Về Quảng ăn ‘con chi chi ri bây’, ông ăn bà khen nức nở
Nhiều người Quảng Nam thấy hình dáng kỳ dị của con sâu biển ( sá sùng, giun biển, địa sâm…) đã thốt lên “con chi chi ri bây”. Mà lỡ ăn rồi thì hầu như ai cũng ghiền!
Sá sùng xào thơm ẢNH: QUANG VIÊN
Đúng là những ai “yếu bóng vía” sẽ không can đảm ăn con sá sùng, khi còn ngọ nguậy trông nó rất dễ “nổi da gà”, nhưng thời xưa nó là sản vật tiến vua. Sá sùng từng được coi như bột ngọt tự nhiên của những quán phở gia truyền. Xưa và nay các ông còn truyền “bí kíp” tẩm bổ bằng sá sùng để “bà khen” nức nở.
Trong khi đó, khoa học đã chứng minh: Thịt sá sùng chứa 17 nguyên tố khoáng, 8 loại a xít amin không thay thế và 10 loại a xít amin thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người. Y học cổ truyền cho biết con địa sâm này chủ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí. Cho nên không lạ nếu có ai lỡ “nhắm mắt” ăn đại một lần rồi mong chờ đến lần tiếp theo.
Tôi tin loài nhuyễn thể sống chui dưới đất này đạt kỷ lục về tên gọi. Sá sùng, sâu biển, giun biển, địa sâm, bi bi, đồn đột, chặt khoai… đều dùng để chỉ nó. Nhiều tài liệu cho biết loài giun đặc sản này có ở các bãi biển Quảng Ninh, Nha Trang… Nhưng, thật ra các sông gần cửa biển Quảng Nam cũng có. Gần đây, những người khai thác phi (một loài nhuyễn thể hai mảnh) trên sông Trường Giang, đoạn chảy qua xã Tam Tiến đến cửa An Hòa, thuộc H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã bắt được khá nhiều sá sùng.
Phần lớn sá sùng tại đây được thương lái gom với giá 100.000 đồng/kg tươi để xuất đi nơi khác. Tuy nhiên, đặc sản kỳ dị trời cho này cũng được dân sành ăn mua về chế biến làm món lai rai. Khô sá sùng nướng lên thơm phức, ngọt hơn cả mực. Tẩm bột chiên, nấu cháo, nấu canh, làm nước lèo… đều ngon, bổ dưỡng. Sá sùng tươi có thể xào với các loại rau củ. Dân Quảng Nam khoái nhất là món sá sùng tươi xào hành, thơm (khóm).
Video đang HOT
Sá sùng còn sống phải kỳ công lộn ngược lấy hết cát, chất bẩn trong ruột. Sau đó, cho muối, chanh vào bóp sạch, cắt khúc. Tẩm ướp củ nén (hành tăm), tỏi, tiêu, ớt và tí ti nước mắm nhỉ vào thịt sá sùng, để tầm mươi phút rồi xào vừa chín tới.
Thịt sá sùng rất ngọt nên đừng dùng thêm bột ngọt. Tiếp theo, cho hành, ngò, thơm cắt lát vào chảo, đảo qua vài lần thì đem ăn. Sá sùng tươi xào kiểu này nhai nghe giòn sần sật, vị ngọt đậm đà, mực tươi cũng không sánh bằng. Mùi hành ngò, quyện với hương vị quả thơm làm cho món sá sùng xào thêm “thăng hoa”.
Sá sùng được coi là vị thuốc nên còn dùng loại khô sao vàng tán nhuyễn chiêu nước ấm để uống cải thiện sức khỏe.
Quang Viên
Món ngon ở Hạ Long
Mực hấp ổi, bánh cuốn chả mực hay bún xào ngán là những món ngon có tiếng đang chờ đón du khách tại Hạ Long trong kỳ nghỉ dịp 30/4 sắp tới.
