Từ thiện & lừa đảo: Lằn ranh mong manh
Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết ngành hoạt động từ thiện là một trong những lĩnh vực ‘ nóng’ nhất trên mặt trận chống tội phạm.
Tội phạm thường xuyên lấy các quỹ từ thiện, tổ chức phi lợi nhuận làm bình phong để rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu v.v…
Chỉ mới đây thôi nhà chức trách Mỹ đã khởi tố một đường dây lừa đảo có liên quan đến 10 tổ chức phi lợi nhuận khác nhau. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) viết trong đơn kiện rằng hơn 90% số tiền các quỹ từ thiện nhận được đã chảy vào túi những kẻ lừa đảo.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 9-2020 khi FTC nhận được phản ánh từ bốn tiểu bang khác nhau về một công ty telemarketing ( marketing qua điện thoại) mang tên Outreach Calling. Nhờ Outreach mà không ít tổ chức từ thiện dành cho cựu chiến binh, bệnh nhân ung thư, lính cứu hỏa v.v… đã thu về hàng trăm triệu USD. Các cơ quan thuế cấp bang đã phát hiện ra hàng loạt dấu hiệu bất thường trong sổ sách kế toán của Outreach và các đối tác của công ty này.
Sau khoảng hai năm điều tra, FTC thu thập đủ chứng cứ để khởi kiện Outreach và một số tổ chức từ thiện khác về tội lừa đảo và làm sai sổ sách kể toán. Tòa án phán quyết rằng tất cả các thực thể bị kiện phải nộp phạt tổng cộng hơn 58 triệu USD, đồng thời bị cấm tham gia hoạt động từ thiện mãi mãi.
Ông Laurence Eggers là một trong các nạn nhân bị lừa.
Những tưởng phán quyết của tòa đã đủ tính răn đe, nhưng không. Thomas Berkebush, đồng giám đốc của Outreach, bèn thành lập một công ty telemarketing khác tên là Office Edge. Đối tượng khách hàng và cung cách hoạt động của Office Edge không khác gì so với Outreach. Tính từ thời điểm Office Edge được thành lập tới nay, công ty này đã kêu gọi được khoảng 866.000 USD cho các tổ chức từ thiện. Tại sao Berkebush và Office Edge lại có thể hoạt động mặc cho lệnh cấm của tòa án? Hóa ra các tổ chức “từ thiện” đã thuê Office Edge làm việc gây quỹ không phải là tổ chức từ thiện. Họ đăng ký thành lập với tư cách “Ủy ban hành động chính trị” (PAC), tức là không nằm trong diện áp dụng lệnh cấm của tòa.
Vậy PAC là gì? PAC là một quỹ được lập ra nhằm mục đích vận động chính trị. Mỗi PAC lại có một mục tiêu khác nhau như tăng trợ cấp xã hội, thắt chặt dòng người nhập cư, dỡ bỏ hàng rào pháp lý v.v… Mỗi khi có kỳ bầu cử thì PAC sẽ chọn ra một ứng cử viên sẽ giúp họ đạt được mục tiêu của mình, sau đó sẽ tài trợ cho ứng cử viên đó đi tranh cử. Bởi vì việc vận động tranh cử ở Mỹ vô cùng tốn kém nên các PAC có tầm ảnh hưởng rất lới đối với giới chính trị gia.
Theo điều tra của hãng tin ProPublica thì Thomas Berkebush và Office Edge có liên quan đến ít nhất 10 PAC khác nhau đại diện cho những công đoàn cảnh sát, công đoàn lính cứu hỏa, hội cựu chiến binh v.v… 10 PAC này kêu gọi được tổng cộng 33 triệu USD chỉ trong năm 2023. Đa phần số tiền trên “chảy” vào ví các cấp lãnh đạo PAC và những đối tượng trung gian như Thomas Berkenbush.
