Vĩnh Phúc triển khai CT GDPT mới: Giải bài toán thiếu giáo viên như thế nào?
Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo. Do vậy, khi triển khai Chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên cần được bổ sung đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và cơ cấu.
Giờ học của cô và trò Trường THCS Vĩnh Yên ( Vĩnh Phúc).
Thiếu giáo viên diễn ra phổ biến
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở giáo dục với hơn 300 nghìn học sinh. Toàn ngành GD&ĐT có hơn 16 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV).
Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình GDPT mới, năm 2019, Vĩnh Phúc đã tuyển dụng 350 GV văn hóa cấp tiểu học. Năm 2020, tuyển dụng 673 GV văn hóa và GV đặc thù cấp tiểu học. Năm học 2020-2021, ngành GDĐT hợp đồng 259 GV tiểu học đồng thời ưu tiên sắp xếp đủ số lượng GV dạy lớp 1 năm học 2020-2021 nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1.
Cũng trong năm 2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tuyển dụng 128 GV cấp trung học cơ sở. Ngành GDĐT Vĩnh Phúc bố trí đủ số lượng GV dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 2 và lớp 6.
Đến nay, tại Vĩnh Phúc, cấp Tiểu học có 3503 giáo viên văn hóa, 1312 giáo viên các bộ môn đặc thù. Theo quy định hiện còn thiếu 371 giáo viên văn hóa, 342 giáo viên các bộ môn đặc thù. Cấp THCS có 3429 giáo viên, theo quy định hiện còn thiếu 430 giáo viên. Cấp THPT có 1911 giáo viên, theo quy định còn thiếu 33 giáo viên. Như vậy, tính riêng ở 3 cấp học này, toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn thiếu 1.176 giáo viên.
Giờ học của giáo viên và học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Định Trung (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Từ năm học 2022-2023, Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp Tiểu học. Tuy nhiên, số lượng giáo viên của các môn này hiện vẫn còn thiếu khá nhiều so với quy định.
Cụ thể, theo kết quả rà soát mới nhất của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, năm học 2020-2021, tổng số giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học là 432 người. Số giáo viên còn thiếu là 64 giáo viên. Số giáo viên Tin học dạy tiểu học còn thiếu là 25.
Trong khi đó, theo dự kiến, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, số lượng học sinh, số lớp cấp tiểu học, đặc biệt số học sinh, số lớp 3 đến lớp 5 (những khối lớp có học Tiếng Anh, Tin học) ngày càng tăng so với năm học 2020-2021.
Học sinh Trường THCS Hùng Vương, thành phố Phúc Yên trong giờ ôn luyện môn tiếng Anh.
Video đang HOT
Với qui mô lớp, học sinh ngày càng tăng như trên, để đáp ứng yêu cầu dạy và học Tiếng Anh, Tin học cấp Tiểu học, tỉnh Vĩnh Phúc cần bổ sung 85 giáo viên tiếng Anh trong năm học 2021-2022 và 108 giáo viên cho năm học 2022-2023. Với môn Tin học, năm 2021-2022 cần bổ sung khoảng 36 giáo viên. Năm học 2022-2023 cần bổ sung khoảng 47 giáo viên.
Địa phương chủ động khắc phục
Theo thông tin của Sở GD&ĐT và các Phòng GD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, khi triển khai Chương trình SGK mới đối với lớp 1, các nhà trường đã ưu tiên lựa chọn những giáo viên nằm trong biên chế, có kinh nghiệm để tham gia giảng dạy đối với lớp 1. Trong năm học 2021-2022, một số lượng giáo viên có kinh nghiệm nữa sẽ tham gia giảng dạy đối với lớp 2 và lớp 6 khi triển khai chương trình SGK mới.
Như vậy, trong những năm tiếp theo khi triển khai chương trình SGK mới với các lớp cao hơn đòi hỏi nhà trường phải bổ sung thêm những giáo viên nằm trong biên chế. Do đó, tình trạng thiếu giáo viên tại các trường cần được khắc phục càng sớm càng tốt.
Giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Tô Hiệu (TP. Vĩnh Yên)
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng với số giáo viên còn thiếu so với chỉ tiêu được giao. Đồng thời, Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện rà soát, điều động, biệt phái giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu trong cùng cấp học, hoặc từ cấp học THCS, THPT để khắc phục tình trạng thực thiếu cục bộ giáo viên giữa các trường học, giữa các cấp học.
Các cơ quan thực hiện hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) theo đúng phân cấp quản lý và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế bổ sung đội ngũ, hợp đồng giáo viên còn thiếu nhằm đáp ứng triển khai thực hiện CTGDPT mới.
Tại TP Vĩnh Yên nơi có điều kiện về kinh tế, song tỷ lệ giáo viên trên lớp lại rất thấp (Tiểu học 1,18 GV/lớp, THCS 1,5 GV/lớp). Vì vậy, để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giáo viên thực hiện CTGDPT mới của thành phố gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, ngành GD thành phố đang thực hiện biệt phái giáo viên để bảo đảm mặt bằng chung và các trường tự thỉnh giảng giáo viên để đảm bảo đội ngũ. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài. Do vậy, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao biên chế theo đúng thực tế và không giảm biên chế 10% của GV trực tiếp giảng dạy. Đồng thời có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ đối với môn Tin học và Ngoại ngữ của cấp Tiểu học.
