Vay và cho vay có trách nhiệm để đẩy lùi tín dụng đen
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh hành lang pháp lý được hoàn thiện, việc người đi vay và cho vay có trách nhiệm hơn để hạn chế rủi ro chính là phương thức quan trọng để tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Ảnh minh họa.
Người đi vay cần có trách nhiệm để hạn chế rủi ro
Anh Phan Văn Th. (Hà Nội) cho biết, vừa mới quyết định vay công ty tài chính (CTTC) thêm 20 triệu đồng để đổi xe máy mới. Cân đối được khả năng tài chính, anh Th. cho hay, đã xác định được thời gian trả nợ và lãi suất ở mức chấp nhận được.
“Điều quan trọng nhất, là phải trao đổi kỹ càng về những quy định trước khi ký hợp đồng vay vốn tiêu dùng, ý thức rõ trách nhiệm của người vay trong việc lên kế hoạch chi tiêu để trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh lãi phạt”, anh Th. chia sẻ kinh nghiệm.
Là một người đã từng vay tiêu dùng của CTTC, chị Nguyễn Ngọc K. ( Bình Dương) cho biết, tháng sau sẽ ký hợp đồng vay tiêu dùng với một CTTC để sửa nhà. Cùng với khoản tiền tiết kiệm ba năm qua, hai vợ chồng chị sẽ vay thêm 60 triệu đồng. Chị K chia sẻ: “Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi các cơ quan quản lý ban hành thêm các quy định nêu rất rõ trách nhiệm của CTTC trong việc cho vay”.
Còn về lãi suất, theo chị K, vì là vay tín chấp không có tài sản bảo đảm, nên phải chấp nhận mức lãi suất cho vay cao hơn lãi vay ngân hàng. “Tuy nhiên, thời gian qua, do đã từng vay tiền tại CTTC, có lịch sử trả nợ tốt, tôi được ưu đãi, được thỏa thuận về lãi suất với bên cho vay. Thiết nghĩ, chúng ta nên tự cân đối tài chính của mình như mức lương hằng tháng và các thu nhập khác để xem lãi suất có phù hợp hay không trước khi quyết định vay”, chị K cho hay.
Video đang HOT
Nhận định về vấn đề người đi vay tự trang bị kiến thức và có trách nhiệm với khoản vay như các trường hợp kể trên, các chuyên gia tài chính – ngân hàng đều đồng thuận cho rằng sẽ rất tốt, trước hết là có lợi cho người đi vay. Bởi, khi thiết lập được lịch trình trả nợ, người vay sẽ hoàn toàn chủ động cân đối chi tiêu để thanh toán đúng thời hạn, không bị lãi phạt do chậm trả, không vướng phải những rủi ro, mâu thuẫn không đáng có phát sinh trong quá trình thu hồi công nợ do chây ỳ, trốn nợ.
Đặc biệt, việc nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm hơn khi đi vay cũng là cách để lãi suất cho vay tiêu dùng dần thấp hơn với người vay. Theo lý giải của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, nếu người đi vay có hồ sơ “đẹp” (thu nhập ổn định, thanh toán nợ đúng đủ, không có nợ quá hạn trả, chưa đi vay quá nhiều…), sẽ nhận được lãi suất thấp và ưu đãi hơn.
Cho vay có trách nhiệm để bảo đảm an toàn
Cũng theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang phát triển sâu và vững chắc hơn. Nhất là sau khi Thông Tư 43/2016/TT-NHNN và Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi bổ sung do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC đối với khách hàng, đã tạo tiền đề phát triển ổn định hơn đối với ngành. Bản thân các CTTC đang chủ động kiện toàn để hoàn thiện theo hướng minh bạch, hạn chế rủi ro, an toàn hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit, cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng công tác cho vay có trách nhiệm bằng cách bảo đảm công tác thẩm định khi xét duyệt vay cho đúng đối tượng/người đi vay có nhu cầu. Đồng thời, công ty cũng xét duyệt hạn mức khoản vay nằm trong khả năng trả nợ của khách hàng. FE Credit cũng luôn minh bạch và công khai thông tin về hạn mức tín dụng, khung lãi suất, mức phí liên quan đến khoản vay… trên website công ty lẫn các kênh truyền thông đại chúng”.
Đánh giá về thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian tới, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, chắc chắn sẽ phát triển hơn rất nhiều, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Mỗi khách hàng – người đi vay luôn ý thức được trách nhiệm trả nợ trước khi quyết định ký hợp đồng vay tiêu dùng.
“Lời khuyên của tôi cho những người đi vay là hãy có trách nhiệm của mình với tổ chức đi vay. Số tiền trả cho món vay không quá 60% thu nhập của họ h-ằng tháng. Chính bản thân người vay khi đã tính toán, xác định được khả năng cũng như tiến độ trả nợ thì chắc chắn góp phần giúp cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển và sẽ bền vững hơn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đối với CTTC, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thời gian qua, nhiều đơn vị đã luôn nỗ lực trong vai trò là tổ chức cho vay, như tư vấn đầy đủ cho khách hàng trước khi ký hợp đồng vay vốn, thẩm định kỹ càng khả năng tài chính của người vay để khoản vay được sử dụng đúng mục đích…
Đây là những tín hiệu rất tích cực cho thị trường. Rõ ràng, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh khi có sự chủ động về trách nhiệm của cả hai bên là người đi vay – khách hàng và bên cho vay – CTTC trong việc trả nợ và giải ngân vốn.
VIỆT PHONG
Theo nhandan.com.vn
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu triển khai các giải pháp hạn chế 'tín dụng đen'
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản số 10340/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng nhằm hạn chế "tín dụng đen".
Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An ở xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Văn bản nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng theo Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần hạn chế "tín dụng đen"; trong đó chú trọng mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, quán triệt triển khai nghiêm túc trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của Ngân hàng Nhà nước về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính; xem xét áp dụng sâu rộng Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25/02/2019 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân.
Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục rà soát các chương trình tín dụng chính sách để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thí điểm cho vay tiêu dùng; chú trọng phân bổ nguồn vốn vào các khu vực tập trung nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các công ty tài chính tổ chức thực hiện, chấp hành nghiêm các quy định về cho vay tiêu dùng theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019) và các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tuần dụng đối với khách hàng; đảm bảo công khai, minh bạch về lãi suất cho vay tiêu dùng, phí và phương pháp tính lãi; cung cấp, giải thích chính xác, đầy đủ các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng.
Các tổ chức tín dụng tăng cường công tác thẩm định, thực hiện việc kiểm tra trước, trong và sau cho vay; thường xuyên đánh giá khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng; chủ động thực hiện các biện pháp theo thẩm quyền hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có hành vi tiếp tay, thông đồng với các đối tượng cho vay nặng lãi.
Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tuyên truyền, công bố công khai trên trang điện tử của tổ chức tín dụng và các biện pháp truyền thông phù hợp khác nhằm thông tin, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo Thuỳ Dương (TTXVN)
Hạn chế tín dụng đen: Mâu thuẫn từ chính sách? Bất kỳ sản phẩm tài chính nào nếu có thể thay thế tín dụng đen thì chắc chắn cũng hàm chứa rủi ro lớn hơn đáng kể các sản phẩm tài chính thông thường, bởi bản chất tín dụng đen là phục vụ khách hàng vay dưới chuẩn. Hạn chế tín dụng đen: Mâu thuẫn từ chính sách? 2019 đánh dấu một năm...