TS Đàm Quang Minh: ‘Chưa cho học sinh tới lớp là vô lý’
TS Đàm Quang Minh cho rằng đóng cửa trường học gây thiệt thòi cho trẻ em. Từ góc độ người làm giáo dục hay một phụ huynh, ông đều ủng hộ việc Hà Nội cần mở cửa trường học luôn.
TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, bày tỏ những đứa trẻ vào lớp 1 là thế hệ thiệt thòi, năng lực nhận biết, thiết lập quan hệ xã hội kém hơn hẳn so với bình thường.
“Trẻ có quyền được học hành, đến trường. Người ta cho rằng cần giữ trẻ con để phòng bệnh dịch, thực ra cũng không phải như vậy”, TS Đàm Quang Minh chia sẻ với Zing.
Hệ lụy khi trẻ không được đi học quá lớn
Trên thế giới, thông thường, việc cho trẻ đi học được tiến hành trước việc mở cửa hoạt động khác như bar, vũ trường. Trong khi đó, Hà Nội đã cho các loại hình kinh doanh này mở cửa song vẫn đóng cửa trường học.
Ông Đàm Quang Minh đánh việc thành phố bình thường hóa tất cả hoạt động nhưng vẫn chưa cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 đến lớp là vô lý, không có lý do gì để duy trình tình trạng như vậy.
Con gái chị Huyền Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) sắp vào lớp 1 và rất mong được đi học.
“Hệ lụy xã hội do trẻ không được đi học quá lớn. Chúng ta cần thiết cho trẻ đến lớp càng sớm càng tốt, ngay lập tức để giảm tải cho phụ huynh cũng như học sinh, đặc biệt học sinh tuổi nhỏ. Các con quá thiệt thòi”, TS Đàm Quang Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, học trực tuyến hiệu quả rất kém. Không chỉ việc học giảm sút, trẻ còn mất đi năng lực tập trung, quan hệ xã hội do không được đến trường.
Bên cạnh đó, ở nhà lâu ngày, trẻ chắc chắn có vấn đề tâm lý. Ông nêu thực tế các trường đã cảnh báo các dấu hiệu tâm lý bất ổn ở trẻ và tình trạng này tăng lên nhiều so với hồi trẻ em được đi học trực tiếp.
Đóng cửa trường học, trẻ nào cũng thiệt thòi, song trẻ nhỏ tuổi thiệt thòi nhiều hơn. Từ góc độ người làm giáo dục hay một phụ huynh, ông đều ủng hộ việc mở cửa trường đối với học sinh từ lớp 6 trở xuống.
TS Đàm Quang Minh cũng cho rằng ở thời điểm này, thành phố không chỉ có thể cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 chuyển sang học trực tiếp mà còn có thể thực hiện học 2 buổi, cho trẻ bán trú ở trường.
Bên cạnh đó, ông đánh giá không cần chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đi học. Thực tế, nhiều trẻ đã nhiễm nCoV trong thời gian ở nhà. Nhiều lớp học có hơn 50%, thậm chí 70-80% học sinh mắc Covid-19.
Vì thế, người lớn không cần thiết lo lắng việc trẻ đến trường sẽ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt khi đã chấp nhận mở cửa các hoạt động khác.
Tuy nhiên, ông thừa nhận việc cho con đi học hay không là lựa chọn của mỗi gia đình, không ai khuyên ai được. Từ đó, ông đề xuất Hà Nội thực hiện như nhiều nước khác, tức mở cửa trường học, ai đồng ý thì để con đến trường, nếu chưa yên tâm, họ tiếp tục cho con ở nhà học trực tuyến.
Những đứa trẻ “thèm” đến trường
Thực tế, dù nhỏ tuổi, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đi học hay hệ lụy khi phải ở nhà quá lâu, thông qua lời nói hay sự thay đổi trong tâm lý, tính cách, nhiều đứa trẻ nhắn nhủ đến người lớn thông điệp đã đến lúc cần mở cửa trường học.
Chị Chu Hiền (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết 2 con gái học lớp 1 thường xuyên hỏi bao giờ được đến trường vì ở nhà, con rất buồn. Khi nghe cô giáo nói chuyện, biết sắp được đi học, 2 bé rất mong đợi.
