Ước mơ trở thành cô giáo của nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh rất khó khăn, song Nguyễn Hà Ly, sinh viên K24A, Khoa Giáo dục Tiểu Học – Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) vẫn quyết tâm nuôi ước mơ trở thành cô giáo.
Nguyễn Hà Ly, sinh viên K24A, ĐH Giáo dục Tiểu học, Khoa Giáo dục Tiểu Học – Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).
Mồ côi cả cha lẫn mẹ
Trong căn phòng nhỏ ở khu ký túc xá, Nguyễn Hà Ly (18 tuổi), tân sinh viên K24A, Khoa Giáo dục Tiểu Học – Trường ĐH Hồng Đức được thảnh thơi hơn mọi ngày do trống lịch học.
Từ sự bỡ ngỡ lúc đầu, Hà Ly đã dần thích nghi với môi trường mới sau 3 tháng học tập ở đây. So với nhiều sinh viên, Hà Ly là nữ sinh dân tộc Mường có hoàn cảnh khá đặc biệt.
Em sinh ra trong gia đình có 5 anh, chị em ở thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh (huyện Như Xuân, Thanh Hóa). So với các anh, chị của mình, Hà Ly là con cùng cha khác mẹ do lúc còn sống bố em đi “thêm bước nữa”.
Khi Hà Ly bước vào lớp 1 cũng là lúc người mẹ thương yêu của mình đổ bệnh. Căn bệnh viêm đa khớp những tưởng không quá nghiêm trọng, nhưng lại khiến mẹ của em không thể đi lại được. Mọi ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của mẹ đều một tay bố em lo liệu, chăm sóc.
“Trong trí nhớ của em, bố là người mẫu mực, luôn yêu thương các con, còn mẹ là một người hiền dịu. Em nhớ nhất là kỷ niệm ngày còn bé, em được bố mẹ cho ra đồng trồng sắn. Khi ấy, mẹ vẫn khỏe mạnh, không bị căn bệnh viêm đa khớp hành hạ”, Hà Ly tâm sự.
Ba năm sau, bố của nữ sinh đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh, để lại người vợ bệnh tật cùng con thơ. Bố mất, các anh, chị đều đi học hoặc làm ăn xa nhà, Hà Ly trở thành người bên cạnh chăm sóc, động viên mẹ.
Những ngày tháng ấy, em được bác ruột (chị gái của bố) thường xuyên giúp đỡ từ chuyện ăn uống, sinh hoạt cho đến chi phí học hành.
Nguyễn Hà Ly và bác gái Nguyễn Thị Hà.
Những tưởng mọi khó khăn, mất mát đều sẽ dừng lại, thế nhưng người mẹ yêu thương của em cũng ra đi sau những ngày tháng chống chọi bệnh tật, khi đó Hà Ly mới học lớp 7.
“Mất đi người thân yêu như mất đi một phần thể xác, thật không điều gì có thể lột tả hết được. Những lúc đau khổ nhất, em luôn được anh, chị, người thân cùng bạn bè ở bên động viên, san sẻ”, Hà Ly nghẹn lòng.
Không còn cha lẫn mẹ bên cạnh, Hà Ly được bác ruột đón về chăm sóc. Mọi chi phí học tập, sinh hoạt hàng ngày của em đều một tay bác gái lo liệu. Nói về người bác của mình, nữ sinh không khỏi cảm kích.
“Em biết ơn bác vì đã luôn yêu thương, chăm sóc em như con ruột của mình. Khi bố mẹ em không còn, bác là người bên cạnh động viên, khích lệ em vươn lên trong học tập, chinh phục ước mơ. Em mong ước sau khi rốt nghiệp sẽ tìm được công việc để chăm lo, phụng dưỡng bác”, Hà Ly chia sẻ.
Video đang HOT
Kể về hoàn cảnh của cháu gái mình, bà Nguyễn Thị Hà (67 tuổi, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân) xúc động: “Thương cháu mồ côi, tôi đón cháu về chăm sóc từ ngày mẹ cháu mất. Ở địa phương, trước giờ tôi cũng chỉ làm ruộng, bán hàng tạp hóa.
Bây giờ tuổi đã cao, thu nhập từ bán hàng tạp hóa chẳng được bao nhiêu, nhưng dù thế nào tôi cũng cố gắng, động viên cháu ăn học nên người”.
