Từ vô danh, BioNTech và Moderna trở thành đại gia dược toàn cầu
Vaccine Covid-19 là sản phẩm duy nhất ra mắt thị trường của BioNTech và Moderna. Chính nhờ sản phẩm này, 2 hãng dược Đức và Mỹ gia nhập đội ngũ sản xuất thuốc hàng đầu thế giới.
Có trụ sở tại thành phố Mainz (Đức), BioNTech đã có bước nhảy vọt về doanh số khi kiếm được gần 3,3 tỷ USD trong quý II. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, BioNTech đã thua lỗ 146 triệu USD.
Theo Statista , trong năm 2019 và 2020, BioNTech chỉ kiếm được lần lượt 127 triệu USD và 566 triệu USD. Tới năm 2021, hãng dược đến từ Đức dự kiến đạt doanh số 18,7 tỷ USD, vượt xa dự báo doanh thu 14,5 tỷ USD trước đó.
Nhờ doanh số khổng lồ, cổ phiếu của BioNTech cũng tăng mạnh. Hiện tại, cổ phiếu của BioNTech giao dịch quanh vùng 360 USD, tăng 419,74% trong vòng 12 tháng qua. Vốn hóa thị trường chạm mốc 86,75 tỷ USD.
Kết hợp với hãng dược Pfizer của Mỹ, BioNTech cho ra mắt vaccine ngừa Covid-19 có tên Pfizer/BioNTech. Ảnh: Reuters.
Cùng với đối tác sản xuất Pfizer, công ty đã ký kết các thỏa thuận bán ra 2,2 tỷ liều vaccine trong năm nay và 1 tỷ liều khác vào năm 2022.
Ban đầu mRNA được BioNTech nghiên cứu để phát triển loại vaccine chống lại các khối u ung thư. Nhận thấy virus gây bệnh lên đường hô hấp bắt đầu lây lan nhanh chóng từ cuối năm 2019, Ugur Sahin – CEO BioNTech – và vợ quyết định áp dụng mRNA vào mối đe dọa mới. mRNA là công nghệ sinh học được cặp đôi dành ra 2 thập kỷ để nghiên cứu.
Video đang HOT
“Chúng tôi và đối tác Pfizer đã vượt mốc doanh số cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 cho toàn thế giới”, CEO BioNTech cho biết trong thông cáo. “Chúng tôi tự hào đạt được cột mốc quan trọng này chỉ sau 6 tháng và tạo ra sự khác biệt cho mọi người bằng công nghệ mRNA”, vị CEO khẳng định.
Với dự báo doanh số như hiện tại, BioNTech sẽ lọt vào danh sách 20 hãng dược hàng đầu thế giới, cùng với các nhà sản xuất thuốc khác như Biogen, Teva Pharmaceutical và Novo Nordisk. Các công ty này đã tạo ra doanh số lần lượt là 13,44 tỷ USD, 16,66 tỷ USD và 20,24 tỷ USD vào năm 2020.
Giống như BioNTech, sản phẩm duy nhất ra mắt thị trường của Moderna là vaccine ngừa Covid-19.
Năm 2010, ModeRNA Therapeutics đã mua lại một nhà máy bỏ hoang ở Massachusetts (Mỹ) và bắt đầu nghiên cứu công nghệ sinh học. Đi theo làn sóng khởi nghiệp kỳ lân, ModeRNA Therapeutics đã huy động được gần 600 triệu USD trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng năm 2018 và đổi tên thành Moderna.
Vaccine Moderna được cho là có khả năng chống lại một phần biến chủng Delta. Ảnh: AFP.
Theo Market Watch , trong đợt IPO năm 2018, số vốn Moderna huy động được là lớn nhất đối với một công ty công nghệ sinh học lúc bấy giờ. Thời điểm đó, Moderna được định giá 7,4 tỷ USD khi chưa có sản phẩm bán ra thị trường với 10/21 loại thuốc đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Nhờ sự thành công của vaccine Covid-19, giá cổ phiếu của hãng dược Mỹ vọt tăng từ 23 USD/cổ phiếu trong đợt IPO đầu tiên lên 385,33 USD trong phiên giao dịch ngày 12/8. 12 tháng qua, cổ phiếu đã Moderna tăng trưởng 454,27%. Moderna hiện được định giá ở mức 155 tỷ USD.
Trong một ghi chú được chia sẻ với The Post , Michael Yee – CEO Jefferies – cho biết Moderna đang giao dịch “giống như Tesla trong ngành công nghệ sinh học”. Điều đó đồng nghĩa cổ phiếu Moderna được định giá cao, dựa trên kỳ vọng của các nhà đầu tư vào tương lai của Moderna.
