Ước mơ của cô giáo Hrê dạy lớp ghép ở xóm Đèo Chim heo hút
Cô giáo Đinh Thị Kem – đại sứ của chương trình “Điều ước cho em” tại Quảng Ngãi chỉ mong sao điểm trường lẻ dưới chân đèo Chim Hút có nước sạch, có nhà vệ sinh, trường có tường rào, cổng ngõ…
Cô giáo Đinh Thị Kem – đại sứ chương trình Điều ước cho em tại Quảng Ngãi
Lớp học chia đôi bảng đen
Năm học này, cô giáo Đinh Thị Kem – điểm trường xóm Đèo Chim, GV Trường Tiểu học Nghĩa Dũng (xã Nghĩa Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đảm nhiệm lớp ghép lớp 1 và lớp 3 với 12 HS.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ròng rã 10 năm nay, mỗi tiết lên lớp của cô Kem đều được tính sít sao từng phút, để chuyển tải bài giảng cho 2 trình độ HS khác nhau cùng trong một phòng học. Bảng đen được chia đôi. Phần bên này là những âm vần, con số của HS lớp Một. Phía bên kia là bài toán nhân chia của HS lớp Ba.
Giờ lên lớp của cô Đinh Thị Kem được tính toán sít sao để đảm bảo chương trình giảng dạy của hai lớp học của lớp ghép
“Học sinh vẫn chưa nói thạo tiếng phổ thông nên giáo viên đứng lớp phải giãn tiết, thời gian của mỗi bài học phải kéo dài để có thể luyện nói, luyện viết cho HS được nhiều hơn. Dạy lớp ghép thì GV rất vất vả, ngoài nói nhiều, di chuyển nhiều, các bước lên lớp của GV còn phải tính toán sao cho không để thời gian “chết”, cô giáo giảng bài cho lớp này thì HS lớp kia đang phải làm bài tập hoặc đọc dò lẫn nhau. HS còn nhỏ nên sự tập trung của các em không cao cũng là một khó khăn của giáo viên” – cô Kem chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng dạy – học, cô giáo Đinh Thị Kem dành thời lượng các tiết dạy buổi chiều để phụ đạo thêm cho HS. “Khác với điểm trường chính, các em học buổi thứ 2 không phải đóng thêm học phí. Mình chỉ mong sao HS của mình đến lớp đầy đủ, không nghỉ học, bỏ học để đủ sức theo kịp các bạn khi chuyển ra điểm trường chính học lớp 4 – lớp 5″ – cô Kem cho biết.
Video đang HOT
Là con em của đồng bào Hrê, cô Kem hiểu rằng, khi kiến thức không vững, giao tiếp tiếng Việt không thành thạo mà buộc phải học chung với HS người Kinh ở điểm trường chính, các em sẽ dần có tâm lý chán nản, tự ti rồi bỏ học. Bởi vậy, cô Kem đã nhiều lần từ chối khi được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hành Dũng điều chuyển về trường chính. “Mình là người Hrê, có thể giao tiếp, giải thích những điều các em chưa hiểu bằng tiếng mẹ đẻ thì sẽ dễ dàng hơn so với các giáo viên khác. Việc vận động HS ra lớp cũng thuận tiện hơn các GV” – cô tâm sự.
Mong HS được cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập
Sinh ra và lớn lên ở xóm nhỏ heo hút dưới chân đèo Chim Hút, hơn ai hết, cô Kem thấu hiểu những thiệt thòi, thiếu thốn của những đứa trẻ con em đồng bào Hrê. Không thông thạo tiếng phổ thông nên những ngày đầu đến trường, với HS và với cả giáo viên, đòi hỏi phải có nhiều kiên trì và sự nỗ lực để vượt qua những rào cản, giúp trẻ cảm thấy được an toàn. Đây chính là một trong những động lực để cô Kem chọn thi vào ngành sư phạm rồi trở lại quê hương dạy chữ cho con em đồng bào mình.
Cô Đinh Thị Kem thăm hỏi phụ huynh để vận động HS ra lớp sau mỗi đợt nghỉ Tết, nghỉ hè
Những năm đầu, cô Kem phải mất nhiều công sức và tâm huyết để vận động HS ra lớp. Người dân ở đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn, hạn chế trong nhận thức nên nhiều khi không cho con em đến tuổi đi học đến trường hoặc cho con nghỉ học giữa chừng.
