Từ cậu bé bán củi thành trạng nguyên Việt Nam và Trung Quốc
Mạc Đĩnh Chi là một trong những kỳ tài trong lịch sử khoa bảng nước ta. Ông được phong là lưỡng quốc trạng nguyên.
Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, hiệu Tích Am, quê ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương).
Theo tài liệu của các nhà sử học Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh, ông sinh năm 1272 trong gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ. Hàng ngày, hai mẹ con phải vào rừng đốn củi bán.
Mẹ ông đã hy sinh tất cả để nuôi con ăn học. Bà chỉ mong con thoát cảnh nghèo, có thể thi cử đỗ đạt, giúp ích cho đời. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi không ngừng gắng sức học tập.
Theo sách Những tấm gương hiếu học xưa và nay, Mạc Đĩnh Chi đọc sách gần như mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc kiếm củi.
Ông thức dậy từ rất sớm, vào rừng lấy củi xong mới về học tiếp. Nhiều lần, Mạc Đĩnh Chi đến lớp muộn, thầy giáo hiểu được hoàn cảnh của học trò nên không trách phạt. Nhiều hôm, thầy còn bảo Mạc Đĩnh Chi ở lại làm thêm việc, cốt để ông được ăn bữa no.
Mạc Đĩnh Chi mượn sách của thầy và bạn để học. Không có tiền mua nến, ông đốt củi, lá cây để đọc sách.
Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: Truyện xưa tích cũ.
Trong kỳ thi năm Giáp Thìn (1304), Mạc Đĩnh Chi thi đỗ hội nguyên, sau đó thi Đình đỗ trạng nguyên khi mới chỉ 24 tuổi. Ông ra làm quan, trải qua ba triều vua, gồm Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông.
Video đang HOT
Ông được vua Trần tin dùng, thăng đến chức Đại liêu ban tả Bộc xạ (tể tướng). Ông hai lần được cử sang phương Bắc vào các năm 1308 và 1322.
Ngay trong chuyến đi đầu tiên, ông đã chứng minh tài năng, cốt cách của người Việt, buộc vua Nguyên phải phong mình làm trạng nguyên Bắc triều (lưỡng quốc trạng nguyên).
Bên cạnh đức hiếu học, nét đáng quý ở Mạc Đĩnh Chi là ông luôn giữ được bản tính thật thà, cương trực, thẳng thắn, hết lòng vì nước, vì dân.
Theo sách Kể chuyện trạng Việt Nam của GS Vũ Ngọc Khánh, dù nghe tiếng ông liêm khiết đã lâu, vua Trần Minh Tông vẫn muốn thử thách. Nhà vua sai thị vệ bỏ trước cửa nhà Mạc Đĩnh Chi 10 quan tiền. Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy tiền để trước cửa, ông lập tức vào triều tâu lên vua.
- Tâu bệ hạ, sáng sớm nay, thần bắt được 10 quan tiền ở trước cửa nhà, hỏi khắp cả nhà không ai nhận, nay thần xin trao lại để bệ hạ trả cho người đã mất!
Vua Trần Minh Tông mỉm cười và nói:
- Tiền ấy không ai nhận, cho khanh giữ lấy mà dùng.
- Thưa bệ hạ, tiền này không ít, người mất của chắc xót xa lắm nên tìm người trả lại thì hơn.
- Khanh yên tâm, cứ giữ lấy mà dùng, tiền ấy để thưởng cho lòng chính trực, liêm khiết của khanh đấy.
Bấy giờ, Mạc Đĩnh Chi mới vỡ lẽ là nhà vua thử lòng ông. Nhận tiền xong, ông chào tạ ơn nhà vua rồi ra về.
Theo Zing
'Thần Siêu' và chuyện xây tháp bút viết lên trời xanh
Hơn một thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về "Thần Siêu" vẫn còn được nhân dân truyền tụng. Ông là người cho xây tháp đá hình ngọn bút lông hướng lên trời bên đền Ngọc Sơn, Hà Nội.
Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) tự là Tống Ban, hiệu Phương Đình. Ông sinh ra tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), nhưng từ nhỏ đã chuyển tới sống ở thôn Cổ Lương, phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương (nay thuộc phố Nguyễn Văn Siêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo sách Những tấm gương hiếu học xưa và nay, từ nhỏ, Nguyễn Văn Siêu đã có tư chất thông minh. Mới 7 tuổi, cậu bé Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách. 12 tuổi, người sau này được gọi là "Thần Siêu" tự làm bức hoành phi và đôi câu đối dán ở buồng học.