Gần một năm qua, khi phải ở nhà học trực tuyến, các con chỉ có mỗi việc học. Không những thế, do điều kiện gia đình, chị phải nhờ người trông hoặc gửi con sang nhà khác chăm sóc hộ. Cả ngày, con học bài hoặc xem TV. Tối về, vợ chồng chị kèm cặp con học thêm. Con không có hoạt động nào khác.
Chỉ thời gian gần đây, khi dịch bệnh tương đối ổn định, gia đình đã mắc Covid-19, cuối tuần, chị mới cho con về quê chơi để thư giãn.
Video đang HOT
Chị Chu Hiền tâm sự bản thân vốn sợ dịch, từng không muốn cho con đi học. Hơn nữa, việc học online của con vẫn tạm ổn. Con viết chữ không đẹp nhưng trong tình hình học trực tuyến, gia đình chỉ cần con đọc, làm toán thạo, không đặt nặng kết quả.
Dù vậy, nhìn con khao khát, chị vẫn mong trong tháng cuối cùng, con được đến lớp. Chị còn mong con học 2 buổi, bán trú ở trường vì bố mẹ đi làm, khó sắp xếp đưa đón.
Hai con trai chị Hiền được đi học 3 buổi/tuần nhưng ngày nào cũng đòi đi học. Ảnh: Đ.H.
Tương tự, chị Đào Hiền (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng mong ngóng ngày trường mầm non hoạt động trở lại. Thậm chí, chị mong con được đi học ngay từ tuần sau, kể cả khi chưa tiêm vaccine.
Theo lời nữ phụ huynh, ở nhà quá lâu, 2 con trai sinh đôi của chị buồn chán, tính cách bị ảnh hưởng, trở nên cáu kỉnh, hay chành chọe nhau. Chị mong con đi học nhưng trường mãi không mở cửa. Chị quyết định gửi con tới lớp dạy kèm của một giáo viên. Hơn nữa, con chị cũng sắp vào lớp 1 mà gần một năm qua, con lại ở nhà, chị muốn con được dạy dỗ, quen dần với con chữ cho đỡ bỡ ngỡ khi vào tiểu học.
Từ ngày được đến lớp, con vui vẻ hẳn ra, hôm nào đi học về, con cũng tíu tít kể chuyện ở lớp vui ra sao, được chơi với bạn bè, nói chuyện với cô giáo như thế nào.
“Bây giờ, tôi chỉ mong thành phố quyết định cho trẻ mầm non đi học. Gia đình xác định tâm lý trước sau gì cũng nhiễm bệnh, mà chính xác, gia đình tôi cũng mắc Covid-19 rồi. Như hiện tại, mỗi tuần, con học 3 buổi, mỗi buổi chỉ 1,5 tiếng. Ngày nào, con cũng đòi đi học”, chị Đào Hiền chia sẻ.
Đến trường cũng là khát khao của cô con gái chuẩn bị vào lớp 1 của chị Huyền Linh (Thanh Xuân, Hà Nội).
“Con gái tôi tha thiết đến trường. Bé vốn sợ tiêm lắm, thế mà bảo tiêm vaccine được đi học, con đồng ý tiêm ngay. Còn còn bảo gần nhà mình có chỗ tiêm, con đi tiêm luôn đây”, chị Linh kể.
Không bây giờ thì bao giờ mới mở cửa trường?
Không chỉ những đứa trẻ, phụ huynh cũng mong chờ ngày trường học mở cửa trở lại. Chị Chu Hiền cho hay 2 con chị học lớp 1. Đến nay, chương trình đã gần hết. Cuối tháng này, con thi cuối kỳ.
Nếu trường học mở cửa, con chỉ đến lớp được vài tuần. Dù vậy, chị vẫn muốn con được đi học, không đặt nặng kết quả, chỉ cần con vui vẻ hơn.
Chị Huyền Linh cho con vui chơi thoải mái nên con không bị bí bách khi học online nhưng chị vẫn thấy thiếu hụt khi con không được đến lớp. Ảnh: H.L.
Đây cũng là mong muốn của chị Huyền Linh. Nữ phụ huynh vừa thực hiện khảo sát cho con trai học lớp 4. Cả lớp 61 học sinh, chỉ khoảng 10 gia đình chưa đồng ý cho con tới trường. Còn chị mong mãi ngày con chuyển sang học trực tiếp.
