Vì sao Tổng thống Trump quyết định ‘trảm’ Bộ trưởng An ninh Nội địa
Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng đã đi tới quyết định thay Bộ trưởng An ninh Nội địa (DHS) Kirstjen Nielsen, một trong những người từng được ông đặt nhiều niềm tin nhất.
Bộ trưởng An ninh Nội địa (DHS) Kirstjen Nielsen. Ảnh: The White House
Ngày 12/11, báo “Bưu điện Washington” dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump thông báo với các cố vấn cấp cao rằng ông đã quyết định thay Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen và quyết định nhiều khả năng sẽ được công bố trong tuần này hoặc tuần tới.
Báo trên dẫn lời 5 quan chức trong Chính quyền Tổng thống Trump cho hay tổng thống đã hủy một chuyến thị sát cùng bà Kirstjen Nielsen tới khu vực biên giới phía Nam tại bang Texas trong tuần qua. Tổng thống Trump nói với các cố vấn rằng ông muốn thay Bộ trưởng Nielsen càng sớm càng tốt.
Giới chức Nhà Trắng cho hay quyết định của ông Trump được cho là không nhận được sự ủng hộ của Chánh Văn phòng Nhà Trắng John F. Kelly, người tiền nhiệm tại DHS và tiến cử bà Nielsen. Trong khi đó, các nhân viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ từ chối bình luận về khả năng ra đi của bà Nielsen, khẳng định bà đã triển khai hiệu quả chương trình nghị sự của Nhà Trắng nhằm bảo vệ người Mỹ trước tất cả các mối đe dọa.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nhiều tháng qua Tổng thống Trump đã than phiền về điều ông coi màn thể hiện yếu kém của Bộ trưởng Nielsen trong việc thực thi các chính sách về luật cư, trong khi bản thân bà cũng không hài lòng với một số chính sách nhập cư của tổng thống. Những đồng nghiệp làm việc lâu năm với Nielsen đánh giá bà đã điều hành DHS hiệu quả và chính Tổng thống Trump mới là người có quan điểm thiếu thực tế về an ninh biên giới và luật nhập cư.
Căng thẳng giữa hai bên thậm chí không cần giấu giếm khi trong một cuộc họp Nội các mới đây, Tổng thống Trump đã công khai khiển trách Bộ trưởng An ninh Nội địa Nielsen, và gọi bà là “Bushie”, từ ngữ hàm ý về sự trung thành của bà Nielsen với cựu Tổng thống George W. Bush mà bà từng phụng sự. Bà Nielsen đã cố gắng giải thích về những qui định và điều luật mà sẽ ngăn cản chính quyền siết chặt chính sách nhập cư và đóng cửa biên giới với Mexico. Chính điều này đã khiến ông Trump nổi giận.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Nielsen thời còn được tín nhiệm. Ảnh: Fox News
Video đang HOT
Quyết định trên cũng cho thấy những mâu thuẫn nội bộ trong chính quyền Mỹ liên quan tới chính sách nhập cư. Trong khi Bộ trưởng Nielsen nhận được sự ủng hộ của nhân viên dưới quyền thì bà lại vấp phải chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống Trump và một số nghị sĩ Dân chủ. Tháng 7 vừa qua, Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard J. Durbin đã kêu gọi bà từ chức trong bối cảnh nước Mỹ rúng động trước hình ảnh những đứa trẻ bị cách ly khỏi bố mẹ khi nhập cư trái phép vào Mỹ.
Bà Kirstjen Nielsen là một Tiến sĩ luật, một chuyên gia được đánh giá cao về chuyên môn trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Giới phân tích cho rằng quyết định sa thải bà Nielsen của Tổng thống Trump sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là trong bối cảnh nhập cư đang là một điểm “ nóng” trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng.
Sự ra đi này có thể để lại một khoảng trống lớn trong Bộ An ninh Nội địa, cơ quan chính phủ lớn thứ 3 của Mỹ với khoảng 240.000 nhân sự và hàng năm sử dụng khoản ngân sách 60 tỷ USD. Từ tháng 4 tới nay, một vị trí Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa cũng đã bị bỏ trống. Trong trường hợp Tổng thống Trump không chỉ định một quan chức lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa trên cương vị tạm quyền, Thứ trưởng Claire M. Grady sẽ tạm điều hành DHS.
