Tuyển sinh lớp 6: Nháo nhào đi xin “xác nhận giải”
TT – Với quy định cấm thi tuyển lớp 6, một số trường có nguồn tuyển lớn hơn chỉ tiêu đang phải loay hoay với khâu xét hồ sơ.
Phụ huynh nộp hồ sơ vào lớp 6 Trường Hà Nội Amsterdam – Ảnh: Lê Duy
Không khí tuyển sinh càng căng cứng và đầy âu lo khi Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội công bố kết quả tuyển đợt đầu với khoảng 700 hồ sơ đạt 100 điểm, vượt chỉ tiêu 100 hồ sơ.
Trước đó, PGS Văn Như Cương, đại diện Trường Lương Thế Vinh, bày tỏ nỗi băn khoăn lớn khi trong hơn 4.000 hồ sơ nộp vào trường, ngoài số đạt 100 điểm tròn thì còn cả ngàn hồ sơ khác đạt mức 99 điểm.
“Giữa những học sinh đạt 99 điểm và học sinh đạt 100 điểm chưa chắc ai năng lực tốt hơn ai. Nhưng là cuộc sàng lọc nên sẽ có nhiều em giỏi cũng buộc phải loại. Các em giỏi nhiều quá khiến tôi cũng đau đầu trước một mùa tuyển sinh không có kỳ thi” – PGS Cương chia sẻ.
Video đang HOT
Cần xác nhận bất cứ giải thưởng nào
Mặc dù vậy, rất nhiều phụ huynh vẫn nuôi kỳ vọng con được tuyển đợt 2 vào Trường Lương Thế Vinh. Chị Hằng, một phụ huynh có con dự tuyển, cho biết: “Tôi ân hận vì đã không nỗ lực hết sức.
Vì hàng ngàn học sinh dự tuyển, cháu nào cũng năm năm học sinh giỏi, điểm các môn thi cuối cấp ở tiểu học đạt mức 9, 10, nên cái để vượt trội lên chỉ là xác nhận tham gia các cuộc thi văn hóa, thể thao, tham gia hoạt động xã hội. Nhiều phụ huynh còn xin xác nhận cho con từng tham gia đội tuyển, dù không có giải. Họ làm hết sức miễn là để hồ sơ dày hơn”.
Chị Hằng cho biết theo chỉ dẫn của một số người, chị sẽ đi xin xác nhận con tham gia một số hoạt động xã hội, trong cộng đồng, nhà văn hóa quận, thành phố với hi vọng bổ sung vào hồ sơ, mong có thể được xét tuyển đợt 2 vào Trường Lương Thế Vinh. “Con tôi chỉ thiếu 1 điểm so với số học sinh đã đỗ đợt 1″ – chị Hằng tiếc nuối.
Hiện nay Trường Hà Nội Amsterdam vẫn đang trong thời kỳ xét hồ sơ. Với 200 chỉ tiêu, đây là trường nóng nhất tại Hà Nội trong kỳ tuyển sinh lớp 6 năm nay.
Anh M., giáo viên dạy thể dục một trường tiểu học tại Hà Nội, cho biết dù đang trong những ngày nghỉ hè nhưng vừa qua phải đến trường để ký xác nhận cho học sinh. Giáo viên này cho biết phụ huynh muốn có xác nhận của giáo viên bộ môn, của trường và của quận con em mình đã tham gia thi hội khỏe Phù Đổng của quận môn bóng rổ và đã đoạt giải để có thêm tiêu chí “phụ” cho con vào lớp 6 một trường điểm của thành phố.
Cũng theo giáo viên này, từ ngày về làm giáo viên tiểu học, đây là năm đầu tiên phụ huynh muốn có “chữ ký” của giáo viên thể dục. Bình thường, môn giáo dục thể chất chưa bao giờ được phụ huynh đánh giá cao. Thậm chí họ còn không muốn con em mình vào đội tuyển để đi thi đấu vì sợ ảnh hưởng đến thời gian học tập.
