Tuyển sinh riêng: Không ai dám mạo hiểm
Vẫn còn nhiều tranh cãi quanh những quy định kỹ thuật để các trường thi riêng. Song song đó, các trường cũng đề xuất những giải pháp khả thi trong việc đổi mới ĐH, CĐ sau năm 2015.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhiều năm nay vẫn thi theo 3 chung bên cạnh môn năng khiếu thi riêng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thời gian chuẩn bị ngắn ngủi
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc cho phép các trường tuyển sinh riêng là động thái tích cực của Bộ nhằm thực hiện tinh thần của luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ đầu năm 2013. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật thực hiện, khi Bộ không cho phép các trường liên thông giữa các đề án khiến các trường gặp khó khăn nếu tổ chức thi riêng, nhất là trong khoảng thời gian chuẩn bị ngắn ngủi từ nay đến trước mùa tuyển sinh 2014.
Nhìn nhận từ hội nghị tổng kết năm học và bàn kế hoạch tuyển sinh năm 2014 do Bộ tổ chức ngày 28.12, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa ý kiến: “Cho đến cuối hội nghị, không có bất kỳ trường nào mạnh dạn khẳng định sẽ tuyển sinh riêng và tách biệt với kỳ thi 3 chung. Nếu có cũng chỉ là ý kiến sẽ tuyển sinh riêng sau khi đã trải qua kỳ thi 3 chung này. Trong khi trước đó rất nhiều trường đã mong muốn được tuyển sinh riêng. Chính những quy định về phạm vi xét tuyển khiến các trường có cảm giác giảm khả năng thành công của một kỳ thi riêng nên ngại mạo hiểm, nhất là trong thời điểm khó khăn tuyển sinh kéo dài như nhiều năm nay. Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, lo sợ về năng lực tổ chức một kỳ thi đảm bảo chất lượng và thời gian gấp rút khiến các trường dè dặt trong quyết định này”, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa phân tích thêm.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, cũng cho rằng thời gian nộp đề án tuyển sinh riêng từ nay đến tháng 3.2014 là quá gấp rút nên khả năng nhiều trường không chuẩn bị kịp. Và khó khăn nhất của các trường chính là chuẩn bị ngân hàng đề thi và lựa chọn môn thi phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng nếu khuyến khích tuyển sinh riêng nên để trường có thể tự do sử dụng nhiều tiêu chí để chọn thí sinh. Kỳ thi 3 chung có chất lượng tin cậy thì cũng cần cho phép trường được sử dụng kết quả thi này chứ không nên cấm như hiện nay.
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, về cơ bản chủ trương cho tuyển sinh riêng rất tốt nhưng cần có thời gian để áp dụng rộng rãi. Ông Bình cho biết thầy cô ở các trường THPT đều cho rằng đây là thay đổi tích cực nhưng hiện nay học sinh đã chuẩn bị cho việc thi 3 chung từ lớp 10 vì vậy nếu năm nay có trường nào thi riêng thì vẫn không khuyến khích học sinh thi vào. Lý do là thi riêng không thể sử dụng kết quả thi riêng vào trường khác. Nếu tham dự thi cả 2 đợt thì thi thành 5 đợt, rất nặng nề.
Với quy định thi riêng chỉ được xét tuyển riêng, lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM không ngần ngại cho rằng mục tiêu của Bộ chính là nhằm giới hạn nguồn tuyển của các trường. Trong khi Bộ biết rõ hầu hết trường muốn tuyển sinh riêng và đã gửi đề án đều là những trường rất khó khăn trong tuyển sinh nhiều năm qua.
Video đang HOT
Sau “3 chung”, thi riêng là gì ?
Được hỏi về cách thức tuyển sinh sau khi bỏ kỳ thi 3 chung nên như thế nào, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến trăn trở.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn đề xuất nên kết hợp một kỳ thi chung do Bộ tổ chức mỗi năm 2 đợt để các trường dựa vào đó xét tuyển. Việc xét tuyển này sẽ kết hợp thêm một số tiêu chí khác tùy theo đặc thù từng trường và ngành nghề chứ không nên làm như cách hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa thì cho rằng, sau 3 chung các trường quay lại thi riêng nhưng kỳ thi riêng phải khác xưa và mang tầm cao hơn để phù hợp với thực tế. PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa lý giải: “Thay vì chỉ kiểm tra và truyền đạt kiến thức đơn thuần như lâu nay, việc tuyển sinh và đào tạo cần phải đánh giá đúng năng lực và thái độ người học. Các trường cần phải có quan điểm rộng như vậy ngay từ khâu tuyển sinh. Và từ nay đến năm 2016 các trường cần chuẩn bị một phương thức tuyển sinh mới để đánh giá người học không chỉ kiến thức mà còn năng lực và thái độ”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang đề xuất Bộ có thể thành lập cơ quan tổ chức thi để các trường trong nước sử dụng kết quả xét thí sinh vào trường. Thậm chí, các trường quốc tế cũng có thể sử dụng kết quả này để đánh giá học sinh Việt Nam nộp đơn vào học.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng về lâu dài, để giảm phiền hà và tốn kém cho người học nên nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ nên sớm triển khai công việc này nhưng để làm được điều đó Bộ phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đội ngũ chuyên gia chuẩn bị cho kỳ thi phải được tập huấn kỹ về chuyên môn.