Theo bà Hà, các anh, chị của Hà Ly điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, lại làm ăn xa nhà. Mặc dù, cũng hỗ trợ em nhưng cũng chỉ trong khả năng của mình.
Ước mơ trở thành cô giáo
Mặc dù, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, bố mẹ đều đã qua đời nhưng Hà Ly luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, cuộc sống. Ở nữ sinh toát lên sự mạnh mẽ với thái độ sống tích cực, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
“Em đặc biệt thích lời bài hát “Đường đến ngày vinh quang”, trong đó có đoạn: Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn vàn sóng gió…
Em nghĩ rằng, trong cuộc sống sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách phải vượt qua. Vì thế, không được từ bỏ hay gục ngã trước khó khăn, thay vào đó nên đối diện để vượt qua”, Hà Ly nói.
Không phụ lòng mong mỏi của bác gái, Nguyễn Hà Ly đã trúng tuyển vào Khoa Giáo dục Tiểu học – Trường Đại học Hồng Đức với số điểm tương đối cao.
Chia sẻ lý do chọn ngành học này, nữ sinh niềm nở cho biết: “Em nghĩ rằng, sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Bản thân em cũng yêu quý trẻ con, muốn đồng hành cùng các bé”.
Tuy đã trúng tuyển vào ngành học mơ ước, nhưng chặng đường 4 năm đại học đối với Hà Ly không hề dễ dàng khi bố mẹ đã không còn, bác gái ngày một già yếu, các anh chị còn nhiều khó khăn.
Hà Ly lựa chọn học Giáo dục Tiểu học, với mong ước được trở thành cô giáo.
“Mặc dù được nhà nước hỗ trợ, nhưng em cũng rất lo những khoản chi tiêu, tiền mua tài liệu phục vụ việc học, chi sinh sinh hoạt không biết phải xoay sở ra sao. Trong khi bác em tuổi cũng đã cao rồi, không tránh khỏi lúc ốm đau”, nữ sinh trải lòng.
Hiện tại, Hà Ly tham gia CLB sinh viên dạy tình nguyện tại làng trẻ SOS (Thanh Hóa) với mong muốn giúp đỡ các em nhỏ, đồng thời trau dồi thêm kỹ năng. Nữ sinh dự định sẽ làm thêm gia sư khi đã đủ kiến thức để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Ông Lê Văn Hiệp – Trưởng thôn Đức Thắng (xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân) cho biết, gia đình em Nguyễn Hà Ly mặc dù hiện nay không thuộc hộ nghèo tại địa phương, song hoàn cảnh cũng khá khó khăn, bố mẹ mất sớm.
“Hà Ly được bác gái ruột cưu mang sau khi bố mẹ mất. Hầu hết các anh chị của nữ sinh đều đi làm ăn xa nhà, hiện chỉ có một người đang sinh sống ở địa phương nhưng làm nông nghiệp, nên điều kiện kinh tế cũng khó khăn”, ông Hiệp nói.
TS. Lê Hồng Sinh – Phó trưởng Phòng Công tác HSSV, Đại học Hồng Đức, cho biết, Nguyễn Hà Ly, K24A Khoa Giáo dục Tiểu học là nữ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha mẹ.
“Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người, trong đó có em Nguyễn Hà Ly. Hiện tại, Hà Ly đang được nhận trợ cấp xã hội là con em mồ côi với mức 100.000 đồng/tháng, cấp 12 tháng/năm”, ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đối với sinh viên sư phạm, gồm: Miễn giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo với mức hỗ trợ bằng 60% mức lương cơ sở, thời gian cấp là 10 tháng mỗi năm.
Từ năm 2021 – 2022, theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học và chi phí sinh hoạt là 3,63 triệu/tháng, thời gian hưởng hỗ trợ là 10 tháng/năm học.
Mọi thông tin hỗ trợ, xin vui lòng gửi về: Em Nguyễn Hà Ly, K24A, Khoa Giáo dục Tiểu học – Trường ĐH Hồng Đức. SĐT: 0388721363
Cô giáo trẻ với bảng thành tích đáng khâm phục
Tuy tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, song cô Bùi Thị Diệu đã có những thành tích đáng khâm phục.
19 học sinh của cô đã "ẵm" trọn điểm 10 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua.
Cô giáo Bùi Thị Diệu, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Cộng Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: NVCC
Cô "truyền lửa" cho trò cũng chỉ với mong muốn mỗi tiết học là một trải nghiệm lý thú...