Ông William Josephson, nguyên trưởng phòng quản lý hoạt động từ thiện thuộc Viện Công tố bang New York, giải thích: “PAC được liệt vào nhóm những tổ chức miễn thuế, vậy nên họ không làm kết toán cuối năm mà vẫn không sợ bị các cơ quan thuế “sờ gáy”. Chuyện những kẻ lừa đảo nhân danh PAC để mà kiếm lời riêng không phải việc gì mới. Ngành lập pháp Mỹ vẫn còn quá ì ạch trong việc lấp đầy “lỗ hổng” luật pháp nhằm ngăn chặn những vụ lừa đảo thông qua PAC”.
Video đang HOT
Chỉ cần vài cú click chuột đơn giản là người dùng đã có thể truy cập website của các PAC trong mạng lưới lừa đảo. Điều đầu tiên có thể nhận ra là bố cục, ngôn từ của những website này giống nhau đến 90%. Bao giờ trên đầu trang web của họ cũng là dòng tuyên bố: “Cứ 1 đồng bạn đóng góp thì 99 xu sẽ được dùng chi cho việc vận động tranh cử và tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng”. Chưa hết, bốn năm PAC khác nhau mà lại đăng ký trụ sở ở cùng một tòa nhà tại bang New York. Hai dấu hiệu trên đủ khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về sự trung thực của những PAC trên.
Vấn đề nằm ở chỗ Office Edge thường xuyên nhắm vào những người già cả tin, thiếu kiến thức tự bảo vệ mình. Ông Laurence Eggers là một nạn nhân của Office Edge. Ông cụ bị Parkinson, phải ngồi xe lăn, gia đình không khá giả gì nhưng cụ bao giờ cũng nhiệt tình đóng góp cho các tổ chức từ thiện. Ông Eggers đã đóng góp cho Liên minh Chống ung thư vú Mỹ (ABCC) hơn 1.500 USD trong vòng ba năm qua. ABCC là một trong những PAC nằm trong mạng lưới lừa đảo.
Alan Bohms (ngoài cùng bên phải) và Frank Pulciani (thứ hai từ trái sang).
Ông Eggers cho biết: “Lần đầu tiên tôi ủng hộ 100 USD cho ABCC. Sau đó mỗi ngày tôi lại nhận được ba, bốn cuộc gọi điện thoại khác nhau kêu gọi đóng góp từ thiện. Cứ như thể là những tổ chức này biết nhau cả và cho nhau số điện thoại của tôi”.
Một cách để những kẻ lừa đảo lách luật là chúng không trực tiếp lấy số tiền do người khác ủng hộ mà lấy tiền đấy để trả cho các “trung gian”. Những “trung gian” này thường là các công ty marketing được PAC thuê để thay mặt họ làm việc kêu gọi gây quỹ. Đơn cử như trong trường hợp ABBC, PAC này đã gây quỹ được gần 9 triệu USD kể từ năm 2019 đến nay. 99% số tiền đó được trả cho các trung gian như Office Edge. Chỉ có 1% số tiền còn lại được sự dụng vào đúng mục đích hoạt động của ABBC.
Mạng nhện
Một đối tượng khác trong mạng lưới lừa đảo PAC là Alan Bohms. Hắn từng là quan chức lãnh đạo Outreach Calling và bị tòa án cấm tham gia bất kỳ hoạt động từ thiện nào. Bohms hiện là giám đốc 3 công ty marketing khác nhau lần lượt mang tên Insight Data Management, Campaign Marketing và Prestige Tax & Payroll. Ước tính 3 công ty trên đã đem về cho Alan Bohms khoản lợi nhuận hơn 3,4 triệu USD từ các quỹ PAC. Bohms phủ nhận trước báo chí mọi lời cáo buộc lừa đảo. Hắn nói: “Việc kêu gọi ủng hộ vất vả hơn và đắt đỏ hơn mọi người vẫn nghĩ”.
