Tự ý rời hàng ngũ, 60 đặc nhiệm Ấn Độ biến mất không dấu vết
Nhiều lính đặc nhiệm của Ấn Độ tự ý xuống tàu khi đang trên đường chuyển quân và biến mất bí ẩn tại khu vực đông bắc của nước này.
Đặc nhiệm Ấn Độ trong một cuộc tập trận. Ảnh: MensXP
Gần 60 lính đặc nhiệm chống nổi dậy của Ấn Độ biến mất vào đêm ngày 5/1 khi đang được triển khai đến bang đông bắc Bihar, vốn đang trong tình trạng bất ổn, AFP hôm qua đưa tin.
Theo hãng tin PTI, khi tàu hỏa chở các đặc nhiệm này dừng tại một địa điểm gần bang Bihar, họ đã xuống tàu mà không báo cáo với cấp trên, sau đó biến mất không có bất cứ dấu vết nào.
Chỉ huy đơn vị đặc nhiệm cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định làm thế nào mà hàng chục lính đặc nhiệm lại mất tích một cách bí ẩn như vậy.
Bang Bihar cùng một số bang khác như Chhattisgarh, Orissa, Jharkhand và Maharashtra là nơi tập trung nhiều lực lượng phiến quân nổi dậy của Ấn Độ. Từ năm 1967, các cuộc đụng độ giữa binh sĩ chính phủ và phiến quân tại những bang này đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Theo Nguyễn Hoàng (VNexpress)
Uy lực khẩu súng lục Glock ưa chuộng nhất thế giới
Glock là mẫu súng lục bán tự động phổ biến nhất, được đa số các đơn vị quân đội, đặc nhiệm trên thế giới tin dùng.
Video đang HOT
Hơn 5 triệu khẩu súng lục Glock đã được bán ra trên toàn thế giới (tính đến năm 2007).
Theo National Interest, trong giai đoạn giữa thế kỷ 20, súng lục dần tạo được chỗ đứng thay cho loại súng ngắn ổ xoay (revolver). Sự phát triển của súng lục bán tự động đã mở ra loại vũ khí mới, phức tạp hơn súng ngắn ổ xoay nhưng có khả năng mang theo cơ số đạn lớn hơn.
Trong những năm 1980, loại súng lục mới mang tên Glock xuất hiện, tạo ra bước đột phá trong ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Ngày nay, Glock được trang bị cho các lực lượng quân đội và đặc nhiệm trên khắp thế giới.
Câu chuyện về Glock bắt đầu từ tháng 2.1980. Ở thời điểm đó, quân đội Áo tìm kiếm một loại súng mới thay cho súng ngắn Walther P-38 từ thời Thế chiến 2.
Gaston Clock, công dân Áo vốn là người chế tạo dao và kiếm cho quân đội Áo. Ông đã nghe được câu chuyện giữa hai đại tá và biết được rằng quân đội muốn có một loại súng mới.
Glock xin Bộ Quốc phòng Áo cho phép nghiên cứu, chế tạo loại súng mới, và được sự chấp thuận, dù ông khi đó chưa từng biết gì về súng ngắn. Ông từng có vài ngày phục vụ trong Thế chiến 2 khi còn ở độ tuổi thiếu niên, nhưng điều đó không giúp ông có thêm kinh nghiệm về vũ khí.
Chủ cửa hàng kinh doanh dao, kiếm mua một số loại súng cạnh tranh khi đó, bao gồm khẩu Beretta 92F của Italia, Sig Sauer P220 do Đức-Thụy Sỹ chế tạo, CZ75 của CH Czech và phiên bản hiện đại của P-38, khẩu P-1.
Glock mang những khẩu súng ngắn này về nhà và mở tung ra để tìm hiểu, cách chúng hoạt động cũng như được chế tạo ra sao. Ông cũng nhờ đến các chuyên gia vũ khí, để gợi ý xem họ muốn tính năng gì của loại súng lục hiện đại.
Khâu Beretta 92F có nguồn gốc từ Italia.
Glock nhận ra rằng, quân đội Áo muốn có súng ngắn với cơ số đạn lớn, hơn 8 viên mỗi băng đạn của khẩu Walther P-38. Khẩu súng này cũng phải nhẹ, không đến 800gr, thiết kế hợp lý và dễ dàng sử dụng. Súng ngắn kiểu mới chỉ được lắp ráp tối đa từ 40 bộ phận.
Kiến thức rộng rãi về vật liệu polymer tổng hợp tiên tiến là yếu tố quan trọng giúp Glock sáng chế ra dòng súng ngắn, với đa số các chi tiết làm bằng nhựa đầu tiên. Ngoài ra ông cũng giới thiệu chất nitrocarburizing ferit vào ngành công nghiệp sản xuất vũ khí như một chất chống ăn mòn hiệu quả cho các bộ phận làm bằng kim loại.
