Trường nào cũng đưa ra số sinh viên tốt nghiệp có việc làm rất cao, ai hậu kiểm?
TS Nguyễn Tiến Luận: “Trường đại học công lập vẫn cứ tuyển sinh tràn lan, đào tạo nặng lý thuyết như hiện nay thì sẽ tiếp tục gây lãng phí lớn cho đất nước”.
Xung quanh vấn đề các trường công lập tuyển sinh ồ ạt nhiều năm qua nhưng chất lượng đầu ra thì luôn gây tranh cãi, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, xu hướng chung với các nước có nền phát triển giáo dục hàng đầu là phải quan tâm đẩy mạnh sự phát triển của giáo dục ngoài công lập. Các trường thuộc công lập chỉ nên đào tạo trong phạm vi nhất định, phục vụ đối với các nhiệm vụ của nhà nước, của ngành.
PV: Là người tham gia công tác đào tạo đại học nhiều năm nay, ông có suy nghĩ gì khi mà các trường công lập vẫn liên tục mở ngành và tuyển sinh số lượng lớn?
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận: Tôi và nhiều chuyên gia khác cũng đã từng lên tiếng về vấn đề này, nhưng xem ra sự chuyển biến rất chậm. Bây giờ nhiều trường lấy lý do tự chủ và khi xây dựng đề án tuyển sinh họ cũng mở ra rất nhiều ngành. Quy định đề ra là các trường phải báo cáo số liệu sinh viên tốt nghiệp có việc làm (sau 1 năm từ khi tốt nghiệp), các con số nêu ra rất đẹp, đều trên 80% cho tới gần 100% có việc làm.
Vậy hậu kiểm làm sao để đánh giá được con số này thật hay không? Chất lượng đào tạo ở các trường công lập mở mới hàng trăm ngành, trong số đó rất nhiều trường mở trái ngành thì thực tế thế nào? Lực lượng thanh tra, kiểm tra của Bộ làm được bao nhiêu, và có truy xét tới cùng không? Liệu rằng trong những năm qua, các cơ quan kiểm tra, thanh tra đã xử lý được trường nào chưa, hay là tất cả các trường đều đang làm tốt?
Việc tuyển sinh tràn lan của nhiều trường đại học công lập không chỉ gây ra tình trạng thất nghiệp do cử nhân yếu kém nhiều kỹ năng mà còn làm “sa mạc hóa” các trường ngoài công lập.
Qua theo dõi của tôi và các chuyên gia từ nhiều năm nay thì sản phẩm đào tạo ở rất nhiều trường đại học công lập yếu kém cả kỹ năng, kiến thức và ngoại ngữ. Chúng tôi có được những thông tin xác thực như vậy nhờ quá trình liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động để định hướng. Các doanh nghiệp cho biết, khi tuyển nhân sự từ các trường đại học công lập thì phần lớn là phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung khi tuyển dụng. Đây là sự lãng phí rất lớn cho chính người học, với các gia đình và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, việc tuyển sinh tràn lan của nhiều trường đại học công lập không chỉ gây ra tình trạng thất nghiệp do cử nhân yếu kém nhiều kỹ năng mà còn làm “sa mạc hóa” các trường ngoài công lập. Ảnh: NQ.
Đối với những trường ngoài công lập như chúng tôi thì từ tuyển sinh đã làm rất tốt hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp, giúp cho các em và gia đình có được sự lựa chọn phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành đào tạo chuyên sâu, kết hợp mô hình giảng đường tại doanh nghiệp, đẩy thời gian học lý thuyết linh động và ngắn gọn (sử dụng tài liệu điện tử) và dành thời lượng lớn cho các em đi thực tế, thực tập, tham gia công việc tại các đơn vị; sẵn sàng cam kết đầu ra nếu như các em đăng ký đầu vào và thực hiện đúng với yêu cầu học tập, nghiên cứu của nhà trường.
Chúng tôi phải chủ động tiến hành liên kết với các trường đại học, các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Singapore…) để đào tạo lao động theo nhu cầu của họ và mở ra rất nhiều cơ hội cho các em sinh viên.
Tôi cũng tự hào để nói rằng, trường chúng tôi có lẽ là một trong số ít cơ sở đào tạo đại học cho phép sinh viên đánh giá và đề nghị thay đổi giảng viên. Đối với từng môn học đều cho phép sinh viên nhận xét, đánh giá về giảng viên và có bộ phận đánh giá độc lập để thúc đẩy cho từng giảng viên phải liên tục cập nhật, nâng cao trình độ và ngày càng giảng dạy tốt hơn.
