Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ vacxin lở mồm long móng
Hôm nay (17/11), tại Hà Nội, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ( Bộ NN-PTNT) đã cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành vacxin phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) có tên AVAC-V6 FMD Emulsion type O ra thị trường.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT trao giấy chứng nhận sản xuất vacxin LMLM cho Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam (Công ty AVAC).
Đây là lần đầu tiên, một giống virus nội địa để sản xuất vacxin LMLM được công nhận, mở ra cơ hội chủ động nguồn vacxin LMLM phòng bệnh cho chăn nuôi.
Sản phẩm do Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam (Công ty AVAC), công ty thành viên của Công ty Cổ phần phát triển công nghệ nông thôn (Công ty RTD) sản xuất, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam và khuyến cáo của tổ chức Thú y thế giới.
Lần đầu nghiên cứu và làm chủ công nghệ vacxin
LMLM là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi gia súc. Bệnh LMLM cũng là căn bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) quy định bắt buộc phải báo cáo khi có dịch xảy ra và là đối tượng kiểm dịch vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc.
Vắc xin lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion.
Hiện nay, thế giới có 7 type virus LMLM đang lưu hành và có khoảng 76 type phụ. Để phòng bệnh, sử dụng vacxin là giải pháp hiệu quả nhất. Ở Việt Nam, bệnh LMLM xuất hiện cách đây 100 năm và hiện đã có 3 type virus lưu hành là type O, A và Asia1.
Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch LMLM, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống dịch bệnh LMLM gồm 3 giai đoạn (2006-2010; 2011-2015 và 2016-2020).
Video đang HOT
Tuy nhiên, do không sản xuất được vacxin phòng bệnh trong nước nên Việt Nam phải NK 100%, dẫn đến hiệu quả phòng chống bệnh thấp, trong đó đặc biệt là nguyên nhân không tương đồng của virus vacxin và virus thực địa, nhất là trong bối cảnh virus LMLM thực địa thường xuyên biến đổi.
Với chiến lược kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch LMLM, năm 2016, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về sản xuất vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó năm 2017, Đề án thí điểm sản xuất vacxin thương mại sử dụng các chủng virus LMLM lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đã được Bộ triển khai. Theo đó, Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú y) được giao nhiệm vụ xây dựng nguồn giống virus LMLM để chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất vacxin với quy mô công nghiệp.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT trao giấy chứng nhận cho lãnh đạo Công ty CP và Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD).
Theo ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Vùng VI cho biết: Trên thực tế, việc nghiên cứu, chọn tạo giống virus LMLM để sản xuất vacxin cũng là nhiệm vụ mà Chi cục đã có kinh nghiệm thực hiện khoảng 20 năm nay, qua nhiều thế hệ.
Trung tâm đã tổ chức thu thập, lưu giữ và bảo quản virus LMLM một cách hệ thống với nhiều công đoạn như, thu thập bệnh phẩm virus từ thực địa, xét nghiệm để xác định bệnh, đánh giá các đặc tính sinh học như tính độc lực, tính kháng nguyên, tính di truyền virus.
“Kết quả, từ hàng nghìn mẫu virus được thu thập, Chi cục đã tuyển chọn được 154 mẫu virus LMLM tốt nhất và gửi sang Phòng thí nghiệm tham chiếu của OIE về bệnh LMLM tại Pirbright (Anh) để giải trình tự gen, phân tích các đặc tính di truyền và đặc tính kháng nguyên của virus, đánh giá mức độ tương đồng kháng nguyên với các loại vacxin đã và đang sử dụng tại Việt Nam. Qua đó, Chi cục Thú y Vùng VI đã chọn được 3 virus có khả năng phát triển thành vacxin, từ đó đã chọn được 1 mẫu virus LMLM typ O có tên “RAHO6/FMD/O-135, dòng ME-SA/PanAsia” đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để SX vacxin theo khuyến cáo của OIE. Hội đồng khoa học của Cục Thú y và Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT đã đánh giá giống virus này đủ tiêu chuẩn sản xuất vacxin LMLM, và được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức”, ông Lữu cho hay.
Ông Bạch Đức Lữu cho hay, giống vacxin này hiện nay có đủ số lượng, chất lượng để nuôi cấy, phát triển nhân lên để sản xuất hàng chục triệu liều vacxin/năm, đủ cho nhu cầu phòng bệnh LMLM tại Việt Nam từ nay trở đi.
“Ngoài ra, Chi cục cũng đang hoàn thiện hồ sơ đối với giống virus LMLM typ A và Asia1 để Bộ công nhận, phục vụ cho sản xuất vacxin nhị giá (O và A) từ năm 2018; sau đó có thể là vacxin tam giá (O, A và Asia1)…”, ông Bạch Đức Lữu nói.
Đảm bảo cho ngành chăn nuôi hiện đại của Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc lần đầu tiên các đơn vị trong nước nghiên cứu và sản xuất thành công vacxin LMLM là nỗ lực không mệt mỏi của Chi cục Thú y Vùng VI cũng như các đơn vị đã tham gia hợp tác, đầu tư cơ sở vật chất để sản xuất vacxin LMLM.
Một số thiết bị sản xuất vắc xin lở mồm long móng của Công ty AVAC/RTD.
Chỉ trong vòng 20 năm gần đây, chăn nuôi Việt Nam đã tạo được sức phát triển nhanh, đồng bộ nhất so với các lĩnh vực khác. Đến nay, ngành chăn nuôi cơ bản tiệm cận với trình độ cao của thế giới về cả sức sản xuất và tiến bộ khoa học – công nghệ.