Chị Huyền Linh cho hay thực ra, việc con ở nhà học không ảnh hưởng nhiều đến gia đình chị. Gia đình không còn tâm lý nhốt con ở nhà tránh dịch, trẻ đi chơi mải miết, gặp bạn bè thường xuyên.
Chị lại ở nhà, không phải trải qua cảnh người lớn đi làm hết, lũ trẻ ở nhà tự học trực tuyến, trông nom lẫn nhau, con chơi gì, ăn gì, bố mẹ cũng lo nơm nớp.
Dù vậy, chị vẫn cảm thấy thiếu hụt khi con không được đi học. Hơn nữa, gia đình chị đều từng mắc Covid-19 nên không còn dè chừng như trước.
Chị hiểu rõ ở thời điểm này, nếu đi học, con sẽ thi trực tiếp, chắc chắn khó hơn thi trực tuyến, điểm không cao bằng. Nhưng đây cũng là điều chị lo lắng. Nữ phụ huynh sợ vì con trai có dấu hiệu thấy học, thi online nhàn, không muốn chuyển sang học trực tiếp.
Chị tâm sự có đợt, chồng chị thường cho con trai đạp xe từ nhà lên trường rồi trở về, hay gần đây, hôm 8/3, chị cho con đến trường quay clip, con đều vui vẻ, “thèm” đi học. Nhưng càng ở nhà lâu, con mất dần sự mong mỏi, chuyển qua trạng thái thế nào cũng được.
Vì thế, chị rất mong Hà Nội cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 đi học trở lại. Ai không yên tâm có thể cho con ở nhà.
“Không bây giờ thì bao giờ? Một số người bảo thôi, gần hết năm, để năm học sau, dịch ổn rồi học trực tiếp. Nhưng ai chắc chắn đến tháng 9, dịch ổn? Một ngày tới trường cũng quý giá, không nói đến chúng ta còn 1,5 tháng nữa mới vào hè. Trẻ cần đi học và phải mở cửa cho trẻ đến trường ngay”, chị Huyền Linh nhấn mạnh.
Việc đóng cửa trường học dù ngắn hạn vẫn gây hậu quả lâu dài
Trước phân vân nên cho học sinh trở lại lớp không của các nước châu Âu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần cân nhắc kỹ cái giá phải trả khi đóng cửa trường học, dù chỉ vài tuần.
Gần 2 năm học trôi qua khi đại dịch khiến nhiều trường học trên thế giới phải đóng cửa, các quốc gia châu Âu một lần nữa đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan - có nên cho học sinh đến lớp hay không khi biến chủng Omicron đang khiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt.
Nhưng lần này, họ có thêm yếu tố để cân nhắc trước khi đưa ra quyết định - cái giá của việc đóng cửa trường học và chuyển sang học tập trực tuyến, dù chỉ trong vài tuần.
Nhiều trường học ở Bỉ yêu cầu học sinh từ 6 tuổi trở lên phải đeo khẩu trang trong lớp học và cho các em nghỉ đông sớm hơn vì biến chủng Omicron. Ảnh: AFP.
Học sinh học trực tuyến không hiệu quả
Theo Washington Post, học sinh ở châu Âu được đi học trực tiếp khá nhiều trong đại dịch nhưng kết quả học tập không mấy tốt đẹp.
Điểm kiểm tra giảm. Thời gian đến trường thu hẹp lại. Giáo viên lo lắng học trò không được chuẩn bị cho năm học tiếp theo.
"Trẻ em sẽ phải chịu những ảnh hưởng lâu dài", bà Delphine Chabbert, thành viên Ủy ban Giáo dục thuộc nghị viện tại Brussels (Bỉ), nhận định.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ các nước châu Âu cũng như lãnh đạo trường học nên suy xét những tác động đó khi xem xét nên mở cửa trường học hay tiếp tục để trẻ học trực tuyến.
Không ít trường ở châu Âu cho nghỉ đông sớm do số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Đứng trước kỳ học mới, họ không chỉ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm tăng cao trong trường học do biến chủng Omicron gây ra mà còn việc liệu còn đủ giáo viên khỏe mạnh đứng lớp.