Tòa án bang New York hiện đang trong quá trình thụ lý vụ kiện Thomas Berkebush, Alan Bohms và một số đối tượng, tổ chức khác trong mạng lưới lừa đảo. Theo biên bản điều tra được FTC nộp cho tòa thì không chỉ Berkebush và Bohms đã “thay áo” sau vụ kiện Outreach Calling trước đó. Những tổ chức từ thiện bị tòa cấm hoạt động sau đó đã chuyển đổi cơ cấu hoạt động thành PAC, ví dụ như Liên minh Lính cứu hỏa tình nguyện và Liên minh Ung thư quốc gia. Hai tổ chức này đều do em gái của Alan Bohms là Julie Forsythe đứng tên. Một PAC khác là Liên minh Vì cựu chiến binh khuyết tật do cô ruột của Bohms là Judith Gragert đứng tên. Ba tổ chức này kêu gọi được tổng cộng hơn 7 triệu USD trong vòng 5 năm qua. Điểm đáng chú ý là số nạn nhân khá ít, chỉ khoảng 700 người, nghĩa là không ít người đã bị lừa nhiều lần với số tiền lớn.
Không chỉ FTC đang kiện các PAC lừa đảo. Một nhóm các công đoàn cảnh sát đang kiện một PAC mang tên Liên minh Cảnh sát quốc gia (NPSC). Trong số các viên cảnh sát đứng tên trên đơn kiện thì một số bị NPSC lừa, số khác thì kiện vì họ cảm thấy thanh danh của mình bị tổn hại bởi một tổ chức lừa đảo. Luật sư Eric Weitz đại diện cho bên nguyên đơn cho biết: “PAC lừa đảo có tác động tiêu cực rất lớn đối với các tổ chức làm ăn chân chính. Phía những thân chủ của tôi cho biết họ không kêu gọi ai đóng góp được sau khi xuất hiện thông tin có người bị lừa bởi NPSC. Những nạn nhân sau khi biết mình bị lừa gần như sẽ không bao giờ đóng góp cho ai nữa”.
Vụ kiện của các công đoàn cảnh sát đã đạt được một số bước tiến nhất định. Một đối tượng bị kiện là Frank Pulciani, thủ quỹ của bốn PAC khác nhau. Pulciani cũng có quan hệ gần gũi với Alan Bohms với tư cách là bạn thân và đối tác. Hồi đầu tháng 2 năm nay Pulciani đã đồng ý hòa giải với phía nguyên đơn qua việc bồi thường cho họ và làm cam kết sẽ đứng vào bục nhân chứng trước tòa. Lời khai của Pulciani hẳn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc “nhổ bỏ” tận gốc mạng lưới lừa đảo.
Tờ rơi của một tổ chức từ thiện làm bình phong cho bọn lừa đảo.
Không biết tin ai
Với các nạn nhân như ông Laurence Eggers, việc biết mình bị lừa đã khiến họ đánh mất toàn bộ lòng tin vào các tổ chức từ thiện. Ông Egger từng dành 31 năm tình nguyện giúp đỡ những người vô gia cư và vận động hiến máu. Nhưng sau vụ lừa đảo, ông không còn tự tin về chính lòng tốt của mình: “Tôi tự hỏi không biết ngoài ABCC ra còn ai từng lừa mình nữa không. Tôi không tiếc tiền, nhưng tôi tiếc rằng đồng tiền của mình không đến được người đang cần… Bị lừa làm từ thiện chẳng khác nào nhận phải cú tát thẳng vào mặt”.
Số vụ lừa đảo quyên góp cho quỹ từ thiện và PAC nhảy vọt trong mấy năm gần đây. Theo điều tra chưa chính thức của tờ New York Times thì trong vòng 5 năm qua, số vụ lừa đảo như vậy đã tăng gấp 700%. Tình hình kinh tế khó khăn, nền chính trị bất ổn, lại cộng thêm thảm kịch do COVID-19 tạo ra đã khơi dậy lòng trắc ẩn trong nhiều người. Đây là cơ hội “trời cho” đối với những kẻ lừa đảo. Ước tính trong năm 2023 người Mỹ đã bị lừa đóng góp tổng cộng 31 triệu USD cho những tổ chức từ thiện và PAC lừa đảo theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.
