Ukraine: Cho miền Đông thêm quyền tự trị chứ không phải chủ quyền
Tổng thống Ukraine nói ông sẽ cho phe ly khai ở miền Đông thêm quyền tự trị nhằm bảo toàn sự thống nhất đất nước, theo tin từ BBC News.
Tổng thống Poroshenko nói ông hài lòng vì lệnh ngừng bắn được tuân thủ. Ảnh AFP
Ông Petro Poroshenko nói lệnh ngừng bắn hiện nay đã khiến tình hình thay đổi “đáng kể”, bất chấp thông tin về việc quân nổi dậy chiếm thêm một thị trấn khác.
Một thủ lĩnh ly khai ở Donetsk đã bác bỏ tuyên bố của ông Poroshenko và nói miền Đông muốn tách khỏi Ukraine để trở thành quốc gia độc lập.
Lệnh ngừng bắn đã phát huy hiệu lực từ hôm 5/9, sau một thỏa thuận được ký tại Belarus với sự nhất trí từ chính phủ Ukraine, phe ly khai và Nga.
Hơn 2.600 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra giữa quân chính phủ và phe ly khai thân Nga hồi tháng Tư.
Ông Poroshenko đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9/9 và một quan chức từ Điện Kremlin sau đó cho biết cả hai đã tỏ ra hài lòng về việc thực thi lệnh ngừng bắn.
Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ được phát sóng trên truyền hình, tổng thống Ukraine nói việc thực thi lệnh ngừng bắn là “rất khó khăn”, giữa lúc một “cuộc chiến để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ” đang diễn ra.
Video đang HOT
Tuy nhiên ông cũng nói: “Nhưng tình hình trên chiến trường đã thay đổi đáng kể. Trước khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố, Ukraine đã mất đi hàng chục người anh hùng mỗi ngày”.
Mặc dù Nga đã nhiều lần phủ nhận đưa quân vào Ukraine, ông Poroshenko nói các thông tin tình báo mới nhất cho thấy “70% quân Nga” đã rút qua phía bên kia biên giới.
Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Nga khẩn trương điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh tại Ukraine và can thiệp để trả tự do cho hai tù nhân mà tổ chức này cho biết đã bị đưa sang biên giới một cách bất hợp pháp.
Tổ chức này cũng nói họ có bằng chứng về hành động vi phạm nhân quyền từ quân ly khai thân Nga cũng như Tiểu đoàn Aidar – một đơn vị quân tình nguyện của Ukraine.
&’Không thỏa hiệp về chủ quyền’
Tổng thống Poroshenko nói ông đang tìm kiếm một giải pháp bền vững cho xung đột hiện nay và đã trình một dự luật lên quốc hội trong đó cho phép miền Đông có thêm quyền tự trị, nhưng vẫn nằm trong lãnh thổ Ukraine.
“Ukraine sẽ không lấy sự toàn vẹn lãnh thổ ra để thỏa hiệp,” ông khẳng định.
Tuy nhiên, ông Andrei Purgin, phó thủ tướng tự phong của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, nói phe nổi dậy “không muốn tiếp tục là một phần của Ukraine”.
Trong các diễn biến khác:
Quân ly khai tuyên bố đã chiếm được thị trấn Komsomolske ở vùng Donetsk, nhưng giới chức Ukraine đã bác bỏ điều này
Đài truyền hình Ukraine nói ba lính biên phòng của nước này đã thiệt mạng trong một vụ nổ ở vùng Luhansk
Tổ chức An ninh và Hợp tác tại châu Âu nói có thể sẽ triển khai máy bay không người lái để giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn
Tổng thống Poroshenko nói ông đã được mời đến dự một cuộc họp tại Quốc hội Hoa Kỳ trong chuyến thăm Washington vào tuần sau.
&’Nga bị buộc phải hành động’
Tuần trước, Nato đã nhất trí thành lập một lực lượng phản ứng nhanh nhằm chống lại những mối đe dọa về chủ quyền đối với các quốc gia trong khối.
Phát biểu hôm 10/9, Tổng thống Putin cảnh báo Nga đang bị buộc phải củng cố sức mạnh quốc phòng vì sự gia tăng hiện diện của Nato ở Đông Âu.
“Khủng hoảng tại Ukraine, vốn do phương Tây châm ngoài và kiến tạo, đang được sử dụng nhằm mục đích hồi sinh khối liên minh quân sự [Nato],” ông Putin nói tại phiên họp chính phủ.
Ông cũng nói nước Nga đang bị “ép buộc phải có những biện pháp phù hợp để đáp trả”.
Cũng vào hôm 10/9, một số nguồn tin cho biết các quan chức EU đã không thể nhất trí thời điểm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Nga vì sự hậu thuẫn của nước này đối với phe ly khai. Các cuộc thảo luận sẽ được tái khởi động vào ngày 11/9, một nguồn tin ngoại giao từ EU nói với AFP.
Một số nước châu Âu đã bày tỏ quan ngại rằng Nga có thể dùng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để gây áp lực nếu quan hệ giữa EU và Moscow tiếp tục xấu đi.
Ba Lan đã than phiền trong tuần này về việc nhận ít hơn 20% khí đốt so với bình thường từ Nga, tuy nhiên tập đoàn Gazprom của Nga phủ nhận việc này.
Trách nhiệm vụ MH17
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói hôm 10/9 rằng Ukraine phải chịu “trách nhiệm hoàn toàn” về vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines hôm 17/7.
Phát biểu của ông này được đưa ra sau khi các nhà điều tra Hà Lan công bố bản kết luận kết quả điều tra ban đầu hôm 9/9, trong đó cho cho biết chiếc máy bay, vốn bị rơi xuống vùng lãnh thổ ở đông Ukraine do quân nổi dậy kiểm soát, đã bị “nhiều vật thể” “xuyên thủng với một tốc lực lớn”.
Toàn bộ 298 hành khách trên máy bay đã thiệt mạng. Ukraine nói chiếc máy bay đã bị phe ly khai bắn rơi bằng vũ khí của Nga.
Tuy nhiên ông Shoigu nói với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein rằng Ukraine phải chịu “toàn bộ trách nhiệm” vì vụ việc xảy ra trong không phận của Ukraine.
Theo Bizlive