“Giờ thì nhận thức của phụ huynh đã thay đổi nhiều. Việc vận động HS ra lớp vì vậy cũng thuận tiện hơn. Nhưng để rèn cho HS thói quen trò chuyện bằng tiếng Việt thì cô giáo phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu không có cô giáo, các em thường nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên phản xạ tiếng Việt không nhanh được. Nếu không rèn luyện thì HS của mình sẽ khó hòa nhập và tiếp thu kiến thức khi chuyển ra điểm trường chính học” – cô Kem chia sẻ.
Thỉnh thoảng, cô giáo Kem lại đi kiểm tra một lượt bàn ghế trong phòng học để… đổi những bộ bàn ghế đã bị long đinh. “May lớp chỉ có 12 HS nên còn dư để mà tráo đổi. Phòng học xuống cấp, bàn ghế cũng hư hỏng nhiều. Điểm trường của cô trò mình không có nhà vệ sinh, không có cả nước sạch. HS không có điều kiện để làm quen với môn Tiếng Anh và Tin học như các bạn cùng trang lứa ở điểm trường chính” – cô Kem trăn trở.
Năm học này, lớp của cô Kem có 2 HS phải ở với ông bà do cha mẹ li hôn. Để HS của mình bớt rụt rè do thiếu vắng sự thương yêu của ba mẹ, cô Kem theo dõi tâm sát diễn biến tâm lý của HS để kịp thời động viên, chia sẻ. Cô chăm chút cho 2 HS này từ quyển sách, tấm áo đến san sẻ cả bữa ăn sáng cho HS. Tình yêu thương của cô Đinh Thị Kem đã giúp các em gắn bó với trường lớp, bạn bè, không bỏ học giữa chừng.
Cô giáo người Cơ Tu tri ân bản làng
10 năm tuổi nghề, cô giáo Trần Thị Bích Thu, GV Trường Mầm non Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có đến 9 năm "cắm bản" ở thôn Tà Lang. Cô được chọn là đại sứ Chương trình "Điều ước cho em".
Cô giáo Trần Thị Bích Thu có nhiều sáng kiến trong việc đưa văn hóa của đồng bào Cơ Tu vào lớp học.
Yêu nghề mới được làm nghề
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 45km, thôn Tà Lang tập trung chủ yếu là người đồng bào Cơ Tu sinh sống. Đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, trắc trở. Cô Trần Thị Bích Thu (33 tuổi) kể: "25 năm trước, thôn mình không có một người nào học lên cao. Thầy cô giáo đều là GV người Kinh lên "cắm bản". Phải yêu nghề lắm mới có thể trụ lại được ở vùng đất còn quá nhiều khó khăn, cách biệt này".
Ngay từ bé, mỗi ngày đến trường, với cô bé Thu, đều là mỗi ngày háo hức, say mê với những chân trời kiến thức mới lạ. "Sao các thầy cô giáo giỏi thế, sao giáo viên người Kinh họ làm được mà người dân tộc Cơ Tu mình không làm được, câu hỏi đó cứ trăn trở mãi trong tôi dù khi đó tôi còn bé xíu. Tôi ao ước ấp ủ trong lòng rằng mình sẽ được như các thầy cô để về dạy lại chính con em người đồng bào mình" - cô Thu chia sẻ.
Cô giáo Trần Thị Bích Thu (GV Trường Mầm non Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng)
Tốt nghiệp THPT, hoàn cảnh gia đình còn quá nhiều khó khăn, Thu gác lại những ước mơ nghề nghiệp để lo kinh tế cho gia đình. Thế nhưng, ý chí mạnh mẽ, bản tính kiên cường, ước mơ sôi sục đã thúc đẩy cô gái Cơ Tu giàu nghị lực về phố thi và học Trung cấp sư phạm (ĐH sư phạm - ĐH Đà Nẵng).
Để có tiền trang trải cuộc sống, học tập, cô nữ sinh người Cơ Tu phải sắp xếp thời gian để vừa học vừa làm thêm nhiều công việc khác nhau. Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm mầm non, được tuyển dụng vào ngành năm 2010, cô giáo Trần Thị Bích Thu có một năm đầu tập sự tại điểm trường thôn Phò Nam rồi sau đó được phân công đứng điểm tại thôn Tà Lang cho đến nay.
Phụ trách lớp mẫu giáo 5-6 tuổi, cô Thu chia sẻ: "100% trẻ tại lớp là người dân tộc Cơ Tu, khi đi học trẻ phải học tiếng Việt và văn hóa của người Kinh nên tâm lý của trẻ sẽ bị căng thẳng, sợ sệt khi phải đối diện với văn hóa và ngôn ngữ mới. Tôi rất khó khăn trong việc tiếp cận cũng như chăm sóc trẻ".
