TS. Giáp Văn Dương: ‘Nhiều ngoại ngữ song hành chỉ có lợi chứ không có hại’
TS. Giáp Văn Dương (Chủ tịch Hội đồng giáo dục của Trường Tiểu học Times School) nhận định, nhiều ngoại ngữ song hành chỉ có lợi chứ không có hại. Vấn đề làm sao để đảm bảo việc dạy các ngoại ngữ đó đáp ứng nhu cầu thực, nếu không sẽ rơi vào hình thức và lãng phí…
TS. Giáp Văn Dương cho rằng, nhiều ngoại ngữ chỉ có lợi chứ không có hại, quan trọng là đảm bảo việc dạy các ngoại ngữ đó đáp ứng nhu cầu thực, tránh rơi vào lãng phí.
Nhiều người vẫn thắc mắc vì sao tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1 bên cạnh tiếng Anh và một số tiếng khác và vì sao Bộ GD&ĐT lại chọn 2 ngôn ngữ này. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi, việc tiếng Hàn và tiếng Đức trở thành môn ngoại ngữ 1 trước hết là do thỏa thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Đức trước đó về việc triển khai dạy các thứ tiếng này ở trường phổ thông. Đã thỏa thuận thì cần thực hiện, đó là lẽ thường tình. Điều này, xét về đại thể, chỉ có lợi chứ không có hại gì.
Cũng như món ăn, có nhiều lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn chỉ có một. Danh sách cách môn ngoại ngữ 1 cho đến giờ gồm 5 môn: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, nay có thêm hai môn mới là Tiếng Hàn và Tiếng Đức thực tế không có thay đổi đáng kể.
Vì lẽ đó, dư luận phản đối không nằm ở việc đưa thêm hai môn học này vào danh sách các môn ngoại ngữ 1. Vấn đề nằm ở khâu truyền thông chưa được rõ, làm cho phụ huynh hiểu nhầm từ nay học sinh bắt buộc phải học hai môn học này lớp 3.
Trên thực tế, học sinh không bắt buộc phải học hai thứ tiếng mới bổ sung này, mà phải học một trong số 7 ngoại ngữ đã nêu trên như môn học ngoại ngữ 1, có tính chất bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của học sinh và điều kiện của nhà trường về giáo viên và cơ sở vật chất để môn học nào sẽ được lựa chọn.
Hiện hầu hết học sinh và các trường chọn học tiếng Anh làm ngoại ngữ 1. Nhưng nếu ở các vùng miền có nhu cầu thực sự về tiếng Hàn, tiếng Đức, cụ thể ở những nơi có đầu tư nước ngoài lớn của hai nước này, hẳn việc học sinh chọn tiếng Hàn hay tiếng Đức làm ngoại ngữ 1 là hợp lý.
Video đang HOT
Vấn đề là để học sinh được quyền chọn học thứ tiếng nào làm ngoại ngữ 1, chứ không phải là bắt học, đồng thời đảm bảo việc học này được liên thông cho tất cả các bậc học.
Vậy theo ông, học sinh sẽ học ngoại ngữ 1 ra sao? Khi chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 từ cấp học nhỏ thì các em sẽ tiếp tục học lên cao như thế nào, có rào cản gì không?
Học sinh sẽ học ngoại ngữ 1 theo chương trình được Bộ GD&ĐT ban hành, hoặc chương trình bên ngoài nếu được thẩm định và cấp phép. Việc học các môn này, về thời lượng và chương trình sẽ tương tự như việc học môn tiếng Anh, vì cả hai đều là ngoại ngữ 1.
Tuy nhiên, khác với tiếng Anh là một môn học phổ biến, nên khi học sinh chuyển cấp, chuyển trường, gần như mặc định trường học mới sẽ dạy tiếng Anh như môn ngoại ngữ 1. Vì thế, việc học được liên thông. Còn với các thứ tiếng khác như tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Đức, việc này khó khơn rất nhiều. Lý do rất ít trường dạy các môn này như môn ngoại ngữ 1, chủ yếu do thiếu giáo viên và nhu cầu sử dụng thực tế hiện còn rất nhỏ.
Theo Bộ GD&ĐT, việc quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 xuất phát từ nhu cầu thực tế, để học sinh lựa chọn theo yêu cầu. Theo ông, điều này có đồng nghĩa với việc giúp giảm áp lực cho học sinh như kỳ vọng?
Tôi nghĩ không giảm áp lực bởi thời lượng của các môn ngoại ngữ 1 như nhau. Chưa kể, do có trải nghiệm trực tiếp học các thứ tiếng này, tôi thấy trong số 7 thứ tiếng được chọn làm ngoại ngữ 1, tiếng Anh dễ học hơn cả. Vì thế, không thể cho rằng, khi học sinh chọn học các thứ tiếng này sẽ được giảm áp lực.
Với học sinh, chọn học ngoại ngữ nào trước hết do nhu cầu sử dụng thực tế. Nếu ở địa phương của em có đầu tư lớn từ Hàn Quốc và có nhu cầu sử dụng tiếng Hàn, bởi Hàn Quốc hiện là quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam có thể chọn học tiếng Hàn. Còn các em có thể chọn học tiếng Đức nếu có ý định sau này sẽ đi du học Đức.