Điểm đáng chú ý là trong số những tổ chức lừa đảo có một số cái tên “uy tín” như Quỹ Ung thư vú quốc gia, Quỹ Hỗ trợ cựu chiến binh quốc gia, Hiệp hội Lính cứu hỏa & Nhân viên y tế khẩn cấp, Quỹ Hỗ trợ trẻ bị ung thư quốc gia, v.v… Những tổ chức trên hoạt động được lâu như vậy là bởi luật pháp Mỹ không có quy định rõ ràng về hoạt động của quỹ từ thiện và PAC. Đơn cử như việc tổ chức phi lợi nhuận trả quá nhiều tiền cho công ty trung gian không bị coi là phạm pháp, trong khi đối với bất kỳ ngành kinh doanh nào khác việc này bị coi là dấu hiệu cho hành vi rửa tiền hay trốn thuế.
Trong những năm gần đây Bộ Tư pháp, Ủy ban Thương mại liên bang và một số cơ quan chính phủ Mỹ khác đã có nỗ lực thúc đẩy việc thắt chặt kiểm soát các tổ chức phi chính phủ. Đơn cử như việc kể từ năm 2021, những tổ chức từ thiện và PAC có nghĩa vụ cứ 5 năm là phải nộp báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động gây quỹ. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thì cần phải có một bộ luật riêng về vấn đề này.
Ông William Josephson giải thích: “Các cơ quan kiểm soát chỉ có thể làm được từng này trong khuôn khổ luật pháp hiện nay. Mà khuôn khổ luật pháp Mỹ về tổ chức từ thiện và PAC thì gần như là “thả rông” hoàn toàn… Chúng ta không thể không đề cập tới tầm ảnh hưởng của các quỹ từ thiện và PAC lên nền chính trị Mỹ. Sớm nhất là phải sau cuộc bầu cử tổng thống tới thì hai đảng phái mới có đủ dũng khí để tính đến chuyện bàn thảo dự luật mới”.
Mỹ chi số tiền 'khủng' để phát triển năng lượng sạch
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ngày 4/4 thông báo trao khoản tài trợ trị giá 20 tỷ USD cho 8 ngân hàng phát triển cộng đồng và tổ chức phi lợi nhuận để sử dụng cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, cũng như giúp người dân tiết kiệm và giảm lượng khí thải carbon.
Nhà máy điện mặt trời ở bang Maryland, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo EPA, 8 tổ chức trên đã cam kết thực hiện các dự án về giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, với lượng khí thải được cắt giảm tương đương 40 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Những tổ chức này sẽ cùng nhau hỗ trợ cho các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, đặc biệt là trong các cộng đồng có thu nhập thấp và chịu thiệt thòi. EPA cho biết hiện những tổ chức được tài trợ dự định cam kết hỗ trợ hơn 14 tỷ USD cho các cộng đồng có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 4 tỷ USD dành cho các cộng đồng nông thôn và gần 1,5 tỷ USD hỗ trợ các bộ lạc.
Khoản tài trợ trên được huy động dựa trên 2 sáng kiến của Quỹ Giảm Khí thải nhà kính (GGRF), một ngân quỹ được thành lập theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hồi năm 2022. IRA đã chuyển hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, giúp thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất và tạo ra hàng chục nghìn việc làm trên khắp nước Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nêu rõ những tổ chức nhận được khoản tài trợ trên sẽ giúp đảm bảo rằng các gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và những người đứng đầu cộng đồng có quyền tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để hiện thực hóa các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch trong khu vực của họ.
Đây là một trong những khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu lớn nhất cho đến nay được chính quyền của Tổng thống Biden công bố. Số tiền này có thể tài trợ cho hàng chục nghìn dự án đủ điều kiện, từ lắp đặt máy bơm nhiệt dân dụng và các cải tiến nhà ở tiết kiệm năng lượng cho đến các dự án quy mô lớn hơn như xây dựng trạm sạc xe điện và trung tâm làm mát cộng đồng.
