Viết tắt giúp thông minh hơn
Nghiên cứu do các chuyên gia thuộc Bộ Giáo dục Anh thực hiện cho thấy mối liên hệ tích cực giữa cách viết tin nhắn bằng ký hiệu viết tắt với kỹ năng làm luận văn của học sinh.
Nhóm chuyên gia nhận định rằng cách viết tin nhắn trên điện thoại di động như vậy đòi hỏi học sinh có trình độ nhận thức về hệ thống âm vị – điều có thể làm tăng khả năng viết của các em.
Tương tự như vậy, những học sinh thường viết blog hoặc sử dụng mạng xã hội như Facebook hay Twitter tiết lộ với các nhà khoa học rằng khả năng viết của các em tiến bộ hơn nhiều so với các bạn không tiếp xúc với công nghệ này. Nghiên cứu được công bố trong lúc kỹ năng viết của học sinh bị sút giảm đáng kể so với trước đây
Nhiều ý kiến phê phán về ảnh hưởng của việc sử dụng cách viết mới trên điện thoại di động và mạng xã hội, cho rằng nó làm suy giảm kỹ năng viết của học sinh do không phân biệt rạch ròi giữa lối nói thông tục và tiếng Anh chuẩn mực.
Video đang HOT
Khoảng 50% thanh thiếu niên thừa nhận đã có lúc sử dụng văn phong không chuẩn mực thay vì phải viết hoa hoặc chấm câu đúng cách… trong bài làm và 38% dùng cách viết tắt giống như “lol”thay vì phải viết đầy đủ là “laugh of loud”.
Khoảng 60% học sinh nghĩ rằng cách viết trên các phương tiện công nghệ cao như nhắn tin, viết thư điện tử, đăng lời bình luận… không phải là viết đúng cách.
Tuy nhiên, căn cứ trên những phân tích về khả năng viết của học sinh, nghiên cứu xác nhận rằng công nghệ mới có ảnh hưởng tốt tới bài viết của học sinh. Các nhà khoa học phát hiện bằng chứng về mối liên hệ tích cực giữa việc sử dụng cách viết tắt trong tin nhắn và khả năng đọc hiểu từ vựng của học sinh.
Nhóm tác giả nghiên cứu viết: “Điều này có thể được lý giải rằng việc sử dụng cách viết tắt trong tin nhắn đòi hỏi một trình độ nhận thức hệ thống âm vị. Một bằng chứng khác cũng cho thấy mối liên hệ tích cực giữa cách viết tắt như vậy với việc viết đúng chính tả”.
Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng tin nhắn hầu như rất phổ biến đối với học sinh khi 69% học sinh cho biết có nhắn tin ít nhất 1 lần mỗi tháng. Tỉ lệ tương ứng tiếp theo là khoảng 52% sử dụng mạng xã hội và 47% sử dụng thư điện tử.
Hồi năm ngoái, một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tại Đại học Coventry cho thấy việc sử dụng tin nhắn làm tăng thêm khả năng đọc và viết của học sinh, với lý do là các em được tiếp xúc với nhiều từ vựng hơn.
Theo người lao động
Đào tạo tiến sĩ: Đối diện với thực tế
Đã đến lúc (không bao giờ là quá muộn) đối diện với thực tế và nhìn nhận một cách đúng mực và khả thi về số lượng tiến sĩ cần dùng cho các trường đại học Việt Nam, và có một cái nhìn rõ ràng hơn về những điều cần làm để đạt được mục đích này.
Một bài báo gần đây1 đăng trên báo An ninh Thủ đô đã chỉ ra một số sai sót của hệ thống đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Trong đó một sai phạm nghiêm trọng là một số nghiên cứu sinh đã mua luận văn được viết thuê với giá cả 500 triệu đồng từ những người kiếm sống bằng hoạt động gian lận này, trong đó có rất nhiều những tài liệu bị "cắt và dán" từ các công trình đã được công bố của người khác. Một sai sót thứ hai mà bài báo chỉ ra là hiện tượng thiếu năng lực của các hội đồng trong việc thẩm định kỹ năng cùng năng lực của nghiên cứu sinh, qua đó ngầm ám chỉ rằng các thành viên của những hội đồng này hoặc là kém cỏi, hoặc là tham nhũng, hoặc là cả hai. Sai sót thứ ba là việc thiếu những hình phạt đối với những sai phạm trên, đặc biệt là đối với những người viết thuê và bán những luận văn nghiên cứu giả tạo.
