Tự chủ đại học: Phải xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo của cơ quan chủ quản
Phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền. Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này thì cho dù có thành lập Hội đồng trường thì nó cũng không phát huy được tác dụng.
Nhà nước không thể trao quyền tự chủ của trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường. Đó chính là Hội đồng trường/Hội đồng quản trị.
Bởi vậy thành lập Hội đồng trường/Hội đồng quản trị là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho trường đại học. Tuy nhiên sức mạnh và cơ cấu thành phần của Hội đồng trường/Hội đồng quản trị lại phụ thuộc rất lớn vào hình thức sở hữu của loại hình trường đại học.
Nhà nước đã có một hành lang pháp lý gắn việc đầu tư với một số loại hình sở hữu tài sản để thu hút người dân tham gia chủ trương xã hội hóa phát triển giáo dục đại học.Trở lại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước để quản lý trường đại học thì thấy hiện chúng ta đang có các hình thức sở hữu sau: Sở hữu Nhà nước; Sở hữu tập thể; Sở hữu chung của cộng đồng; Sở hữu tư nhân; Sở hữu chung hỗn hợp.
Chính việc chậm thành lập các Hội đồng trường “đích thực” là nguyên nhân chủ yếu gây khó cho Nhà nước khi muốn trao nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH.
Những bất cập và hệ lụy
Cùng với xu hướng gia tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập cơ chế Hội đồng trường từng bước được khẳng định tại các văn bản pháp lý của Nhà nước.
Theo Luật Giáo dục 2005 Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường. Do Nhà nước luôn là chủ sở hữu của các trường công lập nên ở các trường công lập cả Hiệu trưởng lẫn Hội đồng trường dều cùng là người đại diện cho Nhà nước. Vì có sự chồng lấn về chức năng giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường như vậy nên phần lớn hiệu trưởng thường không muốn tiếp nhận cơ chế Hội đồng trường trong trường mình; và nếu phải chấp nhận thành lập Hội đồng trường thì chỉ xem nó như là một tổ chức tư vấn của mình.
Chính việc chậm thành lập các Hội đồng trường “đích thực” là nguyên nhân chủ yếu gây khó cho Nhà nước khi muốn trao nhiều quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH.
Theo Nghị quyết 05 của Chính phủ (2005), Nhà nước chấp nhận cả hai loại hình trường tư thục: trường tư thục vì lợi nhuận và trường tư thục không vì lợi nhuận.
Thế nhưng, trong một thời gian dài quy định chỉ có một loại trường tư thục dẫn tới việc đưa đồng thời cả hai khái niệm “sở hữu tư nhân” (vốn chỉ có đối với loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận) và “sở hữu chung hợp nhất không phân chia” (thường chỉ có ở loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận) vào cùng một Quy chế 61 (sửa đổi).
Chính việc trộn lẫn các khái niệm sở hữu như trên đã dẫn tới sự can thiệp thô bạo vào quyền của những nhà đầu tư có ý định đưa nhà trường của mình đi theo hướng vì lợi nhuận; đồng thời làm cho việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục gặp nhiều trục trặc; có trường muốn ở lại với mô hình ĐHDL để tiếp tục theo sở hữu tập thể nhưng không được chấp thuận.
Những xung đột xảy ra khá phổ biến trong nội bộ các cơ sở GDĐH ngoài công lập (cả dân lập lẫn tư thục) trong thời gian qua chủ yếu là do sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích trong trường (giữa Hội đồng quản trị với Ban giám hiệu, giữa các cổ đông với nhau).
Để giải tỏa các xung đột này giải pháp tốt nhất là phải tách bạch quyền hạn và chức năng giữa nhóm thành viên góp vốn (sáng lập và đầu tư), hội đồng quản trị (định hướng và giám sát) và ban giám hiệu (quản lư và điều hành).
Trường đại học công lập: Không trao quyền tự chủ cho hiệu trưởng
Trong tổ chức quản trị Xã hội và Nhà nước có 2 loại định chế tổ chức rất phổ biến: Một là, định chế có cấu trúc kiểu tập quyền (cấp trên bổ nhiệm cấp dưới và cấp dưới phải chấp hành các chỉ thị của cấp trên dưới dạng các quyết định cá nhân; mọi nhà trường đều có cơ quan/bộ chủ quản; trường không được quyền tự chủ hoàn toàn); Hai là, định chế điều phối tự quản kiểu hội đồng ( qua bầu chọn đại diện của các nhóm lợi ích có liên quan; không có cơ quan/bộ chủ quản; trường được tự chủ tối đa ).