Trong đó, chiến lược dài hơi của chăn nuôi Việt Nam là phải vươn ra xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh đang hết sức quan trọng và cấp bách. Trong đó, chủ động sản xuất là yêu cầu vô cùng cần thiết nhằm phòng chống dịch bệnh, với đòi hỏi sản phẩm chăn nuôi giá thành rẻ, trong đó việc chủ động được vacxin rẻ hơn so với nhập khẩu là rất quan trọng.
LMLM là một dịch bệnh mà thế giới rất tối kỵ, phải giải quyết được dứt điểm bệnh này mới mở ra điều kiện để Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Vacxin LMLM lâu nay là một vacxin khó sản xuất.
“Thành công bước đầu của Chi cục Thú y Vùng VI trong việc chọn được giống virus mới dùng để sản xuất vacxin LMLM đầu tiên tại Việt Nam đã đánh dấu cột mốc quan trọng, mở ra triển vọng chủ động nguồn vacxin nội địa…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, đây mới chỉ là thành công bước đầu, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khâu khảo nghiệm, kiểm nghiệm vacxin của các doanh nghiệp để sớm đưa ra tiêu thụ thời gian tới.
Cũng tại buổi lễ, đại diện Bộ NN-PTNT, Cục Thú ý đã chứng kiến lễ chuyển giao giống virus lở mồm long móng (LMLM) type O thuộc bản quyền của Chi cục Thú y Vùng VI (Cục Thú y) cho các doanh nghiệp sản xuất vacxin./.
Theo vov.vn
Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc xin lở mồm long móng
"Việc tự sản xuất vắc xin lở mồm long móng có ý nghĩa mở màn hết sức quan trọng, từ đó tiếp tục chủ động nghiên cứu các loại vắc xin gia súc gia cầm khác tiến tới chấm dứt nhập vắc xin, tiết kiệm trên 100 triệu USD/năm, làm tiền đề phát triển một nền chăn nuôi chủ động, an toàn dịch bệnh".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết tại buổi lễ công bố và chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng (LMLM) cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vắc xin, tổ chức tại Hà Nội chiều nay 11.12.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y phát biểu tại buổi công bố. Ảnh Đình Thắng
Đại diện Chi cục Thú y vùng VI cho hay, sau nhiều giai đoạn nghiên cứu, đảm bảo các tiêu chí khoa học, kỹ thuật theo khuyến cáo của OIE, Chi cục Thú y vùng VI đã chọn ra 3 vi rút có khả năng phát triển thành vắc xin. Từ đó, chọn 1 mẫu vi rút LMLM type O có tên "RAHO6/FMD/O-135, dòng ME- SA/PanAsia" đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để sản xuất vắc xin theo khuyến cáo của OIE.
Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trước đó, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định công nhận giống vi rút lở mồm long móng type O với tên gọi "RAHO6/FMD/O-135" thuộc bản quyền của Chi cục Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y để sản xuất vắc xin.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại Việt Nam bệnh lở mồm long móng xuất hiện cách đây hơn 100 năm và có 3 týp vi rút lưu hành đã và đang gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Trong khi đó, việc phải nhập khẩu 100% lượng vắc xin, trung bình mỗi năm cần 40-50 triệu liều vắc xin từ ngoài vào với chi phí lên tới 20-30 triệu USD, dẫn đến không chủ động được nguồn cung cấp vắc xin, không chủ động về khoa học công nghệ và giá vắc xin rất cao đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm phòng.
" Đây là lần đầu tiên ngành Thú y Việt Nam (gồm cơ quan nhà nước và doanh nghiệp) đã tổ chức nghiên cứu rất công phu, bài bàn và cho ra mắt sản phẩm vắc xin lở mồm long móng đáp ứng nhu cầu cua thực tiễn. Đây là bước khởi đầu rất đáng khích lệ, xây dựng được năng lực, kinh nghiệm và chủ động khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vắc xin khác dung trong thú y" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Cục Thú y và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, để sớm nghiên cứu, sản suất và đưa vào sử dụng nhiều loại vắc xin đang còn thiếu cho ngành chăn nuôi hiện nay. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu áp dụng các khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại để phục vụ sản xuất vắc xin.
Công ty Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet cho biết, từ tháng 8.2016 đã xây dựng dây chuyền sản xuất vắc xin lở mồm long móng với công suất thiết kế 20 triệu liều/năm. Đến nay, đã hoàn thiện xong cơ bản nhà xưởng, kho lạnh bảo quản bán thành phẩm... đào tạo nhân sự chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất vắc xin. Dự kiến, quý 2 năm 2018 sẽ có vắc xin sản xuất ở quy mô công nghiệp và lưu hành.
Công ty RTD là một trong 3 doanh nghiệp được Bộ NNPTNT cho phép tham gia thực hiện Đề án "Thí điểm sản xuất vắc xin thương mại sử dụng chủng vi rút lở mồm long móng lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020", cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện và ưu tiên đẩy nhanh hơn nữa quá trình kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vắc xin lở mồm long móng; xây dựng cơ chế chính sách để doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào các chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh thông qua cơ chế đặt hàng/hoặc chỉ định thầu, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo Danviet
Dịch tả lợn châu Phi áp sát biên giới Việt Nam Dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đây là tỉnh giáp với các tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị Quản lý thị trường Lạng Sơn bắt giữ HOÀNG PHAN Ngày 27.10, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã được ghi...