Trường tuyển sinh sai, người học điêu đứng
Hàng trăm sinh viên của Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ nghệ II đang phải học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng khi nhà trường dựa vào quyết định thí điểm tự chủ để tuyển sinh.
Sau 2 năm đào tạo, cơ quan chuyên môn hậu kiểm khẳng định trường không đảm bảo điều kiện để đào tạo. Hậu quả, nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn một năm mà chưa được cấp bằng.
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tại quận 9, TPHCM
Thiếu chuẩn
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là Tổng cục) đã có công văn trả lời về việc Trường CĐ Kỹ nghệ II đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 8 ngành hệ CĐ, 8 ngành hệ trung cấp và 4 ngành hệ sơ cấp. Nội dung công văn của Tổng cục chỉ rõ những nội dung đáng báo động trong hoạt động đào tạo của trường này. Về hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Tổng cục khẳng định mã 2 ngành, nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ trình độ trung cấp không đúng theo quy định tại Thông tư 04/2017 của Bộ LĐTB-XH.
Tổng cục cũng cho rằng, nhà trường không báo cáo cụ thể chuyên môn được đào tạo của từng giáo viên được bố trí giảng dạy các ngành nghề đăng ký bổ sung, không báo cáo các điều kiện đảm bảo hoạt động GDNN đối với 4 ngành trình độ sơ cấp, báo cáo không chính xác về trình độ nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề của giảng viên.
Theo tìm hiểu, Trường CĐ Kỹ nghệ II bổ sung 32 giáo viên (19 cơ hữu, 13 thỉnh giảng) tham gia giảng dạy các ngành nghề bổ sung, nhưng trong đó 8 nhà giáo không có hồ sơ minh chứng, 8 nhà giáo không xác định rõ là nhà giáo thỉnh giảng hay cơ hữu, 1 hợp đồng thử việc đã hết hạn. Hợp đồng thỉnh giảng của nhà giáo không xác định số giờ thỉnh giảng, đơn vị công tác. Đặc biệt, về chuẩn chuyên môn, có đến 14 nhà giáo không đạt chuẩn.
Về chương trình đào tạo, trường không có chương trình đào tạo 4 ngành sơ cấp, chương trình đào tạo trình độ trung cấp, CĐ chưa cập nhật 6 môn học chung theo quy định của Bộ LĐTB-XH. Chương trình đào tạo trình độ trung cấp, CĐ của 3 ngành (Bán hàng trong siêu thị, Hướng dẫn du lịch, Quản trị lữ hành) đều có cùng thời gian đào tạo 2 năm…
Về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, Tổng cục khẳng định hồ sơ của nhà trường không minh chứng đủ điều kiện phòng học lý thuyết, phòng xưởng thực hành thực tập cho sinh viên, không đảm bảo 5,5m2/chỗ học. Đáng nói hơn là nhà trường không có minh chứng về thiết bị, dụng cụ đào tạo đối với các ngành, nghề đăng ký bổ sung theo quy định.
Đem con bỏ chợ
Video đang HOT
Đáng nói nhất là với ngành Dược hệ CĐ, nhà trường đã tuyển sinh mà “lơ” các quy định lẫn khuyến cáo của Bộ Y tế. Cụ thể, ngày 30-1-2018, hiệu trưởng nhà trường ký quyết định công nhận 158 sinh viên liên thông từ trung cấp lên CĐ Dược sĩ, khóa 2018-2020. Đến tháng 8-2018, Cục Khoa học công nghệ – Đào tạo (Bộ Y tế) thẩm định và khẳng định tại thời điểm kiểm tra, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo, đội ngũ giáo viên nhà trường không đảm bảo để tổ chức đào tạo; đề nghị nhà trường hoàn thiện hồ sơ trong tháng 8-2018. Tuy nhiên, đến ngày 5-9, Tổng cục khẳng định trường chưa minh chứng đủ điều kiện. Do đó, 58 sinh viên trúng tuyển và học từ tháng 1-2018 đến nay là học trong điều kiện thiếu chuẩn, từ giảng viên đến cơ sở vật chất, điều kiện thực hành.
Đáng nói hơn, ban giám hiệu của trường còn tuyển “chui” rất nhiều sinh viên học chuyển đổi, học văn bằng 2 ngành Dược sĩ, khiến các em tốt nghiệp từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bằng. Sinh viên N.T.H. cho biết, em tốt nghiệp ngành Kỹ thuật dược năm 2016 và trường phát bằng tốt nghiệp tháng 8-2016. Sau đó nhà trường thông báo tuyển ngành Dược sĩ và tháng 12-2016 em đóng học phí 5 triệu đồng để học chuyển đổi CĐ nghề ngành Kỹ sư thực hành. Tiếp đến, em đóng học phí 10 triệu đồng cho một năm học (2017-2018) lớp CĐ Dược sĩ (chuyển đổi) và tốt nghiệp năm 2018. Tuy nhiên, đến nay nhà trường vẫn chưa cấp bằng cho H. và em không thể đi xin việc hay học liên thông.
