Việc thực nghiệm SGK chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi
Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2015-2020, đặc biệt đối với việc triển khai SGK lớp 1 năm học 2020-2021 vừa qua, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Diễn đàn Quốc hội cũng rất nóng về vấn đề này. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Ủy ban) vừa có báo cáo về kết quả giám sát đối với nội dung này.
Học sinh Trường Tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) học SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều
Giá SGK ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư
Theo báo cáo giám sát, qua theo dõi việc triển khai thực hiện CT, SGK lớp 1 đầu năm học 2020-2021 (tháng 9, 10-2020), do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn Tiếng Việt “nặng và khó hơn” so với chương trình cũ; yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh.
Đối với SGK, báo cáo cho rằng, việc biên soạn SGK theo chương trình mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đơn cử như Bộ GD-ĐT chưa tổ chức, biên soạn được một bộ SGK GDPT. Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của Chính phủ tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Điều này đòi hỏi phải có chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và phải ban hành cơ chế tài chính, bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK theo quy định của Nghị quyết 88. Đến nay, các quy định này vẫn chưa được ban hành, ảnh hưởng đến giá SGK lớp 1 triển khai cho năm học 2020-2021.
Giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 hiện hành khoảng 2-3 lần; một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư, trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về SGK cho các nhóm đối tượng khó khăn.
Về thẩm định và phê duyệt SGK, qua giám sát, Ủy ban nhận thấy, quy định của Bộ GD-ĐT chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình hội đồng quốc gia thẩm định.
Quy định về tổ chức thực nghiệm SGK chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi. Do vậy, đối với SGK lớp 1 (năm học 2020-2021) có những nội dung chưa phù hợp gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội.
Trong số các kiến nghị đưa ra sau giám sát, Ủy ban kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK từ lớp 2 đến lớp 12; phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục; cần có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nguồn để tuyển giáo viên dạy các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học…
Nếu quy định cụ thể ngữ liệu trong SGK: sẽ chỉ là một cuốn sách!
Việc triển khai CT, SGK GDPT mới vừa qua, bị dư luận phản ánh nhiều vấn đề, cũng là nội dung mà Quốc hội thảo luận rất sôi nổi với nhiều ý kiến bức xúc. Trong đó, nhiều ý kiến nói, CT GDPT và SGK mới nặng hơn nhiều so với CT và SGK hiện hành.
Tiến sĩ Ngô Thị Minh, người vừa được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, qua giám sát (khi bà đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban) cho thấy, về môn học ở chương trình mới đã giảm rõ rệt. Về số giờ học, chương trình mới ở cấp tiểu học trung bình 1,8 giờ/lớp/buổi (CT cũ là 2,7 giờ/lớp/buổi).
Riêng môn Tiếng Việt, tổng số tiết học cho cả cấp tiểu học chương trình mới không thay đổi, đều là 1.505 tiết (từ lớp 1 đến lớp 5). Việc tăng số tiết (1 tiết/ tuần) cho lớp 1 và lớp 2 nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó các em có được công cụ để học tốt các môn học khác, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.
Theo TS Ngô Thị Minh, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã cho phép “mỗi môn học có một hoặc một số SGK”. Đây là điểm mới căn bản theo Nghị quyết 29 của Đảng và của Quốc hội mà mỗi giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh cần phải thấm nhuần. Chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động cho các nhà giáo trong việc lựa chọn học liệu và phương pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu của CT. Chương trình GDPT xây dựng chuẩn đầu ra cho từng cấp học, còn sử dụng phương pháp nào, học liệu nào, tổ chức ra sao là quyền của nhà giáo và các cơ sở giáo dục. Đây là một sự thay đổi rất lớn về bản chất, vì vậy, rất cần có thời gian và sự đồng hành, đồng thuận của toàn xã hội.
