Vĩnh Phúc tập trung đầu tư vào trường chuyên, có nên?
Nếu trả lời được câu hỏi những năm qua học sinh của trường chuyên đã mang lại cho đất nước bao nhiêu là chuyên gia, kỹ sư thì hãy đầu tư như vậy.
Ngày 21/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thông qua Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc để thu hút nhân tài.
Các chính sách đặc thù này bao gồm chính sách đối với học sinh các lớp chuyên, giáo viên và cán bộ quản lý trực tiếp dạy môn chuyên, thu hút đối với giáo viên, sinh viên tốt nghiệp về giảng dạy môn chuyên như giáo viên là viên chức dạy môn chuyên tại các trường trung học phổ thông chuyên trên cả nước (không quá 45 tuổi) được tuyển dụng về giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc và có cam kết công tác từ 10 năm trở lên, đã có học sinh đoạt giải khu vực, giải quốc tế thì được hỗ trợ một lần mức 500.000.000 đồng, đã có học sinh đoạt giải Nhất quốc gia thì được hỗ trợ một lần mức 350.000.000 đồng….
Ngoài ra còn là chính sách đối với chuyên gia, giáo viên tham gia bồi dưỡng đội dự tuyển làm nguồn, đội tuyển chính thức và học sinh tham gia đội tuyển chính thức của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và chính sách đối với học sinh tham gia đội tuyển.
Nghiên cứu chính sách này của Vĩnh Phúc, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng:
“Hỗ trợ đầu tư cho giáo dục là cần thiết, nhưng không chỉ một mình trường chuyên. Đặc biệt, phải chú ý đến những trường vùng sâu vùng xa vì ở đây cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên và học sinh khó khăn rất nhiều. Đầu tư như vậy thiết thực và ý nghĩa hơn”.
Phó giáo sư Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII (ảnh: NVCC)
Đánh giá về Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, Phó giáo sư Bùi Thị An nói: “Tôi ủng hộ, hoan nghênh Vĩnh Phúc đã đầu tư cho trường chuyên, qua đó thấy được vị trí giáo dục vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, người tài phải hội tụ các yếu tố giỏi chuyên môn, giỏi về phẩm chất đạo đức.Trong quá trình tìm kiếm, chúng ta lấy tiêu chí ai cống hiến nhiều cho nhân dân, đất nước với hiệu quả cao nhất mới là nhân tài. Do đó các tiêu chí mà Vĩnh Phúc nêu ra ở ở Nghị quyết 17/2021 cần xem xét lại”.
Video đang HOT
Từ thực tiễn, bà Bùi Thị An nhận thấy, tại các trường chuyên luôn định hướng để học sinh làm sao đi thi quốc gia, quốc tế đạt huy chương và các giải thưởng… Đây là điều rất tốt nhưng chỉ là điều kiện cần chưa phải là đủ.
Bởi lẽ, trong quá trình học tập, các em được đào tạo kiến thức, vậy ra trường phải cống hiến cho đất nước, xã hội hiệu quả ra sao. Những tiêu chí như vậy mới thu hút được người năng động, lăn xả trong công việc, hiệu quả và chất lượng tốt.
Phó giáo sư Bùi Thị An kiến nghị, Vĩnh Phúc nên tập trung vào toàn bộ giáo dục của tỉnh từ mầm non đến các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn. Chú trọng đến cơ sở vật chất đầu tư trang thiết bị dạy học tân tiến nhất để học sinh không cần ra các thành phố lớn mà sẽ ở lại Vĩnh Phúc tham gia học tập và xây dựng quê hương.
Tiếp theo, điều kiện môi trường hoạt động dân chủ, tốt đẹp để đội ngũ giáo viên có đam mê, nhiệt huyết với ngành giáo dục trong tỉnh. Như vậy, Vĩnh Phúc sẽ được lợi rất lớn.
“Hiện nay, có rất nhiều người đồng ý quan điểm bỏ trường chuyên, thử hỏi các em khi ra trường đã có nhiều cống hiến chưa. Chính vì vậy hãy đầu tư chung cho tất cả giáo dục của tỉnh chứ không phải dồn hết sức lực vào một điểm. Đầu tư như thế hiệu quả không cao.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, chúng ta có hàng trăm trường không thể chú trọng đến một trường. Vậy các trường không chuyên sẽ ra sao khi không được đầu tư. Nếu ưu tiên chỉ tập trung cho một nơi, tôi lo ngại sẽ gây chênh lệch trong lĩnh vực giáo dục của địa phương”, cô An nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: “Trường chuyên là vấn đề mà hiện nay chưa có được quan điểm chung. Chúng ta, có một hệ thống trường chuyên ở Hà Nội và các tỉnh, bao nhiêu năm qua chưa thống kê được các học sinh bước ra từ trường chuyên đã phục vụ cho đất nước thế nào?. Tiền đầu tư vào trường chuyên, học sinh đầu tư vào trường chuyên chưa tính được.
Trong thời buổi xã hội hiện nay liệu có cần đến trường chuyên như vậy không vì các trường này đang chú ý đến việc đi thi thố tài năng, lấy được càng nhiều giải thưởng càng tốt để tạo danh tiếng là chủ yếu”.
Nếu trả lời được câu hỏi những năm qua học sinh của trường chuyên đã mang lại cho đất nước bao nhiêu là chuyên gia, kỹ sư thì hãy đầu tư như vậy.
