Vì sao tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông?
Dư luận đang thắc mắc vì sao tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1 bên cạnh tiếng Anh và một số tiếng khác, và vì sao Bộ GD-ĐT lại chọn 2 ngôn ngữ này chứ không phải các tiếng khác…
Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là một trong những trường dạy tiếng Hàn cho học sinh có nhu cầu – NGỌC DƯƠNG
Dư luận thường phản ứng mỗi khi có thông tin Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm môn ngôn ngữ nào đó không phải tiếng Anh là ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới về mặt quy định và rõ ràng đã tăng thêm cơ hội lựa chọn cho học sinh (HS), chỉ có điều tính khả thi của nó bao nhiêu năm qua vẫn là điều khó… đánh giá.
Những ngôn ngữ nào được thí điểm ngoại ngữ 1 ?
Bộ GD-ĐT cho biết việc dạy học các môn ngoại ngữ không phải tiếng Anh trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, Nhật và mới đây cho phép thí điểm tiếng Hàn, tiếng Đức); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn.
Chỉ nói riêng tiếng Nhật, từ 4 – 5 năm trước, ngôn ngữ này đã được thí điểm là ngoại ngữ 1 theo chương trình 10 năm, dù lúc ấy ngoại ngữ bắt buộc (tiếng Anh) trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam vẫn chỉ là 7 năm.
Tìm hiểu của PV Thanh Niên cho thấy, đến thời điểm này, ngoài tiếng Anh, chỉ có tiếng Nhật đã được chính thức triển khai thí điểm dạy học như ngoại ngữ 1 từ lớp 3 nhưng phạm vi thực hiện cũng rất hẹp. Cụ thể, từ năm 2016, việc triển khai thí điểm môn tiếng Nhật cấp tiểu học (bắt đầu từ lớp 3) chỉ được thực hiện ở Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội với 4 trường tiểu học, trong đó có 3 trường công lập là Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm), Khương Thượng (Q.Đống Đa), Chu Văn An (Q.Tây Hồ) và 1 trường tư thục tham gia thí điểm. Mỗi trường chỉ thực hiện ở 1 – 2 lớp. Tại TP.HCM, việc dạy tiếng Nhật từ lớp 3 chỉ được thí điểm duy nhất tại Trường phổ thông liên cấp Việt Úc.
HS học tiếng Nhật theo chương trình và sách giáo khoa thí điểm tiếng Nhật lớp 3, 4, 5 với thời lượng 4 tiết/tuần. Đáng chú ý, lớp học tiếng Nhật không chỉ được cấp tài liệu học miễn phí mà các chuyên gia tiếng Nhật của Trung tâm giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam và cộng sự tiếng Nhật định kỳ tổ chức thăm lớp để góp ý, trao đổi với giáo viên và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, tham gia các cuộc thi nhằm nâng cao hiểu biết về văn hóa Nhật Bản và thực hành tiếng.
Từ trước tới nay, việc đưa một ngoại ngữ nào đó trở thành ngoại ngữ 1 phải dựa trên căn cứ từ nhu cầu học tập của HS, các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo đủ điều kiện và HS có nguyện vọng chọn môn học này là ngoại ngữ 1
Ông Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT)
Theo Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia, tổng kết lứa đầu tiên HS tiểu học tại Hà Nội và TP.HCM học tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 ra trường; kết quả khá khả quan với 29% HS đạt kết quả xuất sắc, giỏi; 34% HS đạt khá; 31% HS đạt trung bình và chỉ có 6% HS dưới trung bình.
Sở dĩ tiếng Nhật được thí điểm đầu tiên là ngoại ngữ 1 ở cấp tiểu học vì trước đó hơn chục năm, tiếng Nhật đã được đưa vào trường phổ thông thí điểm ngoại ngữ 1 hệ 7 năm ở Việt Nam từ cấp THCS.
