Vấn đề đặt ra cho việc sử dụng sách giáo khoa trong giáo dục phổ thông
Việc sử dụng sách giáo khoa của mỗi quốc gia được căn cứ trên quan điểm, chính sách về vai trò và chức năng của sách và năng lực của giáo viên.
Vai trò của giáo viên trong giáo dục phổ thông hết sức quan trọng trong sử dụng sách giáo khoa.
Nền tảng của việc dạy học
Việc sử dụng sách giáo khoa của mỗi quốc gia được căn cứ trên quan điểm, chính sách về vai trò và chức năng của sách giáo khoa cũng như phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ giáo viên trong việc khai thác nguồn học liệu này. Thông thường, sách giáo khoa được xem là tài liệu triển khai chương trình giáo dục trên lớp học dành cho giáo viên và học sinh. Về việc này, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam và nhóm nghiên cứu chỉ ra:
Sách giáo khoa là nền tảng của việc giảng dạy, cụ thể hóa nội dung chương trình với lối trình bày rõ ràng, đơn giản, được sắp xếp theo trình tự và cấu trúc nhất định. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng, từ đặc điểm của các môn học, cấp học, bối cảnh lớp học và trường học có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc sử dụng sách giáo khoa. Thêm vào đó, vai trò của sách giáo khoa cũng thay đổi một cách tự nhiên theo thời gian, thể hiện qua các khía cạnh nội dung và thiết kế.
Trong bối cảnh lớp học, sách giáo khoa được sử dụng cho nhiều mục đích và trong các ngữ cảnh khác nhau. Sách giáo khoa là công cụ hỗ trợ giáo viên và học sinh lập kế hoạch dạy học, giới thiệu nội dung, cung cấp hệ thống hoạt động, bài tập, hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên đạt được mục tiêu môn học. Trong đó 6 chức năng của sách giáo khoa bao gồm: Cấu trúc, trình bày, hướng dẫn giảng dạy, tạo động lực, sự khác biệt, thực hành và đánh giá. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra chức năng tích hợp của sách giáo khoa, ” làm nền cho việc hiểu và tích hợp kiến thức mà học sinh nhận được từ các nguồn tài liệu khác“.
Video đang HOT
Sử dụng sách giáo khoa cần phải như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học.
Thống nhất chung cho thấy việc sử dụng sách giáo khoa như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học và làm cơ sở cho việc dạy và học. Ngoài ra, sách giáo khoa còn có chức năng hỗ trợ các giáo viên mới nhờ cung cấp cho họ một tài liệu giảng dạy chuẩn mực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng không có một quyển sách giáo khoa nào có thể phù hợp với tất cả các đối tượng. Nên chắc chắn sẽ không có cuốn sách giáo khoa nào được coi là mẫu mực, lý tưởng cho mọi giáo viên, học sinh và bối cảnh dạy học. Chính vì thế, khi sử dụng sách giáo khoa cần chú ý đến các yếu tố linh hoạt và thích ứng.
Áp dụng vào thực tế
Nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh cho biết: Thực tế cho thấy, cách tiếp cận của các giáo viên đối với việc sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng. Nhiều giáo viên bị ràng buộc hoặc bị lệ thuộc vào sách giáo khoa, họ tuân thủ các hướng dẫn trong sách giáo khoa, không thực hiện hoặc chỉ thực hiện những thay đổi và bổ sung nhỏ cần thiết để tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa việc dạy. Mặt khác, một số giáo viên linh hoạt hơn, chủ động thay đổi lựa chọn nguồn học liệu hoặc hướng dẫn phù hợp. Việc điều chỉnh sách giáo khoa để phù hợp với nhu cầu người học, cần cân nhắc những ưu nhược điểm trong việc sử dụng sách giáo khoa để từ đó định hướng cách sử dụng phù hợp nhất.
Việc sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng.
Trong quá trình dạy học, việc thích ứng, sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng. Không nên quá phụ thuộc vào sách mà cần thích ứng cho phù hợp với bối cảnh, nhu cầu hứng thú và đối tượng học sinh. Nghiên cứu chỉ ra ở nhiều quốc gia đang phát triển, giáo viên phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa và do đó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến phương pháp sư phạm trong khi các quốc gia phát triển như Phần Lan, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore đã thúc đẩy sự chủ động và vai trò của giáo viên trong việc sử dụng sách giáo khoa.
