Vì sao Tổng thống Obama ‘xoay mãi’ với châu Á?
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiết lộ, ngay từ khi mới chân ướt chân ráo bước vào Nhà Trắng, ông đã xác định chính sách “xoay trục sang châu Á”. Đến khi sắp kết thúc 2 nhiệm kỳ, ông vẫn đang “xoay mãi” cùng châu Á.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN ở Sunnylands, California ngày 16.2 – Ảnh: Reuters
7 năm thăm 7 nước châu Á
Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN vừa kết thúc tại Sunnylands, bang California là dấu mốc mới nhất trong chính sách hướng về châu Á của ông Obama. Xin được nhắc lại, đây là lần đầu tiên một hội nghị ASEAN được tổ chức trên đất Mỹ.
Tiếp theo đó, ông Obama sẽ đến Việt Nam vào tháng 5 (Nhà Trắng đã chính thức xác nhận thông tin này), sau đó là đến Lào, trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên thăm xứ sở triệu voi.
Cho đến nay, ở cương vị tổng thống Mỹ, ông Obama đã có 7 chuyến thăm đến châu Á, tính trung bình mỗi năm thăm một nước.
Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại thượng đỉnh Sunnylands, California ngày 16.2.2016 – Ảnh: Reuters
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Mỹ – ASEAN, ông Obama đã nói ngay đến lý do khiến Mỹ phải đặt trọng tâm vào châu Á: “Trong cương vị tổng thống, tôi đã nhấn mạnh rằng giữa lúc nước Mỹ đối mặt với các mối đe dọa khẩn cấp khắp thế giới, chính sách đối ngoại của chúng tôi cũng phải nắm bắt được các cơ hội mới. Và hiếm khu vực nào chứa đựng nhiều cơ hội trong thế kỷ 21 hơn Châu Á – Thái Bình Dương”.
Video đang HOT
“Đó là lý do vì sao ngay từ đầu, khi mới bắt đầu làm tổng thống, tôi đã quyết định nước Mỹ – trong tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương – phải cân đối lại chính sách đối ngoại của chúng tôi và đóng một vai trò lớn hơn, dài hơi hơn ở châu Á – Thái Bình Dương”, ông Obama nói tiếp.
Nhưng cụ thể, cơ hội mà châu Á mang lại cho nước Mỹ là gì? 10 nước ASEAN vừa dự hội nghị thượng đỉnh chung với Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của quốc gia giàu có nhất hành tinh, theo NBC News. Mối liên hệ thương mại đó đã mang lại công ăn việc làm cho hơn 500.000 người Mỹ, theo thống kê của chính quyền Obama.
Trung Quốc – thách thức chung
Ông Obama đã chọn một vùng đất chuyên là nơi nghỉ dưỡng của các cựu tổng thống Mỹ, các minh tinh màn bạc để đón chào các lãnh đạo ASEAN.
Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài thư giãn đó là những căng thẳng dậy sóng. Nhiều thành viên ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Còn Mỹ thì đang lo ngại Trung Quốc là mối đe dọa cho tiến trình tự do hàng hải trên Biển Đông rộng lớn.
Hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông là chủ đề quan trọng tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN – Ảnh: Reuters
Khi các nhà lãnh đạo ngồi vào bàn làm việc, ông Obama nói rõ mục tiêu: “Chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế, điều đã tạo công ăn việc làm và cơ hội cho nhân dân của chúng ta”. Rồi ông nói thêm: “Chúng ta có thể cùng nhau tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh để đối đầu với các thách thức chung”.
Chính vì thế mà các hành động bồi đắp, xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là một trong những chủ đề chính tại hội nghị. Thách thức về thay đổi khí hậu và cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu là những đề tài khác. Chỉ mới hồi tháng trước, IS – kẻ thù khủng bố “nổi” nhất mà Mỹ đang phải đối đầu hiện nay – đã tuyên bố gây ra vụ tấn công khủng bố ở Indonesia – một thành viên ASEAN.
“Tôi tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh này đã đưa Mỹ và ASEAN vào một lộ trình mới để đạt tới một tầm cao mới trong những năm tới”, ông Obama tự tin phát biểu khi kết thúc hội nghị.