Cụ thể năm 2003, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Nhật, Bộ GD-ĐT VN cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội bắt đầu hợp tác xúc tiến chương trình thí điểm dạy và học tiếng Nhật trong bậc THCS và THPT. Đến năm học 2004 – 2005, tiếng Nhật được đưa vào giảng dạy thí điểm lần đầu tiên tại Hà Nội dưới hình thức là môn học ngoại khóa tại Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ) với quy mô 2 lớp và sau đó thí điểm là môn ngoại ngữ 1. Sau 10 năm, đến năm học 2012 – 2013, số lượng trường tham gia dạy và học tiếng Nhật ở Hà Nội đã tăng lên 14 trường, 8 trường THCS công lập và 2 trường ngoài công lập, 3 trường THPT công lập.
Video đang HOT
Sau thời gian thử nghiệm, tiếng Hàn cùng tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1 bên cạnh tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Căn cứ để chọn ngoại ngữ 1
Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Hiệu phó Trường ĐH Hà Nội, người đã có 25 năm xây dựng các chương trình tiếng Anh trên truyền hình VTV2, nêu quan điểm: Nếu nhìn lại quá khứ, nhà trường cũng thường dạy 2 – 3 ngoại ngữ. Ngay trong thời Pháp thuộc, ở Hà Nội, các trường cũng dạy hai thứ tiếng Anh và Pháp. Trong những năm đầu giải phóng thủ đô, các trường ở Hà Nội cũng có 3 – 4 ngoại ngữ; gồm Anh, Pháp, Trung và Nga. Sau đó, trong thời bao cấp, trường chúng ta có 2 ngoại ngữ Nga và Trung. Trong nhiều năm gần đây đa số các trường chỉ có tiếng Anh, nhưng một số trường (tuy ít) vẫn có cả tiếng Anh, Nga và Trung.
Ông Hùng cho rằng một trường dạy trên 1 ngoại ngữ không phải là điều mới. Một trường có bao nhiêu ngoại ngữ là do hoạch định của nhà nước. Điều quan trọng là không nên bắt buộc học ngoại ngữ nào mà để HS tự chọn, mỗi HS chỉ bắt buộc học một ngoại ngữ thôi, đó là ngoại ngữ mà HS ưa thích, tự nguyện học và theo hướng đầu tư của phụ huynh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Từ trước tới nay, việc đưa một ngoại ngữ nào đó trở thành ngoại ngữ 1 phải dựa trên căn cứ từ nhu cầu học tập của HS, các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo đủ điều kiện và HS có nguyện vọng chọn môn học này là ngoại ngữ 1. Từ các nhu cầu thực tế nói trên và để giảm áp lực cho HS, ví dụ HS chọn tiếng Hàn, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác sẽ khiến các em thấy quá tải”. Do vậy, theo ông Thành, Bộ GD-ĐT quyết định cho phép thêm các ngoại ngữ khác không phải tiếng Anh là ngoại ngữ 1 để HS chọn theo nhu cầu. Trước khi trở thành ngoại ngữ 1 chính thức thì phải thực hiện thí điểm cả về chương trình và điều kiện triển khai, thực hiện.
“Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học”, ông Thành khẳng định.
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa một tiếng nào đó trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.
99% vẫn chọn học tiếng Anh là ngoại ngữ 1
Khi xây dựng chương trình môn ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã có khảo sát và cho thấy có tới 99% các trường và HS phổ thông vẫn chọn học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh. Số trường dạy ngoại ngữ không phải tiếng Anh là ngoại ngữ 1 chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Do vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018 và đang bắt đầu thực hiện, tiếng Anh là môn duy nhất đến thời điểm này được ghi trong chương trình môn học là “môn bắt buộc”, tất cả các ngoại ngữ còn lại như tiếng Nhật, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều là môn ngoại ngữ tự chọn. Cũng bắt đầu từ chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình môn ngoại ngữ 1 được thiết kế bắt buộc học 10 năm (từ lớp 3), thay vì ngoại ngữ bắt buộc 7 năm như chương trình cũ (bắt đầu từ lớp 6).
