Truyền thông Trung Quốc kêu gọi dân Hồng Kông không nên chống lại Bắc Kinh
Ngày 30/6, truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi người Hồng Kông đừng để mình “bị bắt cóc” bởi “những phần tử cấp tiến”, đồng thời cho rằng “sẽ chẳng có lợi ích nào” nếu họ tham gia vào cuộc biểu tình phản đối đại lục.
Mỗi năm, cứ đến ngày 1/7 (ngày kỷ niệm Hong Kong được trao trả về Trung Quốc từ tay chính quyền Anh hồi năm 1997) những làn sóng phản đối sự can thiệp của chính quyền Bắc Kinh đối với Hong Kong lại có điều kiện bùng phát. Kể từ khi được trao trả, Hong Kong trở thành Khu hành chính tự trị và được hưởng quy chế “một quốc gia – hai chế độ” nhưng đối với người dân Hong Kong, sự can thiệp của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vào Khu tự trị này là rất khó chấp nhận.
Ngay trước thềm 1/7 năm nay, giới truyền thông trung ương Trung Quốc đã mở một chiến dịch tuyên truyền lớn nhắm đến người dân Hong Kong. Tờ thời báo Hoàn Cầu tố rằng hoạt động của những phần tử “cấp tiến” và “đảng phái đối lập chính trị” chỉ nhằm một mục đích “chia rẽ cộng đồng Hồng Kông”.
Nói đến cuộc trưng cầu dân ý về cách chọn người đứng đầu của gần 800.000 người Hồng Kông gần đây, tờ thời báo Hoàn Cầu cho rằng, bất kỳ sự nhượng bộ nào của chính quyền trung ương Bắc Kinh sẽ dẫn đến một “sự bất ổn lớn” ở Hồng Kông.
Một người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Hồng Kông trong lần biểu tình 1/7 năm trước (Ảnh: Sam Tsang – SCMP)
Trên tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, ban biên tập của tờ báo này cho rằng việc Hồng Kông được hưởng những đặc quyền tự trị không làm thay đổi một thực trạng pháp lý rằng vùng đất này là “một khu vực hành chính địa phương của một nhà nước đơn nhất”, tức chính quyền trung ương Trung Quốc.
“Hồng Kông và đại lục nằm dưới sự quản lý của một nhà nước với hai hệ thống quản lý, rất khó để 2 xã hội có thể hoàn toàn thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng, một nguyên tắc cơ bản rõ ràng ở đây là việc tham gia vào các cuộc đối đầu chính trị sẽ không bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp. Điều đó có hại cho mọi cá nhân, đơn vị và tất cả các bên liên quan”, tờ Nhân dân Nhật báo viết.
Video đang HOT
Tờ báo này đã gọi các nhóm đối lập là những “kẻ cực đoan”, kết tội họ là những người “sẵn sàng hy sinh sự thịnh vượng của Hồng Kông để đổi lấy lợi ích cho riêng mình”.
Đối tượng mà Thời báo Hoàn Cầu hướng tới ở đây chính là Occupy Central (Chiếm khu Trung tâm nhưng còn có nghĩa bóng là Chiếm đóng chính quyền trung ương). Occupy Central là tên gọi nhái theo tên phong trào “Chiếm phố Wall” đã từng nổ ra ở Mỹ cách đây vài năm, và là tổ chức hậu thuẫn cuộc trưng cầu dân ý tại Hồng Kông hồi tuần trước.
Ban tổ chức cuộc biểu tình ngày 1/7 tại Hồng Kông năm nay đang dự đoán sẽ có khoảng hơn nửa triệu người sẽ xuống đường để tham gia cuộc tuần hành. Đây là một cuộc tuần hành truyền thống, nói lên các ý kiến về dân chủ, phương thức bỏ phiếu và các vấn đề chính trị khác tại Hồng Kông.
Căng thẳng giữa Hồng Kông và đại lục đã gia tăng kể từ khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố một cuốn sách trắng, trong đó nhắc lại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Hồng Kông hôm 10/6 vừa qua.
Theo đó, “Hồng Kông muốn hưởng quyền tự trị thì phải xin phép chính quyền trung ương Trung Quốc”, tờ Nhân dân Nhật báo viết, nhắc lại nội dung của sách trắng, đồng thời lên giọng khuyên người dân hãy “nên biết yêu nước”.
Kể từ khi cuốn sách trắng của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc được phát hành, người Hồng Kông đã biểu tình chống lại “hành vi vi phạm Luật pháp Cơ bản” của chính quyền trung ương Trung Quốc đối với Hồng Kông.
Sự tức giận trước việc phát hành cuốn sách trắng này cũng đã khiến rất nhiều cử tri tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý của Occupy Central và tham gia vào cuộc diễu hành tới đây.
Tuần trước, các luật sư người Hồng Kông đã tuần hành trong im lặng để bày tỏ sự ủng hộ cho một nền tư pháp độc lập.