Hiện nay có một số ứng cử viên tiềm tàng thay thế vị trí của bà Kirstjen Nielsen, trong đó có Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ Kevin McAleenan và David P. Pekoske, lãnh đạo Cơ quan An ninh Vận tải Mỹ (TSA).
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ muốn xóa bỏ truyền thống 'quốc tịch theo nơi sinh'
Tổng thống Donald Trump thể hiện nỗ lực ngăn chặn động cơ "đứa bé mỏ neo" của người nhập cư bất hợp pháp: đến Mỹ sinh con và những đứa trẻ đó tự động thành công dân Mỹ để sau này bảo lãnh gia đình sang đoàn tụ.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với chương trình Axios của kênh HBO, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ ký một sắc lệnh nhằm chấm dứt việc trao quyền công dân cho trẻ em là con của người nước ngoài sinh ra tại Mỹ. Phát biểu của ông ngay lập tức đã tạo ra một cơn "bão lửa" tranh cãi.
"Chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi một người đến và sinh con, đứa trẻ nghiễm nhiên trở thành một công dân Mỹ và hưởng mọi lợi ích. Điều này thật nực cười. Nó phải kết thúc", ông nói. Trên thực tế, không phải chỉ có Mỹ, ít nhất 30 quốc gia khác cũng cấp quyền nhập tịch theo nơi sinh, điển hình như Canada, Argentina, Brazil, Pakistan.
Mong muốn của ông Trump có khả thi?
Ông Donald Trump nóng lòng xóa bỏ luật nhập tịch theo nơi sinh.
Đối mặt với áp lực dòng người di cư khổng lồ đang tìm cách vào Mỹ, Tổng thống Trump thể hiện nỗ lực ngăn chặn tình trạng tồi tệ này cũng như động cơ "đứa bé mỏ neo" của người nhập cư bất hợp pháp: đến Mỹ sinh con và những đứa trẻ đó tự động thành công dân Mỹ để sau này bảo lãnh gia đình sang đoàn tụ.
Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông sẽ đơn phương xóa bỏ điều luật trên có khả năng vấp phải sự kiên quyết bác bỏ tại các tòa án. Một số ý kiến cho rằng sẽ là vi hiến nếu ông Trump cố gắng thay đổi.
Giải đáp về vấn đề này, Tòa án Tối cao cho biết hơn 150 năm trước, với vài trường hợp ngoại lệ, Hiến pháp Mỹ đã quy định cấp quyền công dân cho trẻ em chào đời tại nước này ngay cả khi bố mẹ của chúng không phải là công dân Mỹ nhằm mục đích giúp những người từng là nô lệ và con của họ được Hiến pháp bảo vệ. Tu chính án thứ 14 ra đời sau Nội chiến Mỹ (1861-1865) viết rõ ràng như sau: "Tất cả những người sinh ra tại Mỹ hoặc nhập tịch Mỹ và thuộc phạm vi quyền tài phán của Mỹ, đều là công dân Mỹ tại bang nơi họ cư trú". Trên thực tế, hai điều kiện để một đứa trẻ thành công dân Mỹ bao gồm "sinh ra trên đất Mỹ" và "chịu quyền tài phán của Mỹ" đều không áp dụng với con của người nhập cư bất hợp pháp và khách du lịch.
Bà Lynden Melmed, cựu cố vấn Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ nhận định: Phạm vi quyền hạn của tổng thống không thể thay đổi quyền quốc tịch theo nơi sinh. Quan điểm này trùng với nhận định của nhiều chuyên gia tại các cơ quan nghiên cứu pháp luật. Quyền nhập tịch theo nơi sinh được ghi nhận trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, bởi vậy chỉ có thể thay đổi thông qua sửa đổi Hiến pháp với số phiếu tán thành của ít nhất 2/3 thành viên Quốc hội Mỹ và 3/4 phiếu thuận của nghị viện các tiểu bang, chứ không thể thực hiện bằng sắc lệnh hành chính.
Và nếu Hiến pháp sửa đổi, nước Mỹ sẽ không phải là quốc gia đầu tiên từ bỏ quy định về "quyền có quốc tịch theo nơi sinh". Pháp đã bỏ quy định này năm 1993, sau khi thông qua đạo luật mang tên Méhaignerie, chỉ công nhận quốc tịch Pháp cho những người có bố hoặc mẹ là người Pháp hoặc một trong hai người bố mẹ được sinh ra tại nước Pháp.