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh Vĩnh Phúc, việc thiếu giáo viên tại huyện Lập Thạch và Sông Lô diễn ra ở cả 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó có giáo viên tiếng Anh và Tin học.
Theo ông Đỗ Đức Quang – Trương phòng GD&ĐT Lập Thạch, từ trước đến nay, tỉnh giao chỉ tiêu biên chế luôn trừ đi 10% tinh giảm biên chế. Trong khi, số lớp, số học sinh ngày một tăng lên theo tỷ lệ sinh. Ngoài ra, năm 2020 số giáo viên xin thôi việc để hưởng chế độ theo Nghị quyết 31, 37 của tỉnh nhiều và năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn năm 2020 ở bậc Mầm non và Tiểu học.
Tại huyện Sông Lô, khi thực hiện CTGDPT mới, Phòng GD&ĐT đã tham mưu chuẩn bị tốt các điều kiện cần và đủ để thực hiện chương đạt hiệu quả. Đối với bộ môn Tin học và Tiếng Anh hiện nay các nhà trường đã dạy từ lớp 3 trở lên đối với 100% các nhà trường, riêng môn Tiếng Anh có nhiều trường đã học chương trình làm quen đối với lớp 1 và lớp 2.
Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cụ bộ tại các nhà trường, Phòng đã tham mưu hợp đồng giáo viên chưa được tuyển dụng; đồng thời hằng năm tham mưu điều chuyển giáo viên từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu (nếu có). Hiện, Phòng đã tham mưu UBND huyện gửi văn bản tới Sở Nội vụ xin thẩm định kế hoạch tuyển dụng giáo viên cho năm học 2021-2022.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra thực hiện CTGDPT mới tại Vĩnh Phúc
Sáng 29/4, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với UBND TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và kiểm tra việc triển khai Chương trình GDPT mới tại một số trường học trên địa bàn.
Tham gia đoàn công tác có ông Đỗ Đức Quế-Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học; ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT).
Tiếp đoàn làm việc có ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Anh Tân- Phó Chủ tịch UBND TP. Vĩnh Yên; bà Nguyễn Thị Kim Chung - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vĩnh Yên cùng hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn.
Trò tự tin, thầy cô tự chủ
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ GDĐT đã thăm, dự giờ tại các lớp 1A2, 1A3 của Trường tiểu học Định Trung và lớp 6A7, 8A6 của THCS Vĩnh Yên.
Qua dự giờ, thăm lớp, Thứ trưởng Bộ GDĐT đánh giá cao việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Trường tiểu học Định Trung; giáo viên, học sinh đều chủ động, tự tin, sáng tạo và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy và học; học sinh đều đạt yêu cầu, mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, phát huy được năng lực, phẩm chất theo tinh thần đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu nhà trường khắc phục một số lỗi liên quan đến việc phát âm theo vùng, miền của học sinh; đồng thời, phát huy hiệu quả tối đa của các thiết bị dạy học.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ tại lớp 8A6 Trường THCS Vĩnh Yên
Đối với Trường THCS Vĩnh Yên đã cơ bản đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn và sẵn sàng tinh thần để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhà trường còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như thiếu nhiều giáo viên theo quy định tại Thông tư của Bộ GDĐT.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Đối với chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên là yếu tố tiên quyết, quyết định đến sự thành công trong triển khai chương trình. Chính vì vậy, người giáo viên cần phải tiếp tục thay đổi, thể hiện sự tự chủ, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tư duy trong dạy học. Đồng thời, quá trình giảng dạy cần phải tích cực ứng dụng CNTT, đưa thiết bị vào dạy học. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiết bị dạy học về trường nhưng không ra lớp...".
Thứ trưởng cũng yêu cầu, trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, giáo viên cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học với nhiều tình huống giáo dục sáng tạo, linh hoạt. Tạo cơ hội cho học sinh được thực hiện nhiều hoạt động học tập, từ đó, phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP. Vĩnh Yên đã báo cáo khái quát tình hình phát triển KT-XH của địa phương. Đối với ngành GD-ĐT thành phố, những năm qua, số lượng học sinh tăng mạnh do sự tăng dân số cơ học và toàn thành phố đang thiếu gần 400 giáo viên, do đó, đặt ra nhu cầu về trường, lớp, đội ngũ để phục vụ công tác giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung - Trưởng phòng GD&ĐT Vĩnh Yên nêu ý kiến tại buổi làm việc
Trước tình hình đó, thành phố đã quan tâm phát triển GD-ĐT, chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng, tu sửa, đảm bảo cơ sở vật chất cho các nhà trường ở các cấp học; chỉ đạo ngành GDĐT thành phố tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Cùng với đó, thành phố đã và đang kết nối với các đơn vị liên quan để tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh, hướng tới mục tiêu sau khi hoàn thành chương trình THCS, 100% học sinh trên địa bàn thành phố phải có kỹ năng sống cơ bản: biết bơi, biết khiêu vũ, được trải nghiệm...
