Tủ sách lớp học: Nền tảng của tự học và học tập suốt đời
Hưởng ứng chủ trương của ngành Giáo dục và sự quan tâm ủng hộ chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn huyện Yên Mô ( Ninh Bình) đã xây dựng các mô hình thư viện lớp học, từng bước hình thành thói quen và văn hóa đọc không chỉ cho học sinh mà cho cả đội ngũ giáo viên.
Cô giáo Lê Thị Hải cùng HS trao đổi về nội dung cuốn sách (ảnh Trịnh Huyền)
Khơi dậy tiềm năng văn hóa đọc
Đến Trường THCS Yên Thắng (Yên Mô, Ninh Bình) vào giờ giải lao, chúng tôi khá ấn tượng với hình ảnh HS đeo khăn quàng đỏ ngồi thành nhóm nhỏ trong thư viện để đọc sách. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô trong trường còn xây dựng tủ sách lớp học. HS dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi.
Cô giáo Lê Thị Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong những giờ ra chơi, HS cứ vây quanh cô thủ thư. Khi tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi mới biết HS rất thích đọc sách. Để khuyến khích học sinh đọc sách, BGH nhà trường đã tìm nhiều cách để xây dựng tủ sách cho HS. Bắt đầu từ nguồn xã hội hóa, nhà trường kêu gọi mỗi em một quyển sách tặng cho thư viện nhà trường và tủ sách lớp học. Bên cạnh đó, nhà trường kêu gọi phụ huynh HS, địa phương hỗ trợ để xây dựng tủ sách.
Là trường thuộc khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, để xây dựng được tử sách là vấn đề không đơn giản. Thế nhưng, được sự hướng dẫn của thầy Bùi Văn Đông – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Yên Mô (người tiên phong trong phong trào khuyến đọc ở địa phương), nhà trường đã xây dựng được 12 tủ sách lớp học, mỗi tủ sách có giá trị 1,5 triệu đồng. Với sự trợ giúp của nhà sách Đông Tây, NXB Phụ nữ, nhà trường được mua sách với giá rẻ (giảm giá từ 20% – 30%). Vì thế, hiện tủ sách lớp học rất phong phú với nhiều đầu sách khác nhau phục vụ cho việc dạy và học của thầy cô và HS.
Thầy Bùi Văn Đông, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Mô chia sẻ
Video đang HOT
Đưa cả thế giới vào lớp học
Theo cô Lê Thị Hải, để lan tỏa phong trào đọc sách, hàng tuần, hàng tháng, nhà trường tổ chức tuần lễ khuyến đọc như kể truyện theo sách, phát biểu về cuốn sách hay nhất, tác giả hay nhất mà các em thích.
Từ khi có thư viện lớp học, học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi. Và mỗi lớp học có 2 thủ thư ghi chép tên cuốn sách và các bạn mượn sách.
Em Mai Thị Thanh Thư, thủ thư lớp 9A, Trường THCS Yên Thắng cho biết: Vào các giờ ra chơi hoặc khi đến trường sớm, em và các bạn rất thích đọc sách hoặc truyện thiếu nhi. Từ lâu, đọc sách trở thành một hoạt động không thể thiếu trong mỗi giờ ra chơi của chúng em. Những cuốn sách được xếp theo các chủ đề nên rất dễ tìm và dễ đọc. Đọc sách cùng nhau rất thú vị. Các em được trao đổi, thảo luận hay bình luận về một vấn đề trong cuốn sách đặt ra, bạn bè cũng gần gũi, thân thiết nhau hơn..
Em Lưu Thị Tâm, HS lớp 9A, Trường THCS Yên Thắng cho biết: “Từ ngày có tủ sách lớp, em rất vui và hạnh phúc. Từ trước đến giờ em chỉ được đọc sách những cuốn sách do cha mẹ và anh chị tặng hay mượn từ bạn bè. Từ khi có tủ sách lớp học, với nhiều đầu sách phong phú, em hiểu được nhiều hơn những kiến thức về lịch sử văn hóa…khắp nơi trên thế giới mà em chưa bao giờ biết. Bên cạnh đó, có nhiều kiến thức nâng cao không có trong sách giáo khoa. Đây là kho tàng kiến thức khá phong phú để chúng em khám phá. Những lúc rảnh rỗi, chúng em thường tìm sách đọc. Mỗi lần đọc một cuốn sách, em cảm thấy đầu óc thư giãn hơn sau mỗi tiết học”.
Em Lưu Thị Tâm (bên trái), HS lớp 9A Trường THCS Yên Thắng trong giờ đọc sách (ảnh Trịnh Huyền)
Tạo nền cho HS tự học
Hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện Yên Mô cơ bản đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh tiếp cận thường xuyên với sách … bằng việc xã hội hóa để xây dựng tủ sách lớp học.
Điển hình như (tính đến hết đến tháng 10/2018) Trường THCS Yên Nhân xây dựng được 21 tủ sách lớp học, Trường THCS Yên Đồng có 12 tủ sách lớp học, Trường Tiểu học Yên Phong 20 tủ sách lớp học, Trường Tiểu học Yên Từ 15 tủ sách lớp học và Tủ sách GV dùng chung, Trường Tiểu học Yên Đồng 14 tủ sách lớp học…
Ngoài việc trích kinh phí của trường đầu tư mua thêm sách, báo, nhiều trường học đã tích cực huy động cha mẹ học sinh, các tập thể, cá nhân tích cực tham gia xây dựng quyên góp ủng hộ tủ sách lớp học, tủ sách dùng chung để tất cả các em học sinh có nhu cầu đều có thể được đọc sách.