Ý kiến
Bộ cần hỗ trợ các trường để thực hiện quyền tự chủ
Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh là một quyết định đúng. Dù các trường đã được tự chủ về tuyển sinh thì nhà nước vẫn có trách nhiệm tạo thuận lợi để các trường thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh tốt nhất chứ không thể để các trường phải tự xoay xở.
Vì thế, Bộ chỉ cần nêu ra chuẩn (quốc gia) quy định những ai thì được quyền vào học ĐH. Đây là những quy định tối thiểu, thường gắn với đòi hỏi người học phải có văn bằng tốt nghiệp phổ thông (và tương đương). Còn điều kiện để thí sinh được vào các trường cụ thể phải dành cho các trường quyết định, tùy theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình. Chính điều đó mới thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh thực sự. Tuy nhiên, trong điều kiện kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chưa được cải thiện thì một số trường vẫn có nhu cầu sử dụng các kết quả của kỳ thi tuyển sinh đại học “3 chung”. Vì thế, Bộ cần xem kỳ thi 3 chung này như là một giải pháp hỗ trợ cho các trường, không nên “ép” các trường nếu muốn lấy kết quả của kỳ thi này thì phải chấp nhận “luật chơi” riêng của Bộ. L ê Viết Khuyến (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT)
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Quan điểm của Bộ về tuyển sinh riêng là tạo điều kiện cho các trường sử dụng các phương pháp tuyển sinh khác nhau để tuyển được sinh viên có năng lực phù hợp vào học các ngành nghề của trường mà kỳ thi 3 chung không làm được để trên cơ sở đó nâng cao chất lượng. Nếu thi 3 chung mà vẫn làm tốt việc này thì không cần phải thay đổi phương thức thi đã áp dụng lâu nay.
Vấn đề đặt ra ở đây là một số trường (khó tuyển sinh) muốn tuyển trước theo phương thức 3 chung, nếu đủ chỉ tiêu thì thôi, nếu không đủ thì tuyển sinh riêng để bổ sung số thí sinh còn thiếu. Như vậy thí sinh tuyển sinh riêng sẽ chủ yếu là những người dưới điểm sàn kỳ thi 3 chung (vì nếu từ điểm sàn trở lên thì đã trúng tuyển rồi). Chất lượng đầu vào sẽ rất chệch choạc và không đảm bảo nguyên tắc công bằng.
Các trường cần hướng tới mục tiêu chất lượng và tính lâu dài để nghiên cứu đề xuất phương án tuyển sinh riêng phù hợp. Theo lộ trình, Bộ chỉ tổ chức kỳ thi chung trong vòng 3 năm tới để giúp các trường chưa đủ điều kiện thực hiện tuyển sinh riêng. Do đó phương án thi riêng vẫn dựa vào kết quả của kỳ thi chung là không phù hợp và không lâu dài.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Theo TNO
Thi riêng không cần theo khối
Tại buổi đối thoại trực tuyến về tuyển sinh năm 2014 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 26.12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định sẽ thực hiện một số quy định về tuyển sinh riêng trong năm 2014.
Lãnh đạo Bộ kỳ vọng thi riêng theo kiểu mới sẽ tránh được những tiêu cực như luyện thi tràn lan - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Không ra đề theo kiểu cũ
Trước những lo lắng của xã hội về việc nếu để các trường thi riêng thì sẽ lặp lại các tiêu cực về luyện thi, ôn thi như trước đây, Thứ trưởng Ga cho biết: "Nếu các trường tổ chức thi riêng thì phải có cách tuyển sinh khác với việc thi riêng như trước đây và phải khác với kỳ thi 3 chung hiện nay". Theo ông Ga, thi 3 chung (chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả) cũng chỉ là kiểm tra kiến thức chứ không đánh giá được năng lực của người học. Vì thế khi thi riêng, các trường phải hướng đến việc kiểm tra năng lực, không lặp lại cách thi trước đây nên xã hội không phải lo lắng sẽ xảy ra những tiêu cực như quá khứ.