Một trong những sai sót đề cập trên đây có sự liên quan tới những kết quả hạn chế của chương trình 322, có chức năng cử các sinh viên Việt Nam ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, ngầm ám chỉ rằng một số sinh viên được lựa chọn một cách không đủ nghiêm túc, hoặc không theo những tiêu chí lựa chọn thích hợp. Chương trình này đột ngột bị gián đoạn trong tháng 5 năm nay trước khi được phục hồi vào tháng 7.
Tác giả bài báo đưa ra kết luận với những số liệu đáng quan tâm. Đó là nhắc lại mục tiêu đặt ra của Chính phủ đạt được 20 nghìn tiến sĩ vào năm 2020 nhằm có được 30% các giảng viên đại học có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, tác giả ước tính rằng số lượng tiến sĩ cần thiết cho mục tiêu này thực chất phải là 60 nghìn, nghĩa là sẽ cần thêm 45 nghìn tiến sĩ nữa. Cả 2 con số này dường như đều không khả thi.
Giáo sư Pierre Darriulat, nhà vật lý hàng đầu thế giới người Pháp - tác giả bài viết.
Rõ ràng là số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ mà Việt Nam có thể đào tạo rõ ràng thấp hơn so với kỳ vọng của Chính phủ. Do vậy chúng ta không thể kỳ vọng nhanh chóng tăng số lượng những giáo sư đại học đủ năng lực và đạo đức. Có lẽ điều cấp thiết phải làm ngay hiện nay là xác định ra những giáo sư như vậy, và tin tưởng giao phó cho họ công việc đào tạo và hướng dẫn các nghiên cứu sinh. Ở một số nước trên thế giới có một quy trình để làm điều này, đó là quy trình phong tặng danh hiệu "habilitation". Sự phong tặng này hoàn toàn dựa trên thành tựu, căn cứ vào kỹ năng nghiên cứu và kết quả đạt được, số lượng và chất lượng các công bố khoa học, hiệu quả giảng dạy, sự ghi nhận trong phạm vi ngoài trường và phạm vi quốc tế, cùng những tiêu chí khác mà người ta cho rằng cần thiết, miễn là chúng phải khách quan, công bằng, không mở cửa cho sự tư tình và những sự bất công.
Việc đặt ra một danh hiệu như "habilitation" sẽ đem lại nhiều lợi ích, miễn là được thực hiện một cách có đạo đức, nghĩa là việc phong tặng phải do một ủy ban bên ngoài. Cần trả lương cao cho những người được phong tặng danh hiệu này, cũng như cho những người trẻ tuổi đã làm xong hậu tiến sĩ với năng lực đầy đủ và đang mong mỏi được tạo cơ hội.
Việc hướng dẫn một nghiên cứu sinh tiến sĩ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Sẽ không hợp lý nếu đòi hỏi rằng một thầy hướng dẫn trung bình mỗi năm phải tạo ra được trên một tiến sĩ - nghĩa là đòi hỏi thầy hướng dẫn này phải liên tục hướng dẫn cho 3 nghiên cứu sinh tiến sĩ (thông thường thời gian hướng dẫn mỗi nghiên cứu sinh tiến sĩ là 3 năm).
Nhưng những gì đang xảy ra ở Việt Nam trong thời gian gần đây lại hoàn toàn trái ngược với những gì tôi trình bày trên đây: thay vì tuyển chọn thày hướng dẫn một cách nghiêm ngặt hơn và tin tưởng giao phó trách nhiệm cho họ, người ta lại tạo ra một hệ thống các quy định phức tạp nhằm giám sát, theo dõi công việc của họ2; các nghiên cứu sinh phải viết báo cáo ba tháng một lần cho học viện về tiến độ công việc của mình; họ phải trình bày 3 đề tài cơ bản trước một hội đồng đặc biệt thứ nhất; họ phải trình bày 3 đề tài cụ thể trước một hội đồng đặc biệt thứ hai; và họ phải bảo vệ đề tài của mình hai lần trước hai hội đồng đặc biệt khác.