Thầy Bùi Văn Đông, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Mô cho biết: Văn hóa đọc hình thành trong học sinh ngay chính từ trong nhà trường. Do đó, để nâng cao văn hóa đọc, ngành GD-ĐT huyện tập trung cải thiện môi trường đọc sách tại các thư viện, trường học…
Qua đó, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách đối với cán bộ, giáo viên, học sinh. Giúp phát triển năng lực người học, năng lực tự học, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh, góp phần đẩy mạnh xã hội học tập trên địa bàn huyện.
Các nhà trường tùy vào điều kiện thực tế đã xây dựng các mô hình thư viện lớp học, thư viện trong nhà trường theo quy định. Tủ sách lớp học Yên Thắng xuất phát từ việc làm sách hóa nông thôn của huyện Yên Mô. Hình thức là huy động từ HS, từ cộng đồng và từ HS cũ. Yên Thắng là 1 trong 7 trường đầu tiên thực hiện sách hóa nông thôn.
Cô Lê Thị Hải cho biết: Trong năm học này, để hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, nhà trường phát động phong trào các sự kiện nói chuyện về Bác Hồ. Mỗi tuần 1 khối thi với nhau có BGK chấm thi kể chuyện về Bác. Các em tự chọn, tự biểu diễn và sân khấu hóa. Phần thưởng tuy rất nhỏ nhưng các em rất tự tin trên sân khấu. Đặc biệt các em rất sáng tạo trong các hoạt động sân khấu hóa. Vào dịp 20/11 nhà trường sẽ tổng kết phong trào này.
“Việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh trong nhà trường chính là một trong những hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy – học, giúp cho giáo viên, học sinh đến với sách, hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội học tập”, cô Hải chia sẻ.
Lê Đăng
Theo giaoducthoidai
Mong lắm tiết đọc sách trong nhà trường
Đề xuất "Đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa" của các chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh và học sinh thời gian gần đây khiến nhiều người mơ về một tương lai tươi sáng, khi mà thói quen đọc sách ăn sâu và trở thành nếp sống thường nhật của người Việt.
Học sinh một trường ở TP HCM hứng thú trong giờ đọc sách
Dòng chảy tri thức của sách vẫn đang ngày ngày lấp đầy vốn hiểu biết ít ỏi, hạn chế của con người. Sách còn giúp ta cày xới mảnh đất tâm hồn vốn cằn cỗi, chai sạn trở nên màu mỡ, mướt mát với những đức tính tốt đẹp của lòng vị tha, đức kiên nhẫn, tình yêu thương, sự đồng cảm... Còn liều thuốc tinh thần nào bổ dưỡng và thú vị hơn nữa đâu nếu ta chọn sách làm bạn trên mỗi nẻo đường trưởng thành?!
Tiếc thay, những con số thống kê buồn về tỉ lệ người Việt đọc sách mỗi năm, những câu hỏi đầy trăn trở về sự tụt dốc của văn hóa đọc lại minh chứng rành rành cho thực tế: Sách đang bị bỏ rơi một cách thảm thương giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Khi mà các thiết bị điện tử thông minh với game online cùng mạng xã hội đang ngày càng chiếm ưu thế thì sách lại càng lui về vị trí khiêm nhường. Văn hóa đọc không thể một sớm một chiều được cải thiện nếu chúng ta không nỗ lực xây dựng thói quen đọc sách cho người Việt trẻ ngay từ còn ngồi trên ghế nhà trường. Tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với sách, thiết kế hoạt động đọc sách một cách bài bản, có hệ thống, có định hướng thông qua các tiết đọc sách chính khóa là một yêu cầu cực kỳ cấp thiết.
Lâu nay, chúng ta cứ mải mê chạy theo kiến thức toán, lý, hóa, sinh, văn... để phục vụ kiểm tra, thi cử mà quên mất rằng đọc sách không chỉ giúp học sinh bổ trợ kiến thức khoa học mà còn nuôi dưỡng tâm hồn các em và làm đời sống tinh thần của con trẻ phong phú hơn.
Sẽ thú vị hơn nhiều nếu mỗi ngày đến lớp các em có thể trao đổi về ý tưởng nào đó trong sách, chia sẻ với nhau những đầu sách hay, cùng lên kế hoạch đọc sách, thiết kế các hoạt động giới thiệu sách... Trường lớp rộn ràng cùng sách, học sinh được vây xung quanh bằng những trang viết đậm tính nhân văn, giàu kỹ năng sống là một bức tranh quá đẹp cho khát vọng "trường học hạnh phúc"!
Bằng tiết đọc sách trong chương trình chính khóa, văn hóa đọc và thói quen đọc của người trẻ sẽ dần dần được cải thiện đáng kể. Bởi vậy, hy vọng đề xuất xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường sẽ sớm được sớm thành hiện thực.
Trang Nguyễn
Theo nguoilaodong
Thừa Thiên - Huế: Xây dựng văn hóa đọc từ 'Tủ sách cho em' Hội LHPN thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, vừa tổ chức ra mắt mô hình điểm "Tủ sách cho em" tại thôn Bồ Hòn, xã Bình Thành. Đây là đơn vị được Hội LHPN thị xã Hương Trà chọn làm điểm nhằm xây dựng văn hóa đọc, bồi dưỡng tâm hồn cho các em học sinh tại cộng đồng dân...