Tuyển ngành Y không có môn Sinh không ảnh hưởng nhiều đến việc học bậc đại học
Những năm qua, nhiều trường đại học đào tạo y khoa đã bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển ngành y để thu hút người giỏi và có nguyện vọng, thiên hướng theo ngành y.
Trước đây, ngành y chỉ tuyển sinh tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Tuy nhiên, những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo y khoa đã bổ sung thêm một số tổ hợp mới trong tuyển sinh các ngành y khoa, dược,…
Tuyển sinh ngành y không có môn Sinh đang là vấn đề được dư luận quan tâm, bởi lẽ từ trước trước nay nhiều người đều quan niệm rằng Sinh học là kiến thức nền tảng quan trọng của ngành y, Hóa học là môn học nền tảng quan trọng của ngành dược.
Năm 2021, Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên đã thực hiện đa dạng các tổ hợp xét tuyển với các ngành đào tạo của trường.
Cụ thể, ngành y khoa nhà trường tuyển sinh với ba tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh); Ngành Dược trường tuyển sinh 3 tổ hợp là B00 (Toán, Hóa, Sinh), D07(Toán, Hóa, Anh), A00 (Toán, Lý, Hóa).
Các tổ hợp xét tuyển trong đợt tuyển sinh của Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên năm 2021. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ về nội dung này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên cho biết, tổ hợp tuyển sinh của ngành y không có môn Sinh cũng không có ảnh hưởng nhiều đến việc học tập kiến thức Sinh học- Di truyền ở bậc đại học.
Vì vậy, việc không xét điểm môn Sinh học trong tổ hợp xét tuyển cũng không đáng lo ngại. Việc mở rộng tổ hợp xét tuyển sẽ giúp thu hút được những thí sinh phù hợp và có nguyện vọng theo đuổi nghề y.
Cũng theo thầy Trung, với các chuyên ngành trong y học, có rất nhiều tài liệu ngoại ngữ, nhiều Hội thảo/Hội nghị khoa học quốc tế đều sử dụng tiếng Anh, các công trình Khoa học được công bố trên các tạp chí danh mục ISI, Scopus đều là tiếng Anh; chuyển giao Khoa học kỹ thuật, công nghệ y học trực tiếp từ các chuyên gia nước ngoài cũng bằng tiếng Anh…
Vì vậy, nếu không có tiếng Anh tốt sẽ rất khó lĩnh hội, tiếp cận được kiến thức, tri thức y học. Đó cũng chính là lý do bên cạnh những tổ hợp truyền thống, nhà trường bổ sung một số tổ hợp mới, trong đó có xét điểm môn tiếng Anh.
Bàn về vấn đề tuyển sinh ngành y, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Khuê – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng nói rằng, những năm gần đây, nhà trường đã tuyển sinh ngành y khoa với 2 tổ hợp là A00 và B00.
Theo thầy Khuê, việc mở rộng thêm tổ hợp tuyển sinh là điều cần thiết, số lượng thí sinh lựa chọn tổ hợp A00 thường rất lớn nên nhà trường muốn chọn lọc chất lượng đầu vào, tuyển được những sinh viên giỏi khối tự nhiên. Nếu chỉ xét tuyển tổ hợp B00 thì vô tình sẽ bỏ sót những thí sinh giỏi ở tổ hợp A00 có nguyện vọng học ngành y.
Video đang HOT
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. (Ảnh: Trường Đại học Y Dược Hải Phòng)
“Không phủ nhận vai trò của kiến thức nền tảng môn Sinh học đối với đào tạo Y khoa, tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố quyết định tố chất của một người bác sĩ. Sinh viên y khoa sẽ trải qua quá trình đào tạo từ 6 – 9 năm mới trở thành bác sĩ, đảm bảo trình độ tay nghề.
Chúng tôi lựa chọn những thí sinh có kết quả học tập tốt, có tư duy, trí tuệ. Một môn học ở bậc phổ thông không quyết định được chất lượng đầu ra, mà quan trọng là những năm các em được đào tạo ở trường y như thế nào.
Quá trình đào tạo y khoa rất dài, thường 6 năm cũng chỉ mới là thời gian đào tạo ban đầu thôi, còn đào tạo bác sĩ thực hành phải đến 10 năm, kết quả học tập môn Sinh ở phổ thông cũng chỉ là phần rất nhỏ. Quá trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học mới quyết định chất lượng nhân lực sau này” thầy Khuê nêu quan điểm.
Phó Giáo sư Phạm Minh Khuê cho biết thêm, qua quan sát, đánh giá các lớp học y khoa được tuyển sinh theo tổ hợp A00, sinh viên đều đang học tập và tiếp thu kiến thức tốt, không có sự thua kém, khác biệt nào so với lớp học tuyển sinh theo tổ hợp B00. Để đánh giá cụ thể thì cần thêm thời gian để sinh viên hoàn thành hết khóa học.
