Vào lớp sớm có phải là nguyên nhân làm trẻ thiếu ngủ, mỏi mệt?
Có nên lùi giờ đi học của trẻ xuống 8h-8h30 để trẻ có thêm nhiều thời gian ngủ hơn, đảm bảo sự phát triển của lứa tuổi là tranh luận của nhiều phụ huynh trong những ngày qua.
Trẻ ngủ ít không phải vì giờ vào học sớm
Trên một số diễn đàn, phụ huynh đang có những tranh luận về thời gian vào học phù hợp cho học sinh. Phụ huynh cho rằng hiện nay các trường tiểu học ấn định giờ vào học quá sớm, có trường yêu cầu học sinh 6h45′ có mặt tại trường để 7h vào học, có trường cho học sinh vào học lúc 7h15′.
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, phụ huynh học sinh ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện nay con chị phải có mặt ở trường lúc 7 giờ sáng. Tính trung bình cháu chỉ ngủ 4-5 tiếng/ngày. Buổi chiều sau khi học chính thì cháu phải đi học thêm, khoảng 8h tối về đến nhà, ăn uống tắm rửa thì 9h. Sau đó cháu ngồi vào bàn học, số lượng bài tập nhiều, có hôm phải học đến 1h sáng, bình thường thì khoảng 12 mới đi ngủ. Sáng ra 5h30 phải dậy chuẩn bị ăn sáng và ra xe buýt tới trường. Mặt cháu nào cũng ngơ ngác vì thiếu ngủ.
“Tình trạng thiếu ngủ triền miền như thế, dù có bồi bổ thuốc thang, ăn uống thế nào cũng rất khó để phát triển hoàn thiện, nhất là chiều cao. Tôi rất mong nhà trường sẽ điều chỉnh giờ học muộn hơn để trẻ con có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn”, chị Lính chia sẻ.
Giải pháp hợp lý không phải là đẩy giờ học lên muộn hơn mà cần cho trẻ đi ngủ sớm hơn. Ảnh minh họa.
Là một giáo viên, công việc của chị Lê Thị Huệ (Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội) còn vất vả hơn. “Sáng tôi phải gọi con dậy từ 5h45′ hoặc 6h sáng để đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, ăn sáng vội rồi đi. Tôi thì 6h45′ phải có mặt ở trường, muộn nhất là 7h, nếu muộn hơn sẽ bị khiển trách. Nếu đề xuất các trường điều chỉnh giờ vào học muộn hơn, tôi rất ủng hộ”, chị Huệ nói.
Tuy vậy, vẫn có những ý kiến không đồng tình và cho rằng các gia đình cần bố trí thời gian nghỉ ngơi của trẻ phù hợp, không nên đổ lỗi cho giờ vào học sớm hay muộn.
Theo PGS.TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, trẻ con ít ngủ đơn giản không phải vì thời gian phải có mặt ở trường sớm quá mà là do trẻ đi ngủ quá muộn. Đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp, áp lực công việc, không gian sinh hoạt trong gia đình chật hẹp, người lớn thiếu hiểu biết và vị kỷ đã làm cho trẻ em sinh hoạt theo lịch của người lớn. Cha mẹ thức đến 11h mới ngủ thì con cũng thức đến 11h. Cha mẹ qua 12h mới tắt tivi, điện thoại, tắt đèn thì tầm đó con cũng mới ngủ.
Ngoài ra, việc trẻ phải làm quá nhiều bài tập, bị cha mẹ ép học thêm (thêm bài tập) cũng là một lý do làm cho trẻ không được đi ngủ sớm. Vậy thì giải pháp hợp lý không phải là tăng giờ học lên muộn hơn mà là cần phải thực hiện cho trẻ đi ngủ sớm hơn. Ví dụ 9h tối là trẻ mầm non và tiểu học phải vào giường đi ngủ.
Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7-8 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9-11h mỗi đêm cho lứa tuổi này. Với những trẻ trong độ tuổi từ 14-17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình cho lứa tuổi này phải từ 9-11h mỗi đêm. Nhu cầu được ngủ đủ giấc với học sinh là rất quan trọng. Nếu không ngủ đủ giấc, những đứa trẻ đang tuổi lớn sẽ không thể tỉnh táo, sáng suốt, tập trung cho việc học.
Video đang HOT
Tình trạng học sinh ngủ gật trong giờ học, nhất là tiết đầu, khiến giáo viên rất vất vả. Càng mắng mỏ, ép buộc, ra lệnh thì học sinh càng căng thẳng dẫn tới chán học, sợ học cũng là yếu tố tác động, làm cho học sinh càng dễ buồn ngủ trong giờ học.
