Về Nha Trang ăn mắm
Các chợ ở Nha Trang có bán đầy đủ các loại mắm, đặc trưng miền biển, nhìn qua một loạt thấy mà thèm.
Các món mắm có thể ăn sống, tuy nhiên tùy theo cách chế biến, có loại mắm ăn sống cũng được mà chưng lên càng ngon. Thử điểm qua vài loại mắm ngon nổi tiếng của Nha Trang – Khánh Hòa.
Bánh ướt chấm mắm ruột – một món ăn hấp dẫn.
Mùa cá thu vào khoảng tháng 2 đến tháng 5. Tùy vùng miền có cách làm mắm khác nhau, nhưng điểm chung phải là cá to, thịt nhiều. Có nơi chỉ dùng muối hột, có nơi dùng muối hầm. Có hai loại mắm cá thu: còn nguyên lát và mắm thu xay.
Mắm cá thu nguyên lát (còn gọi cá mặn) là ướp muối nguyên con cá, đợi khi cá “chín” lấy ra cắt lát bỏ vào hũ. Mắm thu này chỉ có cách chế biến là bằm nhuyễn trộn với thịt heo xay, nấm mèo, gừng, hành lá, chưng cách thủy ăn kèm rau sống, dưa leo.
Video đang HOT
Mắm thu xay là mắm được ưa chuộng nhiều. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Trung, cá thu làm mắm phải tươi, càng tươi mắm càng ngon. Cá mổ bỏ ruột, loại bỏ hết máu nhớt rồi cho vào xoong hoặc thùng, cứ một lớp muối lại một lớp cá sao cho muối chiếm khoảng 30% cá, rồi nén nhẹ, cho thêm nước muối vào xâm xấp cá là được. Sau khi muối được một tháng thì lấy cá ra để làm mắm. Lấy muỗng nạo dọc phần thịt ở hai bên xương sống, bỏ hai lườn đen, rút các gân trắng, gân máu loại bỏ hết, nghĩa là chỉ lấy phần thịt trắng. Gom thịt lại thành nắm một, rồi cầm mỗi nắm ném mạnh tay xuống lòng thau hay thớt, cho đến khi thịt cá thật nhuyễn. Sau đó cho vào cối giã. Cho hỗn hợp dứa chín giã nhuyễn vắt lấy nước, muối bột, đường kết tinh vào cá, tất cả trộn đều rồi cho vào rá vo gạo chà thật kỹ cho mắm lọt xuống dưới rá mới là thành phẩm, tạp chất còn đọng ở trên thì bỏ hết. Đổ mắm vào hũ, thẩu, lọ… đậy kín, sau 20 ngày có thể lấy ra dùng được.
Với mắm thu xay có thể ăn sống bằng cách cho đường, chanh, tỏi, ớt bằm trộn đều. Thịt luộc xắt mỏng kèm rau sống gồm có: xà lách, rau thơm, dưa leo, khế chua, chuối chát… chấm mắm thu. Có thể ăn cuốn bánh tráng, với cơm hay bún.
Ngoài ra còn có món mắm chưng. Mắm thu trộn với thịt nạc vai xay, trứng, nấm mèo xắt sợi, hành, thơm cà, tất cả trộn đều chưng cách thủy. Mắm thu ăn ngon đặc biệt vào mùa lạnh, rất bắt cơm.
Mắm ruột
Mắm ruột được chế biến từ ruột cá bò, cá ồ, cá ngừ, chù, chấm… con cá ngon nhất vào mùa tháng 3. Cách làm mắm ruột tuy đơn giản nhưng rất công phu và phải sạch sẽ. Cá tươi xanh mua về mổ lấy ruột, gạt bỏ chất bẩn, không được rửa nước. Ruột cá cho vào thẩu, bí quyết để làm mắm ngon là vắt lấy máu của mang cá vào thau nước, một lớp ruột cá, một lớp muối. Đậy hũ kín. Đem phơi ngoài nắng khoảng hai, ba ngày là mắm dậy mùi thơm và có thể chế biến ăn được.
Thịt ba chỉ mua về xắt nhỏ, bỏ vào xoong, tao cho đến khi miếng thịt ra hết nước mỡ, teo săn lại mới đập tỏi bỏ vào phi dậy mùi thơm. Cho mắm ruột vào, chờ mắm sôi nổi bong bóng rồi nêm nếm gia vị. Để lửa liu riu một lúc nữa cho mắm sắc lại là ăn được.