Ngày 4-10, phóng viên liên hệ với nhiều sinh viên học lớp CĐ Dược sĩ (chuyển đổi) đã tốt nghiệp năm 2018 và được biết trường vẫn chưa cấp bằng. Phóng viên liên hệ với bà Nguyễn Thị Hằng, hiệu trưởng nhà trường, để trao đổi nhưng bà chỉ nhắn tin: “Nhà trường đã và đang tiếp tục mời sinh viên đến để giải quyết”. Tuy nhiên, sinh viên cho biết nhà trường vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào. Tiếp đó, chúng tôi liên hệ với Tổng cục thì nhận được phản hồi: “Hiện Tổng cục yêu cầu trường báo cáo vụ việc cụ thể. Sẽ có phản hồi”. Thế nhưng, gần cả tháng nay sinh viên vẫn mòn mỏi chờ.
Sinh viên N.T.Đ. kể: “Tôi mang bằng CĐ Kỹ thuật dược đi xin việc nhiều nơi nhưng không ai nhận vì không biết ngành đó. Lúc đó, trường đổi tên, các thầy cô tư vấn đóng 5 triệu đồng học thêm 3 tháng để đổi bằng Kỹ sư thực hành nghề kỹ thuật dược với tên trường mới giá trị hơn. Học xong lại không được cấp bằng, rồi trường tiếp tục thông báo đóng thêm 10 triệu đồng để học lớp CĐ Dược sĩ chuyển đổi trong 6 tháng. Tốt nghiệp từ năm 2018, đến nay tôi vẫn chưa được cấp bằng”.
THANH HÙNG
Theo SGGP
Quyền tự chủ tuyển sinh của trường tư thục: Minh bạch sẽ triệt tiêu cơ chế xin cho
Cơ sở vật chất và tuyển sinh được xem như điều kiện sống còn đối với các trường tư thục. Thế nhưng, việc tuyển sinh đầu cấp của các trường tư hiện vẫn phải theo các trường công lập.
Đây là khó khăn trong quá trình tự chủ thực sự. Liệu bất bình đẳng công - tư có cản trở khả năng phát triển của giáo dục tư thục theo chủ trương, chính sách xã hội hóa?
Thời gian qua, chất lượng GD tư thục được nâng cao. Ảnh minh họa/ INT
Tạo kẽ hở cho cơ chế xin - cho
Trường tư thục được hoàn toàn tự chủ về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, kế hoạch phát triển nhà trường... Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động tuyển sinh của các trường tư thục vẫn áp dụng mô hình quản lý Nhà nước của hệ thống trường công lập (phân chỉ tiêu), cùng một kế hoạch, thời gian, thậm chí phương thức.
Luật Giáo dục 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2020. Làm sao để khi triển khai Luật Giáo dục 2019, tháo được nút thắt cơ chế tuyển sinh, vừa đảm bảo giúp các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh, vừa đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước bằng cơ chế thay vì thủ tục hành chính và các loại giấy phép?
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Đặng Văn Lý, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Trần Quốc Tuấn, Hà Nội, cho rằng, trước hết phải khẳng định điều kiện phát triển của GD Việt Nam, địa bàn dân cư, tiêu chí riêng, việc phân chia chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường dân lập đang còn bất cập.
Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chỉ có 2 trường công lập, nhưng có 5 trường tư thục. Điều đó cho thấy, trường tư thục phát triển đang gánh đỡ trong việc đảm bảo chỗ học; đồng thời đóng góp nguồn ngân sách lớn cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường vô hình trung tạo kẽ hở cho cơ chế xin - cho.
Lý giải điều này, thầy Đặng Văn Lý cho biết, muốn phát triển thương hiệu, trường tư thục đang phải tự lo rất nhiều. Nhà trường phải tự lên kế hoạch phát triển, từ tầm nhìn, sứ mệnh, tự hoạch toán tài chính, cơ sở vật chất, tuyển GV, chương trình... Vậy, khi giao chỉ tiêu tuyển sinh cho trường tư, các cấp quản lý GD có đảm bảo công bằng hợp lý?
Nếu cấp chỉ tiêu nhưng tuyển sinh không đủ, trường tư thục có được "san sẻ HS" từ trường khác như trường công lập hay không? Không có HS, nhà trường có thể bù lỗ, nhưng nếu kéo dài thì các trường đó tự giải tán và triệt tiêu. Thầy Lý khẳng định, việc cấp chỉ tiêu không làm cho nhà trường phát triển, mà còn gây khó khăn cho các nhà trường.