Ngoài các loại hàu, ốc, sá sùng, Hạ Long còn rất nhiều món ngon mà du khách nên thử khi có dịp đến đây.
Mực hấp ổi
Mực hấp lá ổi có đặc điểm là không ra quá nhiều nước. Ảnh: bazan.
Thành phần món này gồm mực loại ngon, nước cốt me và lá ổi. Mực phải là con sáng, ánh xanh, da trơn nhẵn. Sau khi sơ chế sạch sẽ, đầu bếp lót lá ổi dưới đáy nồi, tiếp là mực, nước cốt me và thêm lớp lá ổi khác. Thời gian hấp chỉ khoảng 10 phút, đến khi những con mực chuyển sang tím thẫm và co lại.
Sử dụng lá ổi làm nguyên liệu khiến món này có vị chát đặc trưng, lại thêm chua nhẹ từ nước me, phù hợp ăn cùng cơm hoặc chấm mắm gừng ớt. Một số địa chỉ gợi ý gồm khu du lịch Bãi Cháy, Vườn Đào, chợ Cái Dăm, Bến Đoan...
Bánh cuốn chả mực
Các quán bà Ngân phố Cây Tháp, Hồng Gai hoặc quán khác gần rạp Bạch Đằng bán nhiều món này. Ảnh: Nguyên Chi.
Điều làm nên nét khác biệt cho món bánh cuốn với nhiều nơi là miếng chả mực chiên vàng. Để có miếng chả ngon, đầu bếp thường chọn loại mực mai còn tươi. Sau khi sơ chế, mực đem giã tay để có độ giòn cần thiết.
Một số nơi còn cho thêm mỡ phần, đá lạnh vào cùng để khi chiên, miếng chả sẽ nở phồng, giòn thơm và ngon hơn. Nước chấm ăn cùng là mắm cay thoảng vị chua ngọt. Ngoài ra, mỗi phần còn có chút rau sống chống ngấy.
Bún xào ngán
Hầu hết các nhà hàng trong thành phố đều phục vụ bún xào ngán. Ảnh: dulichhalong.
Con ngán thuộc họ sò hến, sống trong bùn đất ở biển. Khi mua về, người chế biến dùng dao tách vỏ, lấy thịt, rửa sạch đất cát rồi thái nhỏ. Bún cắt ngắn khoảng sau đó để tơi. Các thành phần khác gồm mộc nhĩ, nấm hương, hành hoa được sơ chế cẩn thận.
Khi có khách, chủ quán bắt đầu phi thơm hành hoa, đổ đĩa bún trộn ngán vào xào, lúc gần chín mới cho các nguyên liệu còn lại. Món này thường ăn nóng cùng hạt tiêu thơm nồng.
Bánh tài lồng ệp
Ngoài ăn ngay, bánh tài lồng ệp có thể rán giòn. Ảnh: Hương Chi.
Bánh tài lồng ệp hình tròn, mềm dẻo, màu nâu, vị ngọt, có vừng trên bề mặt. Thành phần gồm bột nếp, đường phèn hoặc mật mía.
Đầu tiên, bột nếp xay nhuyễn rồi trộn với đường phèn và nhào tới khi dẻo quánh, không dính tay. Lúc này, người chế biến mới đổ bột vào khuôn, hấp khoảng 8 tiếng để bánh chín mềm và thơm. Món này bán gần các đền, chùa như Long Tiên, Trần Quốc Nghiễn....
Diệu Huyền
Bánh mì xíu mại trứng muối, cháo sá sùng lạ miệng ở Sài Gòn Món cháo với những con sá sùng vừa chín tới, không bị dai mà còn giữ được độ giòn sần sật hay bánh mì xíu mại được bổ sung những viên trứng muối đậm đà là những món ăn đường phố lạ miệng ở Sài Gòn. Bánh mì xíu mại trứng muối lạ miệng Ẩm thực Sài Gòn rất đa dạng và phong...