Chúng tôi phải chủ động lo cho sinh viên của mình từ khi vào trường cho tới khi ra trường tìm việc làm phù hợp, điều này khác biệt hoàn toàn với các trường công lập.
PV: Việc các trường công lập mở trái ngành và vẫn đang thu hút được số lượng thí sinh lớn còn do tâm lý sính bằng cấp và phân luồng chưa tốt, thưa ông?
Video đang HOT
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận: Với tình trạng mở ngành nhiều và tuyển sinh ồ ạt như hiện nay thì phần nhiều thí sinh vẫn sẽ đăng ký vào đại học, mặc dù rất nhiều em không biết tại sao lại học ngành ấy, mà phụ thuộc vào sự sắp đặt của gia đình hoặc đua theo bạn bè. Đó là do cả tâm lý sính bằng cấp và một phần do mất phương hướng nên cứ đăng ký học đại rồi tính tiếp.
Tâm lý sính bằng cấp của nhiều người Việt xuất phát từ cơ chế hành chính bao cấp, xin cho, đa phần các gia đình cũng muốn con em có tấm bằng rồi vào làm trong một cơ quan nhà nước, nghiễm nhiên thành công chức, viên chức. Và để có được chức phó phòng hay trưởng phòng ở nhiều cơ quan nhà nước thì họ lại phải cố lấy được bằng thạc sĩ, thậm chí cao hơn nữa.
Tôi đồng ý tấm bằng là căn cứ để chứng thực rằng bạn đã học một chuyên ngành, bậc học nào đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn đạt được trình độ xứng đáng đúng với tấm bằng ấy, vì như tôi đã nói chuyện cấp bằng ở nhiều cơ sở đào tạo tại nước ta còn quá dễ dàng.
Cái bằng là điều kiện cần nhưng nó không phải là yếu tố quyết định sự thành danh của một con người, mà bằng chứng là trên thế giới có hàng trăm tỷ phú chưa từng học đại học.
Ở Việt Nam cũng có nhiều người trở thành tỷ phú dù chưa tốt nghiệp đại học. Điều quan trọng là kiến thức và kỹ năng mà bạn học được trên hành trình lấy được tấm bằng ấy có thực sự đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng không, chứ không phải bạn chìa cái bằng đại học ra là nghiễm nhiên có việc làm.
Muốn giải quyết được thực trạng này thì phải nhanh chóng thay đổi chương trình đào tạo và có định hướng phân luồng rõ hơn ngay từ khi các em học hết trung học cơ sở để theo hai nhánh: học tiếp phổ thông trung học và vào đại học; nhánh còn lại học trung học phổ thông kết hợp với học nghề. Về vấn đề này thì nhiều nước họ phân luồng rất tốt và tạo được sự cân bằng về nguồn nhân lực.
PV: Vậy theo ông, phải giải quyết vấn đề tuyển sinh và đào tạo tràn lan ở các trường công lập thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận: Trong suốt hơn 20 năm làm công tác giáo dục, tôi đã đến hơn 40 quốc gia, làm việc với hàng trăm trường đại học, cao đẳng và nhận thấy xu hướng chung là họ không để tồn tại hệ thống trường công lập nhiều như ở nước ta hiện nay.
Theo tôi, đối với các trường công lập, cho dù là đã tự chủ hay chưa tự chủ thì cần định hướng tập trung thực hiện nhiệm vụ đúng với sứ mệnh ra đời của họ. Vì vậy, nhà nước chỉ nên đào tạo một số ngành nghề đặc thù phục vụ cho hệ thống hành chính công và những lĩnh vực nhà nước buộc phải nắm giữ. Còn lại thì không bao cấp nữa mà phải để người học quyết định và trả tiền. Đối với những trường hợp xuất sắc thì nhà nước tặng học bổng như nhiều quốc gia vẫn đang làm.
Hiện tại số lượng tuyển sinh lên đến khoảng 85% vẫn là vào các trường công lập, mà như tôi đã nói thì điều này chỉ gây ra sự lãng phí khi mà cử nhân cầm bằng tốt nghiệp nhưng thất nghiệp, thậm chí nhiều em còn quay trở lại học nghề để tìm việc làm.
Để giải quyết được tình trạng này và đi vào giáo dục thực chất thì nên quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, không để cho mỗi bộ ngành và mỗi địa phương lại có một trường đại học như bây giờ. Quy hoạch lại tức là phải đánh giá năng lực của từng trường và cho sáp nhập để tạo được năng lực đào tạo tốt hơn.