Thầy Đặng Văn Lý (bên trái) và Luật sư Nguyễn Kiến Thiết (bên phải) tại tọa đàm "Quyền tự chủ tuyển sinh của các trường tư thục khi triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019"
"Hãy để cho chúng tôi tự chủ về tuyển sinh"
Bà Hàn Thục Quyên, Trợ lý Hội đồng quản trị Trường Newton (Hà Nội) cho rằng: Hệ thống trường tư thục tự chủ gần như toàn bộ về tài chính. Điều này đóng góp ngân sách lớn cho Nhà nước, hỗ trợ rất lớn cho hệ thống GD. Thời gian qua, chất lượng GD tư thục được nâng cao, điều đó thể hiện trong các cuộc thi học sinh giỏi.
"Trường tư thục bên cạnh tự lo hoạch định chính sách còn thêm vai trò đào tạo GV thường xuyên, xây dựng chương trình... Vậy, nếu trường chúng tôi chất lượng không tốt, phụ huynh không tìm đến, không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, các cơ quan chức năng có bù lỗ hay không? Hãy để cho chúng tôi tự chủ về tuyển sinh, tự chủ trong quá trình hoạch định chính sách", bà Quyên chia sẻ.
Theo bà Quyên, việc cấp chỉ tiêu hiện nay đang theo cơ chế xin - cho, vì vậy không tránh khỏi tiêu cực, làm cho các trường mất đi sự tự chủ, đi ngược lại mục tiêu xã hội hóa GD và chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trường tư thục là loại hình doanh nghiệp, có mã số thuế, con dấu riêng. Về mặt tài chính, trường tư thục hoạt động theo doanh nghiệp. "Nhà nước nên quản lý chúng tôi về mặt chuyên môn, có công tác hậu kiểm khi kết thúc học kỳ I và kết thúc năm học. Khi chúng tôi đáp ứng đủ thì cho chúng tôi tự chủ" - bà Quyên đề xuất.
Ảnh minh họa/ Internet
Cần triệt tiêu cơ chế xin - cho
Là người đồng hành với Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) từ những ngày đầu mới thành lập, Luật sư Nguyễn Kiến Thiết, Trưởng Văn phòng Luật sư Kiến Thiết cho biết: Các trường tư thục gặp khó trăm bề về cơ sở vật chất, GV, mặt bằng, kinh phí hoạt động nhưng lại gánh thêm nỗi lo về tuyển sinh. Nếu các cơ quan ban, ngành khống chế chỉ tiêu sẽ đi ngược với chủ trương xã hội hóa GD, đi ngược với chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Kiến Thiết đề nghị, trước hết, các sở GD&ĐT phải thực hiện đúng chức năng về quản lý đào tạo, tạo điều kiện để GD phát triển theo xu hướng phát triển chung của xã hội; Cơ quan quản lý chỉ hoạt động đúng phạm vi chức năng về GD, không lạm quyền tạo ra các rào cản để hạn chế sự phát triển hoạt động GD; Các trường phải hoạt động đúng chức năng tự chủ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan hữu trách; Nên đối xử với các trường tư thục bình đẳng như trường công lập, hãy nghe tâm tư, bức xúc từ xã hội về giáo dục để xây dựng cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Đề cao vai trò của hệ thống trường tư thục, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: Chủ trương xã hội hóa là hướng đi đúng của Đảng và Nhà nước. Có thể khẳng định hệ thống trường tư thục đóng góp rất lớn trong việc giảm áp lực sĩ số.
Theo bà Bùi Thị An, chúng ta cần chính sách để triệt tiêu cơ chế xin - cho, tạo sự bình đẳng trong luật pháp. Trong Luật GD mới thể hiện khá đầy đủ về tự chủ. Chỉ có điều thực hiện sao cho đúng luật quy định.
Bà Bùi Thị An đề nghị: Về phía Nhà nước, cần rà soát lại quy hoạch; công khai quy hoạch của từng địa phương trong tất cả hệ thống trường dân lập và tư thục. Nên công bố toàn bộ các điều kiện của các trường một cách công khai và minh bạch sau khi kiểm tra, thanh tra. Nhà nước chỉ cần quản lý chất lượng đầu ra.
Về phía các nhà trường cũng phải minh bạch có bao nhiêu GV, cơ sở vật chất thế nào, diện tích bao nhiêu, dự kiến tuyển bao nhiêu HS... Khi công khai cơ sở vật chất, GV, con người, trên cơ sở đó đối chiếu với luật, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh không còn là vấn đề. Minh bạch về chỉ tiêu tuyển sinh sẽ triệt tiêu cơ chế xin - cho.
Trịnh Huyền
Theo GDTĐ
Èo uột tuyển sinh trường nghề Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục chung dẫn đến công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) ảm đạm, bên cạnh đó chính sách đầu tư còn những bất cập nên càng gian nan hơn. Mỏi mắt ngóng thí sinh Thời điểm này, khi các trường đại học (ĐH) cơ...