Hà Lan đang thực hiện phong tỏa và cảnh báo có thể không mở cửa trường học vào ngày 10/1 như kế hoạch đã đưa ra. Bộ trưởng Giáo dục của Anh dự đoán tình trạng thiếu số lượng lớn giáo viên sẽ xảy ra vào tháng 1 và kêu gọi cựu giáo chức quay lại dạy học. Trong khi đó, bộ trưởng Y tế nước này cho rằng có thể sẽ đóng cửa trường lớp vào đầu năm.
Trong suốt đại dịch, các quốc gia châu Âu có xu hướng coi đóng cửa trường học là phương pháp chống dịch cuối cùng. Tức họ vẫn cho học sinh đến lớp khi đã tiến hành hạn chế các hoạt động xã hội khác để kiểm soát dịch.
Dù nhìn chung, học sinh châu Âu được đi học trực tiếp nhiều hơn một số nước khác, kết quả nghiên cứu cho thấy việc đóng cửa trường trong thời gian ngắn vẫn gây bất lợi lớn.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận hiện vẫn quá sớm để đưa ra đánh giá đầy đủ về những mất mát về mặt học tập trong hai năm qua. Nhiều nước châu Âu, cũng như Mỹ, đã hủy kỳ thi chuẩn hóa do dịch.
Tuy nhiên, Hà Lan vẫn duy trì việc kiểm tra. Trong đợt dịch bùng phát đầu tiên, học sinh nước này học trực tuyến trong 8 tuần trước khi trường học mở cửa trở lại. Per Engzell, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Nhân khẩu học thuộc ĐH Oxford, đánh giá 8 tuần học online là sự lãng phí.
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng trẻ em cơ bản không học gì trong thời gian ở nhà. Và rõ ràng, lỗ hổng kiến thức vẫn chưa được bù đắp hết, thậm chí đến tận bây giờ, tức sau một năm rưỡi", Engzell nói.
Nghiên cứu hồi tháng 4 năm ngoái của ông cho thấy học sinh tiểu học có kết quả kiểm tra kém hơn 20% so với kết quả trong 3 năm trước đại dịch. Những em thuộc gia đình yếu thế càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn về mặt giáo dục.
Hà Lan chi hàng triệu euro để dạy kèm, tư vấn, xây dựng chương trình hè cho trẻ em. Song những nỗ lực này vẫn chưa giúp trẻ bắt kịp việc học.
Học sinh ở Izel, Bỉ, đến trường trở lại sau khi nước này dỡ lệnh phong tỏa. Ảnh: EPA-EFE.
Không mở cửa trường dựa trên độ tuổi học sinh
Các nhà nghiên cứu ở Đan Mạch đưa ra bức tranh đa sắc hơn. Học sinh tiểu học ở nước này chỉ học online một tháng trước khi Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên mở cửa trường học hồi tháng 4/2020. Trong các đợt phong tỏa do dịch bùng phát khác, trẻ học online thêm khoảng 8 tuần.
Jesper Fels Birkelund, nhà xã hội học tại ĐH Copenhagen, phát hiện học sinh tiểu học tại Đan Mạch không gặp trở ngại trong việc học đọc, nhiều em đạt thành tựu đáng kể.
Nhưng theo nghiên cứu được ông Birkelund công bố tháng 11 năm ngoái, những học sinh lớn tuổi hơn ở nước này học online đến 22 tuần và gặp khó khăn trong môn đọc hiểu.
Birkelund cho hay nghiên cứu của ông không ủng hộ giả thuyết học sinh lớn tuổi có thể tự sử dụng máy tính để học tập từ nhà, thậm chí khi quốc gia này có cơ sở hạ tầng, tỷ lệ tiếp cận Internet tốt.
Ông cho rằng nếu các nước châu Âu đóng cửa một phần trường học sau kỳ nghỉ đông, lãnh đạo nên xem xét dữ liệu sẵn có để quyết định đối tượng nào được trở lại trường chứ không phải chỉ dựa trên khối lớp, hay chú trọng học sinh nhỏ tuổi.
Bỉ không có số liệu tương tự từ bài kiểm tra tiêu chuẩn nhưng nhà nghiên cứu Natacha Duroisin, phó giáo sư tại ĐH Mons, khảo sát hàng trăm giáo viên tại khu vực nói tiếng Pháp để xem xét tác động của dịch Covid-19 lên ngành giáo dục.