Điều chỉnh giờ học cần được nghiên cứu kỹ
Theo PGS.TS Nguyễn Tùng Lâm, việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi cũng là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và thuyết phục. Việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Làm được như vậy cần trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp. Nhưng điều quan trọng nhất trước khi quyết định thì cần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia, Mỹ, nhu cầu ngủ của thanh thiếu niên là 8 – 10 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, một thanh thiếu niên ở Mỹ trung bình chỉ được ngủ chưa đến 7 tiếng đồng hồ vào những ngày đi học. Phần lớn lý do là vì gần một nửa số trường trung học ở Mỹ bắt đầu giờ học trước 8h sáng, và hơn 85% bắt đầu trước 8h30 sáng.
Thiếu ngủ ở thanh thiếu niên là hệ quả của giờ học sớm đã là một chủ đề quan ngại và gây tranh luận trong suốt hơn hai thập niên. Các quận trên cả nước Mỹ đã băn khoăn trước câu hỏi liệu trường trung học ở địa phương có nên bắt đầu giờ học muộn hơn hay không?
Nghiên cứu về ảnh hưởng của việc bắt đầu giờ học muộn hơn trong 20 năm cho thấy việc trẻ ở tuổi vị thành niên không thể ra khỏi giường trước 8h sáng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập và sức khỏe. Về cơ bản, các em không thể thức giấc hoàn toàn trước thời điểm này là do sinh học của con người – chứ không phải do thái độ. Gần đây xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận về giờ giấc đến trường của học sinh, trong đó nhiều người cho rằng nên lùi giờ vào học.
Tại Nhật, các trường thường mở cửa từ 8h và tiết học đầu tiên trong ngày bắt đầu từ 8h30. Một ngày thường có sáu tiết, cấp tiểu học mỗi tiết 45 phút, trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi tiết 50 phút. Học sinh Nhật thường đến trường từ 8h-8h30, phần lớn học sinh chọn cách đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Tương tự, tại Úc, New Zealand, Phần Lan, giờ bắt đầu học thường là 8h30′.
Tại Hàn Quốc, tiết học đầu tiên thường bắt đầu vào khoảng 8h. Mỗi tiết học sẽ kéo dài 50 phút. Buổi học chiều thường mở đầu từ 1h và kết thúc từ 4h-4h30′. Cũng như vậy, tại Thái Lan, các trường công nước này thường bắt đầu trong khoảng từ 8h-8h30 và kết thúc lúc 15h30-16h. Một số trường quốc tế có thể đưa ra những quy định riêng ngoài khung giờ trên.
Tại Malaysia, các trường học thường bắt đầu sau 7h30′. Ở một số trường tư thục, giờ học có thể trễ hơn, thường vào khoảng 8h. Những năm gần đây, nhiều phụ huynh, chuyên gia nước này cũng có kiến nghịnên lùi giờ vào học.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên: Hãy cho con dừng học trước 10 giờ tối
Nếu con bạn phải học tới 10 giờ tối mỗi ngày mà chưa thể đi ngủ, thì có thể chương trình học được thiết kế có những sai lỗi cần phải sửa.
Là cha mẹ, bạn cần ưu tiên sức khỏe của con cao nhất, cao hơn việc học, và cần có đủ dũng cảm cho phép con dừng lại.
Anh Bùi Khánh Nguyên từng là một giáo viên tiếng Anh, hiệu trưởng trường trung học, nghiên cứu viên quan hệ quốc tế và hiện là diễn giả độc lập về giáo dục. Những bài viết về giáo dục của anh luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh.
Mới đây, chia sẻ quan điểm về giờ học của học sinh Việt Nam hiện nay, anh Khánh Nguyên cho rằng, trường học Việt Nam hiện nay cũng theo xu hướng chung của thế giới là chuyển lên học 2 buổi mỗi ngày. Điều này khác so với thế hệ cha mẹ (những người có thể sinh từ những năm 1980 trở về trước), thường chỉ học 1 buổi mỗi ngày.
"Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là trường học của nhiều nước tuy học 2 buổi sáng - chiều hàng ngày, nhưng học sinh bắt đầu ngày học của mình sau 8 giờ và kết thúc trước 4 giờ. Rất nhiều trường thậm chí bắt đầu lúc 9 giờ sáng và rất nhiều trường kết thúc lúc 3 giờ chiều. Tổng thời gian học ở trường của họ khoảng 6-8 giờ, bao gồm cả giờ nghỉ trưa và câu lạc bộ cuối ngày.