Từ việc phân tích các điểm mạnh, yếu của 2 định chế tổ chức này Đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đã nêu:
“…Trên cơ sở hình thành hội đồng trường đại diện cho cộng đồng xã hội, các cơ sở giáo dục đại học hoạt động tự chủ và nâng cao trách nhiệm xã hội, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản…”
Video đang HOT
Có một số nhận xét rút ra từ quan điểm chỉ đạo trên:
- Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho Hội đồng trường, không thể trao cho Hiệu trưởng. Trường hợp ngược lại Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Do đó chỉ các trường đại học công tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.
- Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường đại học dân lập kiểu cũ, lại càng không phải là tổ chức tư vấn của Hiệu trưởng).
- Phải từng bước xóa bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý của cơ quan chủ quản theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền. Nếu chưa xóa bỏ được cơ chế này thì cho dù có thành lập Hội đồng trường thì nó cũng không phát huy được tác dụng.
Từ những phân tích trên chúng tôi đề nghị xây dựng hội đồng trường trong các cơ sở GDĐH theo định hướng sau:
- Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học công lập tự chủ, đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của cộng đồng xã hội đối với nhà trường.
- Thành phần của hội đồng trường:
Đối với các trường đại học tự chủ : bao gồm các thành viên trong trường ( Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn, Thanh niên, giảng viên và cán bộ quản lý) và các thành viên ngoài trường (đại diện của cơ quan quản lý trường, các cựu lãnh đạo nhà nước có uy tín, các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng, các doanh nhân tiêu biểu, vừa có tâm vừa có tầm, các cựu sinh viên thành đạt,…). Để bảo đảm tính khách quan của các quyết nghị của Hội đồng trường (không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ) thành phần ngoài trường phải chiếm đa số.
Trừ Chủ tịch Hội đồng trường làm việc chuyên trách và có lương tất cả các thành viên còn lại của Hội đồng trường đều hoạt động theo chế độ tự nguyện, không hưởng phụ cấp.
Đối với các trường đại học bình thường (vẫn còn theo cơ chế bộ chủ quản): Hội đồng trường (nếu có) thực tế chỉ giữ vai trò của tổ chức tư vấn cho Hiệu trưởng nên thành phần trong trường có thể chiếm đa số.
Trường đại học tư thục: Hội đồng quản trị không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường
Những minh chứng nêu ở trên cho thấy Nhà nước cần phải tách bạch rõ hơn hai loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận và hoạt động không vì lợi nhuận kèm theo các định chế về tổ chức và tài chính, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi chuyển loại hình, chứ không nên xem trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận chỉ là một dạng đặc biệt của trường đại học tư thục..
Đối với trường đại học hoạt động vì lợi nhuận.
Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục một thời gian dài chỉ áp dụng được đối với loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận.
Ở loại trường này Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường; các cổ đông (tức là người góp vốn) không chỉ được hưởng lợi tức không giới hạn mà còn có quyền được can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, được giữ các vị trí trọng trách trong trường; còn các cán bộ, nhân viên của trường (từ Hiệu trưởng trở xuống) thực chất chỉ là những người được các cổ đông (nhất là những cổ đông có cổ phần lớn) tuyển dụng.
Do đó các nhà giáo dục, các nhà quản lý nếu không có vốn góp thì đương nhiên phải chấp nhận đứng ở vị trí bị điều hành. Đối với loại trường này, sự cạnh tranh quyết liệt chỉ diễn ra (nếu có), giữa các cổ đông lớn, thông qua hình thức mua bán, chuyển nhượng cổ phần (như đang xảy ra tại một số trường đại học tư thục hiện nay).
Về cơ bản, đối với trường vì lợi nhuận có thể giữ hầu hết những gì đã ban hành trong các quy chế tổ chức, hoạt động trường đại học tư trước đây và chỉ loại bỏ đi những gì không phù hợp với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên (hoặc công ty cổ phần) được quy định ở Luật Doanh nghiệp.
Đối với trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận
Những quy định cho loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, mặc dù đã được ban hành tại Điều lệ trường đại học hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh tiếp với các định hướng như sau:
- Phải làm rõ khái niệm Cơ sở GDĐH hoạt động không vì lợi nhuận : là cơ sở GDĐH do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động chủ yếu bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước; được chuyển giao cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội quản trị .