“Tôi cho rằng, đây không phải một chính sách khôn ngoan để làm cho giáo dục ở tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mạnh. Bởi vì, bên cạnh trường chuyên còn hàng trăm trường bình thường khác, tại sao không đầu tư vào các trường yếu hơn. Nên lấy tiền đó đầu tư vào các giáo viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ ý nghĩa hơn.
Chính sách của trường chuyên Vĩnh Phúc làm cho các giáo viên, học sinh có một cuộc chạy đua để vào dạy và học. Mô hình này không nên nhân rộng ra, kỳ thực, nếu bỏ được trường chuyên nhà nước đỡ tiền rất nhiều, học sinh và phụ huynh cũng bỏ đi cái suy nghĩ học trường chuyên là giỏi nhất”, Giáo sư Phạm Tất Dong nhận định.
Học sinh chuyên Vĩnh Phúc được hỗ trợ 2,2 triệu đồng từ năm tới
Đó là một trong những chính sách đặc thù mà HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông qua để hỗ trợ đối với học sinh Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
HĐND tỉnh Vĩnh Phúc vừa thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, chính sách đối với học sinh tham gia đội tuyển; chuyên gia, giáo viên tham gia bồi dưỡng đội dự tuyển làm nguồn, đội tuyển chính thức của tỉnh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực, quốc tế giai đoạn 2022-2025.
Theo Nghị quyết này, học sinh được tuyển vào lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc sẽ được hỗ trợ một lần với mức 2,2 triệu đồng để tự trang bị học phẩm và trang thiết bị sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, miễn tiền phòng ở ký túc xá, hỗ trợ tiền điện, nước theo định mức đối với học sinh các lớp chuyên ở nội trú, bán trú trong thời gian học tập tại trường.
Các học sinh các lớp chuyên của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc thi đạt một trong các chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế: TOEIC, TOEFL, IELTS, CAMBRIDGE tương đương trình độ B1 (tương đương bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam) trở lên sẽ được hỗ trợ một lần lệ phí. Mức hỗ trợ theo lệ phí thi thực tế nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/học sinh.
Ngoài ra, học sinh các lớp chuyên thi đạt cả 3 chứng chỉ tin học theo chuẩn quốc tế: MOS Word, MOS Excel và MOS PowerPoint cũng được hỗ trợ một lần lệ phí thi thực tế nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng /học sinh.
Đối với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy môn chuyên tại các lớp chuyên để bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được hỗ trợ 10 triệu đồng/lớp chuyên/năm học để mua tài liệu, học liệu chuyên sâu.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao thưởng cho các học sinh đạt giải quốc tế năm 2021.
Đối với giáo viên là viên chức dạy môn chuyên tại các trường THPT chuyên trên cả nước (không quá 45 tuổi) được tuyển dụng về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, có cam kết công tác từ 10 năm trở lên, đã có học sinh đoạt giải khu vực, giải quốc tế thì được hỗ trợ mức 500 triệu đồng, đã có học sinh đoạt giải Nhất quốc gia thì được hỗ trợ một lần mức 350 triệu đồng.
Giáo viên là viên chức dạy môn chuyên tại các trường THPT chuyên trên cả nước (không quá 40 tuổi) có một trong các chứng chỉ TOEIC, TOEFL, IELTS, CAMBRIDGE tương đương trình độ B1 (tương đương bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam) trở lên thuộc đối tượng: Tốt nghiệp ĐH chính quy loại xuất sắc, loại giỏi, đã đạt từ giải Ba cấp quốc gia trở lên các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật, được tuyển dụng về giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và có cam kết công tác từ 10 năm trở lên, được hỗ trợ một lần với mức tiền 300 triệu đồng.
Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại xuất sắc, loại giỏi, đã từng đạt giải Ba quốc gia trở lên các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật được tuyển dụng vào dạy môn chuyên tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc và có cam kết công tác lâu dài tại trường từ 10 năm trở lên, được hỗ trợ một lần với mức 150 triệu đồng.
Nghị quyết này cũng quy định chính sách đối với các học sinh trên địa bàn tham gia đội tuyển chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực, quốc tế.
Cụ thể, đối với học sinh tham gia đội tuyển chính thức của tỉnh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian ôn thi tập trung theo mức 250.000 đồng/học sinh/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 60 ngày.
Học sinh tham gia đội tuyển của tỉnh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp khu vực, quốc tế, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc tế được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian ôn thi tập trung theo mức 350.000 đồng/học sinh/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 40 ngày.
Học sinh tham dự thi học sinh giỏi cấp khu vực, quốc tế, thi khoa học kỹ thuật cấp quốc tế được hỗ trợ tiền tài liệu, bồi dưỡng tiếng Anh, sinh hoạt phí trong những ngày tham gia tập huấn theo mức 500.000 đồng/học sinh/ngày. Thời gian hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 60 ngày,...
Xét tuyển lớp 10, đi tìm sự công bằng Hôm 13-8, gần 250 phụ huynh, chủ yếu của học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, đã gửi đơn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan xét lại phương án xét tuyển lớp 10 trường chuyên năm nay. Ảnh minh họa Trước đó, ngày 10-8, khi Sở GD-ĐT TP HCM công bố...