Cách chế biến căn bản là vậy, nhưng tùy theo khẩu vị từng gia đình và tùy theo thức ăn kèm. Nếu để chấm cà dĩa thì kho mắm sắc lại, nhưng nếu để chấm với bánh tráng hay bánh ướt thì loãng hơn một chút. Các loại rau “chuyên trị” mắm ruột có dưa leo, cà dĩa, rau sống, chuối chát, khế… Dằm ớt xiêm xanh, gắp miếng cà hay dưa, quệt vào chén mắm có thêm tí thịt ba chỉ hay ruột cá, các vị ngon trộn lẫn từ thịt đến cá, đến mùi của mắm kho… ăn không biết chán.
Giờ đây, mắm ruột lên ngôi ở các quán ăn, nhà hàng. Nhà hàng tự muối mắm. Cũng một công thức từ muối ruột cá cho đến chế biến thành mắm ăn được nhưng mỗi vùng mỗi khác. Chỉ riêng ở Khánh Hòa, mắm ruột Vạn Ninh ăn có vị khác hơn mắm ruột ở Ninh Hòa hay Diên Khánh, Cam Ranh. Có ăn mắm ruột ở nhiều quán mới thấy tính chất đặc trưng vùng miền rất rõ. Nếu người Ninh Hòa kho mắm sắc sệt, vị béo và hơi ngọt thì ở Vạn Ninh hay Cam Ranh mắm ruột kho mặn hơn và ít béo hơn. Đi ra một chút nữa, người Phú Yên lại có cách chế biến khác và ở Quy Nhơn người ta lại chuộng hình thức ăn sống (để mắm chín tự nhiên nhờ phân hủy với muối)
Ở Thành – Diên Khánh có món bánh ướt mắm ruột. Bánh ướt mới tráng còn nóng, bốc khói. Thoa tí mỡ hành, rưới ruộc tôm/thịt, đậu xanh. Chén mắm ruột có thêm ít xoài bằm, dằm ớt xiêm. Ngon tuyệt vời!
Chén mắm ruột kho sắc sệt, dằm ớt xiêm xanh ăn với cơm nguội cũng thấy ngon. Đặc biệt bún lọn hay bánh tráng chấm mắm ruột cũng bá cháy!
Vào ăn cơm ở các nhà hàng Ninh Hòa hay Vạn Ninh, chén mắm ruột luôn được mang lên trước tiên cùng đĩa dưa leo hay cà dĩa. Không hiểu vì nhà hàng có sẵn hay vì muốn kích thích vị giác của khách hàng trước khi các món khác mang ra?
Cá cơm Nha Trang
Hồi còn nhỏ, mỗi khi mẹ đi chợ về, tôi thường xuống bếp ngồi bên cạnh nhìn bà bỏ từng món đồ ra một cái tràng.
Trút túm cá cơm gói bằng giấy báo hay lá chuối ra rổ, mẹ tôi hay nói: "No lòng phỉ dạ là con cá cơm/Không ướp mà thơm là con cá ngát/Liệng bay thoăn thoắt là con cá chim/Hụt cẳng chết chìm là con cá đuối"... Rồi bà giảng giải, đó chỉ là cách chơi chữ của người xưa về tên các loài cá. Cá cơm hiền nhất trong các loài cá, có thể chế biến thành nhiều món, ăn quanh năm không bao giờ chán. Cá cơm có nhiều loại: cá cơm mồm, cá cơm săn, cơm trắng, cơm sọc...
Ảnh: Internet
Ở Nha Trang, cá cơm có quanh năm. Vào mùa, cá cơm không chỉ thấy bán đầy chợ mà còn nhiều điểm ven đường như: từ Nha Trang lên Thành, đường vào Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, ra Đồng Đế, xuống Chụt... có giá khá mềm.