“Lực lượng đối lập ở Hồng Kông đang làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình để tạo ra một cỗ xe chính trị và lừa bịp người dân Hồng Kông, sao cho càng có nhiều người leo lên cỗ xe ấy càng tốt. Mục tiêu của nó là chính quyền trung ương và người dân của quốc gia này”, tờ Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Trung kết tội.
“Chúng tôi kêu gọi công dân Hồng Kông đừng nhảy lên cỗ xe chiến ấy, đừng để mình bị bắt cóc bởi những kẻ đối lập, đừng đánh mất sự thịnh vượng của Hồng Kông và hạnh phúc của bạn cho những tính toán nhỏ mọn của họ”, tờ báo này kết thúc.
Theo Infonet
Ý đồ của Mỹ khi mời TQ tập trận lớn nhất thế giới
Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ.
Trung Quốc là một trong 22 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 theo lời mời của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham dự cuộc tập trận này, nhưng số tàu mà Bắc Kinh mang tới RIMPAC 2014 đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc(CCTV) đưa tin.
Việc Hải quân Trung Quốc(PLA) tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC đã tạo ra làn sóng chỉ trích trong chính giới Mỹ.
Chiến hạm Trung Quốc tới Trân Châu Cảng để tham dự tập trận RIMPAC 2014. Ảnh:Tân Hoa Xã
Cuộc tập trận năm nay kéo dài từ ngày 26/6 đến 1/8. Hải quân 22 quốc gia đưa tới RIMPAC 47 tàu nổi, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ. Sự góp mặt của Trung Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế trong bối cảnh mối quan hệ Washington - Bắc Kinh đang khá căng thẳng thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở RIMPAC 2014 không thể hóa giải những bất đồng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Hôm 14/6, 3 tàu chiến thuộc Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc, gồm hai tàu khu trục, một tàu cung ứng và hai trực thăng, đã diễn tập bắn đạn thật tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Tạp chí Diplomat của Nhật Bản nhận định, trước năm 2010, RIMPAC không thực sự gây sự chú ý của toàn thế giới do chỉ 14 quốc gia thường xuyên tham gia cuộc tập trận hai năm một lần ngoài khơi quần đảo Hawai. Tuy nhiên, số quốc gia tham dự RIMPAC lần thứ 22 (vào năm 2010) bất ngờ tăng lên 22. Số nước đưa quân tới tham dự RIMPAC giữ nguyên trong năm 2012 và 2014.
Trong quá khứ, do Mỹ không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC nên các nhà phê bình Trung Quốc nhiều lần cáo buộc Washington cố tình cô lập họ. Giới truyền thông Trung Quốc thường gọi tập trận RIMPAC do Mỹ dẫn đầu là nỗ lực trắng trợn chống lại Bắc Kinh, song những lời chỉ trích đã giảm trong năm nay. Việc Lầu Năm Góc mời Trung Quốc sẽ minh bạch hóa hoạt động của hải quân các nước, đồng thời ngăn chặn những hiểu lầm. Nó rất có lợi cho Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đặt mục tiêu tăng cường quan hệ quân sự, đặc biệt là hải quân, với quân đội Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, đội tàu của Bắc Kinh chỉ xếp sau nước chủ nhà về số lượng. Ảnh: Tân Hoa Xã
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2014 khẳng định việc Trung Quốc tham gia RIMPAC sẽ không mang lại lợi ích lớn, nhưng nó tạo ra một đường dây thông tin liên lạc giữa Hải quân của Mỹ và Trung Quốc. Đường dây này chỉ phát huy hiệu quả khi mối quan hệ đôi bên căng thẳng.
Mỹ hy vọng sự tham dự của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi hành động cứng rắn nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực. Sự hiện diện của Trung Quốc còn góp phần củng cố uy tín của Mỹ đối với các nước đồng minh châu Á và cho thế giới thấy ảnh hưởng của Washington. Ngoài ra, RIMPAC 2014 sẽ giúp Washington và Bắc Kinh phối hợp ăn ý trong các hoạt động cứu trợ thiên tai trong tương lai.
Mỹ biết rõ sự hiện diện của Trung Quốc ở RIMPAC 2014 không làm thay đổi chính sách của Bắc Kinh đối với các quốc gia trong khu vực hay khiến giới lãnh đạo Trung Quốc dè chừng ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ.
Theo Zing News
Truyền thông Trung Quốc cay cú vụ "nữ hoàng Anh bị ép gặp Thủ tướng Trung Quốc" Hoàn Cầu chỉ trích truyền thông và cả xã hội Anh cường điệu, hẹp hòi khi một số tờ báo Anh đưa tin Nữ hoàng Anh "bị bắt ép phải gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường". Nữ hoàng Anh đón tiếp ông Lý Khắc Cường Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc đang bức xúc vì chuyến thăm của ông Lý...