Tuyển sinh mùa Covid-19: Nở rộ du học tại chỗ
Ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều trường ĐH đã điều chỉnh phương thức xét tuyển cùng với việc mở chương trình đào tạo liên kết quốc tế phù hợp học sinh không thể ra nước ngoài du học.
Du học tại chỗ là phương án tối ưu cho học sinh cuối cấp trong mùa dịch. Ảnh minh họa
Mở rộng chương trình liên kết
Theo TS Huỳnh Khả Tú – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường ĐH Quốc tế (IU) – ĐHQG TPHCM, trong năm 2021, IU có 6 phương thức tuyển sinh cho thí sinh muốn theo học tại trường. Các phương thức này được thực hiện để tuyển sinh viên muốn theo học các chương trình trong nước hoặc chương trình đào tạo liên kết (CTĐTLK) với nước ngoài.
Với các thí sinh muốn đi du học, nhưng không đi được, chọn lựa học các CTĐTLK của nhà trường là giải pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
“Trường có 30 CTĐTLK, trong đó 6 CTĐTLK tiếp nhận từ Viện Đào tạo quốc tế (IEI) của ĐHQG TPHCM. Đối với CTLK, sinh viên có thể chọn hình thức đào tạo 2 2, 3 1 hoặc 4 0. Người học có thể được xem xét chuyển đổi các hình thức đối với cùng một CTĐTLK”, TS Huỳnh Khả Tú chia sẻ.
Còn tại Trường ĐH Bách khoa (HCMUT) – ĐHQG TPHCM, TS Đặng Đăng Tùng – Trưởng Văn phòng Đào tạo quốc tế cho biết: Từ năm 2020, theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, HCMUT triển khai việc tiếp nhận các du học sinh về Việt Nam học tập do ảnh hưởng của dịch bệnh. Song song đó, nhà trường chủ động điều chỉnh cấu trúc của chương trình Chuyển tiếp quốc tế (bán du học) nhằm hỗ trợ SV tiếp tục học tập và hoàn tất chương trình bậc đại học tại HCMUT, hoặc đăng ký một số môn học để tích lũy tín chỉ trong thời gian chờ chuyển tiếp sang đại học đối tác.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng VLU ký văn bản hợp tác với ĐH Liverpool John Moores vào tháng 3/2021. Ảnh: TG
Video đang HOT
“Trên thực tế, hoạt động chuyển tiếp du học vẫn được tiến hành bình thường do chương trình đào tạo được vận hành bài bản trên nền tảng trực tuyến (online) từ nhiều năm nay. Phương thức tuyển sinh chương trình Chuyển tiếp quốc tế cũng cập nhật hình thức đăng ký xét tuyển kết hợp phỏng vấn từ năm 2021, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh có dự tính du học nước ngoài”, Trưởng Văn phòng Đào tạo quốc tế HCMUT chia sẻ.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) đang vận hành 8 CTĐTLK 2 2 dành cho thí sinh muốn đi du học và lấy bằng ĐH của các trường nước ngoài. Chương trình này do IUH liên kết với Angelo State University (ASU, Hoa Kỳ). TS Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo IUH trao đổi: Sau khi học 2 năm ở IUH, SV đủ điều kiện được chuyển tiếp sang ASU.
Dịch Covid-19 khiến việc trải nghiệm CTĐTLK ngay tại Việt Nam trở nên phổ biến và thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh. Theo TS Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, nhà trường đã ký hợp đồng hợp tác đào tạo (MOA) với ĐH Liverpool John Moores (Anh) và sắp tới sẽ là ĐH Newcastle (Úc), nhằm mở rộng sự lựa chọn và cơ hội cho người học.
Một giờ tự học của sinh viên IU. Ảnh: TG
Học phí và điều kiện học thế nào?
Vấn đề học phí luôn được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm, trong đó có học phí của các CTĐTLK. Theo TS Nguyễn Trung Nhân, học phí của hệ này tại IUH khoảng 50 triệu/năm. Điều kiện học tập tương tự hệ Chất lượng cao của trường, đồng thời, khi sang ASU học phí cũng được hỗ trợ rất nhiều, còn khoảng 10.000 USD/năm.