Bàn về việc xét tuyển ngành y với môn tiếng Anh, thầy Khuê cho rằng tiếng Anh trong thời đại hội nhập rất quan trọng, và cũng giúp sinh viên y khoa trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Tuy nhiên, dù không phải lựa chọn những thí sinh giỏi tiếng Anh ngay từ đầu, những sinh viên y khoa khi quyết định gắn bó với nghề nghiệp cũng sẽ vượt qua được rào cản ngoại ngữ, chinh phục thành công việc học ngoại ngữ song song với học ngành y. Điều này đã được chứng minh qua nhiều thế hệ bác sĩ từ trước tới nay.
“Tôi cho rằng, quan trọng là chọn tổ hợp làm sao để tuyển sinh được các em học sinh có kiến thức và kết quả học tập tốt, có tư duy, thiên hướng theo ngành y, có tinh thần học tập và yêu nghề, tâm huyết với nghề”, Phó Giáo sư Phạm Minh Khuê nhấn mạnh.
Thủ khoa đầu vào chia sẻ quan điểm về "học lệch" hay "học toàn diện"
Với bản thân em mục đích cuối cùng vẫn là tốt nghiệp và thi đại học nên em chú tâm nhiều hơn đối với những môn trong khối thi em lựa chọn.
Ước mơ thuở bé
Đối với mỗi sinh viên, khi bước vào cánh cổng đại học luôn có một lý do nào đó. Có những bạn là vì ưa thích ngành học, có những bạn nguyện vọng theo mong muốn của phụ huynh, có những bạn học theo xu hướng của xã hội và cũng có những bạn như cô gái Hoàng Phương Anh, theo đuổi ngành y bởi ước mơ từ thuở nhỏ.
Hoàng Phương Anh, Thủ khoa đầu vào ngành Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thái Nguyên năm 2019 với số điểm 25,9, khối B. (Ảnh NVCC)
Là sinh viên tiêu biểu, Thủ khoa đầu vào ngành Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Thái Nguyên năm 2019 với số điểm 25,9, khối B, Hoàng Phương Anh cho biết, cô ưa thích nghề bác sĩ từ bé, khi cô ý thức được nghề y là nghề cứu người, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho xã hội.
Hoàng Phương Anh chia sẻ: "Ngành y là một ngành đặc thù, cũng là một ngành học khó nên để theo đuổi được ước mơ từ thuở bé thì em đã phải xác định mục tiêu học tập từ rất sớm và em nghĩ điều đó thật sự cần thiết.
Em xác định mục tiêu rõ ràng và học tốt các môn học theo đúng ngành mình lựa chọn ngay từ cấp 2. Cũng may mắn, từ cấp trung học cơ sở em được tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học, đây được xem là môn đặc thù của ngành y. Chính vì vậy, lượng kiến thức của em được đặt nền tảng khá sớm, đó cũng là điều thuận lợi".
Theo kinh nghiệm của chính bản thân mình, Phương Anh cho rằng, việc học và xác định mục tiêu sớm sẽ khiến cho kiến thức không bị hổng và thời gian thu thập kiến thức nhiều hơn, không để dồn dập vào thời gian ôn thi trước khi bước vào kỳ thi quyết định.
Việc trau dồi kiến thức hàng ngày cũng được Phương Anh chú trọng, đặc biệt là các môn cần tư duy, những môn thuộc khối tự nhiên.
Chúng ta có thể trau dồi kiến thức bằng cách kết hợp nhiều phương pháp học tập khác nhau, trong đó Phương Anh tập trung nhiều cho việc làm bài tập.
"Luyện tập nhiều sẽ giúp tạo ra lối mòn trong suy nghĩ, có khi còn phát hiện ra được cách giải bài mới nhanh hơn.
Riêng đối với các kiến thức cần học thuộc lòng em thường không học thuộc cùng một lúc mà dàn trải kiến thức và mỗi ngày học một chút để vừa nhớ, vừa hiểu thì sẽ giúp em nhớ lâu hơn.
Theo Hoàng Phương Anh, mọi người vẫn không ủng hộ việc học lệch nhưng Phương Anh vẫn chú trọng học nhỉnh hơn với các môn khối thi theo ngành mình đã chọn.
"So với việc môn gì mình cũng cố học đều nhưng không có môn học nào có sức bật hẳn thì em thấy không hợp lý lắm.
Không phải mình bỏ bê không học các môn không có trong khối thi, nhưng em thấy chỉ cần nắm kiến thức cơ bản của các môn học đó là được. Vì với bản thân em mục đích cuối cùng vẫn là tốt nghiệp và thi đại học nên em chú tâm nhiều hơn đối với những môn trong khối thi em lựa chọn. Và việc triển khai này bắt đầu từ năm học lớp 12 là rõ ràng và tập trung nhất", Phương Anh chia sẻ.
Học thật tốt để được chia sẻ
Nhắc đến ngành y là nhắc đến ngành học khó, mang nhiều tính đặc thù bởi ngoài học lý thuyết thì học sinh ngành y phải học thực hành ngay từ những năm đầu tiên.
