Từ lớp học tiếng Anh “xuyên biên giới” đến ước mơ của cô học trò miền núi
Đến bây giờ, có lẽ Chu Huyền Vy (HS lớp 10, THPT Lộc Bình, Lạng Sơn) cũng không nghĩ mình thay đổi tích cực đến thế sau khi được học lớp tiếng Anh với một cô giáo “chưa quen biết”…
Em Chu Huyền Vy, học sinh lớp 10B, trường THPT Lộc Bình Lạng Sơn
Vy được biết đến lớp học tiếng Anh “xuyên biên giới” của cô giáo Hà Ánh Phượng (THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ) chính là nhờ sự giới thiệu từ cô giáo chủ nhiệm của mình. Cũng từ đó, rất nhiều điều mới mẻ và hi vọng đã mở ra với em và các bạn nhỏ ở ngôi trường vùng cao này.
Là những học trò trường huyện miền núi, Vy cùng nhiều bạn bè của mình ở đây không có điều kiện được tiếp cận với tiếng Anh từ sớm. Các em khá ngại ngần trong việc học tiếng Anh, luôn cảm thấy khó khăn và có một trở ngại nào rất lớn. Hiểu được tâm lí này, các thầy cô giáo đã chủ động tìm những mô hình, phương pháp mới phù hợp để các em làm quen và tiếp cận dần.
Được cô giáo chủ nhiệm lớp giới thiệu mô hình lớp học tiếng Anh “xuyên biên giới” của cô giáo Hà Ánh Phượng, một chân trời mới mẻ đã thực sự mở ra với Vy cùng bạn bè của mình. Các em được kết nối với bên ngoài một cách đầy thú vị và mời gọi, khiến cho nỗi lo sợ về khoảng cách vô hình trước đây tan biến, thay vào đó là niềm vui khám phá.
Đây là một mô hình hoàn toàn miễn phí, kết nối xuyên quốc gia giữa các đơn vị giáo dục trên phạm vi toàn thế giới, với nhiều bộ môn học Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh, Lịch sử,… thông qua hội nhóm diễn đàn giáo viên sáng tạo toàn cầu của Microsoft.
Bằng cách này, học sinh có cơ hội được luyện tập nghe, nói, phát âm với các thầy cô giáo và các bạn nước ngoài, sự tự tin khi giao tiếp môn tiếng Anh được cải thiện, kiến thức nền văn hóa của nước bạn được mở mang. Quan trọng hơn, các em được khơi dậy niềm đam mê môn học ngoại ngữ, niềm khát khao trở thành những công dân toàn cầu.
Em Chu Huyền Vy trong một hoạt động trên lớp học
“Trước đây em rất khó khăn trong phát âm, lại không có người giao tiếp, nên ngại lắm. Từ khi tìm hiểu, tham gia mô hình lớp học này, em bỗng thấy tiếng Anh trở nên gần gũi, thú vị hơn rất nhiều. Không chỉ còn là 45 phút ít ỏi trên lớp, em có thể chủ động tự học theo cách của mình, với nhiều công cụ hỗ trợ rất tốt” – Vy hào hứng trao đổi.
Video đang HOT
Sau một thời gian, Vy nhận thấy vốn từ vựng của mình bắt đầu khá dần lên, việc phát âm và giao tiếp có phần tự nhiên hơn. Bản thân em còn tự tin kèm thêm em nhỏ đang học lớp 4 để hai chị em cùng học tiếng Anh một cách vui vẻ, thoải mái. Trong tâm trí cô học trò miền núi này, tiếng Anh không còn là thứ gì đó quá xa vời như ấn tượng bấy lâu nữa.
Theo Vy chia sẻ, dù không được học trực tiếp nhưng em vẫn thấy may mắn khi học được phương pháp của cô Hà Ánh Phượng. Bản thân em từ chỗ sợ tiếng Anh giờ đây đã cảm thấy tự chủ hơn, hứng thú hơn. “Ngay trong một thời gian ngắn nên em chưa thể thay đổi nhiều về kiến thức, nhưng điều em cảm nhận rõ nhất là mình thay đổi về nhận thức. Lớp học của cô Phượng truyền cho em cảm hứng và niềm tin rằng mình sẽ làm chủ tiếng Anh và sử dụng nó như một công cụ tuyệt vời cho tương lai, cuộc sống sau này” – Vy nói trong cảm xúc đầy hi vọng.
Chia sẻ về những dự định, mong ước trong tương lai, cô học trò nhỏ lớp 10 bộc lộ những ý tưởng vừa trẻ trung vừa chững chạc: “Em đang yêu thích và tập trung nhiều nhất cho môn Văn, vì cảm thấy ở đó mình thể hiện được suy nghĩ, quan điểm, tình cảm của bản thân. Sau này, em sẽ theo học lĩnh vực báo chí truyền thông, và sẽ rất tốt nếu em chuẩn bị được khả năng tiếng Anh cho mình”.
Vượt lên trên chuyện bài học và kiến thức, lớp học tiếng Anh “xuyên biên giới” của cô Hà Ánh Phượng đã đem đến cho Vy nguồn năng lượng mạnh mẽ, giúp em được kết nối, khiến em muốn thay đổi, dám ước mơ. Mặc dù không gặp trực tiếp, cô giáo “chưa quen biết” đã thực sự là một cô giáo gần gũi, đồng hành bên cạnh Vy trong hành trình học tiếng Anh.