“Đối với CTĐTLK, sau khi tốt nghiệp SV có thêm 1 năm để ở lại làm việc hoặc học lên cao hơn. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số lượng thí sinh đăng ký không nhiều, trong năm 2020 có 2 thí sinh đầy đủ điều kiện nhưng do dịch nên không thể sang ASU học được. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp từ IUH nếu có tiếng Anh tốt vẫn có thể làm hồ sơ xin học bổng ở các bậc cao hơn từ các trường đối tác đã ký kết với IUH…” – TS Nguyễn Trung Nhân thông tin.
Đối với Trường ĐH Bách khoa TPHCM, TS Đặng Đăng Tùng thông tin: SV chương trình Chuyển tiếp quốc tế học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh. Học phí giai đoạn đầu tại HCMUT là 66 triệu đồng/năm và được điều chỉnh hàng năm theo lộ trình. Khi chuyển tiếp sang trường đối tác (Úc, New Zealand), học phí theo quy định của trường đối tác, trung bình khoảng 600 – 830 triệu đồng/năm…
“Trong thời gian chưa sang trường đối tác, sinh viên chương trình Chuyển tiếp quốc tế học tại Việt Nam trên nền tảng học trực tuyến của từng trường đối tác. Các lớp học trực tuyến được thiết kế như lớp học trực tiếp, sinh viên học theo khung giờ địa phương của trường đối tác hoặc xem lại các video được quay trực tiếp tại lớp học. Trường đối tác sẽ cung cấp buổi học tăng cường (tutorial) và thực hành giả lập dựa trên các ứng dụng mô phỏng” – Trưởng Văn phòng Đào tạo quốc tế HCMUT nói.
Còn theo ThS Nguyễn Hữu Trí – Phó Trưởng phòng Hợp tác Đào tạo nước ngoài IU, sau khi sinh viên hoàn thành giai đoạn 1 tại IU, nhà trường có các hỗ trợ như: Hướng dẫn và giúp các em làm hồ sơ xin học bổng trường đối tác; Tư vấn chọn trường, hướng dẫn thực hiện hồ sơ chuyển tiếp sang trường ĐH đối tác; Hướng dẫn sinh viên và phụ huynh lập hồ sơ chứng minh tài chính (để xin visa, tập huấn kỹ năng phỏng vấn xin visa (đối với những quốc gia có thực hiện phỏng vấn)… Đồng thời, nhà trường phối hợp với trường đối tác tổ chức các lớp bổ sung để đạt điều kiện về tiếng Anh học thuật (với các sinh viên chưa có chứng chỉ IELTS).
“Sau khi SV chuyển tiếp, nhà trường phối hợp với trường đối tác tiếp tục hỗ trợ, giải quyết những phát sinh trong suốt quá trình học tập tại nước ngoài” – ThS Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.
“Các CTĐTLK tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm, học tập, phát triển bản thân để hội nhập thế giới và đồng thời mở thêm một hướng đi và sự lựa chọn cho những bạn đang có dự định du học trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp”. – TS Võ Văn Tuấn (VLU)
Chuẩn bị sẵn sàng khi cơ hội đến
Từng được Tổng thống Obama gửi phần thưởng riêng vì thành tích học tập xuất sắc ở bậc THPT tại Mỹ, Trần Trung Đức (năm thứ tư, ngành Tài chính, khoa Quản trị Kinh doanh) đang là gương mặt nổi bật của trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM).
Thời THPT, Trung Đức từng đi Mỹ du học dạng học bổng 2 năm. Đức cũng từng apply vào một số trường đại học bên Mỹ và đã được nhận học bổng. Tuy nhiên, trường ĐH Stanford mà Đức mong muốn vào thì lại không đậu. Thế là Đức quyết định về Việt Nam và chọn theo học tại trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM).
"Lúc đầu, ba mẹ cũng không đồng ý cho mình học ở Việt Nam vì sợ mình bỏ lỡ cơ hội. Nhưng mình đã thuyết phục ba mẹ, cũng như chia sẻ với ba mẹ là sau này có học tại Mỹ chăng nữa thì cũng muốn về Việt Nam để làm việc nên ba mẹ đã ủng hộ quyết định trở về của mình", Đức nhớ lại.
