Trường vùng khó chủ động nhập cuộc triển khai CTGDPT mới lớp 2, lớp 6
Năm học 2021 – 2022, CTGDPT mới triển khai với lớp 2 và lớp 6. Các địa phương, nhà trường vùng khó đang nỗ lực trong công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất tới đội ngũ… dù điều kiện chung còn nhiều thách thức.
Thiết bị dạy học góp phần quan trọng trong triển khai CTGDPT mới tại vùng khó. Ảnh: TG
Sẵn sàng từ tâm thế đến hành động
Cô Nguyễn Thị Nguyên – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai) cho biết: Ngay sau khi tiếp cận CTGDPT mới, ban giám hiệu (BGH) nhà trường đã nghiên cứu, đồng thời hướng dẫn cho GV cùng tìm hiểu. Cùng đó, trường lên danh sách GV dạy lớp 2 và cử đi tập huấn theo yêu cầu của Bộ, sở. Hiện 100% GV của trường được tập huấn đầy đủ 13 môn.
Để bảo đảm tính liên thông cho HS tiểu học lên THCS, nhà trường thực hiện nghiêm chỉ đạo của phòng GD&ĐT trong việc thường xuyên tổ chức dự giờ của các trường tiểu học trong địa bàn để GV hai bậc học cùng tìm phương pháp giảng dạy, sự kế thừa, phù hợp… từ đó triển khai vào thực tế để HS nhanh chóng bám sát yêu cầu chung chương trình.
Theo cô Nguyên, nắm rõ đặc thù của HS tiểu học, khi HS lớp 5 bước vào học kỳ II, nhà trường chủ động tặng mỗi em 1 quyển vở kẻ ngang để làm quen và luyện sớm chữ viết từ ô ly sang kẻ ngang, quen với nền nếp của HS THCS…
Thầy Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) chia sẻ: Nhà trường lên định hướng và phân công xong GV dạy lớp 2 năm sau. Từ đó, khuyến khích GV vừa hoàn thành việc dạy học hiện tại vừa tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu nội dung chương trình lớp 2 để có sự tiếp cận, tiếp thu chuyên đề SGK lớp 2 mới hiệu quả.
Cô Lê Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bản Phố (Lào Cai) cũng cho biết: Trường đã dự kiến xong đội ngũ GV dạy lớp 2 năm học tới, đồng thời tổ chức cho GV nghiên cứu chương trình lớp 2 mới; cử đi tập huấn các chương trình nội dung do phòng GD&ĐT, sở tổ chức.
“Việc chuẩn bị kĩ về tư tưởng cho GV dạy học lớp 2 được trường xác định quan trọng bởi có thông về tư tưởng GV mới chủ động tiếp nhận kiến thức và tích cực tham gia bồi dưỡng, nghiên cứu sâu chương trình, có tâm thế tốt chuẩn bị cho năm học mới…” – cô Lê Thị Thu Hà bày tỏ.
Thầy Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mâu Long, huyện Yên Minh (Hà Giang) thông tin: Xác định GV là yếu tố quan trọng để triển khai CT và SGK mới lớp 2 thành công, BGH sớm lên danh sách 21 GV tham dự tập huấn chương trình lớp 2 (trong đó có 16 GV dạy chính thức và 5 GV dự phòng). Với tập huấn chương trình chung, chương trình tổng thể…, trường cử GV tham gia đầy đủ và hoàn thành tập huấn có chất lượng. Có báo cáo và kiểm tra lại từ BGH về tập huấn.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mâu Long, trường có tiền đề tốt từ năm học 2020 – 2021 nên không quá lo lắng. Riêng với thiết bị dạy học phụ thuộc vào trang bị cấp phát từ phòng, huyện… đồng thời tận dụng những thiết bị còn sử dụng được để dạy học lớp 2 mới.
Sử dụng thiết bị dạy học tại Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố 2 (Lào Cai). Ảnh: TG
Sách giáo khoa đi liền thiết bị dạy học
Hiện tại chưa có SGK mới nên GV chưa thể tiếp cận, nghiên cứu để vận dụng vào thực tế, HS vùng cao nhận thức còn chậm, gia đình bố mẹ chưa quan tâm sâu sắc đến việc triển khai CT và SGK mới. Cô Nguyễn Thị Nguyên trao đổi: Việc tập huấn chung dù kĩ càng nhưng chưa vào thực tế chưa thể khẳng định việc giảng dạy sẽ triển khai tốt ngay từ đầu… Tuy nhiên, nhà trường sẽ tích cực tháo gỡ để khó khăn không trở thành rào cản khi triển khai CTGDPT mới với lớp 6.
Với cô Đỗ Thị Mỹ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ, xã Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình) lại bày tỏ niềm tin sẽ triển khai CT và SGK lớp 2 tốt, bởi nhà trường yêu cầu GV khối 1 dạy tốt lớp 1 – khối tiền đề cho lớp 2. Cùng đó, chủ động tổ chức cho GV dạy lớp 2 tham dự các lớp bồi dưỡng và nghiên cứu SGK mới. Đặc biệt, với thuận lợi trường dạy học theo Chương trình VNEN, HS chuyển sang CTGDPT mới dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, cô Đỗ Thị Mỹ vẫn khẳng định để triển khai CTGDPT mới ở lớp 2 trường sẽ tiếp tục mời GV lớp 2 dự giờ các chuyên đề khối lớp 1 để tiếp cận và nắm bắt phương pháp, cách dạy học mới. Mặt khác, tuyên truyền hiệu quả hơn nữa tới phụ huynh HS về SGK mới để có sự hỗ trợ nhà trường, GV hiệu quả. Đặc biệt tham mưu đề xuất với địa phương mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học lớp 2.
Nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 2 được phòng GD&ĐT tham mưu với huyện dành ra nguồn kinh phí để cấp về các trường chủ động mua sắm chứ không mua tập trung. Do đó có cơ sở và niềm tin, việc chuẩn bị cơ sở vật chất tốt, kết hợp chuẩn bị đội ngũ kĩ càng, việc triển khai CTGDPT mới ở lớp 2, lớp 6 sẽ hiệu quả. – Bà Lương Hồng Thúy – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Viễn (Ninh Bình)
Huyện vùng biển Hà Tĩnh chủ động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Thành công từ việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào lớp 1 năm học 2020-2021 là động lực để Lộc Hà (Hà Tĩnh) chủ động chuẩn bị triển khai chương trình ở lớp 2 và lớp 6 trong năm học tiếp theo.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất
Đến thời điểm hiện tại, 100% lớp học ở Trường THCS Mỵ Châu (Lộc Hà) đã được đầu tư máy chiếu để phục vụ cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào giờ học.
Máy chiếu được "phủ sóng" tại 100% lớp học ở Trường THCS Mỵ Châu (Lộc Hà)
Việc đầu tư các phương tiện dạy học hiện đại không chỉ tạo sự hấp dẫn, dễ hiểu cho học sinh trong mỗi giờ học mà cũng là sự đón đầu của trường trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Ngô Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Mỵ Châu cho biết: "Không chỉ các lớp học mà các phòng bộ môn cũng đã được chúng tôi trang bị máy chiếu để phục vụ cho việc dạy học. Đây cũng là hoạt động đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 6 trong năm học tới. Bởi chương trình mới, việc dạy học chủ yếu sẽ được khai thác qua các học liệu điện tử".
Nhà đa năng và các công trình phụ trợ ở Trường THCS Mỵ Châu được đầu tư khoảng 8 tỷ đồng
Củng cố cơ sở vật chất, phục vụ cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo hướng phát huy năng lực của người học, Trường THCS Mỵ Châu đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng nhà học đa chức năng và các công trình phụ trợ.
Hiện tại, sân bóng đá nhân tạo trên 800 triệu đồng cũng đang trong giai đoạn thực hiện để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể lực của học sinh. "Đây là nguồn huy động từ các dự án và xã hội hóa của các doanh nghiệp ở địa phương", thầy Sơn cho biết thêm.
Nhiều trường học được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy học
Không riêng ở Trường THCS Mỵ Châu, việc tăng cường cơ sở vật chất, phục vụ cho đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa đang được các trường học ở vùng biển Lộc Hà hưởng ứng tích cực.
Từ nhiều nguồn, trong đó có phần đóng góp của phụ huynh học sinh, hầu hết các lớp học đã được "phủ sóng" tivi smart, máy chiếu. Các đường truyền kết nối mạng đến từng lớp học cũng đã và đang được lắp đặt.
Video: Thầy Phan Thanh Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Lộc Hà nói về việc các trường học chủ động cơ sở vật chất
Thầy Phan Thanh Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Lộc Hà cho biết: "Chủ động về cơ sở vật chất để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục mới, thời gian qua, Phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu với huyện trong việc huy động các nguồn lực đầu tư. Theo đó, HĐND đã phê duyệt nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho giáo dục Lộc Hà trong năm 2021 hơn 70 tỷ đồng".
Lựa chọn hơn 100 giáo viên đứng lớp
Dự kiến, năm học 2021-2022, toàn huyện sẽ có trên 100 lớp 6 và lớp 2 thay sách giáo khoa, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Để chuẩn bị hành trang cho đội ngũ giáo viên, thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện đã giao các trường lựa chọn hơn 100 giáo viên đứng lớp để tham gia các lớp tập huấn do sở triển khai.
Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà) là trường đầu tiên của huyện mời chuyên viên Sở GD&ĐT tập huấn về dạy học, phát triển năng lực học sinh cho tất cả giáo viên
Thầy Đặng Hữu Tường - Hiệu trưởng Trường THCS Thụ Hậu cho biết: "Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng quyết định thành công của chương trình. Chính vì thế, để chuẩn bị cho năm đầu tiên triển khai chương trình ở bậc THCS, chúng tôi đã lựa chọn kỹ càng đội ngũ giáo viên đứng lớp gửi tham gia tập huấn. Đây là những giáo viên năng động, luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của trường".
Ngay sau tập huấn tại Sở GD&ĐT, Trường THCS Thụ Hậu đã triển khai một số giờ dạy thử nghiệm để giáo viên toàn trường dự giờ, tham gia góp ý. Trường đã mời chuyên viên của sở về trực tiếp tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên toàn trường. Đây cũng là trường đầu tiên ở Lộc Hà thực hiện việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên một cách bài bản.
Các tiết dạy thể nghiệm được giáo viên Trường THCS Thụ Hậu thực hiện ngay sau tập huấn
Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức cá nhân trong việc đầu tư cơ sở vật chất, các trường học ở Lộc Hà cũng đang áp dụng phương pháp đổi mới trong từng giờ học để sẵn sàng cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn tiếp theo.
Triển khai chương trình mới ở lớp 2, lớp 6: Không để bị động đội ngũ giáo viên Hàng loạt công việc liên quan đến chuẩn bị đội ngũ giáo viên (GV) để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 2, lớp 6 đã được địa phương thực hiện. HS Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng - Phú Thọ Tinh thần là không bị động về đội ngũ, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho chương...