Thứ trưởng Ga nói: "Chúng ta đi một con đường khác không giống trước đây. Các trường phải nghĩ ra cách thi, đề thi để việc ôn thi không còn ý nghĩa nữa. Ví dụ thi kiến thức tổng hợp thì thí sinh không thể ôn thi một vài môn và không nhất thiết phải học thuộc lòng". Ông Ga nhấn mạnh: "Nếu các trường thi theo kiểu cũ thì không nên thi riêng. Chúng ta phải thay đổi căn cơ. Trong tương lai, Bộ chỉ lo quản lý nhà nước, không dính dáng đến chuyên môn nên không làm đề thi nữa. Các trường có thể đề nghị tổ chức nào đó ra đề và các trường có thể sử dụng chung. Hiện cả nước đã có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Các trung tâm này có thể sẽ cung cấp đề thi tổng quát để các trường dùng. Việc ra đề sẽ giao cho các tổ chức độc lập làm. Bộ chỉ là cơ quan kiểm tra giám sát".
Tự chọn môn thi
Thứ trưởng Ga cũng cho biết các trường tuyển sinh riêng được tự chọn môn thi và cách đánh giá thí sinh, Bộ không quy định khối thi và môn thi. Các trường có thể ra đề thi theo hướng chọn được những thí sinh có sở trường về một lĩnh vực nào đó. Đây là việc mà đề thi 3 chung không làm được. Vì vậy sẽ là cơ hội cho những thí sinh có năng lực phù hợp. Ví dụ thí sinh chỉ giỏi mỗi môn toán, có thể chọn trường chú trọng môn này mà không phải dự thi cả môn lý và hóa như thi 3 chung. Cách thi mới sẽ đảm bảo không bỏ sót những thí sinh có năng lực phù hợp. Đây cũng là ưu điểm của việc tổ chức thi riêng khác với cách thi trong quá khứ.
Không xét tuyển chung
Tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) một lần nữa khẳng định những trường tổ chức tuyển sinh riêng sẽ không được dùng kết quả của kỳ thi 3 chung để xét tuyển. Ông Nghĩa giải thích: "Bộ không đồng ý với việc thi riêng nhưng vẫn lấy kết quả thi 3 chung để xét tuyển vì 2 chuẩn đánh giá khác nhau. Nếu cho sử dụng đồng thời thì sẽ không đảm bảo công bằng cho thí sinh. Việc Bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường không phải để các trường tuyển đủ chỉ tiêu mà mục đích là để các trường tìm ra cách tuyển sinh tốt hơn hiện nay".
Có nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ không cho các trường thi riêng xét tuyển chung thì thí sinh sẽ mất cơ hội xét tuyển. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, cho hay: "Thí sinh thi riêng sẽ không được xét tuyển vào trường khác nhưng cơ hội vào đại học sẽ nhiều hơn. Năm 2014, Bộ vẫn tổ chức thi chung bên cạnh trường thi riêng nên thí sinh có cơ hội thi nhiều lần và xác suất đậu sẽ cao hơn". Ông Trần Văn Nghĩa giải thích rằng điểm yếu của thi riêng là không dùng chung kết quả được nhưng Bộ cho phép các trường được thi 2 lần trong năm, vì vậy thí sinh có 2 cơ hội đăng ký tuyển sinh. Bộ cũng cho phép các trường thi theo nhóm và dùng chung kết quả nên thí sinh vẫn có cơ hội xét tuyển vào trường thi theo nhóm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy mâu thuẫn với luật Giáo dục đại học. Thứ trưởng Ga lý giải: "Mục đích của việc thi riêng là để tìm thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường mà khi thi theo 3 chung trường không làm được. Vì vậy, các trường thi riêng không thể lấy nguồn tuyển của 3 chung để lắp một phần vào tuyển với những thí sinh thi riêng. Như vậy sẽ không đúng ý nghĩa tuyển sinh riêng. Các trường cần hiểu rõ bản chất của thi riêng chứ Bộ không gây khó khăn cho các trường".
Theo TNO
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014: Thi riêng không được xét tuyển chung Chiều 12.12, Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố dự thảo quy định về tự chủ trong tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Từ năm 2014, các trường được quyền tuyển sinh riêng theo những tiêu chí của Bộ. Một trong những thay đổi lớn của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 là các trường sẽ được tự chủ...