzuki Choji – người sáng lập hệ phái Suzucho Karate-Do. Từ võ đường đầu tiên do võ sư Suzuki Choji thành lập (số 8 Võ Tánh, TP Huế) vào năm 1960, các môn đồ xuất sắc của hệ phái đã phát triển Suzucho Karate-Do khắp các địa phương trong nước và nước ngoài.
Qua 55 năm có mặt ở Việt Nam, hệ phái Suzucho Karate-Do đã lần lượt có 14 đời trưởng tràng và võ sư Nguyễn Văn Dũng là người đảm trách chức danh này 11 năm liên tục từ 1995 đến 2006. Nghĩa Dũng Karate-Do hiện đang có khoảng hơn 20.000 võ sinh tập luyện tại 30 phân đường ở các tỉnh, thành trong nước và 5 phân đường ở Ba Lan, Úc, Canada, Cộng hòa Czech, Slovakia.
Theo NLĐO