- Đại hội toàn trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đối với trường dân lập kiểu cũ (sở hữu tập thể). Trong trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận Đại hội toàn trường, nếu được thành lập, chỉ được xem như một tổ chức tham vấn rộng rãi, giống như ở các trường đại học công lập.
- Hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho quyền sở hữu chung của cộng đồng xã hội, trong đó có các nhà góp vốn.
Hội đồng quản trị không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hàng ngày của Ban giám hiệu nhà trường.Thành phần của Hội đồng quản trị cũng giống như Hội đồng trường của các trường đại học công lập tự chủ, nhưng có thêm đại diện của các nhà góp vốn. Với tính chất và cơ cấu hội đồng như vậy, trên thực tế có sự tiếp cận rất gần giữa trường cônglập tự chủ và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
- Các thành viên góp vốn được cộng đồng vinh danh, được cử đại diện vào hội đồng quản trị, được hưởng lãi suất không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ (nhưng ở đây không nên gọi là lãi suất mà nên gọi là tiền thưởng cho những người có công xây dựng trường ban đầu) và được ưu tiên bảo toàn vốn góp.
*****
Tính chất sở hữu (xác định theo Bộ Luật Dân sự) của từng loại hình cơ sở GDĐH cần được Nhà nước định rõ trong các văn bản pháp quy về giáo dục.
Để bảo đảm cho các loại hình cơ sở GDĐH mới (Trường đại học công lập tự chủ, Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận,…) hoạt động thuận lợi và đi đúng hướng Nhà nước cần sớm ban hành các quy chế tổ chức và hoạt động cụ thể hơn cho chúng, không nên quan niệm giản đơn rằng giữa chúng chỉ có sự khác nhau về việc có nhận ngân sách nhà nước hoặc có chia lợi tức hay không.
Việc chuyển đổi loại hình trường phải mềm dẻo, phải căn cứ vào tính chất sở hữu của từng trường cụ thể.
TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam
Theo Dân trí
Hiệu trưởng trường ĐH chỉ là người được thuê để điều hành
Theo ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục, cần giao quyền tự chủ cho các trường ĐH nhiều hơn, theo đó hội đồng trường chính là cơ quan quyền lực nhất của mỗi ĐH và được quyền đặt ra các quy định tuyển dụng hiệu trưởng làm người điều hành.
Từ vụ việc GS Trương Nguyện Thành trở về Mỹ sau khi không đạt chuẩn hiệu trưởng đại học ở Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng nên nhìn nhận vấn đề sao cho đúng và có phải đến lúc cần điều chỉnh nội dung Luật Giáo dục ĐH cho phù hợp hơn với thực tế.
Phân định rạch ròi giữa năng lực quản lý và nghiên cứu
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, cần phân định rạch ròi giữa năng lực quản lý và năng lực chuyên môn nghiên cứu để có cái nhìn toàn diện hơn. Khi thu hút về Việt Nam, đâu cứ phải một người rất giỏi về chuyên môn sẽ là một nhà quản lý giỏi.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng khoa Luật trường ĐH Tôn Đức Thắng
"GS Trương Nguyện Thành ở nước ngoài là một nhà nghiên cứu giỏi nhưng ông cũng chưa từng làm hiệu trưởng ở nước ngoài. Sự nổi tiếng cũng như những tài năng ở lĩnh vực nghiên cứu của các nhà khoa học ở nước ngoài thì chúng ta phải có chính sách khai thác tốt nhất năng lực của họ.
Còn đối với vấn đề quản lý thì đòi hỏi có những tiêu chuẩn về quản lý. Việc của GS Trương Nguyện Thành chỉ là một vấn đề để người ta xem lại các tiêu chí bổ nhiệm hiệu trưởng của nước mình thôi. Không nên vội vàng khẳng định trường hợp của GS Trương Nguyện Thành là sai", TS Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Còn TS Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia giáo dục thì chia sẻ: "Tôi có đặt câu hỏi cho một giáo sư ở bên Mỹ rằng "có một trường ĐH nào ở Mỹ cử một người chưa có kinh nghiệm làm hiệu trưởng không" thì vị này cho rằng hiệu trưởng bên Mỹ lo chuyện ngoại giao, vận động tài chính chứ không lo chuyện quản lý. Chẳng hạn vấn đề học vụ thì sẽ có người phụ trách chứ không phải hiệu trưởng. Trong khi hiệu trưởng ở Việt Nam lại đóng vai trò là người quản lý".