Thực tế phần lớn các trường học ở Ả Rập đã theo phương pháp lấy sách làm trung tâm. Giáo viên hoàn toàn phụ thuộc vào sách giáo khoa mặc dù chương trình giảng dạy có thể hoặc nên liên quan đến nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Việc giảng dạy thực tế cho thấy giáo viên phần lớn dựa vào các hướng dẫn trong sách giáo khoa. Điều này có một số lý do như áp lực về việc đảm bảo chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục, giáo viên thiếu các kỹ năng cần thiết để sử dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau.
Liên quan đến kinh nghiệm sử dụng sách giáo khoa, nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh dẫn chứng và cho rằng, các giáo viên điều chỉnh và bổ sung các hoạt động phù hợp để tạo môi trường học tập thú vị giúp học sinh tương tác tích cực hơn. Ngoài ra, giáo viên có thể thêm các bài tập để thực hành cho các mạch nội dung quan trọng hoặc điều chỉnh thời gian học cho các đối tượng học sinh. Giáo viên có thể bỏ qua các phần khó hiểu hoặc không liên quan của một bài hoặc trình bày lại các phần của bài để phù hợp với đối tượng học sinh.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, quy trình xuất bản một cuốn sách giáo khoa rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là thái độ của giáo viên và cách giáo viên sử dụng sách giáo khoa trong lớp học. Hiện nay, giáo viên được yêu cầu tạo điều kiện và tự chủ hơn cũng như sử dụng nhiều chiến lược giảng dạy và đánh giá dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu của học sinh. Đây cũng là xu hướng sử dụng sách giáo khoa được các quốc gia phát huy, như ở Nhật giáo viên có một mức độ tự chủ đáng kể trong việc sử dụng sách giáo khoa một cách sáng tạo.
Xây dựng, phát hành và sử dụng sách giáo khoa từ kinh nghiệm quốc tế
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chứng minh việc xây dựng, phát hành và sử dụng sách giáo khoa từ kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam.
Sách giáo khoa ở Việt Nam được đánh giá là đã có hình thức, nội dung tiệm cận với quốc tế.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam và nhóm nghiên cứu của Viện, sách giáo khoa chất lượng có thể hướng dẫn và thúc đẩy phương pháp giáo dục tích cực, giúp quá trình học tập hiệu quả hơn.
Thực tế nước ngoài
Yêu cầu xây dựng nguồn sách giáo khoa chất lượng của bất kì một nền giáo dục nào. Nghiên cứu của nhóm đã chỉ ra những nền giáo dục nổi tiếng về giáo dục như Phần Lan, Thượng Hải và Singapore là những nền giáo dục đầu tư nhiều vào việc phát triển sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc phát triển sách giáo khoa đỏi hỏi một quy trình phức tạp với rất nhiều bước từ việc xây dựng, sản xuất, phân phối sách cho đến cách sử dụng sách giáo khoa trong các lớp học.
Từ thực tế việc phát triển sách giáo khoa ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mĩ và một số nước đang phát triển, có điều kiện kinh tế xã hội gần với Việt Nam. Cho thấy, nền tảng của hầu hết các sách giáo khoa chất lượng là khung chương trình được tổ chức chặt chẽ, bao gồm nội dung về những gì học sinh được học và cách giảng dạy. Tầm nhìn và cách tiếp cận sư phạm cho mỗi sách giáo khoa ở mỗi môn học phải mạch lạc và nhất quán trong toàn bộ chương trình môn học đó.
Các mục tiêu giáo dục, việc thiết kế chương trình tổng thể hoặc chương trình môn học, và nội dung sách giáo khoa phải được cùng phát triển phù hợp, tương ứng với mức độ hiểu biết thực tế của học sinh tại mỗi giai đoạn. Sách giáo khoa quá tải về khái niệm và ngôn ngữ dễ dẫn đến những kết quả kém trong hoạt động của giáo viên và học sinh. Chương trình và sách giáo khoa quá tải với lối diễn đạt vượt quá khả năng tiếp thu và suy luận của học sinh sẽ khiến giáo viên khó có thể áp dụng được các hình thức dạy học tích cực.
Huy động sự tham gia của giáo viên có kinh nghiệm giúp cho người xây dựng chương trình và sách giáo khoa đảm bảo nội dung, cấp độ và thời gian phù hợp, để sách giáo khoa không trở nên quá tải. Từ việc soạn thảo các khung chương trình tổng thể và chương trình môn học, đến việc soạn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy khác, cũng như việc phát triển chương trình giảng dạy nên có sự tham gia của nhiều chuyên gia và những người trực tiếp thực hiện việc giảng dạy sách giáo khoa mới.