Thật bất công khi người lớn chúng ta muốn duy trì ngày làm việc 8 giờ chuẩn, nhưng lại kéo dài ngày học tập của học sinh phổ thông vì đủ các lý do. Những lý do của việc một ngày học của học sinh dài vô tận chủ yếu đều xuất phát từ người lớn, chứ không phải lựa chọn của học sinh ", anh Nguyên nói.
Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên.
Theo anh, cha mẹ hãy cho con dừng việc học trước 10 giờ tối. Không có lý do gì cần phải học tới 10 giờ tối cả.
"Nếu con bạn phải học tới 10 giờ tối mỗi ngày mà chưa thể đi ngủ, thì có thể chương trình học được thiết kế có những sai lỗi cần phải sửa. Là cha mẹ, bạn cần ưu tiên sức khỏe của con cao nhất, cao hơn việc học, và cần có đủ dũng cảm cho phép con dừng lại, đi ngủ và tìm cách khắc phục những bất cập kèm theo, hơn là gắng sức đóng vai "trò ngoan" một cách vô lý", chuyên gia nói.
Và trong trường hợp con phải học tới 10 giờ tối chưa xong thì phụ huynh có thể thực hiện theo những gợi ý sau đây để thay đổi tình trạng tiêu cực này.
1. Phản hồi với giáo viên: Thông thường giáo viên chủ nhiệm sẽ nắm được các vấn đề của học sinh vì có cơ hội gặp gỡ các em hàng ngày, từ việc các em bị quá tải, thiếu ngủ, trễ thời hạn nộp bài... Một giáo viên chủ nhiệm sâu sát sẽ giữ liên lạc với các giáo viên bộ môn và có thể nắm bắt được khối lượng bài tập trung bình mà học sinh phải làm trong một tuần hoặc trong một ngày. Với những giáo viên kém hơn, họ sẽ không nắm được tổng thể khối lượng công việc, do vậy, mỗi giáo viên bộ môn sẽ giao cho học sinh một lượng bài tập nhất định ở nhà, và không hề biết rằng các thầy cô giáo khác cũng làm như vậy.
Bạn cần nói chuyện với các giáo viên, từ giáo viên chủ nhiệm, tới giáo viên bộ môn, thậm chí ban giám hiệu trường nếu như con bạn vẫn phải học tới 10 giờ mà không vì lý do gì đặc biệt. Nếu bé còn học tiểu học, bạn nên là người trực tiếp trao đổi, còn nếu con bạn đã là học sinh trung học, bạn hướng dẫn con cách phản hồi với các thầy cô trước khi cha mẹ phải trực tiếp can thiệp.
Nhận thức được vấn đề, nêu lên vấn đề với những người có liên quan và tìm cách giải quyết chính là một loại năng lực quý giá trong cuộc sống, mà chúng ta có cơ hội dạy cho các em học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta không hề mong muốn tạo ra những học sinh chỉ biết thụ động chấp nhận sự bất hợp lý trong sự im lặng và chịu đựng.
2. Dạy con các kỹ năng học tập hiệu quả: Thông thường thì bài tập về nhà là một hình thức rèn luyện thêm cho học sinh, khi nó ở mức độ vừa phải, đó là điều tích cực. Càng lên các lớp cao hơn, thời gian học tại nhà của học sinh có thể cần tới 2-3 giờ mỗi ngày.
Do đó, các kỹ năng như quản lý thời gian, sắp xếp một ngày học tập và hoạt động, phương pháp làm việc khoa học, rèn luyện khả năng tập trung khi làm việc là những kỹ năng giúp trẻ trong một thời gian ngắn hơn xử lý được khối lượng bài vở, công việc lớn hơn. Cũng có khi trẻ thức học rất khuya mà thực ra là do làm việc không hiệu quả chứ không hẳn là khối lượng hay chất lượng học tập cao.
Ảnh minh họa.
3. Chấp nhận có ưu tiên, có chính - phụ: Chúng ta đều biết là giáo dục toàn diện là lý tưởng, nhưng trong nhiều tình huống trường học có tính chất nhồi nhét, mà có những nội dung học tập không hữu ích, hãy dũng cảm cho con lựa chọn những gì hữu ích cho bé, hoặc bé thấy thích hơn và dành ưu tiên cho những điều quan trọng. Đừng cố gắng làm học sinh giỏi toàn diện nếu chương trình học bao gồm cả những thứ phi lý, thừa thãi, vô ích. Trong trường hợp đó, hãy chấp nhận có những môn học bé đạt kết quả 9, 10, nhưng cũng có môn học chỉ đạt điểm 5, hoặc thỉnh thoảng thấp hơn nữa.