TS Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia giáo dục
Theo ông Tống, trước khi luật Giáo dục ĐH được sửa đổi thì các trường nên tuân thủ theo quy định nhà nước. Ông Tống cho rằng, không cần căn cứ vào quy định của Bộ, bản thân mỗi Hội đồng quản trị (HĐQT) khi chọn một người làm hiệu trưởng phải cân nhắc để mang lại lợi ích cho trường mình. Việc trường ĐH Hoa Sen bỏ phiếu đề xuất GS Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng thể hiện sự thiếu cân nhắc. Vì không thể nói rằng kinh nghiệm không cần thiết đối với chức danh hiệu trưởng một trường ĐH.
"Bất cứ công việc gì cũng vậy, trong điều kiện chất lượng mọi thứ như nhau thì người có kinh nghiệm hơn sẽ được chọn lựa hơn người thiếu kinh nghiệm. Bây giờ chúng ta đưa ai đó lên một chức vụ quản lý ở trường ĐH mà cao nhất là hiệu trưởng mà không đòi hỏi những kinh nghiệm thì tôi thấy quá sai lầm. Đặc biệt với giáo dục ĐH Việt Nam thì người hiệu trưởng có vai trò rất quan trọng trong vấn đề quyết định về chương trình đào tạo, các chế độ làm việc trong trường hay về nhân sự...", TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Phải sửa luật Giáo dục ĐH
Nhìn nhận ở góc độ của Luật Giáo dục ĐH hiện hành, theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, điều quan trọng hiện nay là phải chỉnh sửa nhiều nội dung để luật phù hợp hơn với thực tiễn. "Từ thời điểm Luật giáo dục ĐH ban hành đến thời điểm này có nhiều thay đổi cả từ thực tế lẫn chính sách. Nếu chỉ nói đến cơ sở giáo dục ĐH công lập, thì nghị quyết 77 của Chính phủ về tự chủ ĐH được ban hành sau có rất nhiều vấn đề đổi mới cho thấy những quy định, cơ chế của Luật GD ĐH bộc lộ nhiều yếu điểm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 của Ban chấp hành TƯ Đảng tháng 10/2017 nói về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đặc biệt đối với cơ sở giáo dục ĐH. Kèm theo đó là hàng loạt đổi mới trong đó nhấn mạnh tăng cường tự chủ, hướng đến việc quản trị như doanh nghiệp, thậm chí cao cấp hơn là bỏ luôn chế độ công chức trong mô hình sự nghiệp công lập và thực hiện chế độ thuê hiệu trưởng. Nếu đúng vậy, các tiêu chuẩn cứng như một công chức của hiệu trưởng đối với trường công lập sẽ phải thay đổi và hướng tới tự chủ hơn. Còn đối với những trường dân lập, tư thục thì còn đòi hỏi tự chủ nhiều hơn nữa", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, nếu theo Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, thì hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong một trường. Lúc này chủ tịch hội đồng trường phải đạt tiêu chuẩn "cứng" như hiệu trưởng. Còn hiệu trưởng lúc ấy được xác định như một nhà điều hành thì tiêu chuẩn cũng phải tương ứng. Hiệu trưởng chỉ là một nhà điều hành thì không cần phải giới hạn về nhiệm kỳ, hoặc theo nhiệm kỳ của hội đồng trường.
TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng mọi rắc rối hiện nay chính vì chúng ta có thói quen đặt hiệu trưởng lên vị trí quá cao và được nhiều quyền quyết định trong khi thực chất vai trò của hội đồng trường mới là cao nhất. "Chính vì tư tưởng đó mà chúng ta cứ đòi hỏi hiệu trưởng phải là nhà khoa học lớn, phải có chức danh này, chức danh kia mà quên mất hiệu trưởng chỉ là người điều hành. Mà người điều hành thì chỉ cần tiêu chuẩn tương đối tối thiểu và miễn sao có năng lực điều hành. Vì một giáo sư xuất sắc chưa chắc là nhà điều hành giỏi.
