Tuyển sinh 2014: Đề xuất thi riêng vào tháng 2
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng đề xuất ngoài kỳ thi tuyển sinh “3 chung”, kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường nên tổ chức vào đầu năm.
Trong hội nghị tổng kết năm 2014, lãnh đạo các học viện, đại học, cao đẳng trên cả nước đã có nhiều ý kiến tham luận có giá trị liên quan đến công tác tuyển sinh năm 2014.
Năm 2014, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, các trường thi riêng có thể tuyển sinh tối đa 2 lần/năm. Tuy nhiên, hiện nay lịch tuyển sinh của các trường thi riêng vẫn cần được thảo luận tại hội nghị này.
Tại hội nghị, đa số các trường đều đồng thuận với quyết định của Bộ khi cho các trường tổ chức thêm 2 đợt thi riêng trong năm.
Ông Đoàn Quang Vinh đề xuất nên tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 2 (Ảnh: Phạm Thịnh)
Video đang HOT
Chia sẻ về nội dung này, ông Đoàn Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng ĐH Đà Nẵng đề xuất ngoài kỳ thi chung vào tháng 7 có thể thi thêm một đợt tại tháng 2. Ý kiến này nhận được khá nhiều đồng tình của các đại biểu tham dự hội nghị.
Trong khi đó, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết năm 2014 trường vẫn thi ba chung, tạo nền tảng để thay đổi dần từ năm 2015. Năm 2016 trường sẽ thực sự thay đổi hoàn toàn phương án tuyển sinh.
Năm 2013, cả nước có tới 79,71% thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, số thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng nhập học là 498.732 thí sinh so với 616.390 chỉ tiêu.
Trong số 353 đại học, cao đẳng tuyển sinh năm 2013 có 20 trường tuyển vượt trên 15% so với chỉ tiêu đề ra. Ngược lại, có 99 trường chỉ tuyển được 50% so với chỉ tiêu.
Năm 2013 cũng đánh dấu một sự thay đổi về tuyển thẳng nên tỷ lệ thí sinh ở diện này khá cao. Cả nước có 802 thí sinh được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển gần 6.000 thí sinh.
Theo TNO
Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm
Trước sự dư thừa nhân lực ngành sư phạm, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH sẽ giảm mạnh chỉ tiêu các ngành này trong mùa tuyển sinh 2014.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giảm tới 30%
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến giảm 500 chỉ tiêu so với năm 2013. Cụ thể, trong nhóm các ngành sư phạm, trường cân nhắc tăng 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, mỗi ngành 30 chỉ tiêu; còn lại hầu hết đều giảm từ 20 đến 30 chỉ tiêu so với năm 2013. Trong số những ngành giảm chỉ tiêu, có nhiều ngành cơ bản như: vật lý, sinh học, ngữ văn, địa lý, lịch sử... Đặc biệt, có những ngành giảm chỉ tiêu tới 30% so với năm ngoái, chẳng hạn sư phạm hóa học, giáo dục quốc phòng an ninh đều giảm từ 150 xuống còn 100...
Không chỉ trường ĐH trọng điểm, việc giảm chỉ tiêu ngành sư phạm cũng diễn ra mạnh mẽ ở các trường ĐH vùng và địa phương. Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho hay năm 2014 nhà trường đang cân nhắc giảm chỉ tiêu một số ngành. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định các ngành sư phạm sẽ giảm từ 5 đến 10%.
Trường ĐH Đồng Tháp cũng dự kiến sẽ giảm một số ngành như sư phạm kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, một trong hai ngành sư phạm địa lý và sư phạm lịch sử. Thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, cho biết tùy theo tình hình thực tế thí sinh nộp hồ sơ vào các ngành, trường sẽ phân bổ chỉ tiêu cho phù hợp.
Trường ĐH Tây nguyên cũng quyết định sẽ giảm khoảng 10% chỉ tiêu các ngành sư phạm. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, việc giảm chỉ tiêu này sẽ tiến hành đồng loạt ở tất cả các ngành.
Tuyển sinh chưa theo dự báo
Trước khi các trường thực hiện việc giảm chỉ tiêu thì trong năm 2013, Bộ đã 2 lần ra văn bản yêu cầu các trường giảm dần việc tuyển sinh các ngành sư phạm. Trong văn bản ra ngày 11.7, Bộ thông báo tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ. Giữa tháng 12, Bộ tiếp tục yêu cầu các trường khi xác định và đăng ký cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm chính quy năm 2014 phải theo hướng giảm dần. Lý do việc điều chỉnh chỉ tiêu này để phù hợp nhu cầu sử dụng thực tế, đảm bảo cân đối cung cầu nhân lực ngành này.
Tình trạng dư thừa nhân lực ngành sư phạm đã diễn ra nhiều năm nhưng đến năm nay Bộ mới chính thức có động thái cảnh báo. Và chỉ khi có yêu cầu của Bộ, các trường mới bắt đầu cắt giảm chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo đại diện một số trường, việc cắt giảm chỉ tiêu không chỉ thực hiện theo tinh thần văn bản của Bộ mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh chỉ tiêu các ngành sư phạm nhằm phù hợp với yêu cầu nhân lực thực tế qua dự báo của các địa phương. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa cũng cho rằng việc điều chỉnh một mặt theo yêu cầu của Bộ nhưng quan trọng là để tuyển sinh cho sát với yêu cầu thực tế của xã hội: "Thực tế có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm đúng ngành đào tạo. Chẳng hạn như ở tỉnh Đắk Lắk, sinh viên sư phạm chỉ có mấy người được nhận vào dạy". Tương tự, thạc sĩ Huỳnh Thị Hồng Vinh thừa nhận: "Do cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm khó khăn nên ngày càng ít người học quan tâm các ngành này và cũng vì người học không có nên trường quyết định cắt bớt chỉ tiêu".
Rất tâm tư, thạc sĩ Nguyễn Minh Trí phân tích: "Các ngành sư phạm nhu cầu người học vẫn cao nhưng thực tế nhu cầu nhân lực của xã hội hiện không ổn định. Tuy nhiên, có thể do chưa có đủ thông tin để nhận biết điều này nên người học vẫn đăng ký thi vào sư phạm. Là đơn vị đứng giữa, căn cứ vào nhu cầu thực tế việc làm, trường cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp hơn".
Khái quát nguyên nhân hiện tượng này, lãnh đạo một trường ĐH sư phạm cho rằng việc giao chỉ tiêu của Bộ trước nay chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo của các trường mà không bám vào dự báo nhu cầu nhân lực thực tế. Điều ấy kéo dài đã dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhân lực sư phạm như hiện nay. Để giải quyết căn bản vấn đề, Bộ cần tiến hành rà soát kỹ nhằm quy hoạch mạng lưới các trường đủ năng lực đào tạo sư phạm. Với ngành sư phạm chỉ nên giao cho những trường trọng điểm thay vì dàn trải như hiện nay. Đặc biệt, việc giao chỉ tiêu các ngành sư phạm cần phải bám sát vào dự báo nhu cầu nhân lực thực tế của các địa phương.
Theo TNO
Tuyển sinh 2014: "Học lệch" vẫn có thể đỗ ĐH Các trường đại học có đề án tuyển sinh riêng, tuyển sinh không quá 2 lần/1 năm. Theo đề án này, học sinh học giỏi một môn, "học lệch" cũng có nhiều cơ hội để vào đại học hơn. Sáng ngày 26/12, Đại diện Bộ GD-ĐT đã trả lời trực tuyến về thắc mắc tuyển sinh năm 2014 của học sinh, phụ huynh...