“Vẫn nhức nhối tình trạng thi hành án nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh”
Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) vừa đánh giá, trình trạng cố tình làm trái quy định pháp luật để trục lợi hoặc nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn khá nhức nhối, nhất là ở cấp Chi cục Thi hành án dân sự.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến của toàn ngành mới đây.
Ông Hoàng Sỹ Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự vừa ký văn bản gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước để chấn chỉnh, nhắc nhở về công tác cán bộ.
Theo phát hiện của Tổng cục Thi hành án dân sự, nhiều địa phương không xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác nên đã thực hiện việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác một cách tuỳ tiện, không chú trọng công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức nên không tạo được sự đồng thuận, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, tiềm ần nguy cơ bất ổn trong đơn vị
“Có nơi có biển hiện lạm dụng việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác để kéo bè cánh hoặc trù dập cán bộ. Thậm chí một số địa phương còn có biểu hiện tiêu cực trong việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, lợi dụng để điều động công chức là con, em được xét tuyển vào cơ quan thi hành án dân sự thuộc khu vực được xét tuyển về địa bàn không được xét tuyển khi chưa đủ thời gian công tác 5 năm tại đơn vị xét tuyển. Rất nhiều địa phương không thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, để cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quá lâu tại một đơn vị dẫn đến tình trạng chuyên quyền, độc đoán, thậm chí vi phạm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng không bị phát hiện”- văn bản của Tổng cục Thi hành án nêu rõ.
Qua thực hiện chuyển đổi vị trí công tác trong năm 2016, nhiều vi phạm đã được phát hiện, trong đó có những vụ việc Tổng cục Thi hành án dân sự đã phải có văn bản đề nghị cơ quan công an điều tra xem xét trách nhiệm hình sự ở Đồng Nai, Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang,…
Trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, Tổng cục Thi hành án cũng đánh giá chưa được thực hiện bài bản, nề nếp, nhiều địa phương thực hiện quy trình bổ nhiệm lại chậm so với quy định. Có địa phương đề nghị bổ nhiệm lại sau khi đã hết thời hạn được bổ nhiệm làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị như ở Kon Tum, Hà Giang, Gia Lai, Nam Định,… Một số địa phương đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức đang có vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ như ở tỉnh Tây Ninh, công chức vừa hết thời gian thi hành kỷ luật (Trà Vinh, Cà Mau) hay đang trong thời gian thi hành kỷ luật như ở Quảng Ngãi, Hưng Yên.
Bên cạnh đó một số địa phương còn bổ nhiệm công chức thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Một số địa phương đề nghị bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển hoặc cử công chức không đủ 3 năm làm công tác pháp luật tham gia thi tuyển chấp hành viên (Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng, Long An). Cá biệt ở Bình Định còn bổ nhiệm kế toán, lái xe làm thẩm tra viên.
Ông Hoàng Sỹ Thành khẳng định, kỷ luật kỷ cương tại một số địa phương bị buông lỏng.
Video đang HOT
“Tình trạng công chức cố tình làm trái quy định pháp luật để trục lợi hoặc nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án vẫn còn khác nhức nhối, nhất là ở cấp Chi cục”- ông Thành nhấn mạnh trong văn bản mới ký duyệt.
Trong khi đó, công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại một số địa phương chưa được chú trọng, nhiều vi phạm diễn ra trong thời gian dài không được phát hiên hoặc khi phát hiện sai phạm lại không chỉ đạo xử lý kỷ luật kịp thời nên đã dẫn đến tình trạng hết thời hạn, hết thời hiệu xử lý kỷ luật như ở Đồng Nai, Bình Dương.
Một số địa phương thiếu kiên quyết trong việc xử lý kỷ luật đối với công chức vi phạm, kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật chưa tương xứng với mức độ, hành vi vi phạm nên không đảm bảo tính răn đe, giáo dục như ở tỉnh Phú Thọ, Cà Mau.
Chính vì thế, ông Hoàng Sỹ Thành yêu cầu Cục trưởng Thi hành án dân sự địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo mọi hoạt động của đơn vị phải thực hiện theo Quy chế công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và được bàn bạc, thống nhất trong tập thể lãnh đạo, trong cấp uỷ và đơn vị.
Tăng cường kỷ luật kỷ cương, quán triệt nghiêm Chỉ thị số 01/CT-BTP của Bộ Tư pháp về tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống thi hành án dân sự. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức, tác phong, lề lối làm việc cho cán bộ, công chức trong đơn vị.
“Phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm sát, giám sát các mặt công tác. Xử lý nghiêm, kịp thời đối với công chức có sai phạm, kiên quyết không để tình trạng quá thời hiệu thời hạn xử lý kỷ luật. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chủ động đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, đồng thời thông tin kịp thời đến truyền thông báo chí, nhất là các vụ việc do đơn vị tự kiểm tra, phát hiện và xử lý”- ông Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh.
Thế Kha
Theo Danviet
"Xử nghiêm cán bộ thi hành án nhũng nhiễu người dân"
Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) khẳng định quan điểm xử lý nghiêm minh những cán bộ thi hành án có thái độ nhũng nhiễu người dân khi thi hành công vụ.
Ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Ảnh: Bộ Tư pháp).
- Tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2017 cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói rằng nhìn vào kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án lớn thì chưa biết khi nào mới kết thúc. Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ làm gì để đẩy mạnh việc thu hồi tài sản trong các vụ án này?
- Chúng tôi sẽ phải tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án, truy tìm tài sản để thi hành án. Tới giai đoạn thi hành án dân sự thì các chấp hành viên phải đi xác minh tài sản thường xuyên, liên tục. Bất cứ khi nào có manh mối về tài sản của đương sự đều phải đi xác minh. Tuy nhiên, xác minh của chấp hành viên là dân sự nên cần sự phối hợp của nhiều đơn vị và điều đó gây ra chuyện rất mất nhiều thời gian, tiến độ bị chậm, thậm chí gây khó khăn cho chấp hành viên.