Đã có một thời gian ở một số địa phương tiến hành nâng cấp cao đẳng thành đại học, nhưng thực chất thì cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy liệu thay đổi được bao nhiêu, có thực sự xứng đáng với danh xưng đại học không? Vấn đề này các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem lại để xử lý dứt điểm, không thể để lãng phí nguồn lực kéo dài mãi.
Bên cạnh đó, phải có định hướng rõ ràng để các trường công lập chỉ tuyển sinh 10-15% trên tổng thí sinh vào đại học hàng năm. Số này là đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho hệ thống chính trị, thực hiện các nhiệm vụ của bộ, ngành, các cơ quan nhà nước, đó là nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng và một số ngành đặc thù mũi nhọn để phát triển kinh tế – xã hội như: nông, lâm, ngư nghiệp, khai thác…
Đồng thời cũng cần tính toán cho phép định hướng để chuyển một số trường thành trường cộng đồng, phục vụ nhu cầu học tập của một bộ phận con em các gia đình hoàn cảnh khó khăn. Nhóm này chỉ nên tuyển sinh khoảng 35% trên tổng chỉ tiêu mỗi năm của toàn hệ thống.
Như vậy 50% số thí sinh còn lại sẽ vào các trường đại học ngoài công lập. Làm được điều này thì vừa giải quyết được bài toán lãng phí rất lớn ở hệ thống đại học công lập hiện nay, đồng thời cũng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong thời gian tới.
Cần phải có ngay một kế hoạch cụ thể và quyết tâm thực hiện ngay thì sau 5-10 năm nữa mới nhìn thấy được thành quả rõ nét, còn nếu cứ loay hoay như bây giờ thì lại tiếp tục chìm trong sự lãng phí, nguồn nhân lực thì vẫn yếu kém, điều đó thì vô cùng nguy hại khi mà đất nước ngày càng hội nhập.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận!
Đại học công lập tuyển sinh tràn lan, nhưng rất khó kiểm soát chất lượng
Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh, phải kiểm soát chặt việc mở ngành, chất lượng kém là yêu cầu nhà trường dừng đào tạo ngành đó.
Hiện nay, đa số các trường đại học công lập đều hướng tới đào tạo đa ngành vì nhiều nguyên nhân khác nhau và điều đáng nói là chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành mới mở cao hơn rất nhiều so với ngành học mũi nhọn truyền thống của trường.
Theo thông tin từ website của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành như Quản trị kinh doanh, luật, marketing, Kế toán, Công nghệ thông tin... dao động từ 150 đến 380. Trong khi đó, những ngành "truyền thống" như Khí tượng khí hậu học, Thủy văn học, Kỹ thuật địa chất,... chỉ tiêu tuyển sinh chỉ dừng lại ở con số 40.
Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong khi những nhóm ngành như Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử... đều hơn 200 chỉ tiêu thì nhóm ngành Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Khoa học đất - dinh dưỡng cây trồng... chỉ có 40 chỉ tiêu.
Vấn đề đặt ra là, liệu các trường đại học công lập mở nhiều ngành nghề đào tạo như vậy có còn phù hợp với sứ mệnh thành lập và chiến lược phát triển, hay mục tiêu chính là tuyển được nhiều người học trong bối cảnh tự chủ tài chính?
Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT. (Ảnh: Thùy Linh)
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, mô hình trường đại học đa ngành là xu hướng chung trên toàn cầu.
Trong quá trình phát triển, các trường dần chuyển sang dạy đa ngành nhưng vẫn giữ tên trường truyền thống, chẳng hạn như Học viện Nông nghiệp có dạy công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa cũng có mở ngành dạy về lĩnh vực kinh doanh...
Việc dạy đa ngành cho phép các trường cung cấp dịch vụ giáo dục cho đối tượng đông đảo hơn, sinh viên có điều kiện được học toàn diện hơn, phối hợp với nhau khởi nghiệp dễ dàng hơn khi trong nhóm khởi nghiệp cùng trường có cả sinh viên kỹ thuật và sinh viên kinh tế, cho phép hình thành các liên ngành.
Ở một số nước tiên tiến, sinh viên được phép chỉ cần học 2/3 chương trình tại khoa mình, còn 1/3 số tín chỉ được phép lựa chọn tự do từ các khoa khác - và chỉ những trường đa ngành mới làm được điều này.