Video đang HOT
“Chúng tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh đang gặp khó khăn khi tiếp cận SGK mới, vì chúng ta trước đây đều dạy và học theo SGK là pháp lệnh, chưa từng dạy và học bám theo CT mới, nên đã cho rằng, SGK là tối thượng, bất biến; chưa quen với cách nghĩ SGK chỉ là một trong nhiều học liệu, công cụ, phương tiện để thực hiện CT. Do đó, chưa quen với việc mỗi nhóm tác giả có quyền chủ động sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau mà họ tin là có thể giúp thầy và trò thực hiện tốt nhất mục tiêu CT đặt ra”, TS Ngô Thị Minh nói.
Đồng thời, TS Ngô Thị Minh cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT quy định cụ thể cả dữ liệu đưa vào SGK để yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia sử dụng nó làm phương tiện thẩm định, thì nhiều SGK trên thực tế sẽ chỉ là một sách, sẽ mất ý nghĩa và mục đích mà CT mới đang hướng tới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội là một môn học có thể có nhiều SGK. Như vậy, mục tiêu xã hội hóa trong biên soạn SGK sẽ không thể đạt được.
PGS Nguyễn Lân Hiếu Đại biểu Quốc hội: Đủ an toàn mới triển khai đại trà
Theo tôi, cách làm và thẩm định SGK vừa qua là nguyên nhân sâu xa sự phản ứng dữ dội của toàn xã hội. Ngay sau khi ban hành CT GDPT mới (cuối năm 2018), Bộ GD-ĐT đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả, nhưng hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn SGK. Tới thời điểm Bộ GD-ĐT mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu SGK lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng. Như vậy, ngay sau khi CT GDPT mới được ban hành, đã có ngay bản mẫu SGK lớp 1 chờ thẩm định. Điều đó cho thấy, công tác làm SGK quá gấp gáp với hậu quả là xã hội nghi ngại về chất lượng của các bộ sách không qua thử nghiệm bài bản.
Các bản mẫu SGK lần này được quy định dạy thử nghiệm 10% số tiết học của mỗi môn học, sau khi được hội đồng thẩm định thông qua là áp dụng đại trà. Như vậy là đã bỏ qua giai đoạn thực nghiệm ứng dụng. Lần thay sách này, với thời lượng thử nghiệm ít, đặc biệt trong bối cảnh việc chuẩn bị thay sách, việc tập huấn giáo viên bị ảnh hưởng do thời gian nghỉ dịch Covid-19, càng cần cẩn trọng hơn khi đưa SGK vào sử dụng rộng rãi, cần có sự thử nghiệm trên diện hẹp trước, đủ độ an toàn mới nên đưa ra đại trà.
Đến giờ chưa triển khai chương trình mới lớp 2 và 6, giáo viên sao kịp tiếp thu?
Năm học 2021 - 2022, chương trình mới sẽ được triển khai đối với lớp 2, lớp 6. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên vẫn mơ hồ ....
Thời gian qua, dù mới là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề này sinh như sách giáo khoa môn Tiếng Việt của bộ sách Cánh diều có nhiều "sạn". Bên cạnh đó, về tiến độ chương trình, nội dung chương trình mới cũng khiến nhiều giáo viên dạy lớp 1 than "khó". Giáo viên khó khăn trong dạy học và học sinh tiếp thu chậm và áp lực học tập nặng nề.
Theo lộ trình, năm học 2021-2022 thì ngành Giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên cả nước.
Nhiều người bày tỏ lo lắng khi trong năm học tiếp theo, chương trình mới sẽ được triển khai cho lớp 2 và lớp 6, liệu những vấn đề bất cập, khó khăn trong dạy học có còn tiếp diễn?
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thái Lê - giáo viên môn Ngữ Văn trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: Các hoạt động chuẩn bị để triển khai chương trình mới cho năm học tới vẫn còn chậm trễ và nhiều hạn chế.
Cô Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình mới cho lớp 2, lớp 6 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Giáo viên vẫn mơ hồ về chương trình mới
Theo cô Phạm Thái Lê, muốn giáo viên lĩnh hội được chương trình giáo dục mới thì cần phải có thời gian để giáo viên được tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp thu, từ đó có định hướng và thay đổi về tư duy, phương pháp dạy.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên chỉ nhận biết một cách mơ hồ qua những công văn mang tính chất chung về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Riêng chương trình ấn định cụ thể như thế nào, cách vận hành ra sao, giáo viên vẫn chưa nắm bắt được.