Ấp ủ ước mơ làm cô giáo
Đó là câu chuyện của cô Bùi Thị Diệu (SN 1992) - giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Cộng Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chúng tôi gặp cô khi cô vừa dự Lễ tri ân và tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu do Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Nói đến thành tích cá nhân của cô thì ai ai cũng nể phục. Cô vừa là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, lại vừa có những thành tích đáng tự hào ở môn học ít người quan tâm mà cô đang đảm nhận - môn Giáo dục công dân. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua, 19 học sinh của cô đã "ẵm" trọn điểm 10. Ngoài ra, điểm trung bình thi tốt nghiệp môn học này với học sinh các lớp cô giảng dạy cũng đều đạt 8,9.
Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I (chuyên ngành Lý luận Chính trị giáo dục công dân), cô Diệu được về công tác tại Trường THPT Cộng Hòa. Cô dạy môn Giáo dục công dân. Đây cũng chính là ngôi trường cô từng theo học.
Cơ duyên gắn bó nghề giáo đối với cô Bùi Thị Diệu như một lẽ tất nhiên. Cô sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm. Ông ngoại, mẹ và các dì của cô đều làm nghề giáo. Bởi vậy, tình yêu nghề giáo được nhen nhóm trong suy nghĩ của cô khi còn học THCS.
"Tôi yêu những nét chữ ngay ngắn, chỉn chu của các thầy cô. Tôi yêu những cử chỉ dịu dàng, ân cần, tỉ mỉ mà mẹ tôi chỉ dạy học sinh. Có lẽ tình yêu nghề theo năm tháng cứ thế lớn dần lên trong tôi", cô Diệu tâm sự.
Khi được hỏi vì sao chọn chuyên ngành có tính đặc thù này để theo học? Cô Diệu cho biết, đây là môn học cần thiết về nền tảng tư duy cho học sinh. Môn học không chỉ giáo dục về kiến thức, mà còn cả về nhân cách để các em bước vào cuộc sống.
Nhớ lại ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, trở về ngôi trường cũ với biết bao dự định, cô Diệu không giấu được cảm xúc: "Niềm vui trong tôi lúc đó như vỡ òa. Mái trường là nơi nuôi dưỡng ước mơ của tôi. Đặc biệt, là cô giáo chủ nhiệm lớp 12 đã rèn giũa cho tôi từ một cô bé tự ti, nhút nhát đã trở thành một cô giáo tự tin, đứng trước lớp để giảng bài cho học sinh".
Năm 2016, Giáo dục công dân dù được coi là môn thi chính thức trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không ít học sinh vẫn thờ ơ với môn học này. Vì vậy, cô giáo trẻ luôn trăn trở, tìm tòi để mỗi bài giảng thật đặc biệt, sáng tạo giúp học sinh thêm hứng thú học bài.
Trước mỗi giờ lên lớp, cô Diệu thường soạn giáo án, xác định mục tiêu bài giảng. Cô nghiên cứu qua sách báo, tư liệu, sưu tầm những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, cô "bắt trend" trên mạng xã hội để những bài học của mình vừa thực tế, vừa dễ hiểu và tạo được sự hứng thú cho học sinh.
"Do trường chỉ có hai giáo viên phụ trách môn học này ở cả 3 khối lớp nên việc soạn bài làm sao phù hợp với tâm lý, lứa tuổi các em cũng là điều tôi lưu tâm. Học sinh ở mỗi khối lớp có nhận thức khác nhau, bài giảng cũng theo đó có sự thay đổi linh hoạt để không tạo sự nhàm chán. Sau mỗi giờ giảng bài, tôi thấy mình cũng tự học được những điều mới mẻ", cô Diệu bộc bạch.
Cô Bùi Thị Diệu chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh.
Người "truyền lửa"...
Trải qua 6 năm đứng trên bục giảng, dù quá trình công tác chưa thật sự dài nhưng với cô Diệu, những kỷ niệm với học sinh cứ đầy ắp theo năm tháng. Đến nay, cô vẫn nhớ mãi tiết học đầu tiên đứng lớp.
"Hôm đó, tôi dạy lớp 10, với chủ đề bài học là "Tự hoàn thiện bản thân". Trong đó, có nội dung yêu cầu học sinh đứng trước lớp chia sẻ ước mơ của mình. Em nào cũng có ước mơ. Em thì mong muốn được làm bác sĩ, có em lại mong muốn trở thành chiến sĩ công an... Đặc biệt, một em chỉ mong có bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên, có một tổ ấm để khi trở về đầy ắp tiếng nói của bố mẹ. Câu chuyện đó khiến tôi thực sự xúc động và cứ thấy nghèn nghẹn trong cổ", cô Diệu nhớ lại.