Tuy nhiên, việc mở đa ngành cũng đặt ra bài toán rất khó cho các trường làm sao thực sự đảm bảo chất lượng đào tạo.
Không dễ kiểm định chất lượng
Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, khi các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ thì việc mở ngành là quyền quyết định của từng trường. Tự chủ tạo ra một hành lang pháp lý, các trường sẽ tự đối chiếu với những tiêu chuẩn được đặt ra để thực hiện mở ngành, nhà trường có trách nhiệm giải trình và chịu sự hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước.
Song, dù tự chủ hay không, tự mở ngành hay trình cơ quan khác cho phép mở ngành, thì nguyên tắc chung là các trường đều có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng đào tạo.
Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học 2018, tất cả các ngành ngay sau khóa đầu tiên tốt nghiệp phải được kiểm định chất lượng, nếu kiểm định chất lượng không đạt thì không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó.
"Tuy nhiên, chúng ta có hàng trăm trường đại học, mỗi trường mở vài chục ngành, số lượng cần kiểm định lên tới vài chục ngàn, nhưng qua mấy năm chỉ mới kiểm định chưa tới 500 ngành, nên Bộ Giáo dục khó làm chặt chẽ theo quy định đó.
Rõ ràng, chủ trương đã đề cập đến việc những ngành có vấn đề, không đảm bảo chất lượng thì phải ngừng tuyển sinh. Nếu thực hiện chặt chẽ, chuẩn chỉnh quy định này thì chúng ta sẽ tạo điều kiện để đảm bảo về chất lượng.
Dẫu vậy, việc áp dụng quy định vào thực tế còn khó khăn, nếu có thể thì khoảng 3-5 năm nữa chúng ta mới thực hiện được", thầy Tùng nhận định.
Điều cần lưu ý là khi mở ngành, các trường cũng cần tính đến số lượng tuyển sinh, khả năng đầu tư cơ sở vật chất, việc làm sinh viên khi tốt nghiệp và việc đảm bảo chất lượng như thế nào. Càng nhiều ngành thì việc kiểm định, đảm bảo chất lượng càng yêu cầu tốn nhiều công sức, nguồn lực.
Điều tiết quy mô trường công để hướng vào chất lượng chuyên sâu
Chiến lược phát triển giáo dục đại học được thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó một trong các nội dung quan trọng là đảm bảo tài chính. Nhưng với tình hình ngân sách eo hẹp hiện nay, không thể dựa vào ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục đại học một cách toàn diện.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng chia sẻ: "Việc chuyển các trường công sang phương thức hoạt động tự chủ tài chính là giải pháp đang được thực hiện, nhưng một hệ thống giáo dục đại học của một quốc gia mà chủ yếu dựa vào học phí của người học thì khó phát triển bền vững được.
Nhà nước vẫn phải chi cho giáo dục đại học, và một trong các cách để giảm bớt áp lực ngân sách nhà nước chính là phát triển mạnh hệ thống giáo dục ngoài công lập, không phải như hiện nay, khi 85% sinh viên vào đại học công".
Ngân hàng Thế giới cũng đã từng đưa ra khuyến cáo, để phát triển trường tư thì nên hạn chế quy mô trường công. Khi đó một trong những giải pháp là các trường công nên tuyển sinh đúng ngành theo sứ mệnh của trường đó, bỏ bớt những ngành không thiết yếu, không đảm bảo chất lượng, "dành đất" cho trường tư phát triển.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhận định: "Cần để trường tư chiếm một tỷ lệ quy mô nhất định, có thể khoảng 30%, sau đó để các trường cạnh tranh công bằng theo cơ chế chung. Trường nào đào tạo tốt, đảm bảo chất lượng, tạo dựng được uy tín thì sinh viên sẽ lựa chọn học tập.
Thực ra điều quan trọng là chủ trương của nhà nước có muốn phát triển hệ thống trường đại học tư hay không. Nếu chúng ta đặt mục tiêu tỷ lệ trường tư/trường công là 30/70 như các nước trong khu vực thì sẽ cần có các chính sách phù hợp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nền giáo dục đại học nói chung trong 5-10 năm tới".
Cần quy hoạch lại các trường đại học công lập theo sứ mệnh đào tạo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, với một số trường đại học đào tạo quá hẹp, vì nhu cầu lao động thấp, buộc các trường phải mở thêm nhiều ngành học khác. Đào tạo đa ngành là xu hướng của các trường đại học hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh tự chủ tài chính, việc các trường đại học công lập...