“Một phần của tôi”
Nhưng ngoài tất cả những lý do trên, nhiều người Mỹ vẫn cứ tự hỏi tại sao vị tổng thống của họ lại phải nỗ lực quá nhiều để chăm sóc cho mối quan hệ với một khối ASEAN ở quá xa nước Mỹ.
Tại một hội nghị ở Malaysia hồi năm ngoái, ông Obama đã chia sẻ với mọi người về thời thơ ấu của ông tại Indonesia. Ông cũng kể chuyện về người mẹ quá cố của ông đã làm việc tại làng quê ra sao. ” Đó là một phần của tôi, tác động tới cách tôi nhìn thế giới này”, ông Obama chia sẻ.
Kiều Oanh
Tổng hợp
Tuyên bố chung Mỹ-ASEAN không nhắc tên Trung Quốc
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN ngày 16.2 đã thảo luận về việc xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định cần có "những biện pháp rõ ràng", nhưng trong tuyên bố chung lại không nhắc đến Trung Quốc.
Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại thượng đỉnh Sunnylands, California ngày 16.2.2016 - Ảnh: Reuters
Trong buổi họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh tại Sunnylands giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN tại bang California (15-16.2), Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, ông và các lãnh đạo ASEAN tái khẳng định "cam kết mạnh mẽ đối với trật tự khu vực, nơi mà những luật lệ, tiêu chuẩn và quyền của tất cả các quốc gia, dù là nước lớn hay nước nhỏ, đều được tuân thủ", theo Reuters.
"Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết của những biện pháp cho khu vực Biển Đông nhằm xoa dịu căng thẳng, bao gồm chấm dứt hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa những đảo nhân tạo. Khi ASEAN có tiếng nói đoàn kết và rõ ràng, an ninh khu vực sẽ được tăng cường và những cơ hội mới sẽ mở ra", ông Obama cho hay.
Sau ngày đầu tiên thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại với lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN, các quan chức Mỹ kỳ vọng sẽ có tiếng nói chung về Biển Đông, nơi Trung Quốc tiếp tục xây dựng những đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo Reuters.
Tuy nhiên tuyên bố chung của lãnh đạo Mỹ-ASEAN không đề cập đến Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh các nguyên tắc chung trong hợp tác Mỹ-ASEAN, bao gồm "tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và tự do chính trị của tất cả quốc gia... và cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ".
Bản tuyên bố chung cũng tái khẳng định "cam kết duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không".
Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN tại thượng đỉnh Sunnylands ngày 16.2.2016 - Ảnh: Reuters
Cũng trong ngày 16.2, kênh truyền hình Fox News (Mỹ) dẫn lại những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 (phiên bản của hệ thống S-300 của Nga) đến đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm giữ phi pháp.
Mỹ đã nhiều lần lên án Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa, và đã điều máy bay và tàu chiến tuần tra áp sát đảo nhân tạo để khẳng định tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc lại ngang ngược tố cáo Mỹ mượn cớ tự do hàng hải để giành quyền bá chủ Biển Đông sau vụ một tàu khu trục Mỹ áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng, hôm 30.1.2016.
Tổng thống Obama khẳng định tự do hàng hải "phải được giữ vững, và Mỹ "sẽ tiếp tục bay, di chuyển trên biển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ tất cả các quốc gia có quyền làm điều tương tự". Ông Obama nói Washington sẽ tiếp hỗ trợ các đồng minh và quốc gia đối tác tăng cường năng lực hàng hải.
Ông Obama nói Mỹ và ASEAN đã có nhiều bước tiến trong thương mại, đầu tư và đã nhất trí nỗ lực hỗ trợ để tất cả thành viên ASEAN đảm bảo đủ điều kiện tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện chỉ mới có bốn quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, tham gia TPP.
Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng tuyên bố sáng kiến được gọi là U.S.- ASEAN Connect (tạm dịch Liên kết Mỹ - ASEAN) giúp tăng cường hợp tác kinh tế hai bên.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Dàn máy bay chở các lãnh đạo ASEAN tại Mỹ Lần đầu tiên Sân bay Quốc tế Palm Springs đón tiếp một lượng đông đảo máy bay chở các lãnh đạo ASEAN và Mỹ tới dự hội nghị kéo dài hai ngày 15-16/2. Máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng Vietnam Airlines đậu tại đường lăn của Sân bay Quốc tế Palm Springs, thành phố Palm Springs, bang California. Thủ tướng Nguyễn Tấn...