Tỷ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng, xếp thứ 90/185 quốc gia
Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 – Huế 2021, ở Việt Nam tỷ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc, xếp thứ 90/185 quốc gia.
Cả nước hiện có khoảng hơn 350.000 bệnh nhân đang sống với bệnh ung thư. Riêng tại BV TW Huế, số liệu thống kê cho thấy số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung Bướu tăng qua từng năm, mức tăng từ 30-45%. Các loại ung thư thường gặp nhất vẫn là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, dạ dày, các ung thư vùng đầu, cổ.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 – Huế 2021. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực phòng chống ung thư.
GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV TW Huế cho biết, qua nhiều năm tổ chức, Hội nghị khoa học đã chứng tỏ uy tín về chất lượng khoa học, thu hút sự quan tâm của các nhà thực hành lâm sàng ung bướu trên cả nước và quốc tế, trở thành hội nghị khoa học thường niên của Hội Ung thư Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, BV TW Huế vẫn quyết tâm duy trì Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư thường niên, vừa bảo đảm chất lượng khoa học, nhưng cũng tuân thủ các tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống ung thư gặp gỡ, trao đổi chuyên môn. Đồng thời, giới thiệu các tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày, 23 và 24/12, thu hút 88 bài báo khoa học. Trong số này, có 10 báo cáo của các chuyên gia nước ngoài (đến từ Hoa Kỳ, Nhật, Singapore, Đài Loan); 70 bài được chọn báo cáo tại Hội nghị; 18 bài được chọn đăng trong Tạp chí Y học lâm sàng BV TW Huế.
Video đang HOT
GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV TW Huế phát biểu tại hội nghị.
Ngoài chương trình chính, ban tổ chức còn tổ chức một khóa tập huấn về điều trị ung thư đa chuyên khoa, với các chủ đề: ung thư vú-phụ khoa, ung thư Nhi khoa và Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư.
“Thành công của các hội nghị khoa học sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của chuyên ngành ung bướu, tạo được niềm tin của người bệnh vào chất lượng chăm sóc và điều trị ung thư của Việt Nam nói chung và BV TW Huế nói riêng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà”, GS.TS Phạm Như Hiệp cho hay.
4 yếu tố làm gia tăng ung thư nhiều người Việt mắc phải
Tại Việt Nam năm 2020 ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Theo Bệnh viện K, tại Việt Nam, các ung thư phổ biến ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến (chiếm khoảng 65.8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59.4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Người dân đi khám tại Bệnh viện K.
Ung thư là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố phối hợp nhưng tựu chung lại là 2 nhóm yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường..) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gen...).
Trong đó, có 4 nguy cơ làm gia tăng ung thư rất phổ biến ở nhiều người Việt được các chuyên gia cảnh báo dưới đây:
1. Rượu bia, thuốc lá: Các yếu tố về hành vi lối sống phải kể tới là hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại ung thư, gây ra 20 loại ung thư khác nhau và 90% nguyên nhân của ung thư phổi);
Uống nhiều rượu, bia sẽ bị viêm gan, xơ gan dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 7 loại ung thư như: Khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Trong khi đó, ở nước ta, 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (45%) uống ở mức nguy hại.
2. Chế độ ăn uống không hợp lý: Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh; chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc...), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối...) đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng...).
3. Ít vận động: Thói quen ít vận động cũng là nguyên nhân gây nên một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng.
4. Môi trường sống: Vấn đề về ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây ung thư.
Đây đều là những nguy cơ có thể phòng ngừa. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo thực hiện những lời khuyên dưới đây để phòng nguy cơ ung thư:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích...
- Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng...
- Xây dựng chế độ tập luyện; nghỉ ngơi hợp lý; giữ tinh thần thoải mái; tích cực.
- Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn.
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ: viêm gan B; HPV...
Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, khi phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí, ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế.
Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.
Ung thư đại trực tràng: Chữa khỏi đến 90% nếu phát hiện sớm Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất của đường tiêu hóa, có xu hướng trẻ hóa, gia tăng đáng ngại. Việc tiếp cận điều trị càng sớm càng mang lại hiệu quả cao. Mới đây, tại hội thảo trực tuyến "Cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư đại trực tràng" diễn ra tại...