Ireland là quốc gia Liên minh châu Âu gần đây nhất từ bỏ quy định về quyền nhập tịch theo nơi sinh năm 2005. Thông qua một cuộc trưng cầu ý dân với sự ủng hộ của 80% cử tri Ireland, quyền công dân chỉ được công nhận với nhưng người có ít nhất là bố hoặc mẹ là người Ireland. Các nước khác, bao gồm New Zealand và Australia, cũng đã từ bỏ quy định pháp luật về quyền quốc tịch theo nơi sinh trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, không phải ai cũng phản đối ý tưởng của Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham ủng hộ quyết định của ông Trump và cho biết sẽ đề xuất một dự luật tương tự lên Thượng viện.
Những hậu quả ngoài ý muốn
Người di cư Honduras tại Guadalupe Basilica, Mexico trên hành trình đến biên giới Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đặt sang một bên tính khả thi về mặt pháp lý và chính trị, những hậu quả liên quan đến đề xuất xóa bỏ quyền nhập tịch cho trẻ người nước ngoài chào đời tại Mỹ quả thực không hề nhỏ. Thực tế, việc bãi bỏ quyền quốc tịch sẽ sản sinh một tầng lớp gồm những người vĩnh viễn bị mất tư cách thành viên xã hội suốt nhiều thế hệ.
Viện Chính sách Di cư Mỹ (MPI) cho rằng nếu tước quyền công dân của trẻ em có bố mẹ là người nhập cư trái phép sẽ làm tăng dân số người nhập cư trái phép đang tồn tại ở quốc gia này thêm 4,7 triệu người vào năm 2050. Hơn thế, tình trạng này sẽ còn tác động sâu sắc đến sự gắn kết xã hội và sức mạnh của nền dân chủ.
Ngoài vấn đề nhân khẩu học, nền kinh tế Mỹ khả năng sẽ nhận hậu quả khó lường. Nếu ông Trump đạt được mong muốn, không ít người sẽ gặp khó khăn hơn khi sống và làm việc tại Mỹ. Người nhập cư và con cái họ dự kiến chiếm đến 93% tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động tại Mỹ - theo một phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2013.
Cuối cùng, việc bác quyền công dân cho con người ngoại quốc (thế hệ người nhập cư thứ hai) sẽ khiến họ khó tìm được việc làm, do đó có thể tác động xấu đến tiềm lực kinh tế đất nước.
Giáo sư kinh tế và quan hệ quốc tế Jay Shambaugh tại khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học George Washington nhận định: "Năng suất thực chất cao hơn khi mọi người có tư cách hợp pháp bởi vì bạn sẽ có nhiều cơ hội để làm một công việc phù hợp. Nếu mọi người gặp khó khăn hơn để ở Mỹ - đặc biệt những người nhập cư tay nghề cao, thì sự sáng tạo, sản lượng và tăng trưởng trong tương lai sẽ suy giảm".
Và nếu sự thay đổi này ngăn chặn nạn nhập cư hay khuyến khuyến con cái của người nhập cư rời khỏi đất nước, chính sách đó còn phải tính đến yếu tố tổng sản phẩm nội địa tiềm năng. Bởi tăng trưởng dựa trên hai thành phần: tăng trưởng dân số và năng suất, vốn đều ảm đạm ở Mỹ.
Không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực đối với xã hội Mỹ nếu như kiểm soát được người nhập cư và ngăn chặn tình trạng "du lịch sinh nở" hay những "đứa trẻ mỏ neo", song nếu dừng cấp quốc tịch tự động cho trẻ nước ngoài chào đời tại Mỹ, đất nước này chắc chắn sẽ hứng chịu hậu quả nan giải.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức
Đảng Dân chủ có chiến thắng quan trọng đầu tiên trước Cộng hoà ở Hạ viện Đảng Dân chủ đã giành hai ghế đầu tiên từ nghị sĩ Đảng Cộng hoà ở Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ ngày 6.11. Bà Jennifer Wexton, nghị sĩ Dân chủ, giành ghế Hạ viện từ nghị sĩ Đảng Cộng hoà ở bang Virginia. Ảnh: AP Hai ghế mà Đảng Dân chủ có được ở bang Virginia và Floria được...