Từ năm 2006 đã phân biệt ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2
Văn bản ban hành năm 2006 của Bộ GD-ĐT cho phép HS được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung làm ngoại ngữ 1.
Năm 2011, Bộ GD-ĐT bổ sung tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2, tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, HS có thể chọn một trong 5 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ, HS đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai.
Đề án Ngoại ngữ 2020 cũng quy định: “Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), HS có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông”.
Tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông: Khi hiểu sâu về một ngôn ngữ sẽ thuận lợi hơn
Bộ GD&ĐT đã giải thích về việc thực hiện thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hệ 10 năm và không phải là môn học bắt buộc với học sinh (HS) từ lớp 3; tuy nhiên dư luận xã hội vẫn còn những băn khoăn.
Học tiếng Hàn, tiếng Đức để giao lưu, trao đổi
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Bình - Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) - nơi có nhiều năm triển khai giảng dạy ngoại ngữ 2 tiếng Hàn, tiếng Đức.
Bộ GD&ĐT đã có Quyết định 712 ban hành tiếng Đức và Hàn là ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT. Nhiều phụ huynh cho rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến ở 150 nước nhưng tiếng Hàn, Đức thì không. Ông có đồng tình với quyết định của Bộ GD&ĐT?
- Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ GD&ĐT. Thứ nhất bởi chúng ta đang bước vào thời kỳ toàn cầu hóa thì tiếng Anh rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều thứ tiếng phổ biến ở những nước đang phát triển; chúng ta cần học hỏi, trao đổi, giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Nếu chúng ta mà chỉ chăm chăm tập trung vào dạy tiếng Anh hoặc một vài ngôn ngữ khác như Trung, Nga, Pháp, Nhật là chưa đủ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình- Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức ủng hộ quan điểm tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông. Ảnh: Internet.
Đức, Hàn Quốc là những quốc gia phát triển và đang có những mối quan hệ rất tốt với chúng ta, nhất là về kinh tế, xã hội, ngoại giao. Và, khi nhu cầu là có thật vậy, tại sao chúng ta lại không đưa vào chương trình GDPT?
Về việc mọi người cho rằng tiếng Hàn, Đức không phổ biến, tôi lại nghĩ theo hướng khác. Khi chúng ta hiểu sâu về một ngôn ngữ đó sẽ thuận lợi hơn việc phải thông qua ngôn ngữ thứ 3. Ví dụ, chúng ta sang Đức làm việc mà sử dụng ngôn ngữ thứ 3 là tiếng Anh sẽ không chuyên sâu bằng nói tiếng Đức. Hay, chúng ta sử dụng tiếng Hàn trực tiếp với người Hàn sẽ tốt hơn là thông qua dùng tiếng Anh.
Liệu việc triển khai dạy tiếng Hàn, Đức trong chương trình phổ thông bắt buộc có thuận lợi, nhất là khi, những năm trước, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình dạy tiếng Nga nhưng nhiều người không sử dụng được?
Đúng là giai đoạn trước, chúng ta đào tạo tiếng Nga một cách ồ ạt và không theo nhu cầu của học sinh.
Trong giai đoạn này, xu hướng toàn cầu hóa và nếu có tầm nhìn quốc gia, chiến lược thì việc dạy tiếng Hàn, Đức thuận lợi. Thứ hai, phụ huynh và HS đã có kiến thức, hiểu biết rất nhiều. Thứ ba, các nhà trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Số học sinh học ngoại ngữ 2 tiếng Đức tại trường THPT Việt Đức tăng dần lên qua các năm học. Ảnh: Ngọc Tú.
Trước đây, khi mở ra tiếng Hàn, chúng tôi lúng túng thiếu giáo viên. Hay, khi học sinh đăng ký tiếng Đức nhiều quá cũng thiếu giáo viên.