Phải mất ít phút trấn tĩnh cô Diệu mới có thể đưa lớp quay trở lại với bài giảng và nhắn nhủ với học sinh: "Mỗi người đều có ước mơ trong cuộc đời. Các em nên cảm thấy may mắn và hạnh phúc với những gì mình đang có".
"Năm thứ 2 làm việc tại trường, tôi được phân công chủ nhiệm một lớp 12. Học sinh rất quậy và chọc phá các bạn nữ, thậm chí nhiều tiết học, nam sinh còn trêu cô giáo khiến đôi lần "cháy giáo án"", cô Diệu nhớ lại.
Để quản lý được lớp học đi vào nền nếp, cô Diệu quan tâm đến từng học sinh và tỉ mỉ với từng bài học. Những tiết học lý thuyết khô khan và khó hiểu được cô linh hoạt "hóa giải" thông qua việc liên hệ với thực tiễn. Từ đó, giúp cho học sinh dễ hiểu bài hơn, tiếp thu nhanh hơn.
"Tôi thường khuyến khích, động viên và trao thưởng cho học sinh bằng những phần quà. Có thể là trao cho cá nhân, hay tập thể lớp. Quà rất nhỏ, ví như một cuốn sách, chiếc đồng hồ báo thức hay chuyến dã ngoại cho các bạn ấy nếu đa số đạt điểm 10 đối với môn học của mình. Còn những ai chểnh mảng, không hoàn thành bài tập, đổi lại sẽ "được" lao động công ích tại trường, trồng cây xanh", cô Diệu hài hước kể lại.
Nhớ về cô giáo chủ nhiệm của mình, em Bùi Thị Thảo (cựu học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cộng Hòa) cho hay: "Em từng được cô hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi và được cô truyền cảm hứng rất nhiều. Cô còn trẻ nhưng như người mẹ thứ 2 của chúng em, giúp chúng em trong mọi mặt của cuộc sống. Gia đình bạn nào gặp khó khăn cô luôn giúp đỡ động viên kịp thời".
Bật mí về bí quyết giúp học sinh đạt thành tích cao với môn học, cô Diệu bộc bạch: "Đó là sự quan tâm tạo điều kiện của nhà trường, các em được tăng thời gian ôn tập kiến thức. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, tôi nghĩ thầy cô hãy là người truyền lửa cho học sinh, luôn sát sao động viên để các em cố gắng".
Em Bùi Hương Sắc, Bí thư Chi đoàn lớp 12A3, cho biết: "Cô Diệu là giáo viên chủ nhiệm rất tuyệt vời của chúng em. Cô dạy chúng em rất hay, dễ hiểu bài. Khi dạy, cô luôn có những ví dụ gắn liền với hiện thực đời sống. Mỗi giờ học của cô, em rất vui và thích thú".
"Cô Diệu là giáo viên trẻ nhưng rất cố gắng trong giảng dạy. Với những nỗ lực của bản thân, cô ấy đã giành nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đặc biệt trong kỳ thi vừa rồi, nhiều học sinh của cô đã có thành tích cao. Đó là vinh dự của cá nhân cô, song cũng là niềm tự hào của nhà trường. Tôi hy vọng, trong tương lai cô Diệu sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa khả năng của mình", thầy Đinh Thanh Tùng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Năm học 2017 - 2018, cô Diệu đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhiều năm liền, học sinh của cô đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân. Cụ thể: Năm học 2019 - 2020: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Năm học 2020 - 2021, có 3 học sinh đoạt giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: 19 học sinh đạt điểm 10; Điểm trung bình môn GDCD ở các lớp đạt 8,9 điểm.
Nữ sinh nghèo có nguy cơ bỏ dở ước mơ vào giảng đường đại học Gia cảnh nghèo khó, bố mất sớm, ngày biết kết quả thi THPT cũng là lúc hai mẹ con Lập nhìn nhau nghẹn ngào nghĩ về những khó khăn phía trước. Cô nữ sinh hiếu học có nguy cơ phải bỏ dở giấc mơ vào đại học. Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về với gia đình em Trần Thị Đức...