Bức hoàng phi gồm 2 chữ "Lạc Thiên", nghĩa là vui với đạo đời; câu đối có nghĩa "Ai xưa nay học đạo không có đường tắt / Nhà tranh vẫn hay có người tài". Nội dung của câu đối và bức hoành phi đã bộc lộ ý muốn thành người tài đức của Nguyễn Văn Siêu.
15 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học thầy hương cống Trần Công Tiến. Đây chính là thời gian quan trọng, giúp ông rèn luyện những kỹ năng cần thiết, để sau này trở thành nhà văn, thơ nổi tiếng.
Sau đó, Nguyễn Văn Siêu tìm đến những người thầy danh tiếng lúc bấy giờ để "bái sư học đạo". Năm 20 tuổi, ông theo học tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Hải Dương, dành rất nhiều thời gian để chép sách. Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng học giỏi, vượt qua nhiều bậc danh nho đương thời.
Dù vậy, ông không vội đi thi để tìm đường quan lộ, mãi tới năm 26 tuổi mới lều chõng thử sức mình. Ông đậu Á nguyên ở trường thi Hà Nội.
Tượng Nguyễn Văn Siêu. Ảnh: Thư viện Lịch sử Việt Nam.
Đến năm 1838, ông tiếp tục thi đỗ Phó bảng ở kinh thành Huế. Tương truyền, đáng lẽ ông đỗ đầu nhưng vì chữ xấu nên chỉ xếp thứ hai.
Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ông được phong chức Thừa chỉ ở Nội các. Ông làm thầy dạy học cho các hoàng tử, trong đó có Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này).
Sau khi lên ngôi năm 1847, vua Tự Đức xuống chiếu cử Nguyễn Văn Siêu làm phó sứ sang Trung Quốc năm 1849.
Theo tài liệu, trong nội dung chiếu chỉ, vua Tự Đức phê rằng: "Khanh tính trời thông minh, học vấn uyên bác, đi sứ lần này nhớ thu thập những điều tai nghe mắt thấy, qua các danh lam thắng cảnh, cùng phong tục bên Bắc triều, phải lấy bút biên ghi chép tỉ mỉ ngay, chờ lúc về trình trẫm xem; giúp trẫm thấy rõ ngoài xa muôn dặm".
Ngay khi trở về, Nguyễn Văn Siêu dâng lên ông vua hay chữ Tự Đức cuốn sách Vạn lý tập dịch trình tấu thảo, được vua khen. Sau đó, ông tiếp tục được thăng chức Án sát Hà Tĩnh, Án sát Hưng Yên.
Là người có tính ngay thẳng, ông quan niệm "thà mắng ngay vào mặt, không thèm nói vụng sau lưng". Cuộc đời làm quan của ông vì thế cũng có không ít lần rơi vào cảnh thăng trầm.
Nguyễn Văn Siêu làm quan trong giai đoạn nhà Nguyễn đã suy yếu. Chứng kiến cảnh "chướng tai gai mắt" chốn quan trường, ông cáo quan về ở ẩn năm 1854.
Ông tiếp tục dạy học, biên soạn sách vở và sáng tác văn chương, thơ phú. Ông để lại cho đời hàng vạn trang sách về lịch sử, văn hóa, địa lý, triết học, văn học.
Nói về Nguyễn Văn Siêu, sách Đại Nam chính biên liệt truyện viết rằng: "Nguyễn Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu nên cáo văn điển sách của triều đình phần nhiều do ông soạn thảo cả. Vì thế, văn học của ông được vua biết đến. Người đương thời đều tôn trọng ông".
Sau khi mất (1872), ông được dân giáp Giang Nguyên tôn làm Thành hoàng, thờ chung với thần sông Tô Lịch và Đô Đài Công Nguyễn Trung Ngạn thời Trần.
Theo Zing
Lớp học dành cho người già tại Ấn Độ Một trường học đầu tiên tại Ấn Độ đã được mở cửa nhằm dạy cho những phụ nữ lớn tuổi biết đọc và viết. Cách thành phố Mumbai 95 km về phía Đông Bắc, lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi của Sheetal More tọa lạc trong ngôi làng Phangane đẹp như tranh vẽ. Lớp học đặc biệt này bắt đầu hoạt...