Việc thứ hai là tiếp tục xử lý các tài sản đã kê biên và nội dung bản án mà tòa đã tuyên. Từng tài sản có khó khăn, vướng mắc gì đều phải xử lý. Như trong vụ Vinalines có đối tượng thi hành án ở Hải Phòng, khi xác minh mới biết tài sản nằm trong một khu đô thị mới chưa có gì cả nên truy tìm để xử lý mất nhiều thời gian, khó khăn.
Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như (TPHCM), có nhiều tài sản án sơ thẩm tuyên nhưng bây giờ đang ở vào giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan điều tra vẫn đang làm, hồ sở ở cơ quan tố tụng, chưa bàn giao cho cơ quan thi hành án nên rất khó dù cơ quan thi hành án đã lập tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ, giải quyết từng khó khăn một.
Trước những khó khăn trong việc thu hồi tài sản các vụ án lớn, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản của người phạm tội trong quá trình tiến hành tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra nhằm ngăn chặn kịp thời bị can, bị cáo tẩu tán tài sản. Điều này rất quan trọng nhằm đảm bảo khả năng thu hồi nhiều nhất tài sản sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực và được thi hành án về sau.
- Năng lực, hạn chế của cán bộ thi hành án dân sự có ảnh hưởng tới kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án lớn thời gian qua?
- Có thể khẳng định rằng vài năm trước có chuyện đó nhưng tới giờ này không có vì đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự tới các Cục Thi hành án dân sự địa phương rồi.
Chúng tôi cập nhật, báo cáo thường xuyên về tiến độ, đeo bám quyết liệt. Khi báo cáo của cơ quan thi hành án địa phương mà không rõ thì Tổng cục Thi hành án dân sự lập tức xuống xác minh tiến độ; thấy không tiến triển lập tức yêu cầu lên họp xem vướng mắc ở đâu, thẩm quyền của ai...
Cũng có những khó khăn khách quan mà mình phải chờ, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như đang phải chờ cơ quan tố tụng giải quyết tiếp giai đoạn 2 của vụ án, hồ sơ chưa chuyển giao cho cơ quan thi hành án được nên cái đó phải chấp nhận.
- Nhưng thưa ông, con số 96 cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật trong năm 2016 và 14 trường hợp khác vi phạm nghiêm trọng đã được Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự các địa phương đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc cơ quan điều tra phát hiện, đang xem xét trách nhiệm hình sự cũng nói lên khá nhiều điều về ý thức trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thi hành án?
Bên cạnh việc tăng cường nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, Cục trưởng và Chi cục trưởng thi hành án phải chịu trách nhiệm về đơn vị mình, phải đeo bám quyết liệt, xem xét kỹ lưỡng từng hồ sơ, giai đoạn, vụ vướng mắc khó khăn phải lập tổ công tác, lên tiến độ công việc, vướng tới đâu giải quyết tới đó. Nếu vướng mắc ngoài thẩm quyền phải báo cáo lên Tổng cục Thi hành án, lãnh đạo Bộ Tư pháp để họp liên ngành giải quyết, tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả công việc.
Thứ hai, chắc chắn là tăng cường công tác kiểm tra. Kết quả xử lý kỷ luật năm 2016 có nhiều tín hiệu đáng mừng, ở chỗ các đơn vị đã tự kiểm tra, xử lý nghiêm để răn đe và càng ngày càng siết chặt hơn.
Chúng tôi đã chấn chỉnh rất nhiều, đổi mới rất nhiều trong việc này. Đoàn kiểm tra đã về kiểm tra một Chi cục thi hành án rồi thì phải có bản đánh giá thực trạng, án đúng, án sai, cái gì phải chấn chỉnh, khắc phục ngay... Đoàn kiểm tra đã đưa ra kết luận rồi mà sau đó phát sinh "vấn đề" thì đoàn kiểm tra cũng phải chịu trách nhiệm về đánh giá của mình vì không hoàn thành trách nhiệm. Nhiều ràng buộc trách nhiệm như vậy để việc kiểm tra đi vào thực chất.
- Như vậy có thể hiểu quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự là xử nghiêm đối với những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân bị báo chí, dư luận phản ánh hoặc bị người dân khiếu nại, tố cáo?
- Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm cán bộ thi hành án nhũng nhiễu người dân. Trách nhiệm chính thuộc về Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ở địa phương. Cục trưởng không xử lý dứt điểm, không nghiêm thì chúng tôi sẽ truy trách nhiệm luôn.
Rất nhiều vụ việc có thông tin từ lãnh đạo Bộ Tư pháp, từ các ngành, ý kiến của đại biểu Quốc hội hay thông tin từ báo chí đều phải xử lý rốt ráo.
Hiện nay xử lý thông tin từ báo chí được Bộ Tư pháp chỉ đạo xử lý rất nghiêm. Mỗi ngày chúng tôi đều có điểm tin, tập hợp xem có bao nhiêu vấn đề liên quan đến thi hành án dân sự được báo chí phản ánh để yêu cầu cơ quan thi hành án địa phương báo cáo sự việc, xem đúng sai ra sao nhằm có hướng xử lý đến nơi đến trốn. Giao ban hàng tháng cũng đều có kết quả thống kê xử lý như thế nào, tới đâu, rất chặt chẽ, minh bạch.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri
"Người đứng đầu yếu kém việc tiếp dân dẫn tới những khiếu tố bức xúc" Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, năm 2016 và đầu năm 2017 có tới 49/63 địa bàn có công dân đến địa điểm tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành. Ông Hoàng Sỹ Thành -...