Sau một năm mày mò và phát triển sản phẩm, Glock đã xin cấp bằng sáng chế cho thiết kế súng lục mới vào ngày 30.4.1981. Ông giao cho quân đội Áo 4 khẩu súng thử nghiệm vào ngày 19.5.1982.
Khẩu súng nhận được phản hồi tích cực, và cái tên Glock 17 từ đó ra đời. Glock nhận được đơn đặt hàng 20.000 khẩu súng loại này từ quân đội.
Glock 17 là loại súng lục đặc biệt, không giống với bất kỳ phiên bản nào trước đây. Duy trì hỏa lực mạnh mẽ nhưng trọng lượng khẩu súng cũng rất nhẹ nhờ vào thành phần được làm từ nhựa. Súng lục Glock chỉ nặng hơn 600gr, nhẹ hơn yêu cầu của quân đội Áo.
Súng lục Glock cũng hết sức đơn giản, chỉ với 34 bộ phận. Đối thủ Beretta 92F thậm chí còn có tới 70 bộ phận, báng súng sử dụng khung thép.
Phiên bản Glock 19 với các trang bị đi kèm.
Glock sử dụng nguyên tắc nạp đạn bằng phản lực do chính viên đạn tác dụng lên pit tông khi khai hỏa. Khẩu Glock sử dụng hệ thống khóa giống như Hi-Power, trong khi khai hỏa, nòng di chuyển ngược về phía sau khoảng 3 mm, cho đến khi viên đạn rời khỏi nòng và áp lực trong buồng đạn giảm xuống mức an toàn.
Khẩu súng nguyên bản chỉ có chế độ bán tự động, tuy nhiên một số mẫu cải tiến còn có thêm chế độ tự động hoàn toàn với khả năng lựa chọn chế độ bắn.
Trong suốt cuộc đời, Glock đã dành phần lớn thời gian để cải tiến khẩu Glock. Ông muốn súng lục bán tự động do mình chế tạo thân thiện hơn với bàn tay và mắt của người sử dụng, giúp ngắm bắn nhanh và chính xác hơn.
Khác với thông thường, nòng của khẩu Glock được thiết kế với nhiều khối đa giác bên trong hướng về phía tay phải, gồm 6 hay 8 đoạn kết nối với nhau. Mỗi đoạn của các đa giác sẽ tương ứng với một rãnh, do đó đường đạn sẽ có độ ổn định cao so với một khẩu súng có nòng ngắn như Glock.
Trong một cuộc thi bắn 10.000 phát đạn liên tục, khẩu súng của ông chỉ kẹt đạn một lần, so với mức cho phép tối đa là 20 phát đạn.
Glock 22 là một trong những mẫu súng lục Glock phổ biến nhất.
Glock 17 cũng là khẩu súng có thể mang theo cơ số đạn lớn nhất khi đó. So với các đối thủ cạnh tranh, Beretta 92 là đáng chú ý nhất với 15 viên đạn. Nhưng Glock có 17 viên trong hộp tiếp đạn, gấp đôi cơ số đạn của khẩu P-38.
Trong vòng 35 năm kể từ khi loại súng ngắn này ra đời, Glock đã trở thành biểu tượng của súng lục trên thế giới, bất chấp sự cạnh tranh của những đối thủ mới xuất hiện.
Nhiều quốc gia trên thế giới hiện vẫn đang tìm cách chế tạo loại súng ngắn với thiết kế chủ yếu làm từ nhựa mà vẫn duy trì độ bền cao như khẩu Glock.
Glock 17 phục vụ trong nhiều đơn vị quân đội, đặc nhiệm trên thế giới như quân đội Anh, quân đội Thụy Điển, quân đội Ấn Độ, Iraq, Israel, Yemen. Lực lượng biệt kích, thủy quân lục chiến Mỹ dùng phiên bản nhỏ gọn mang tên Glock 19. Lực lượng Delta Force thì ưu thích Glock 22.
Có thể nói, Gaston Glock đã đạt thành tựu lớn trong việc thiết kế súng lục dù ông không hề có kiến thức gì về loại vũ khí này. Vì không biết súng lục cần phải như thế nào, nên Glock có thể tập trung vào hoàn thiện các yêu cầu, dễ sử dụng, đơn giản, và hiệu quả.
Glock không hề có ý định sáng chế ra khẩu súng ngắn có thể làm thay đổi thế giới, ông chỉ muốn giành được hợp đồng với quân đội Áo. Phần còn lại của thế giới đơn giản là lựa chọn loại súng này vì sự hữu dụng của nó, theo National Interest.
Theo Danviet
Điểm mặt các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới Các lực lượng đặc nhiệm đặc biệt là các đơn vị quân sự được đào tạo khắc nghiệt để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm cho các mục đích quân sự, kinh tế hay chính trị của một quốc gia. Nguồn gốc của các lực lượng đặc biệt bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20, với các mô...