Là người đã dành phần lớn sự nghiệp khoa học của mình tại một trung tâm nghiên cứu quốc tế, tôi đã giám sát và hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa ở nơi đâu tôi lại thấy một hệ thống phức tạp và quan liêu như vậy, một hệ thống đặt quá ít lòng tin vào những người thầy hướng dẫn.
Vấn đề cần quan tâm ở đây không phải là bằng cấp, mà là kỹ năng, năng lực, và tri thức hàm chứa đằng sau nó. Đào tạo ra 20 nghìn tiến sĩ để làm gì nếu tấm bằng có thể mua được bằng tiền? Chúng ta không cần đến những tấm bằng tiến sĩ được gắn trên tường văn phòng. Việt Nam cần những tiến sĩ có thể giúp đất nước vượt qua những thử thách trước mắt. Và những thứ luận văn sao chép không giúp gì cho điều này. Đây là thực tế không thể phủ định. [Vì vậy], chúng ta cần tập trung vào việc tạo ra những bằng cấp không bị giả tạo, thu hút các tài năng, và chỉ cần tạo ra số lượng bằng cấp trong giới hạn chừng mực khả năng thực tiễn của chúng ta.
Chúng ta cũng cần hiểu rõ hơn làm sao để giúp những người đã làm xong hậu tiến sĩ có thể kết nối vào đời sống công việc, dù là mang tính học thuật hay phi học thuật. Cần có một chương trình theo dõi và tiếp tục đào tạo cho những người đã làm xong hậu tiến sĩ, căn cứ vào nhu cầu cơ bản chung của đất nước, và nhu cầu cụ thể của các trường đại học. Ngày nay, không ít những người đã làm hậu tiến sĩ ở những lĩnh vực tiên tiến nhất của vật lý học, cuối cùng phải đi dạy trung học (giáo viên trung học là một nghề đáng được tôn trọng, nhưng họ đâu cần đến bằng tiến sĩ để phải lãng phí tiền bạc và công sức), và rất hiếm những người làm hậu tiến sĩ tìm được công việc phù hợp với tài năng của mình ở Việt Nam.
Chúng ta cần thay đổi thói quen cố hữu hiện nay một cách quyết liệt. Cần tuyển chọn [sinh viên/nghiên cứu sinh] nghiêm túc hơn, và xử lý nghiêm khắc hơn những trường hợp gian lận. Cần xác định đúng hơn những người thầy có đủ nhân cách và năng lực để hướng dẫn các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Cần đơn giản hóa hệ thống những quy định phức tạp, tương đồng với những tiêu chuẩn quốc tế, nhằm khuyến khích và giản lược hóa những thỏa thuận hợp tác đồng hướng dẫn (tiếng Pháp gọi là cotutelles3). Chúng ta cũng cần tăng cường mạnh mẽ những giảng viên trẻ trong các trường đại học bằng cách trao cho họ những cơ hội thực sự.
Hiện nay, sự tự tôn đang khiến chúng ta không dám đối diện hiện thực, và sự khiêm tốn khiến chúng ta không dám tham vọng [một cách thực tế]. Chúng ta cần phải có thái độ hoàn toàn ngược lại: sự tự tôn là để chúng ta tham vọng và tự tin; sự khiêm tốn để giúp chúng ta có nghị lực để đối diện với thực tế.
GS. Pierre Darriulat
Theo Tia Sáng
Thí điểm đào tạo thạc sĩ kiểu... "tại chức" Ngày 12.11, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố việc đổi mới mô hình đào tạo ĐH và sau ĐH. Ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng, cho biết: "Từ năm 2009, trường đã được thí điểm đào tạo sau ĐH với 2 hình thức thạc sĩ nghiên cứu và thạc sĩ kỹ thuật. Đối với thạc sĩ...