Còn bây giờ, chúng ta đào tạo, chuẩn bị được đội ngũ giáo viên có trình độ tốt thì việc dạy học, triển khai thí điểm tiếng Đức, Hàn thuận lợi hơn rất nhiều. Bộ GD&ĐT đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thẩm định, các nhà trường có thể thông qua những những tiêu chí đó để biết tiếp tục triển khai ngoại ngữ 1 là tiếng Hàn, tiếng Đức hay dừng lại.
Số học sinh học tiếng Hàn, tiếng Đức ngày càng tăng
Ông chia sẻ rõ hơn về việc dạy ngoại ngữ 2 ở trường THPT Việt Đức trong những năm qua?
Hiện nay, một số trường học ở Hà Nội đang dạy tiếng Đức và có số HS theo học khá đông, ví dụ các trường chuyên ngữ, trường THPT Việt Đức; cấp THCS có trường Trưng Vương, Đống Đa, Chu Văn An. Tuy rằng tiếng Đức là ngoại ngữ 2 nhưng được HS và cha mẹ HS quan tâm. Việc thí điểm dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 2 cũng vậy.
Theo ông Nguyễn Quốc Bình, việc phụ huynh chọn cho con học ngôn ngữ nào thì phải có mục đích, mục tiêu. Ảnh: Ngọc Tú.
Ở trường THPT Việt Đức thí điểm ngoại ngữ 2 là tiếng Nhật, sau đó tiếng Hàn. Sau những năm triển khai, tôi thấy rằng nhà trường phải có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có học sinh theo học. Sau khi nhà trường gửi thông tin tới HS và cha mẹ thì các em lựa chọn. Tất nhiên, số lượng HS đăng ký học tăng dần. Ví dụ, năm 2008 chỉ có 20 - 30 HS học tiếng Đức nhưng đến 2018 đã có khoảng hơn 100 HS. Trước đây, nhà trường bố trí học 2 tiết/ 1 tuần, sau đó các em tự nguyện học 6 - 8 /1 tuần. Mặc dù tiếng Đức là ngoại ngữ 2 nhưng kết quả kết quả học có khi còn cao hơn ngoại ngữ 1.
Trong giai đoạn này, Bộ GD&ĐT quy định có 7 ngoại ngữ để HS lựa chọn, như vậy rất đa dạng và linh hoạt. Giả sử HS học ngoại ngữ 1 tiếng Hàn thì học Ngoại ngữ 2 là tiếng Anh. Và, chưa chắc có những HS học ngoại ngữ 1 dùng để đi thi. Ví dụ, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, đại học vừa qua, có những em học ngoại ngữ 1 tiếng Anh nhưng có thể thi tiếng Trung hay Pháp.
Ông có lời khuyên gì đối với cha mẹ học sinh?
Hiện nay vẫn đang là giai đoạn Bộ GD&ĐT thí điểm dạy tiếng Hàn, Đức là ngoại ngữ 1 nên cha mẹ HS cứ yên tâm. Bộ GD&ĐT quy định ngoại ngữ 1 để nhấn mạnh môn học bắt buộc, còn lựa chọn để học hay không là do HS.
Việc phụ huynh chọn cho con học ngôn ngữ nào thì phải có mục đích, mục tiêu. Ví dụ, HS học tiếng Đức để sau này sang Đức du học. Hay, HS chọn tiếng Đức là ngôn ngữ thứ 2 để biết thêm 1 ngoại ngữ nữa. Hoặc là HS yêu văn hóa Đức, con người Đức và muốn tìm hiểu thì đăng ký học tiếng Đức. Việc học ngoại ngữ nào trong 7 ngoại ngữ bắt buộc hoàn toàn là do các em có nguyện vọng để thực hiện được mục tiêu của mình.
Xin cảm ơn ông!
Thí điểm dạy tiếng Hàn: Phụ huynh TP.HCM đồng tình, giáo viên lo nguồn nhân lực Dư luận xôn xao trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào nhóm Ngoại ngữ 1 để giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Bộ GD&ĐT vừa ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/2/2021. Trong quyết...