Ông Yee nhận xét Moderna là “sự cải tiến và đổi mới” khi công nghệ mRNA có thể thay thế các phương pháp điều trị y tế truyền thống và tạo ra nhiều loại vaccine hơn nữa.
Hiện, Moderna và BioNTech đang nghiên cứu để phát triển thêm các loại vaccine ngừa các virus gây bệnh khác như cúm, Zika và ung thư.
Nghiên cứu: Vắc xin Moderna có thể hiệu quả với biến thể Delta hơn vắc xin Pfizer
Nghiên cứu tại Mỹ, Israel và Canada cho thấy, có thể vắc xin COVID-19 của Moderna nhỉnh hơn về hiệu quả trước biến thể Delta so với vắc xin COVID-19 của Pfizer dù cả hai cùng sử dụng công nghệ mRNA.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra vắc xin COVID-19 của Moderna hiệu quả với biến thể Delta hơn vắc xin Pfizer - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể ít hiệu quả hơn trước biến thể Delta, theo 2 nghiên cứu đăng trên trang medRxiv vào ngày 8-8. Hai nghiên cứu này chưa trải qua khâu bình duyệt (các nhà khoa học đánh giá chất lượng kết quả nghiên cứu).
Một trong hai nghiên cứu đã phân tích số liệu của hơn 50.000 người được tiêm vắc xin trên hệ thống của Bệnh viện Mayo tại Mỹ.
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 của Moderna giảm còn 76% vào tháng 7-2021, thời điểm biến thể Delta chiếm đại đa số ở Mỹ từ mức 86% hồi đầu năm nay. Trong cùng giai đoạn, vắc xin Pfizer/BioNTech giảm hiệu quả còn 42% từ mức 76%.
Cả hai nghiên cứu đều kết luận vắc xin hiệu quả cao trong việc bảo vệ bệnh nhân khỏi nhập viện.
Bác sĩ Venky Soundararajan ở Công ty phân tích dữ liệu Massachusetts, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng liều tiêm bổ sung thứ ba bằng vắc xin Moderna có thể sẽ cần thiết với những ai đã tiêm đầy đủ trước đây, kể cả bằng loại vắc xin khác.
Trong nghiên cứu ở Canada, các cụ cao niên tại một nhà dưỡng lão ở Ontario có phản ứng miễn dịch mạnh hơn, đặc biệt là với các biến thể đáng quan ngại, sau khi tiêm vắc xin Moderna so với các cụ đã tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech.
Anne-Claude Gingras, chủ nhiệm nghiên cứu của Viện Lunenfeld-Tanenbaum, Toronto cho rằng các cụ cao niên có thể cần vắc xin liều cao hơn, hoặc tiêm bổ sung liều thứ 3 và các biện pháp phòng bệnh khác.
Tại Israel , phân tích dữ liệu từ thực tế chỉ ra những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech từ 5 tháng trở lên có nhiều khả năng dương tính với virus hơn người tiêm đầy đủ vắc xin dưới 5 tháng.
Nghiên cứu phân tích kết quả của gần 34.000 người đã tiêm vắc xin đầy đủ, chủ yếu ở Israel và có làm xét nghiệm virus để tìm hiểu về các trường hợp vẫn nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vắc xin đầy đủ.
Kết quả, tỉ lệ tiêm vắc xin đầy đủ mà vẫn nhiễm trong số gần 34.000 người trong nghiên cứu là 1,8%. Ở tất cả các nhóm tuổi, khả năng bị dương tính cao hơn ở những người đã hoàn thành tiêm chủng ít nhất 146 ngày.
Ở nhóm từ 60 tuổi trở lên, khả năng dương tính cao hơn gấp 3 lần từ ngày thứ 146 trở đi sau khi tiêm liều thứ 2.
Tuy nhiên, nghiên cứu khẳng định rất ít trường hợp phải nhập viện, và vẫn còn quá sớm để đánh giá về tình trạng nặng nhẹ của các ca nhiễm COVID-19 sau tiêm về các khía cạnh như số người nhập viện, cần thở máy hoặc tử vong.
Long An: Dành 4.000 liều vắc xin Sinopharm phòng Covid-19 cho người Trung Quốc trên địa bàn CDC Long An cho biết số lượng vắc xin Sinopharm sẽ dành riêng cho người Trung Quốc đang cư trú trên địa bàn Long An. Long An đang khẩn trương triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để tiến tới miễn dịch cộng đồng vào năm 2022. ẢNH: B.B Ngày 8.8, trao đổi với PV Báo Thanh Niên , bác sĩ Huỳnh...