Cuối tháng 3/2024, Mỹ đã cập nhật các quy định mà nước này cho rằng sẽ giảm sự lãng phí khí đốt tự nhiên. Cục Quản lý đất đai Mỹ (BLM) cho biết, việc điều chỉnh các quy định có từ hơn 40 năm qua sẽ buộc các công ty dầu khí phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí nhiên liệu. Khí tự nhiên chủ yếu bao gồm khí methane, nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 hiện tượng ấm lên của Trái Đất do khí nhà kính.
BLM cho biết trong một thông cáo báo chí, theo các quy định, các công ty dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí và giảm rò rỉ khí đốt tự nhiên, đồng thời lưu ý rằng việc tiết kiệm khí đốt sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các gia đình và ngành công nghiệp của Mỹ.
BLM cho biết các hoạt động giải phóng hoặc đốt khí tự nhiên dư thừa đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 cùng với sự gia tăng sản xuất năng lượng. Cơ quan này nói thêm rằng, từ năm 2010 đến năm 2020, tổng lượng khí tự nhiên bị lãng phí được báo cáo trên toàn nước Mỹ đủ phục vụ nhu cầu của hơn 675.000 ngôi nhà.
Giám đốc BLM, Tracy Stone-Manning, cho biết: "Quy tắc này thể hiện một giải pháp hợp lý, công bằng và hợp lý để ngăn chặn tình trạng lãng phí, mang lại một sân chơi bình đẳng cho tất cả các cộng đồng sản xuất năng lượng".
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đang tiếp tục tăng lên trong khi giá giảm từ các mức rất cao ghi nhận vào giữa năm 2022, sau khi xung đột tại Ukraine (U-crai-na) nổ ra, khiến lượng dầu và khí dự trữ tăng lên.
Về phía dầu, tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ đã tăng từ 376 triệu thùng tháng 12/2022 lên 413 triệu thùng vào tháng 12 năm ngoái tức 13,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó. Tính chung cả năm 2023, sản lượng tăng từ 4,347 tỷ thùng năm 2022 lên 4,721 tỷ thùng, gấp đôi năm 2012.
Trong khi đó, giá dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 72 USD/thùng trong tháng 12/2023, giảm từ mức cao gần đây là 121 USD/thùng vào tháng 6/2022.
Số giàn khoan đang hoạt động trung bình là 501 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức 623 vào tháng 12/2022, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Nhưng lại không có sự sụt giảm tương ứng nào trong sản lượng dầu, vì các giàn khoan đã được nâng cao hiệu suất bằng cách chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn. Trong ngắn hạn, ngành dầu của Mỹ đã có thể gia tăng sản lượng ở mức gia thấp hơn và ít giàn khoan hơn.
Còn với khí đốt, sản lượng khí khô đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa là 3.300 tỷ foot khối (bcf) trong tháng 12/2023, từ mức 3.107 bcf một năm trước đó. Tính chung cả năm nay, sản lượng khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục 37.883 bcf, tăng từ mức 36,353 bcf vào năm 2022, và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006 (1 foot khối = 0,0283 m3).
Theo số liệu của công ty phân tích Enverus, các vụ thâu tóm đình đám của các tập đoàn dầu khí đã đưa giá trị các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ năm 2023 lên mức kỷ lục 192 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2022.
Các vụ thâu tóm tại lòng chảo dầu đá phiến Permian nằm ở Tây Texas và New Mexico, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ, tăng mạnh trong hai năm qua, khi giá dầu cao do nhu cầu mạnh sau xung đột tại Ukraine và các nhà sản xuất tìm kiếm các giếng dầu để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
Nghiên cứu: Thắt chặt kiểm soát súng đạn có thể cứu mạng hàng trăm nghìn người tại Mỹ Gần 300.000 người có thể được cứu sống trong thập niên tới nếu tất cả 50 bang của Mỹ đều áp đặt luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt như ở bang California. Đây là nhận định được Everytown for Gun Safety - tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở ở New York, ủng hộ việc kiểm soát súng đạn đưa ra...