Tại buổi làm việc, Đoàn Công tác của Bộ GDĐT cũng lắng nghe ý kiến, tham luận của cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố. Trong đó, các ý kiến tập trung vào các nội dung: Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; sự nhận thức đúng, đủ, sâu của các cấp chính quyền, nhân dân, nhất là của cán bộ, giáo viên quyết định sự thành công của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đề nghị Bộ GDĐT tăng cường tập huấn cho CBQL, GV về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; sự chủ động xử lý, khắc phục những vấn đề khó khăn khi mới triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 của Phòng GD&ĐT và các nhà trường...
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học truyền đạt kiến thức tới học sinh Trường Tiểu học Định Trung
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Thái Văn Tài nhận định: Qua theo dõi, nắm bắt tình hình, trên địa bàn thành phố hiện có 12 trường tiểu học. Đối với thành phố như Vĩnh Yên thì áp lực về sĩ số, quy mô trường lớp còn rất lớn. Tuy nhiên, riêng đối với học sinh lớp 1, địa phương thực hiện rất nghiêm về số lượng học sinh/lớp. Số lượng này sẽ được duy trì cho đến lớp 2, do vậy, thành phố cần có sự quy hoạch sớm về quy mô mạng lưới trường lớp.
Giải đáp ý kiến của các nhà trường về triển khai tập huấn sớm cho giáo viên, ông Thái Văn Tài cho biết, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT liên hệ với các nhà xuất bản có sách được lựa chọn, triển khai tập huấn cho giáo viên trước ngày 31/7 để giáo viên có đủ thời gian chuẩn bị cho năm học mới.
Về phía Vụ GD Trung học, ông Đỗ Đức Quế - Vụ phó nêu quan điểm, các trường trên địa bàn TP. Vĩnh Yên đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho triển khai SGK lớp 6. Tuy nhiên việc thiếu giáo viên còn khiến nhiều nhà trường khá vất vả.
Ông Đỗ Đức Quế lưu ý các nhà trường, khi triển khai SGK lớp 6 mới, thời lượng môn KHTN sẽ ít hơn 35 tiết so với chương trình GD hiện hành. Chương trình tích hợp 3 mạch kiến thức gần với kiến thức các môn Hóa, Sinh học, Vật lý. Đối với các bài gần kiến thức môn nào thì phân công giáo viên có chuyên môn dạy bài đó. Về kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kì, việc ra đề, chấm bài, các giáo viên liên quan cần phải bàn bạc, thống nhất để đưa ra phương án lựa chọn tối ưu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữ Độ cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, Phòng GD&ĐT Vĩnh Yên và giáo viên Trường Tiểu học Định Trung
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, thành phố Vĩnh Yên đã triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 một cách nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học và bước đầu đạt kết quả tốt. Cùng với đó, thành phố và các nhà trường cần tích cực chuẩn bị cho công tác triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6 .
Trong thời gian tới, các nhà trường, giáo viên cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa về cốt lõi, tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018; xây dựng nền giáo dục mở "thực học, thực nghiệp"; chủ động công tác quản lý và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018 ngay khi triển khai chương trình giáo dục hiện hành; chủ động xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường để ứng dụng hiệu quả trong các giờ học; công tác quản trị nhà trường cần được quan tâm thực hiện theo hướng đổi mới, phù hợp thực tiễn đơn vị.
Trong quá trình triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình GDPT mới, trên nền tảng khung chương trình, Phòng GD&ĐT TP. Vĩnh Yên đã chỉ đạo nhà trường sử dụng bộ SGK đã chọn. Bên cạnh đó, chủ động tham khảo các bộ sách đã được phê duyệt, điều chỉnh ngữ liệu phù hợp để giảng dạy. Qua kiểm tra thực tế tại các nhà trường và kết quả đánh giá học kỷ I cho thấy, hầu hết học sinh lớp 1 đạt được các kỹ năng đọc và viết theo yêu cầu.
Cụ thể, môn Toán: Hoàn thành tốt đạt 81,5%; Hoàn thành đạt 17,2%; Chưa hoàn thành chiếm 1,3%. Môn Tiếng Việt: Hoàn thành tốt đạt 65,2%; Hoàn thành đạt 33,3%; Chưa hoàn thành chiếm 1,5%.
Đánh giá về năng lực cốt lõi: 96% học sinh được đánh giá tốt và đạt ở các nhóm năng lực (năng lực chung; năng lực đặc thù). Đánh giá về phẩm chất chủ yếu: 98% học sinh được đánh giá tốt và đạt ở các nhóm phẩm chất (yêu nước; nhân ái; chăm chỉ; trung thực; trách nhiệm).
Đào tạo giáo viên: Vẫn khó ở hai chữ "biên chế" Trong vấn đề triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương thì phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo được xem là một trong những điểm nhấn tiến bộ. Tuy nhiên, cái khó khi thực hiện là "đầu ra" cho giáo viên, bởi "định biên" do Bộ Nội vụ quyết...