Để mỗi ngày đến trường của trẻ đều là những ngày vui
Bản thân là người đồng bào Cơ Tu tôi luôn suy nghĩ tìm tòi, mình sẽ làm gì đó để trẻ có cảm giác an toàn cân bằng thoải mái khi đến lớp. Và việc đầu tiên tôi nghĩ đó là "Đưa văn hóa của người Cơ tu vào trong trường học".
Mô hình "nhà Rông thu nhỏ mang đậm bản sắc văn hóa đã được cô Thu đề xuất với ban giám hiệu đưa vào nhà trường. Trong nhà Rông trang trí hội tụ tất cả dụng cụ, hình ảnh, trang phục của người đồng bào Cơ Tu để cho trẻ khám phá, trải nghiệm, cho trẻ chơi, mang lại hiệu quả rất cao trên trẻ, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho trẻ Cơ Tu.
Trẻ rất thích thú, vui vẻ tham gia khám phá và điều này tạo cho trẻ suy nghĩ "Dù đi học phải học tiếng Việt và văn hóa người Kinh, nhưng văn hóa Cơ tu cũng luôn đồng hành cùng trẻ mọi lúc mọi nơi".
Cô giáo Thu tổ chức nhiều hoạt động dạy học để giúp trẻ là HS con em đồng bào Cơ Tu tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt, có vốn từ phong phú để học tốt ở bậc Tiểu học
Cô Thu đã áp dụng linh hoạt nhiều phương pháp để trẻ Cơ Tu mạnh dạn tự tin sử dụng Tiếng Việt để giao tiếp. Trước hết, cô Thu xác định mức độ biết tiếng Việt của từng trẻ để chia nhóm và xây dựng kế hoạch phù hợp với từng trẻ.
Cô Thu cũng phiên dịch tất cả chủ đề từ tiếng Cơ Tu sang tiếng Việt; để trẻ tham gia các sự kiện, lễ hội tại địa phương, tại trường nhằm tạo sự mạnh dạn, tự tin cho trẻ. "Mọi hoạt động phải lấy trẻ làm trung tâm, luôn phát huy khả năng của từng trẻ; đồng thời dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi. Chỉ khi biết tiếng Việt thì trẻ mới có thể hiểu và học được" - cô Thu chia sẻ.
Đặc biệt, cô Thu đã đề xuất với nhà trường tổ chức thành công lễ hội "Phiên chợ vùng cao" tại khu vực Giàn Bí cho trẻ là đồng bào Cơ Tu và trẻ các khu vực khác về tham gia. Trẻ tham gia lễ hội được giao lưu thể hiện những điệu nhảy tân tung da dá, nhảy sạp, hát những bài hát người Cơ Tu. Buôn bán trao đổi những mặt hàng như cơm lam, bánh sừng trâu, cá liên ốc đá.... với tất cả các bạn là người dân tộc Cơ Tu và các bạn là dân tộc Kinh, giao lưu với cha mẹ trẻ cùng tất cả các cô giáo trong nhà trường.
Qua đây phát triển được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là kỹ năng nói tiếng Việt của trẻ rất nhiều. Trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện trao đổi trong "Phiên chợ vùng cao". Cô Thu cũng tranh thủ dạy những từ cơ bản của tiếng Cơ Tu cho đồng nghiệp để xóa bỏ rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với trẻ trong việc chăm sóc giáo dục.
Cô Trần Thị Bích Thu luôn tâm niệm rằng: Chỉ cần có trái tim biết yêu thương, có niềm đam mê vô hạn, có mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục thì không có gì là không thể làm được.
"Tôi may mắn được Ban giám hiệu và đồng nghiệp ủng hộ để có hiện thực hóa các ý tưởng trong giảng dạy. Những việc làm, những sáng kiến của tôi chỉ là góp chút công sức của bản thân để giúp cho con em đồng bào mình, rút ngắn khoảng cách giữa HS đồng bằng và HS vùng đồng bào để các em bớt đi những thiệt thòi. Với tôi, đó không chỉ là tấm lòng của một cô giáo dành cho học sinh yêu thương của mình, mà đây chính là sự trả ơn đối với vùng đất, với đồng bào nơi mình đã sinh ra và lớn lên" - cô Thu tâm sự.
Giá trị thiết thực từ "Điều ước cho em" với học sinh dân tộc thiểu số Nghệ An Sự hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa của Chương trình "Điều ước cho em" đã góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số khó khăn tại Nghệ An có điều kiện thuận lợi hơn trong học tập. Giờ học môn Tin của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Nghệ An Các nhà trường cũng tích cực kết nối,...