Bằng tất cả lòng tin cậy và sự yêu quý, Chu Huyền Vy đã lựa chọn cô giáo đặc biệt này làm nhân vật để viết bài dự thi về những tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Những lời tri ân trong bài viết cũng là lời cảm tạ của cô học trò nhỏ trước “món quà” ý nghĩa mà lớp học tiếng anh “xuyên biên giới” đã tặng mình.
Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng: Cố gắng vun trồng, đất cằn cũng sẽ nở hoa
Với những nỗ lực bền bỉ và thành tích vượt bậc, cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng vinh dự lọt top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020, là 1 trong 2 gương mặt nổi trội trong các hoạt động xã hội được vinh danh.
Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ cảm xúc khi nhận tin mình là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020, cô Hà Ánh Phượng cho biết: Đó là cảm xúc hạnh phúc, vinh dự, khó diễn tả hết bằng lời. Đây là món quà ý nghĩa đối với tôi nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và tháng Thanh niên. Đồng thời, là động lực lớn lao để tôi cố gắng nhiều hơn trong tương lai.
Hiện tại, tôi đang hướng dẫn học sinh thực hiện dự án "Phòng chống bạo lực trên không gian mạng". Đây là dự án quốc tế, đang lan toả đến nhiều trường, nhiều học sinh trên khắp thế giới và các vùng miền tại Việt Nam. Cụ thể, có 20 quốc gia và 40 trường tại Việt Nam, trong đó có cả những trường tại nơi địa đầu Tổ quốc hay biên giới cùng tham gia. Đây là dự án tôi rất tâm huyết, trong thời gian tới tôi mong muốn đẩy mạnh các dự án để mang lại nhiều hơn nữa các giá trị cho cộng đồng.
Cô Hà Ánh Phượng, sinh năm 1991, giáo viên trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) là một trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do Quỹ Varkey bầu chọn nhờ những nỗ lực trong việc tổ chức các lớp học xuyên biên giới thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin.
Cô cũng hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều dự án như "Nói không với rác thải nhựa", "Phòng chống bạo lực trên không gian mạng","Dạy tiếng Anh qua phim"...
"Tôi muốn nhắn gửi tới các đồng nghiệp và học sinh: Dù bạn ở thành phố hay nông thôn không phải là rào cản mà sự ngừng học mới là tụt hậu. Ở bất cứ đâu, mảnh đất khô cằn hay màu mỡ, nếu có sự cố gắng vun trồng sẽ có nở hoa.", cô giáo Hà Ánh Phượng.
Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng. (Ảnh: NVCC)
Cô Phượng người dân tộc Mường, là cựu sinh viên Đại học Hà Nội. Khi ra trường, cô được một công ty dược của Pakistan mời làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch với mức lương hấp dẫn, nhưng đã từ chối để tiếp tục học bậc Thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh.
Năm 2016, cô được tuyển đặc cách vào trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Từ một giáo viên của trung tâm Anh ngữ có tiếng tại Hà Nội, một phiên dịch viên đã tham gia phiên dịch cho sự kiện lớn nhỏ của các đơn vị đến từ 18 quốc gia, cô Phượng trở về công tác ở ngôi trường miền núi với gần 90% học sinh người dân tộc thiểu số.
Với tâm niệm "Anh ngữ là sinh ngữ", học ngoại ngữ phải có môi trường mới hiệu quả, cô Phượng đã tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra "lớp học không biên giới", kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác. Cô cũng sáng tạo cách dạy học mới như dạy qua phim ảnh, dự án, tổ chức dạy học online, lập kênh Youtube để dạy tiếng Anh miễn phí.
Hiện cô Phượng cùng giáo viên cốt cán của tỉnh Phú Thọ viết sách ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh, dạy học trên truyền hình, phát triển kênh Youtube dạy tiếng Anh miễn phí, hướng dẫn thầy cô trên cả nước về mô hình "lớp học không biên giới" và hỗ trợ dạy học cho trẻ em khó khăn ở nhiều nơi.
Lễ Tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng năm 2020 và lễ kỷ niệm 25 năm Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu dự kiến diễn ra ngày 21/3/2021 tại Hà Nội.
Hà Ánh Phượng, dân tộc Mường, sinh năm 1991, giáo viên trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ)
Diễn giả chính của nhiều sự kiện quốc tế;
Một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu do Quỹ Varkey, đối tác của UNESCO trụ sở tại Anh bầu chọn năm 2020.
Được tập đoàn Microsoft ghi nhận là giáo viên có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ đồng nghiệp dạy học trực tuyến trong đại dịch covid-19 năm 2020;
Là giáo viên Việt Nam duy nhất được lựa chọn trong chương trình thủ lĩnh thanh niên Đông Nam Á SEALYP, học bổng toàn phần của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ năm 2020;
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong công tác đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả trong công tác giảng dạy năm 2020;
Nhận danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2020;
Bằng Khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Kỷ niệm chương của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ nhiệm UB dân tộc;
Bằng khen của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam;
Bằng khen của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam;
Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh;
Chiến sĩ thi đua cơ sở;
Cô giáo tạo "địa chấn" giảng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao Năm 2020, cô Hà Ánh Phượng đã tạo nên "cơn địa chấn" về sáng tạo giảng dạy tiếng Anh cho học sinh vùng cao với mô hình lớp học xuyên biên giới và được vinh danh "Top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu". Cô Hà Ánh Phượng và học sinh Trường THPT Hương Cần. Học sinh miền núi cũng có thể học...