GS Trương Nguyện Thành quyết định về Mỹ khiến dư luận xôn xao gần đây
Ngay như thầy Trương Nguyện Thành là một giáo sư nghiên cứu giỏi ở nước ngoài nhưng ông chưa từng là hiệu trưởng của một trường nào ở nước ngoài. Nếu ở nước ngoài mời thầy Thành về làm hiệu trưởng các trường lớn mà Việt Nam lại cho rằng thầy không đạt tiêu chuẩn thì mới là vấn đề. Còn đây ở nước ngoài trọng vọng thầy với tư cách là nhà khoa học và Việt Nam cũng trọng vọng như vậy chứ có đánh giá thầy không phải là nhà khoa học đâu. Nếu cần thì phải "soi" chuẩn hiệu trưởng ở nước ngoài thầy Thành có đạt hay không. Ở nước ngoài đạt mà Việt Nam không thì phải coi lại các tiêu chuẩn của nước ta", ông Sơn nêu ý kiến.
Quay trở lại vấn đề luật định, TS Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng: "Hiện nay ĐH của Việt Nam có cách tổ chức rất "lộn xộn", từ các trường theo đa lĩnh vực đến những trường phạm vi rất nhỏ như tài chính, tin học, thể dục thể thao... Nếu chỉ dựa vào danh xưng là trường ĐH mà đòi tự chủ thì tôi cho rằng chưa ổn. Để tự chủ thực sự thì phải cải tổ ĐH thành những trường đa lĩnh vực trong đó có những giáo sư ở những ngành nghề khác nhau mới tạo sự cân bằng, để có trách nhiệm trước những vấn đề mà ĐH đặt ra".
"Do đó, phải sửa luật Giáo dục ĐH từ cơ sở là HĐQT, hội đồng ủy thác, hội đồng cao nhất của trường ĐH. Luật phải đặt ra cấu thành của những hội đồng này như thế nào, thành phần có bao nhiêu người bên ngoài, bên trong nhà trường và chính hội đồng này mới là đơn vị có năng lực lựa chọn ra người hiệu trưởng. Lúc ấy sẽ không cần chuẩn như hiện nay mà mỗi trường sẽ có những quy định riêng trong việc lựa chọn hiệu trưởng", ông Tống nói.
Tuy nhiên, ông Tống cho rằng việc điều chỉnh luật phải thực hiện có lộ trình. "Tôi cũng rất thông cảm với Bộ GD-ĐT, dù hiện nay luật lệ của ta cũng khá chặt chẽ rồi nhưng vẫn có nhiều trường làm bậy. Nên giờ "thả cửa" cho tự chủ ngay sẽ rất nguy hiểm. Chính vì vậy, phải có lộ trình và làm từ từ mà trước mắt là sát nhập các trường ĐH thành những viện ĐH đa lĩnh vực thì mới trao quyền tự chủ, tự trị ĐH cao được. Song song đó, luật phải quản lý chặt chẽ với những trường chưa đủ năng lực tự chủ.
Như vậy những ĐH có đủ năng lực tự chủ, có hội đồng quản trị tốt thì sẽ được tự quyết định mọi thứ. Lúc đó, thậm chí họ còn có những tiêu chuẩn cao hơn của nhà nước quy định và lúc đó chất lượng nhân sự trong đó hiệu trưởng của các trường sẽ chất lượng hơn. "Cũng như các công ty, các trường sẽ tuyển người rất giỏi về làm hiệu trưởng trường ĐH. Họ sẽ thông báo để có nhiều ứng viên đăng ký dựa vào các tiêu chí đặt ra, hội đồng quản trị hay hội đồng ủy thác sẽ cân nhắc, lựa chọn", ông Tống nhận định.
Trước đó, dư luận xôn xao trước việc GS Trương Nguyện Thành đã gửi lời chia tay trường ĐH Hoa Sen để trở về Mỹ. Lý do dù ông được HĐQT trường đề cử làm hiệu trưởng nhưng không được chấp thuận do thiếu chuẩn theo quy định Luật Giáo dục ĐH phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý phòng/khoa của một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Mới đây, GS Trương Nguyện Thành cũng lên tiếng khẳng định không cần sự đặc cách nào nhưng nhiều người vẫn cho rằng từ vụ việc này cần có cách nhìn nhận thực tế hơn với nhiều nội dung cần sửa đổi của Luật Giáo dục ĐH hiện hành.
Lê Phương
Theo Dân trí
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM: 11 giảng viên có bằng tiến sĩ chưa được công nhận Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa có Kết luận thanh tra số 12/KL-TTr về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của Trường Đại học (ĐH) Tài nguyên và Môi trường TPHCM. Kết luận cho thấy việc tổ chức, quản lý cũng như việc đảm bảo chất lượng của trường còn có những thiếu sót, sai phạm. Giảng viên có bằng tiến sĩ...