Một giáo viên dạy đàn tại Nhà văn hóa quận Hoàng Mai kể: “Tôi rất ngạc nhiên khi năm nay có khá nhiều phụ huynh đến xin xác nhận con từng tham gia cuộc thi đàn trong các giải phong trào cấp quận, liên quận, trong đó có trường hợp không còn theo học tại đây. Theo trần tình của phụ huynh thì các chứng nhận đều dùng vào việc xét tuyển vào lớp 6. “Có những phụ huynh ngỏ ý sẵn sàng trả nhiều tiền để nhờ giáo viên can thiệp xác nhận có giải, dù chỉ là giải khuyến khích” – giáo viên này cho biết.
Có những trường hợp phụ huynh kể lại thật ái ngại: “Con tôi được giải thể thao đồng đội cấp quận nhưng không có bằng khen mà chỉ được trao cờ thi đua. Nhưng khi mang cờ đến nộp vào hồ sơ dự tuyển thì nhà trường không chấp nhận, yêu cầu phải về xin được bằng khen. Ròng rã gần một tháng, vòng đi vòng lại tôi cũng không đổi được từ cờ sang bằng khen để lấy 2 điểm cộng thêm. Quy định thế này còn hành phụ huynh hơn cả việc tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, công khai”.
Tới thời điểm này, một số trường khác có nguồn tuyển lớn cũng vẫn chưa thể kết thúc việc sàng lọc hồ sơ. Trường THCS Cầu Giấy không phải trường quá “nóng” do đặt ra quy định chỉ tuyển học sinh trong địa bàn quận.
Trường đã tuyển thẳng 106 học sinh theo diện đoạt các giải thưởng cao. Nhưng do chỉ còn 134 chỉ tiêu trong số hàng trăm hồ sơ khác có chất lượng tương đương đang chờ xét nên đây cũng là việc khiến ban giám hiệu trường này đau đầu.
Mệt mỏi, bỏ cuộc
Tại Trường Amsterdam ngày 18-6, khá nhiều phụ huynh tụ tập để nghe ngóng tình hình. Một số người đã mua đơn nhưng không nộp nữa do nản chí. “Việc xét hồ sơ thế này không biết thế nào mà lần. Nếu không minh bạch, nếu có tiêu cực trong quá trình xét thì chắc con tôi không hi vọng chạy đua được” – một phụ huynh cho biết. Anh này cũng đã nộp đơn vào Trường Lương Thế Vinh nhưng con anh chỉ đạt 98 điểm, do “ít tiêu chí phụ” để cộng thêm điểm.
Chị Phạm Tuyết Mai (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) có con năm nay vào học lớp 6. Mới đầu chị xác định cho con vào Trường Lương Thế Vinh. Nhưng sau khi nộp đơn, thấy tình hình có vẻ “căng” nên không chờ đợt tuyển tiếp theo, chị quyết định cho con về học tại Trường THCS Ban Mai.
Chị Mai cho biết: “Tôi thấy phải chờ đợi mệt mỏi, lại không biết con mình có cơ hội không. Khi thấy trường thông báo phải đạt 100 điểm trong bốn năm học thì tôi nghĩ con mình không “hoàn hảo” đến thế. Điểm mạnh của cháu chỉ là toán và tiếng Anh. Còn tiếng Việt, con tôi chưa bao giờ đạt điểm 10 khi kiểm tra cuối học kỳ”.
Dù lường trước nhưng nhiều phụ huynh ở Hà Nội vẫn tỏ ra bất bình với việc tuyển chọn của các trường vì họ cho rằng với cách đó chưa chắc trường đã tuyển được học sinh có năng lực tốt nhất, mà chỉ khích lệ thêm cuộc chạy đua thành tích một cách không thực chất để có “tiêu chí phụ” xét tuyển.
Nhưng ở góc độ các trường, các hiệu trưởng cũng cho rằng họ không còn cách nào khác trong bối cảnh “cấm thi và cấm luôn tất cả các hình thức kiểm tra sàng lọc năng lực thực tế”.
Mùa tuyển sinh “không có kỳ thi” vào lớp 6 ở Hà Nội không hề giảm nhiệt mà thậm chí còn khiến phụ huynh, học sinh mang nặng tâm tư hơn.
Theo TTO