Tự tử, bạo lực, nghiện game…: Những cảnh báo về “bệnh học đường”
Tự tử, bạo lực, nghiện game là những vấn đề trong 16 “bệnh” thường gặp trong học đường có thể gây khó khăn cho học sinh trong quá trình phát triển được các chuyên gia cảnh báo trong Cẩm nang tâm lý học đường.
Cuốn cẩm nang được biên soạn bởi 3 tác giả uy tín trong lĩnh vực tâm lý học đường gồm PGS. TS Trần Thị Lệ Thu, PGS. TS Trần Thành Nam, ThS Nguyễn Thị Phương với sự cố vấn chuyên môn của TS Lê Nguyên Phương. Cuốn cẩm nang ra đời với mong muốn hỗ trợ phụ huynh, giáo viên cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh – hành vi tâm lý học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân, từ đó đưa ra phương pháp khắc phục.
Hội thảo ra mắt cuốn Cẩm nang tâm lý học đường tại TPHCM
Cuốn cẩm nang vừa được giới thiệu tại TPHCM sau khi ra mắt tại Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế lần thứ VI diễn ra vào đầu tháng 8/2018 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nội dung cẩm nang được xây dựng, sắp xếp theo các nhóm vấn đề thường gặp theo lứa tuổi tăng dần để giúp giáo viên, phụ huynh dễ dàng tìm thấy các chỉ dẫn phù hợp với độ tuổi của học trò, con em mình.
Các vấn đề được đề cập như định nghĩa lại hiểu biết về: Chậm phát triển ở trẻ, Khuyết tật trí tuệ; Bổ sung kiến thức về các bệnh – hành vi rối loạn: Rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ; Rối loạn học tập; hướng dẫn cho bố mẹ, thầy cô giáo cách nhận biết về các hành vi của tuổi học đường như: Bắt nạt học đường; Nghiện game, internet và mạng xã hội; Tình yêu tuổi học trò…
Sách cũng đưa ra những phương pháp xử lý phù hợp cho bố mẹ khi rơi vào trường hợp: Là phụ huynh của các em đang là nạn nhân của quấy rối tình dục, xâm hại tình dục; Hướng dẫn thầy cô giáo, bố mẹ đưa ra phương án xử lý những vướng mắc trong mối quan hệ với người bệnh lo âu, trầm cảm, hay những người có hành vi tự gây tổn thương, thậm chí… tự tử.
Được biết, các hội thảo, tọa đàm về những “căn bệnh” liên quan đến các vấn đề học đường sẽ được tổ chức tại 5 tỉnh thành gồm Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang. Kế hoạch đầu năm 2019, sẽ có những khóa tập huấn chuyên sâu giành cho giáo viên kiêm nhiệm hay mong muốn trở thành chuyên viên tư vấn học đường và đưa cuốn sách vào thư viện các trường học.
Một số “bệnh” học đường cần được giáo viên, phụ huynh lưu tâm:
Nghiện game, internet và mạng xã hội
Một số dấu hiệu nhận diện là chơi game, internet và mạng xã hội quá 6 tiếng/ngày; cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu khi không được sử dụng; sa sút học tập, giảm chất lượng công việc và mất các mối quan hệ do dành quá nhiều thời gian cho thế giới mạng. Các chuyên gia cảnh báo, việc “nghiện” này có thể gây ra trạng thái căng thẳng, trầm cảm, lo âu và các vấn đề về giấc ngủ.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Khi trẻ có dấu hiệu nghiện game, internet và mạng xã hội, cha mẹ cần cùng trẻ xây dựng kế hoạch, cách thức kiểm soát mức độ sử dụng như ngắt kết nối mạng nếu không thực sự cần thiết; cùng trẻ lập thời gian biểu và cho trẻ tham gia các hoạt động hữu ích như giải trí, năng khiếu, tập thể… Ngoài ra, có thể cho trẻ đi đánh giá, can thiệp về chuyên môn từ các chuyên gia.
Đặc biệt, bố mẹ vẫn là tấm gương trong sử dụng và kiểm soát việc sử dụng game, internet và mạng xã hội; dành thời gian tìm hiểu, cùng sử dụng, phòng ngừa các hậu quả xấu từ chúng; cần dành thời gian quan tâm, xây dựng mối quan hệ chất lượng với con trẻ; hướng con trẻ đến các hoạt động giao tiếp lành mạnh như gặp gỡ mọi người, đọc sách, tập thể thao, đi du lịch, hoạt động xã hội thay vì để trẻ một mình.