Ảnh minh họa/ INT.
Một số trường hợp điển hình
Một trong những đặc điểm của sách giáo khoa Toán của Singapore là việc xây dựng hệ thống chủ đề giảng dạy ngắn gọn, tập trung, không dàn trải. Các sách giáo khoa cung cấp nhiều cách tiếp cận khác nhau trong phần bài học và khối lượng kiến thức vừa đủ cho thời gian quy định cho việc học. Sách giáo khoa tại Singapore được công nhận là công cụ giúp đạt được các thành tựu về giáo dục và học thuật của đất nước này. Điều này một phần là do nền tảng chương trình tốt, trong đó có Chương trình môn Toán cấp tiểu học của Singapore. Chương trình môn Toán bao gồm các mô tả về các hoạt động dạy và học dự kiến.
Tương tự, tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phương pháp giảng dạy toán học "Mô hình - Chiến lược - Ứng dụng" được giới thiệu vào cuối những năm 1990 và được đưa vào trong chương trình tổng thể môn Toán để viết sách giáo khoa đã cho thấy kết quả học tập khác biệt đáng kể giữa các học sinh sử dụng sách giáo khoa mới và những học sinh học theo sách giáo khoa cũ (Wu, 2012). Những nội dung trong chương trình môn học này cũng giúp chỉ ra cho các nhà viết sách giáo khoa và nhà xuất bản sách giáo khoa lượng thời gian giới hạn cho phép cho hoạt động dạy và học với mỗi chủ đề/bài học.
Ở nhiều nước, quy trình thẩm định và phê duyệt được thực hiện dưới hình thức ẩn danh nhà xuất bản để đảm bảo công bằng khách quan. Tại Hong Kong, Trung Quốc, tất cả các bản in của sách giáo khoa được gửi không được chứa bất kỳ tên sách hoặc thông tin nào về nhà xuất bản, tác giả, cố vấn, v.v., để nâng cao tính khách quan và công bằng trong đánh giá sách giáo khoa (Cục giáo dục, Hồng Kông, Trung Quốc 2018). Việc duy trì bảo mật thông tin những bộ sách giáo khoa đề xuất sẽ giúp thúc đẩy sự cởi mở và minh bạch giữa các bên.
Chi phí để có được sách giáo khoa không đơn giản được phản ánh qua chi phí đơn vị được tính toán cho 1 học sinh hoặc qua giá sách được niêm yết. Sách giáo khoa và cả các tài liệu học tập khác có chi phí sản xuất tương đối lớn và lặp lại định kỳ cho tất cả các hệ thống giáo dục. Hệ thống tổng thể về chi phí cho sách giáo khoa cần tính đến các yếu tố quan trọng bao gồm: Tuổi thọ của sách giáo khoa: sách càng tồn tại lâu, chi phí hàng năm đối với hệ thống giáo dục càng thấp; Số lượng sách giáo khoa cần thiết cho mỗi khối lớp; Sự cân bằng giữa số lượng sách giáo khoa có thể sử dụng lại và số lượng sách dùng một lần.
Trên thế giới, không có một mô hình cụ thể nào về mối liên quan giữa mức thu nhập quốc dân và chính sách của chính phủ liên quan đến giáo dục miễn phí. Mặc dù ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Châu Âu, và Bắc Mỹ, hầu hết các hệ thống cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho tất cả học sinh ở các bậc học cơ bản, ở các nền kinh tế có thu nhập cao ở Châu Á như Hồng Kông - Trung Quốc và Singapore, chi phí sách luôn do cha mẹ chi trả. Dù theo hệ thống nào, hầu hết tất cả các quốc gia đều có thêm chính sách đảm bảo rằng các gia đình có thu nhập thấp nhất sẽ được hỗ trợ và cung cấp sách giáo khoa miễn phí. - GS Lê Anh Vinh
Học bằng sách điện tử vì chưa có SGK, GV không thể giao bài tập về nhà cho HS Bước sang tuần thứ 2 năm học mới nhưng SGK chương trình GDPT 2018 vẫn chưa 'cập bến' nhà trường, khiến học sinh loay hoay vì phải... học chay Dù đã bước sang tuần thứ 2 của năm học mới, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, ở một số địa phương, sách giáo khoa, sách chuyên đề, tài liệu giáo dục địa...