Vấn đề còn lại chỉ là tổ chức giảng dạy sao cho hiệu quả, tránh tình trạng người/khu vực có nhu cầu lại không được học, còn người/khu vực không có nhu cầu thì ép phải học, đồng thời đảm bảo sự liên thông về chương trình cho các học sinh đã chọn học các ngoại ngữ này.
Nói đúng hơn, hãy để học sinh chọn học theo nhu cầu thực, không nên bắt học do cơ cấu, bởi đây là các thứ tiếng ít phổ biến. Nếu bắt ép các em học thay vì nhu cầu thực sẽ bất lợi và thiệt thòi cho các em.
Đức là nước có tầm ảnh hưởng lớn ở khối EU; Hàn Quốc cũng là một quốc gia đang có nền kinh tế phát triển mạnh ở châu Á. Việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào dạy trong trường phổ thông có phải tăng thêm cơ hội, là một lợi thế cho nhiều bạn trẻ sau này?
Trong một xã hội gần như phần lớn mọi người đều học tiếng Anh thì việc biết thêm một ngôn ngữ nữa, đặc biệt là một ngôn ngữ của các nước châu Á, đó sẽ là một lợi thế rất đáng kể.
Nói chung, biết hai thứ tiếng thì vẫn tốt hơn là một thứ tiếng. Đặc biệt, biết tiếng Anh và một thứ tiếng khác ở châu Á sẽ rất tốt, bởi sự “trỗi dậy” của châu Á và sự gần gũi về văn hóa của các nước trong khu vực.
Ngoài ra, với điều kiện hiện nay của xã hội, nếu người nào đã thạo một thứ tiếng ngoài tiếng Anh, trước sau gì cũng sẽ thạo cả tiếng Anh nữa. Những người như thế sẽ có lợi thế lớn hơn nhiều trong công việc so với việc chỉ biết một thứ tiếng, dù phổ biến như tiếng Anh.
Ngoài ra, Việt Nam đang có các hoạt động giao lưu văn hóa và hợp tác kinh tế mạnh mẽ với các nước ngoài khối nói tiếng Anh, Hàn Quốc và Đức là hai ví dụ điển hình. Hàn Quốc hiện là nước có mức đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Còn Đức là nước có nền khoa học, giáo dục và triết học rất phát triển, cũng lại là đầu tàu kinh tế của châu Âu.
Nếu chúng ta có một nhóm nhỏ những người thạo hai thứ tiếng này để làm cầu nối sẽ rất có lợi, cả về văn hóa, kinh tế, trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Nói cách khác, khi nhiều ngoại ngữ song hành chỉ có lợi chứ không có hại. Vấn đề làm sao đảm bảo để việc dạy các ngoại ngữ đó phải đáp ứng nhu cầu thực, nếu không sẽ rơi vào hình thức và lãng phí.
Xin cảm ơn TS!
"Bắt buộc" nhưng không ép buộc
Bộ GD&ĐT vừa có quyết định đưa môn tiếng Hàn và tiếng Đức thành ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ảnh minh họa/INT
Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc, gồm các môn: Tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật. Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn. Bộ GD&ĐT cho biết, sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.
Từ thực tế trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 nhưng vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1. Cần hiểu tường minh rằng, đây là hai trong những môn học bắt buộc - Ngoại ngữ 1 - nhưng không ép buộc. Việc chọn ngoại ngữ nào phụ thuộc vào điều kiện của từng trường học, địa phương và của từng phụ huynh, học sinh, không có chuyện ép buộc phải học tiếng Hàn, tiếng Đức hay bất kỳ môn ngoại ngữ nào khác. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, đây sẽ là cơ hội để các trường phổ thông và học sinh có thêm lựa chọn về môn học trong ngoại ngữ 1.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chương trình giáo dục cần được xây dựng từ nhu cầu của xã hội, nguồn nhân lực được đào tạo theo hướng quốc tế, công dân toàn cầu. Luật Giáo dục 2019 quy định, phải tạo điều kiện cho người dân học các ngoại ngữ mà xã hội có nhu cầu, nghĩa là cả tiếng Anh và các ngôn ngữ khác; bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Như vậy, quyết định nêu trên của Bộ GD&ĐT không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mà còn phù hợp với luật định.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoại ngữ 1 được triển khai bắt buộc từ lớp 3; có thể là tiếng Anh hoặc tiếng khác. Còn nhớ, năm 2016, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy như "ngoại ngữ 1" từ lớp 3 (theo chương trình 10 năm), tiếng Nhật cũng được đưa vào giảng dạy thí điểm từ lớp 3 với tư cách là môn "ngoại ngữ 1". Và bây giờ, nếu chúng ta tiếp tục thí điểm đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào dạy từ lớp 3 như là "ngoại ngữ 1" không có gì là xa lạ.
Bộ GD&ĐT khẳng định, việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và có đủ điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để bảo đảm tính hiệu quả và quyền lợi người học.
Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.
Tiếng Hàn, tiếng Đức là Ngoại ngữ 1: Rộng cơ hội chọn học ngoại ngữ Bộ GD&ĐT vừa quyết định môn tiếng Hàn, tiếng Đức được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong Chương trình GDPT sau thời gian thí điểm là ngoại ngữ thứ 2. Du học Hàn Quốc đang là lựa chọn của nhiều HS Việt Nam. Ảnh: IT Nhiều nhìn nhận tích cực từ quyết định này bởi sẽ mở ra nhiều hơn cơ hội...