4. Hãy từ chối với "học thêm cưỡng ép": Có khá nhiều tình huống học sinh phải học thêm theo những đề nghị có tính cưỡng ép. Bạn hãy thẳng thắn từ chối, vì sức lực của con người không phải vô tận. Năng lượng của trẻ trong một ngày là hữu hạn, trẻ cần được học tập, hoạt động, nghỉ ngơi đúng khoa học để phát triển bình thường, lành mạnh và tái tạo năng lượng. Việc thường xuyên thức khuya để học bài chỉ làm cho trẻ kiệt quệ sức lực vào ngày hôm sau và hôm sau nữa.
Các thống kê cho thấy số giờ học trung bình trong một năm học của học sinh ở nước có số giờ học cao tới 1.200 - 1.400 giờ/năm không hề tốt hơn học sinh chỉ học 600 - 800 giờ/năm. Điều đó có nghĩa là, số giờ học tăng lên mang lại kết quả học cao hơn ở một mức độ nào đó, ví dụ tới 1.000 giờ/năm, nhưng khi vượt qua ngưỡng đó thì kết quả ngược lại. Do vậy, thời gian học vừa đủ sẽ là tối ưu với trẻ, và mỗi trẻ sẽ có mức độ đáp ứng khác nhau, thay đổi theo từng lứa tuổi. Cái giá của việc học vượt "ngưỡng" chính là sự mất mát sức khỏe, sự phát triển thể chất, mức độ tập trung, sự lanh lợi, niềm vui học tập...
5. Cân bằng một ngày học bằng những hoạt động khác: Ngoài việc học, thì trẻ còn cần nhiều hoạt động khác để một ngày được cân bằng. Đó sẽ là thời gian cho vận động thể chất, thời gian cho giải trí, thời gian cho chăm sóc cơ thể - vệ sinh cá nhân, thời gian thưởng thức bữa ăn, thời gian ngủ, thời gian tương tác với gia đình...
Dấu hiệu của một trẻ học nhiều, mất cân bằng có thể là dáng người xộc xệch, thiếu sinh khí, giao tiếp hời hợt, ăn những bữa ăn vội, thiếu ngủ, không năng động, cơ thể ít năng lượng, thụ động, yếu ớt... Chỉ cần có một trong các dấu hiệu như vậy, bạn cần can thiệp để điều chỉnh một ngày cho trẻ được lành mạnh, cân bằng. Không thể cắt xén thời gian của hoạt động này để dành cho hoạt động khác, vì khi người lớn tùy tiện "cắt" ở khúc nào, sẽ tạo ra "lỗi" ngay ở chỗ đó trên chính đứa trẻ.
6. Giúp trẻ xây dựng thói quen tốt: Bỏ được một thói quen xấu tương đương với xây dựng được 3 thói quen tốt. Những thói quen tốt mà trẻ cần có để sống một ngày trọn vẹn hơn đó là: Sống và học tập có thời khóa biểu trong thời gian năm học, xác định được việc quan trọng - ít quan trọng, gấp - không gấp, giờ nào việc nấy, mỗi lúc chỉ tập trung làm một việc, chia nhỏ công việc trong tuần thành công việc cho mỗi ngày, làm việc có mục tiêu...
Những thói quen xấu có thể là trì hoãn công việc phải làm đến phút chót, làm việc không có kế hoạch, không áp dụng phương pháp làm việc hiệu quả, làm quá nhiều việc một lúc, làm việc không tập trung, phân tâm vì mạng xã hội hoặc TV,...
7. Cho trẻ được quyền lựa chọn: Vì sao trẻ có động lực hơn một trẻ khác khi cùng làm một công việc? Là vì trẻ có động lực khác nhau, có mối quan tâm khác nhau, và sự say mê khác nhau. Khi trẻ được lựa chọn điều chúng thích, chúng thường có động lực tự thân cao hơn, tự giác hơn, có kỷ luật hơn, và kết quả do vậy tốt hơn.
Giáo dục càng cưỡng ép càng có kết quả thấp, ngược lại càng cho phép người học lựa chọn, càng tạo ra sự đam mê và tập trung. Thời gian của tất cả chúng ta là hữu hạn, bằng việc lựa chọn những gì mình quan tâm, chúng ta tối ưu hóa việc học cho trẻ em: học trong sự tập trung và đam mê là hình thức học có chất lượng và hiệu quả cao nhất.
Giờ học tại các quốc gia trên thế giới Các trường có thời gian bắt đầu và kết thúc khác nhau, tùy khu vực. Giờ học ở các quốc gia thường khác nhau. Tại Phần Lan, trẻ bắt đầu vào học từ 9 giờ hoặc 9 giờ 45 phút. Trong khi đó, tại Italy, giờ học bắt đầu từ 8 giờ và kết thúc lúc 13 giờ 30 phút. Thời khóa biểu...