"Về việc học ở trường hiện nay, lượng học lý thuyết khá lớn, đặc biệt kiến thức cần ghi nhớ rất nhiều. Tuy nhiên em vẫn sử dụng phương pháp như trước đó em từng vận dụng trong thời gian ôn thi trước khi vào trường. Em kiên trì luyện tập và trau dồi kiến thức hàng ngày.
Thay vì gần đến kỳ thi mới học thuộc, bởi thế mạnh của em không phải học thuộc nên em sẽ bắt đầu ôn tập đề cương trong môt thời gian khá dài và kỹ trước khi thi", Phương Anh cho hay.
Cô gái nhỏ luôn canh cánh trong mình ước mơ chia sẻ gánh nặng cho các y, bác sỹ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. (Ảnh NVCC)
Về phần thực hành, thời gian đầu Phương Anh cảm thấy chưa quen do căng thẳng vì lịch quá dày. Để chuẩn bị cho buổi thực hành Phương Anh thường xuyên xem trước nội dung của bài thực hành. Có phần nào không hiểu Phương Anh thường xem lại lý thuyết hoặc tra cứu trên mạng.
Trong buổi thực hành, giảng viên thường hỏi đột xuất để nắm bắt kiến thức cũng như nâng cao tinh thần thực hành của sinh viên.
Để trả lời được những câu hỏi Phương Anh cũng xem trước, chuẩn bị những phần nào giảng viên có thể đề cập và qua đó em có thể trao đổi trực tiếp cùng với giảng viên nếu có thắc mắc.
Hoàng Phương Anh cho rằng: "Em thấy khó nhất là lúc áp dụng những kiến thức đã học để giải thích được các tình huống thực tế xảy ra. Bởi vì không phải cứ đọc sách hoặc học thuộc kiến thức là có thể lý giải được tất cả các tình huống.
Điều đó bắt buộc mình phải hiểu được toàn bộ những gì mình đọc cộng với việc hiểu biết thực tế. Lắm lúc đọc được phần liên quan đến tình huống rồi nhưng không hiểu rõ, hiểu cặn kẽ cũng không biết xử lý tình huống của bệnh nhân như thế nào.
Thêm vào đó, việc liên kết kiến thức trong sách vở, kinh nghiệm theo dõi thực hành và trí nhớ tốt là điều cần thiết để có thể xử lý các tình huống thực tế có thể xảy ra".
Dù học khó là vậy, nhưng đối với Phương Anh chỉ cần được học đúng với niềm đam mê thì dù còn nhiều khó khăn cô gái vẫn sẽ tự tin tiếp tục vững bước.
Những lần học thực hành là những lần Phương Anh được tiếp xúc với các y, bác sỹ, nhân viên ngành y tế, thì đam mê, mơ ước của Phương Anh lại được tiếp thêm sức mạnh.
"Lúc các y, bác sỹ cứu người, vào tình huống khẩn cấp lúc đó em cảm thấy rất ngưỡng mộ. Chứng kiến những ca bệnh cực kỳ khó được các y, bác sỹ cứu sống em lại cảm giác không có gì các bác không làm được và cảm giác đó thật sự là một niềm hạnh phúc trong bản thân em.
Chính vì vậy, em luôn mong muốn, dù ngành học có khó, thời gian học có dài thì bản thân tự hứa sẽ không bao giờ bỏ cuộc, luôn phấn đấu học tập để tương lai có thể đứng trong đội ngũ y, bác sỹ phục vụ nền y học nước nhà", Phương Anh nói.
Những ngày tình hình dịch bệnh căng thẳng, cô gái nhỏ luôn canh cánh trong mình ước mơ lớn lao cho bản thân, xã hội và đất nước, Hoàng Phương Anh nói:
"Trong tình hình dịch như hiện nay em mong muốn mình là người có đủ những kỹ năng, kiến thức để giúp đỡ, chia sẻ những gánh nặng cho các y, bác sỹ, nhân viên ngành y.
Nhưng hiện tại năng lực của em có hạn nên chỉ có thể cố gắng học tốt hơn nữa để sau này khi có trường hợp xấu như vậy xảy ra thì em có thể đủ khả năng đóng góp công sức của mình trong hàng ngũ y tế đi đầu. Mong rằng, với sự hi sinh, vất vả ngành y tế nói riêng và nhân dân Việt Nam, toàn cầu nói chung sẽ chiến thắng dịch bệnh, cuộc sống mau chóng trở lại bình thường".
Trở thành bác sỹ góp sức cứu người là niềm hạnh phúc Chu Thị Ngọc Ánh, thủ khoa Đại học Y dược Thái Nguyên: "Được thỏa mãn ước mơ trở thành bác sỹ, góp sức cứu người, làm những việc có ích là niềm hạnh phúc". Tình yêu với ngành y Kỳ thi mang tính bước ngoặt của các học sinh cuối cấp trung học phổ thông sắp diễn ra, mang theo nhiều ước mơ,...