Tử vong vì thuốc nam: chết vì thiếu hiểu biết
Sau sự việc 2 đứa trẻ ở Quảng Nam tử vong vì dùng thuốc nam chữa chó dại cắn, một lần nữa dấy lên sự lo ngại về quan niệm “vô hại”, “không bổ âm cũng bổ dương” khi dùng thuốc nam chữa bệnh.
Bị hoại tử da vì đắp thuốc nam chữa bệnh
Anh Trịnh Đắc Tình (45 tuổi, ở Quế Võ – Bắc Ninh) mắc bệnh tổ đỉa ở bụng và đùi. Nghe người làng mách nước là dùng lá anh đào, lá xoan và cây nhọ nồi giã nhỏ đắp lên vết thương sẽ khỏi bệnh, anh Tình tin và liền làm theo.
Sau 3 ngày đắp thuốc, vết thương trên bụng và đùi của anh Tình tấy đỏ, phù nề. Vùng da tiếp xúc trực tiếp với thuốc bị thâm đen, chảy dịch. Chất gây co mạch, làm mạch máu thắt lại có trong lá anh đào và lá xoan khiến anh bị co mạch dữ dội.
Anh Tình nhập vi ện Da liễu Quốc gia trong tình trạng da bị hoại tử, sưng tấy và lên cơn co giật.
Gần đây, Viện Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh cũng tiếp nhận bệnh nhân nữ, 45 tuổi, ở Ba Vì – Hà Nội, do dùng thuốc từ cỏ cây đắp lên vùng da bị ngứa dẫn tới da bị sưng tấy, lở loét, mưng mủ và hoại tử da. Phải mất hơn 3 tháng điều trị, bệnh nhân này mới hồi phục và được xuất viện.
Suy gan, thận cũng từ thuốc nam
Video đang HOT
Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận bệnh nhân là Trần Thị Hường (43 tuổi, ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) bị rối loạn chức năng gan do uống thuốc nam.
Do thể chất suy nhược, bệnh nhân này đã cắt 20 thang thuốc của thầy lang cùng xã uống để bồi bổ sức khỏe. Sau gần 1 tháng uống thuốc bồi dưỡng thì phát bệnh.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị dị ứng nổi mề đay, nổi mụn nhọt, mần ngứa, có nhiều trứng cá, da vàng…
Không những thế, bệnh nhân này có các biểu hiện đau hạ sườn phải, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, đi ngoài phân sống, đặc biệt là có cảm giác rất sợ các loại thức ăn có nhiều mỡ. Cơ thể bệnh nhân trở nên gầy yếu, suy kiệt.
Theo các bác sĩ, các bệnh nhân sử dụng tuỳ tiện thuốc nam, thuốc bắc dẫn đến suy thận, suy gan, nhiễm độc toàn thân thường rất khó cứu chữa.
Bên cạnh đó, những tai biến thường gặp do sử dụng thuốc nam bừa bãi là dị ứng, đi ngoài, buồn nôn, choáng váng, hồi hộp, tim đập nhanh, sốt cao, toàn thân phù nề, đỏ ửng và nổi bọng nước khắp người…
Đã là thuốc đều có thể có phản ứng phụ
Theo BSCK II Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội: “Thuốc nam cũng như các loại tân dược đều có tính hai mặt của nó. Về mặt nguyên tắc, đã là thuốc thì đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc và dẫn đến hậu quả chết người khi người bệnh lạm dụng và sử dụng thuốc một cách thiếu hiểu biết, không khoa học”
Với những trường hợp bệnh nhân phải nhập viện do những tai biến khi sử dụng thuốc nam, các bác sỹ đều có chung một nhận định: Người bệnh đã sử dụng thuốc với những loại cây lá có độc tính rất cao nên mới gây ra những tai biến nặng nề như vậy.
Nhiều người vẫn cho rằng, sử dụng thuốc Đông y là vô hại vì thuốc được chế biến từ cây cỏ, hoa lá trong tự nhiên. Nhiều người lại uống thuốc theo sự truyền tai, mách bảo của người khác. Có người chẳng bị bệnh gì cũng đi cắt vài thang thuốc nam uống để “bồi bổ” sức khỏe. Đây là một quan niệm sai lầm.
Ông Nguyễn Hồng Siêm nhấn mạnh: “Không phải bất cứ loại cây nào có trong tự nhiên cũng là thuốc nam và có tác dụng chữa bệnh. Trong tự nhiên, có rất nhiều loại cây cỏ có độc tính cao nguy hiểm với tính mạng của con người.
Người bệnh nên có những hiểu biết nhất định khi dùng thuốc nam, tránh tình trạng sử dụng truyền tai nhau, sử dụng bừa bãi, thiếu khoa học… gây ra những hậu quả khó lường”
Để ngăn ngừa những tai biến do dùng đông dược, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tuỳ tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng.
Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc có chuyên khoa.
Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.
Theo VTC