Khi học ở Mỹ, Đức từng được Tổng thống Obama gửi phần thưởng trao tặng vì thành tích học tập xuất sắc của mình. Đức cho biết, phần thưởng mà Tổng thống Obama trao tặng là phần thưởng dành cho các bạn học sinh đạt đủ 3 yếu tố: Điểm GPA cao nhất, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa và được hai giáo viên trong trường viết thư giới thiệu.
Trung Đức (ngoài cùng, bên trái) cùng hai người bạn quốc tế của mình.
Bắt đầu vào giảng đường đại học, Trung Đức tích cực tham gia các dự án quốc tế. Đức là thành viên của International Catalysts for Empowerment & IU Finance Club. "Đối với International Catalysts for Empowerment, tụi mình đã tổ chức được 3 dự án.
Ở dự án "60Days", mình và nhóm dự án tổ chức trại Hè dạy học 60 ngày ở trường học cấp 3 đảo Lý Sơn để giúp các bạn học sinh ôn tập kiến thức ôn thi tốt nghiệp và đại học. Sau chương trình thì tỉ lệ tốt nghiệp THPT đã lên đến hơn 70%. Dự án thứ hai mà mình và nhóm thực hiện là dự án entrepreneurship camp.
Nhóm đã hợp tác với YEA Camp để thực hiện chương trình dạy học khởi nghiệp trong vòng 5 ngày ở trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi. Và dự án thứ ba mà mình cùng tham gia là dự án Tủ sách S-Library. Dự án đã thành lập tủ sách và gây quỹ quyên góp sách cho các em học sinh tại Quảng Ngãi", Đức kể.
Trung Đức từng là diễn giả khi thực hiện dự án hướng nghiệp cho học sinh tại Quảng Ngãi.
Đức còn là thành viên của IU Finance Club. Ở IU Finance Club, Đức đã cùng Team tổ chức cuộc thi học thuật tài chính quy mô toàn TP. HCM để cung cấp cho các bạn sinh viên cái nhìn toàn diện về phân tích và đầu tư tài chính, giúp kết nối các bạn sinh viên có cùng đam mê trong lĩnh vực này và tạo sân chơi để các bạn tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân.
"Ở CLB, mình phụ trách mảng xin tài trợ cho cuộc thi. Mình và các bạn sẽ cùng nhau thiết kế những gói tài trợ khác nhau. Tụi mình sẽ liên lạc đến với những câu lạc bộ học thuật và sinh viên để cùng nhau hợp tác, hỗ trợ truyền thông, liên lạc những công ty lớn (công ty chứng khoán, doanh nghiệp và trung tâm dạy các chứng chỉ tài chính như ACCA, CFA, CPA) để xin tài trợ hiện vật, hiện kim và các suất thực tập cho những bạn sinh viên thắng cuộc", Đức cho biết.
Đức (thứ tư bên phải) cùng các bạn trong CLB.
Hiện tại, Đức đang thực tập với vị trí Financial Advisory cho công ty Deloitte. Công việc chính của Đức là tìm hiểu, nghiên cứu về ngành và thị trường của công ty và phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp...
Để nâng cao chuyên môn trong công việc, Đức tích cực tham gia các event và hội thảo liên quan đến tài chính để có thêm cơ hội học hỏi từ các anh chị chuyên gia trong ngành. "Mình chuẩn bị sẵn sàng khi cơ hội đến. Và khi cơ hội đến thì mình sẽ cảm thấy tự tin để apply công việc", Đức tự tin bộc bạch.
Giao lưu trực tuyến: "Du học tại chỗ: Con đường rộng mở" "Du học tại chỗ" hiện đã trở thành lựa chọn tin cậy đối với nhiều phụ huynh và học sinh Việt Nam. Những ưu thế nổi trội của hình thức học tập này sẽ được các chuyên gia và cựu du học sinh chia sẻ tại Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Du học tại chỗ: Con đường rộng mở",...