Nói đến cá cơm, người xứ biển nghĩ ngay đến nước mắm hay mắm nêm. Các ngư dân ở Cửa Bé cho biết, cá cơm Nha Trang nhiều và ngon nổi tiếng. Cả luồng cá theo dòng hải lưu đi từ Phú Quốc đến Thanh Hóa, mùa gió đông bắc, cá tấp vô vịnh. Biển ấm nhờ có Hòn Tre che khuất. Cá vô Phú Yên thì đi ngay, thế nhưng cá vào đây ở cả tuần, cả tháng. Trời động vẫn có cá. Ngày xưa cá nhiều lắm, Cửa Bé là nơi làm nước mắm lớn nhất của Khánh Hòa. Biển Nha Trang là vùng cát, con cá làm mắm mùi thơm ngót và thanh hơn cá Phú Quốc hay Phan Thiết, mấy nơi đó biển bùn, con cá có mùi bùn, không thanh. Việc làm mắm từ cá cơm rất quen thuộc với nhiều gia đình ở Nha Trang, họ tự làm mắm để ăn, vừa đảm bảo chất lượng lại vệ sinh.
Với cá cơm, theo tôi, một món rất quen thuộc của người Khánh Hòa là nấu canh chua. Có người thích ăn cá cơm để nguyên đầu vì theo họ, đầu cá cơm mới có vị béo, ngon. Cũng là kiểu nấu chua như các loại cá khác, tuy nhiên, canh chua cá cơm có vị thanh tao, nhẹ nhàng, dễ chịu. Ăn canh chua cá cơm không tận hưởng được vẻ ung dung, nhàn tản khi gắp con cá bỏ ra đĩa nước mắm nguyên chất dằm ớt xiêm rồi vẽ cá, mà chỉ là gắp con cá rồi chấm mắm. Tuy nhiên, có người lại thích vì ăn như thế mới tận hưởng được hết vị ngon của loại cá bé nhỏ này. Bằng chứng cho việc thích ăn cá cơm nấu theo kiểu canh là bạn có thể gặp xoong nước cá cơm nấu mẳn tại các hàng bánh căn ở Cửa Bé mà không phải nấu với cá thu ngừ, bò, chù, chấm... Đây là làng chài xưa giờ, họ biết cách chế biến cá nào hợp với món nào nên bảo đảm làm nên sự khác biệt thú vị.
Cá cơm ngon nhất và phổ biến nhất là kho, mùa nào ăn cũng ngon. Dân Nha Trang thường kho cá cơm săn, ăn ngon hơn các loại cá cơm khác. Kho cá cơm cho keo là cả một bí quyết, phải có kinh nghiệm. Thường ở các nhà hàng họ kho keo, con cá cong, nhìn qua đã thấy thèm. Cá cơm kho keo ăn với cơm, đặc biệt với xôi rất ngon. Ở đường Ngô Sĩ Liên có một hàng xôi cá rất ngon. Hồi con tôi học cấp 2, 3, có những giờ học thêm vào buổi chiều, tôi thường ghé đây mua cho cháu một hộp ăn dằn bụng. Nhiều người còn thích ăn cá cơm kho bỏ vào bánh mì. Vào mùa cá cơm mồm, nhà tôi có ngay món cá cơm tẩm bột chiên. Đây là món dễ làm và ăn không biết chán.
Trong siêu thị ở Sài Gòn, tôi ít thấy cá cơm săn mà thường là cá cơm trắng, con lớn, thịt trong. Tôi chỉ thích cá cơm săn nên mỗi khi về Nha Trang tôi thường kho nồi cá mang vào. có khi ghé đường Ngô Sĩ Liên mua vài ký vừa ăn và để biếu.
Mùa này Sài Gòn hay mưa vào buổi chiều khiến tôi thèm món xôi cá Nha Trang quá đỗi. Tôi không tìm đâu ra cá cơm săn như ở Nha Trang. Nếu có thấy, tôi chắc chắn nồi cá cơm Sài Gòn không thể sánh bằng.
Bây giờ cá cơm còn được chế biến thành nhiều món như: cá cơm sấy giòn, rim với ớt, tẩm gia vị, cá cơm khô... Nhưng với tôi, cá cơm nấu canh chua và kho cũng đủ thèm rồi. Mà phải cá cơm Nha Trang mới đúng điệu!
Đậm đà cà mắm Quảng Kim Quảng Kim là vùng đất bán sơn địa của huyện Quảng Trạch, nơi có nhiều phong cảnh sơn thủy hữu tình, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Ngoài ra, văn hóa ẩm thực Quảng Kim còn chứa đựng những nét độc đáo, riêng có. Trong các món ăn do người Quảng Kim chế biến từ dưa, cà,...