Bắt nạt học đường
Ngoài bắt nạt ở trường học thì vấn đề bắt nạt trực tuyến thông qua các tiện ích và ứng dụng trên internet rất cần được lưu tâm. Đây được xem là hiện tượng báo động xảy ra phổ biến trên toàn thế giới, tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trực tuyến ngày càng tăng.
Phụ huynh cần hết sức lưu tâm là trẻ bị bắt nạt phải chịu những tổn thương tinh thần, chán nản, cô đơn và suy sụp. Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó với những kẻ bắt nạt có thể khiến các em bị stress, lo âu, trầm cảm và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Nhiều vụ việc học sinh bị bắt nạt để lại hậu quả nghiêm trọng là tự sát.
Cần nhất là nhận diện sớm các dấu hiệu, nguy cơ trẻ bị bắt nạt và tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên, chuyên gia tâm lý để can thiệp kịp thời. Và cả trẻ bắt nạt cũng có thể đang có gặp khó khăn cần được sự hỗ trợ.
Tự tử
Đây cũng là một trong những “bệnh học đường” mà các chuyên gia lưu ý nhà trường và gia đình cần quan tâm đến trẻ nhỏ. Học trò có hành vi tự tử có thể vì các nguyên nhân như trầm cảm và cảm giác tuyệt vọng; bị lạm dụng, bạo hành tự nhỏ; mối quan hệ đổ vỡ…
Người thân cần hiểu ý nghĩa của hành vi tự tử có thể là sự trốn chạy, sự tuyệt vọng, sự tự trừng phạt, sự đổ lỗi, trả thù, sự mất mát… Khi đối diện với đau thương, tang tóc, các em rất cần được hỗ trợ để vượt qua cú sốc tâm lý, cảm xúc tức giận và các dấu hiệu trầm cảm…
16 vấn đề tâm lý thường gặp ở học đường:
Chậm phát triển, khuyết tật trí tuệ, tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập, bắt nạt học đường, mệt mỏi, các vấn đề về giấc ngủ, nghiệm game – internet và mạng xã hội, tình yêu tuổi học trò, quấy rối tình dục, xâm hại tình dục, lo âu, trầm cảm, hành vi tự gây tổn thương, tự tử.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Báo động học sinh bị trầm cảm, tự tử vì áp lực học hành
Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, bắt con học cho bằng bạn bằng bè, học ở trường, ở nhà rồi ra trung tâm... Tất cả những hành động đó của phụ huynh đang khiến việc học tập không còn là cánh cửa mở ra tương lai, mà trở thành nguyên nhân khiến con em mình vào bệnh viện vì trầm cảm, thậm chí có hành động dại dột.
ảnh minh họa
Tình trạng tự tử học đường có xu hướng gia tăng
Thêm một vụ việc đau lòng nữa vừa xảy ra khiến người lớn giật mình. Nữ sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử tự trong lớp học. Cô bé ngoan ngoãn, học giỏi quyết định ra đi sau khi để lại 2 bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn trong lớp được nữa. Em cũng xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút trong thời gian gần đây, khi không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.
Trước đó, một nữ sinh Nghệ An rơi vào tình trạng mệt mỏi, tâm trạng thất thường, thậm chí chán sống. Người em gầy rộc, mắt thâm quầng, thường nhốt mình trong phòng. Những biểu hiện bất thường đó khiến gia đình lo lắng, vội đưa em đến khám. Kết quả cho thấy em mắc chứng trầm cảm, phải nhập viện điều trị tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103. Trên thực tế, em không phải trường hợp duy nhất rối loạn tâm thần vì áp lực học tập, thi cử.
Chắc hẳn nhiều người vẫn ám ảnh về câu chuyện của nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh. Trong đó có 2 bức thư Trang gửi cho bố mẹ, 3 bức thư còn lại cô nữ sinh gửi cho chị gái và bạn bè. Tất cả đều thể hiện sự buồn chán vì kết quả học tâp không đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ, chị.
Trong thư, Trang viết: "Tương lai sau này của con cũng không còn nữa, con xin lỗi bố mẹ. Không, không, con không thể chịu nỗi nữa rồi... Tương lai con mù mịt, suy nghĩ con mù mịt, con đường con đi cũng mù mịt, mọi thứ xung quanh con mù mịt.... Hết rồi, tất cả kết thúc rồi".
"Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được...".
Mỗi câu chuyện là một bài học cay đắng, thức tỉnh các bậc làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục và định hướng con cái. Đáng tiếc, những vụ việc đau lòng vẫn xảy ra, tình trạng học sinh bị trầm cảm, có suy nghĩ dại dột vẫn chưa có xu hướng giảm.
Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Y tế và Bộ GDĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở người trẻ tuổi, xếp sau nhóm nguyên nhân do tai nạn giao thông.
Rối loạn tâm lý vì học nhiều, chơi ít
Tình trạng tự tử học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do áp lực học tập, cuộc sống gia đình, mâu thuẫn với bạn bè, tâm lý tuổi mới lớn.
Những vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, vì tâm lý tuổi mới lớn bồng bột, cộng thêm bố mẹ không hiểu tâm tư, cảm xúc, đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Các bậc cha mẹ đưa ra mục tiêu con phải học thật giỏi, vào trường tốt, không đạt được như kỳ vọng thì quay sang trách móc, đã khiến trẻ bị sốc tâm lý, nảy sinh ý nghĩ dại dột.
"Một số sự việc liên quan đến vấn đề tự tử của HS nói chung trong thời gian qua cho thấy ở tuổi các em có nhiều biến động. Sức ép từ gia đình, môi trường sống, hoạt động học tập cũng như vấn đề rối nhiễu tâm căn của lứa tuổi cho thấy khi còn hạn chế kinh nghiệm sống, kỹ năng sống cũng như khả năng tự cân bằng đời sống tinh thần, các em chọn hành vi tự hủy hoại bản thân như một lối thoát" - chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) phân tích.
Bên cạnh hiện tượng tự tử, những đứa trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc vì áp lực học tập cũng đang có chiều hướng tăng. Không ở đâu, đứa trẻ phải dành quá nhiều thời gian cho việc học tập như ở Việt Nam.
Mới mờ sáng, khi đường phố còn thưa người, những đứa trẻ đã phải chờ sẵn để đón xe bus đến trường. Có thể dễ dàng bắt gặp hỉnh ảnh học sinh tranh thủ ngủ, ăn trên xe máy của bố mẹ, để kịp giờ tới trường, tới trung tâm luyện thi. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều. Việc này khiến học sinh không có thời gian vui chơi, mà còn khiến không ít em rơi vào các trạng thái bị rối loạn tâm lý, trầm cảm.
Đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ em có biểu hiện bệnh lý bị rối loạn cảm xúc, lo âu vì kết quả học tập giảm sút đến khám trong thời gian qua ngày càng gia tăng.
Ông đưa ra lời khuyên, người làm cha mẹ cần hiểu hơn về sinh tâm lý của con, lấy sức khỏe của con là chính, đừng nên tạo thêm áp lực trong việc học tập, chạy theo thành tích. Cần tạo cho con môi trường học tập thoải mái, dạy con học bằng một thái độ tích cực, tránh gây áp lực về việc đỗ - trượt, điểm thi lên trẻ.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - cho rằng, mâu thuẫn giữa kỳ vọng của bố mẹ với khả năng của con cái đã không dừng ở câu chuyện gia đình mà là vấn đề xã hội. Khi hiện nay, nhiều đứa trẻ bị ép học tập, không được học theo sở thích của mình, mà theo mong muốn của cha mẹ. Cộng thêm việc không được tư vấn tâm lý để giải tỏa những áp lực của mình, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngành giáo dục cần làm tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý học đường. Bởi học sinh, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định, nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Khi các em gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy rất cần có người , hướng dẫn và động viên để các em tìm ra hướng đi, phương pháp học tập tốt nhất. Ngoài ra, cha mẹ cần thay đổi, không gây sức ép lên việc học tập cho con em mình. Để chúng được sống, tận hưởng tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp chứ không phải bị ám ảnh về chuyện học tập.
Theo Laodong.vn
Hà Nội: Xác minh thông tin giáo viên "nghi tự tử vì không được phân lớp" Thông tin trên mạng xã hội đưa ra, do chịu áp lực thời gian dài vì không được nhà trường phân lớp, cô giáo này vừa có hành động tự tử tại Hồ Hale (Hà Nội) nhưng đã được cứu. PV báo Dân trí đã có buổi làm việc với hiệu trưởng nhà trường cũng như đại diện phòng giáo dục quận để...