"Ngoài khung chương trình chung, đến bây giờ giáo viên vẫn chưa được tiếp cận chương trình mới lớp 6, chưa biết năm học tới có bao nhiêu bộ sách lớp 6.
Điều tôi lo lắng là nếu đến đầu năm học mới công tác tập huấn mới triển khai, như vậy, giáo viên làm sao có thời gian để hiểu về chương trình, làm sao lĩnh hội được những cái hay, cái tiến bộ của chương trình mới", cô Lê đặt vấn đề.
Khẳng định bản thân mình là một người chú trọng việc đón nhận thông tin, tuy nhiên, cô Lê vẫn chưa thể hình dung được trong năm học tới, nếu dạy học lớp 6, mình sẽ dạy những nội dung gì, đối với mỗi tiết học, mình phải tổ chức giờ dạy ra sao.
Cô Lê cho biết: "Đọc chương trình khung, giáo viên hiểu rằng mình cần thay đổi phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học tức là đổi mới hình thức tổ chức giờ dạy.
Thế nhưng giáo viên chưa lĩnh hội được việc đổi mới đó cụ thể như thế nào vì chưa có chương trình lớp 6, chưa có chương trình môn học cụ thể.
Thậm chí, khi có chương trình rồi, giáo viên vẫn rất cần những tài liệu hướng dẫn, cần có một quy trình mẫu cho quá trình dạy học ".
Theo quan điểm của cô Phạm Thái Lê, nếu chương trình mới triển khai chậm trễ, nếu công tác tập huấn giáo viên không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện trong năm học tới.
Việc đẩy nhanh tiến độ các hoạt động triển khai chương trình mới cho năm học 2021 - 2022 càng trở nên cần thiết hơn khi phần lớn giáo viên hiện nay vẫn còn ngại đổi mới.
Để chứng minh, cô Lê đưa ra ví dụ về vấn đề dạy học chủ động, không lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Đối với chương trình mới, sách giáo khoa không còn quan trọng với giáo viên. Giáo viên hoàn toàn chủ động, sáng tạo, không lệ thuộc vào sách giáo khoa.
Tuy nhiên trên thực tế, dù nắm bắt được tinh thần ấy, đa số giáo viên vẫn dạy theo những gì sách giáo khoa gợi ý.
"Việc giáo viên không dám thoát ly sách giáo khoa một phần vì bản thân giáo viên chưa chủ động tìm hiểu và làm mới mình, một phần vì cơ chế vận hành của giáo dục chưa ghi nhận sự sáng tạo của họ, giáo dục vẫn còn nặng về thành tích, nặng về hình thức và đi theo lối mòn", cô Lê nhấn mạnh.
Bên cạnh việc ngại đổi mới, nhiều giáo viên vẫn còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong giảng dạy.
Bắt nguồn từ thực trạng đó, việc chuẩn bị triển khai chương trình mới trong năm học tiếp theo cần được đẩy nhanh tiến độ, phải cho giáo viên được tiếp cận chương trình và có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai dạy học hiệu quả.
Đề xuất 5 vấn đề quan trọng đối với công tác chuẩn bị cho triển khai chương trình mới
Theo cô Phạm Thái Lê, vai trò của giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mới là vô cùng quan trọng. Nếu không chuyển tải thông tin đến giáo viên, nếu chậm trễ trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.
Không triển khai các hoạt động chuẩn bị cho chương trình lớp 2, lớp 6 thì thời gian tới sẽ dẫn tới tình trạng: giáo viên chưa hiểu chương trình mới, chưa hiểu yêu cầu chương trình nhưng vẫn phải dạy học một cách gượng ép, vận dụng một cách cứng nhắc.
Chính vì lẽ đó, cô Phạm Thái Lê đề xuất 5 vấn đề quan trọng đối với công tác chuẩn bị cho triển khai chương trình mới trong năm học tới.
Thứ nhất, cần phải cho giáo viên thông tin về một khung chương trình ấn định theo hệ thống từ Bộ đến Sở, Phòng và nhà trường.
