Vì sao bệnh lao là “kẻ giết người hàng đầu”?
Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao hằng năm trên toàn cầu.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương thăm khám cho người dân
Cứ mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh lao trên toàn cầu. Do đó, bệnh lao được mệnh danh là “kẻ giết người hàng đầu” trong các bệnh truyền nhiễm.
Còn tại Việt Nam, hiện nước ta có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Mỗi năm nước ta có khoảng 12.000 người tử vong do bệnh lao. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân lao phổi có vi trùng lao trong đờm. Đường lây truyền chủ yếu là qua hô hấp. Người bị lây do hít phải những hạt nước bọt nhỏ li ti có chứa vi trùng lao của những người bị lao phổi bắn ra môi trường xung quanh khi ho, khạc, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện.
Người bị lao phổi có ho, khạc ra vi trùng lao, sau 1 năm có thể làm cho 10-15 người bị nhiễm lao và 10% số nhiễm đó có thể trở thành bệnh lao.
Biểu hiện điển hình của bệnh lao
Những người bị mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu); người bệnh gầy, sút cân, kém ăn, mệt mỏi, có sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, kèm theo có đau ngực, đôi khi khó thở.
Video đang HOT
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi
Khi có các biểu hiện như trên, người bệnh cần đến ngay các trạm y tế, các trung tâm y tế huyện, thành phố khám, xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu bị mắc lao sẽ được điều trị theo chỉ dẫn và giám sát chặt chẽ của thầy thuốc. Thuốc chữa lao hiện đã được cấp miễn phí.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh lao
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, bệnh lao tuy nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng bệnh. Vì thế, cha mẹ nên cho trẻ sơ sinh đi tiêm vaccine lao theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chẳng may bị bệnh lao, người bệnh phải điều trị càng sớm càng tốt để mau khỏi bệnh, tránh lây lan cho những người trong gia đình và những người xung quanh.
“Bệnh lao là bệnh lây truyền, không phải bệnh di truyền và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Do đó, khi có những biểu hiện ho khạc trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi thì người trong cuộc nên tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khuyến cáo.
Mọi người nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; ăn uống dinh dưỡng hợp lý; thường xuyên luyện tập để tăng cường sức khỏe. Những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người nhiễm HIV… rất dễ bị bệnh lao, do đó phải thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao.
Nỗ lực giảm gánh nặng bệnh lao
Trên hành trình thực hiện cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Việt Nam còn đối diện với rất nhiều nỗi lo trong đó có lao đa kháng thuốc và việc tăng nhanh tỉ lệ lao ở trẻ em.
Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ảnh: ST
Nỗi lo kháng đa thuốc
Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Theo đó, mỗi năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100 nghìn người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 57%, còn tới 43% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và báo cáo trong cộng đồng.
Đặc biệt, vấn nạn mà nước ta đang phải đối mặt theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia là tình trạng lao đa kháng thuốc. Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao trong cơ thể người bệnh kháng lại với một hay nhiều loại thuốc chống lao.
Khi bị kháng thuốc, thuốc không có tác dụng với vi khuẩn lao, việc điều trị không hiệu quả. Cụ thể, dù đang trong quá trình điều trị song các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm ở người bệnh không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi xuất hiện trở lại với các biểu hiện tăng nặng hơn, nguy hiểm hơn ban đầu khi mới phát hiện bệnh.
Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.
Nếu bị bệnh lao đa kháng thuốc, người bệnh sẽ dễ mắc các biến chứng nguy hiểm tổn hại nặng nề đến sức khỏe, nguy cơ tử vong cao. Ngoài việc khó khăn, tốn kém, mất nhiều thời gian hơn nhiều trong điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng.
"Bình thường, bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị 6 tháng, tỷ lệ khỏi bệnh cao trên 90%. Nhưng với lao đa kháng thuốc, việc điều trị khỏi bệnh khó khăn hơn nhiều. Ngoài phải tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, thời gian điều trị cũng phải kéo dài hơn và phải dùng nhiều loại thuốc hơn, chi phí tốn kém hơn, song tỷ lệ khỏi bệnh cũng thấp hơn", ông Nhung lo ngại.
Phân tích nguyên nhân của việc lao đa kháng thuốc vẫn hoành hành, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, phần lớn là do bệnh nhân lao không tuân thủ theo đúng phác đồ và thời gian điều trị. Một số bệnh nhân sau một thời gian điều trị thấy sức khỏe ổn định, không còn triệu chứng của bệnh lao nên nghĩ đã khỏi bệnh, tự ý ngừng hẳn không uống thuốc, hoặc có uống nhưng không chú trọng. Có bệnh nhân do sức khỏe yếu, khó chịu với những tác dụng phụ của thuốc nên không uống hoặc bớt thuốc, uống không đủ liều lượng đã được kê. Có bệnh nhân thì do thời gian điều trị lao kéo dài trong khi hàng ngày vẫn phải bận mải lao động kiếm tiền duy trì cuộc sống, không có điều kiện tuân thủ nghiêm việc điều trị.