Theo đó, 60% giáo viên THCS và THPT cho biết trong thời gian phong tỏa đầu năm 2020, mỗi ngày, chỉ một nửa số học sinh đăng nhập vào lớp học trực tuyến. Nhiều em không đáp ứng được yêu cầu của môn học.
Mô hình "đỡ tệ nhất"
Sau đợt phong tỏa hồi tháng 3/2020, Bỉ mất 2,5 tháng để mở cửa hoàn toàn trường tiểu học. Những học sinh lớn tuổi hơn tham gia vào mô hình hybrid learning - luân phiên học trực tiếp và trực tuyến mỗi tuần hoặc mỗi buổi - cho toàn bộ năm học 2020-2021.
PGS Duroisin nghiên cứu các mô hình hybrid khác nhau và xác định dựa trên thông tin từ giáo viên cung cấp, học sinh đến lớp hàng ngày, dù chỉ một buổi, có kết quả học tập tốt hơn.
Delphine Chabbert cho biết Bỉ áp dụng mô hình này nhằm giúp thanh thiếu niên gắn kết với trường học, kể cả khi các em không thể đến lớp toàn thời gian. Đến nay, báo cáo ở Bỉ chưa cho thấy tỷ lệ học sinh bỏ học gia tăng. Nhưng họ cũng không chắc chắn con số này sẽ như thế nào cho năm học 2021-2022 khi nhiều học sinh gặp khó khăn với khối lượng học phụ đạo bên cạnh chương trình tiêu chuẩn.
"Hybrid là mô hình đỡ tệ nhất. Chúng tôi ưu tiên giữ mối liên kết giữa học sinh và trường học. Đó là giải pháp duy nhất chúng tôi có", bà Chabbert nói.
Tuy nhiên, Kalvin Legrand, học THPT ở Quaregnon (thị trấn của tầng lớp lao động nằm cách Brussels khoảng một giờ lái xe), lại đang nằm trong số những học sinh đứng trước nguy cơ bỏ học.
Trước đại dịch, Legrand đã học không tốt, phải lưu ban 2 lần. Việc học trực tuyến kết hợp trực tuyến khiến nam sinh gặp nhiều khó khăn hơn. Cậu chia sẻ rất khó để theo kịp lớp học vì đã mất hết động lực học, kể cả khi được trở lại lớp.
Năm học trước, Legrand học theo mô hình kết hợp, buổi sáng ở nhà học online, buổi chiều đến trường học trực tiếp và rất khó quản lý thời gian học bài.
Hậu quả, nam sinh thi trượt 3 môn, tiếp tục "mắc kẹt" ở trường trung học dù đã 20 tuổi và đang học phụ đạo môn Toán vào thứ tư hàng tuần để có thể tốt nghiệp trong mùa xuân năm nay.
Denis Betriaux, giáo viên của Legrand, cho biết không chỉ Legrand, năm học này, hàng chục học sinh khác của ông cũng phải học phụ đạo môn Toán và Tiếng Pháp để bù lại kiến thức hổng trong thời gian học kết hợp trực tuyến - trực tiếp.
"Các em không lạc quan lắm. Tôi không cảm nhận được niềm hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn từ các em. Điều đó thật đáng buồn", ông Betriaux chia sẻ.
Trước đại dịch, Legrand từng ước mơ trở thành giáo viên Thể dục. Nhưng hiện tại, rõ ràng, theo đuổi ý định học lên đại học có vẻ viển vông. Vì thế, nam sinh nghĩ bản thân nên hướng tới ngành nghề dễ tiếp cận hơn, gia nhập quân đội chẳng hạn.
Và dù tính khả thi không lớn, Legrand vẫn hy vọng không phải quay lại học trực tuyến hay học kết hợp.
"Tôi đã mất một năm rồi. Nếu không thể đến lớp, trực tiếp học dưới sự giảng dạy của giáo viên, với tôi, đó là một thất bại khác", nam sinh tâm sự.
"Chìa khóa" để mở cửa trường học, sớm đưa trẻ trở lại trường "Trường học sẽ mở cửa trở lại khi nào và như thế nào?" là vấn đề đang được đặt ra ở nhiều quốc gia, bởi không thể cứ đóng cửa trường học, để học sinh ở nhà và học trực tuyến mãi. Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng trong bộ tiêu chí về trường học an toàn rất cần thêm tiêu...