Theo cô Lê, hiện nay, giáo viên chỉ mới được tiếp cận qua các kênh thông tin như báo chí, mạng xã hội,... Trong khi điều giáo viên cần là thông tin chính thống theo ngành dọc về chương trình lớp học, chương trình môn học.
Thứ hai, giáo viên cũng cần sớm được tiếp cận với bộ sách giáo khoa mới. Theo phân tích của cô Lê, chương trình mới cho phép giáo viên được quyền chủ động lựa chọn ngữ liệu, tài liệu dạy học và không còn phụ thuộc vào sách giáo khoa.
Tuy nhiên, để làm được điều này, giáo viên cần có trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng. Đa số giáo viên hiện nay vẫn còn dạy học phụ thuộc vào sách giáo khoa. Chính vì lẽ đó, rất cần có bộ sách giáo khoa chuẩn mực để dạy học.
"Nói dạy học không phụ thuộc vào sách giáo khoa không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ việc biên soạn nội dung sách giáo khoa. Bởi lẽ, với học sinh, với đa số giáo viên hiện nay, sách giáo khoa vẫn là tài liệu cần thiết nhất.
Việc cho giáo viên tiếp cận sớm với sách giáo khoa đồng nghĩa với việc họ có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu dạy học theo chương trình mới", cô Lê chia sẻ.
Thứ ba, cần phải cung cấp và phổ biến rộng rãi các video về bài giảng mẫu cho giáo viên theo chương trình mới. Những tài liệu này cũng cần được phổ biến theo ngành dọc trong toàn hệ thống từ Bộ đến Trường để đảm bảo tất cả giáo viên đều được thông tin đầy đủ và chính xác nhất.
Thứ tư, cần có những buổi tập huấn chất lượng với quy trình mẫu cụ thể chuẩn 3 bước: từ khâu chuẩn bị, triển khai giờ học đến cách thức kiểm tra đánh giá học sinh.
Cô Lê khẳng định: "Hình thức tập huấn như hiện nay là vẫn chưa phát huy hiệu quả, chỉ có một người đến thuyết giảng, sau đó phát tài liệu, như vậy là mang tính lý thuyết.
Ngôn ngữ tập huấn cũng thường là ngôn ngữ mang tính chất hội nghị, thiếu sinh động, thiếu thực tế và làm giáo viên khó tiếp cận được nội dung tập huấn".
Theo cô Lê, điều quan trọng nhất trong công tác tập huấn là phải giúp giáo viên hiểu rõ việc thực hiện, vận dụng chương trình mới với từng quy trình cụ thể trong dạy học. Song song với công tác tập huấn là triển khai dự giờ, đánh giá những tiết dạy.
Thứ năm, điều quan trọng là cần có những đổi mới quyết liệt đối với việc kiểm tra, đánh giá học sinh, thay đổi về thi cử.
Theo cô Lê, thi cử là một vấn đề quan trọng, mang tính quyết định đối với thành công của cuộc cải cách giáo dục.
"Mặc dù chương trình nói chú trọng đánh giá năng lực học sinh nhưng quy về chuẩn năng lực gì và đánh giá chuẩn năng lực như thế nào? Điều này chưa có một quy định rõ ràng, giáo viên vẫn mơ hồ trong việc đánh giá năng lực học sinh.
Bên cạnh đó, đối với kỳ thi chung, cần phải có quy định đánh giá mức độ cụ thể như thế nào", cô Lê nhấn mạnh.
Hiện nay, nền giáo dục vẫn đặt nặng thành tích, đề thi vẫn bám sát vào sách giáo khoa. Đó cũng là lý do nhiều giáo viên chưa thể dạy học thoát ly sách giáo khoa.
Chính vì vậy, muốn triển khai chương trình mới, muốn chương trình đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì cơ chế về thi cử, đánh giá học sinh cũng cần có những thay đổi và quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Vùng xám thực nghiệm sách giáo khoa và vấn đề đạo đức khoa học Trở lại sự cố của sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều, có thể thấy, toàn bộ quy trình thực nghiệm là một "điểm mờ" chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Cho đến thời điểm này, những sai sót của sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết "Tổng chủ biên kiêm chủ biên" đã được Bộ...