Do tính chất nghiêm trọng của lao đa kháng thuốc nên thời gian qua, công tác sàng lọc, phát hiện bệnh lao đa kháng thuốc được ngành Y tế và cả hệ thống phòng, chống lao của tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, theo ông Nhung, việc sàng lọc và gửi các đối tượng lao đa kháng thuốc đến cơ sở điều trị còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, thực trạng việc quản lý bệnh nhân lao đa kháng thuốc còn gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp của bệnh nhân không tốt. Việc quản lý, cấp phát thuốc và giám sát bệnh nhân dùng thuốc cũng còn lúng túng, chưa đạt yêu cầu.
Chưa kể, theo Giám đốc Nguyễn Viết Nhung, tại Việt Nam, hiện có 60% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa- nghĩa là dành hơn 20% thu nhập của gia đình cho việc điều trị.
"Khác với bệnh khác, điều trị lao cần thời gian dài, ít nhất là sáu tháng, thậm chí đến hai năm nếu là lao kháng thuốc, có những bệnh nhân không kiên trì, không tuân thủ điều trị nên dễ tái phát. Do vậy, nguy cơ lây bệnh sang những người khác rất cao", ông Nhung nêu.
Khó khăn điều trị lao ở trẻ em
Theo các chuyên gia y tế, cại các nước có gánh nặng bệnh lao cao, trẻ em mắc lao chiếm 10-11% tổng số những trường hợp bệnh lao mới mắc hàng năm. Cụ thể, số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017 cho thấy, có khoảng một triệu trẻ em bị mắc lao, gần 650 trẻ em chết vì bệnh lao mỗi ngày, trong đó 80% trước khi đến sinh nhật lần thứ năm.
WHO cũng ước tính, có khoảng 9% các trường hợp mắc lao ở Việt Nam được tìm thấy ở trẻ em dưới 15 tuổi (khoảng 10.800 bệnh nhân) vào năm 2015. Theo bác sỹ Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh lao ở trẻ em khó nhận biết bởi biểu hiện thường giống với các bệnh hô hấp thông thường khác với các biểu hiện ho sốt, về chiều sốt thất thường, ăn kém, ra mồ hôi trộm, gầy sút cân, không tăng cân.
Các thể lao thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số là lao sơ nhiễm và các thể lao sau sơ nhiễm, ví dụ như lao phổi, lao hạch, lao màng não, lao kê, ...
Còn ông Nguyễn Viết Nhung, bệnh lao ở trẻ em là một bệnh khó vì các triệu chứng lâm sàng ở trẻ em không rõ ràng, trẻ cũng chưa nhận thức được tình trạng bệnh lý của mình. Bên cạnh đó, số vi khuẩn ở trẻ em mắc lao ít.
Cũng theo ông Nhung, các ước tính mới nhất cho thấy 36% bệnh nhân lao bị mất tích, nghĩa là có khoảng 3,6 triệu bệnh nhân lao có thể không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Do đó, việc tìm kiếm và điều trị tất cả các trường hợp mắc lao bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên là ưu tiên hoạt động khẩn cấp, đặc biệt là ở các nước có gánh nặng bệnh lao cao. Điều này sẽ giúp trẻ em tránh được được những biến chứng nguy hiểm như mù lòa, động kinh, teo cơ, bại liệt, gù vẹo cột sống...
Để giải quyết bài toán thanh toán lao ở trẻ em, ông Nguyễn Viết Nhung cho hay, Việt Nam cần phải phối hợp với hệ thống mạng lưới bác sỹ nhi khoa, tất cả các phòng khám nhi khoa kể cả phòng khám tư nhân để làm sao các bệnh nhi được tiếp cận theo đúng phác đồ điều trị của chương trình chống lao quốc gia.
Với gánh nặng bệnh nhân lao kháng thuốc theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sỹ, phải uống thuốc đủ liều, đúng phác đồ và thời gian điều trị. Bệnh nhân lao đa kháng thuốc cần phải được theo dõi, giám sát quá trình điều trị chặt chẽ.
"Người bệnh cần ý thức trong sinh hoạt như không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng. Với người chưa mắc bệnh, khi ho kéo dài hơn 2 tuần hoặc trong gia đình có người đã từng bị lao, thường tiếp xúc với người bị bệnh lao cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh", chuyên gia này nhấn mạnh.
Phát hiện sớm và điều trị bệnh lao cho người dân vùng cao Lai Châu Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, đẩy mạnh triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh lao cho người dân trên địa bàn, nhằm tăng tỷ lệ phat hien sớm va điều tri bệnh lao kịp thời. Mỗi năm, Lai Châu phát hiện khoảng 100 bệnh nhân lao mới và tỷ lệ bệnh nhân lao chung của tỉnh 35/100.000 người....