Trước thềm năm học mới, thầy cô cũng phải “học lại, học thêm” online
Năm học 2021-2022, Chương trình GDPT 2018 sẽ áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Thời điểm này, khi năm học mới đang cận kề, các thầy cô cũng chạy đua nước rút, tiếp tục tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình mới.
Giáo viên phải tự học thật, kiểm tra thật
Những ngày này, cô Ninh Thị Tình vẫn dành mỗi ngày khoảng 3-4 tiếng để tự học và bồi dưỡng trực tuyến trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Thời lượng học như trên hoàn toàn do cô Tình chủ động, ngày nào bận học ít, ngày nào có nhiều thời gian hơn sẽ học nhiều. Bước vào chương trình mới, công việc chuẩn bị của giáo viên cũng nhiều hơn, nhưng năm nay cô Tình lại thấy giảm bớt vất vả khi được chuyển từ tập huấn trực tiếp sang tập huấn trực tuyến.
Năm học 2021-2022, Chương trình GDPT mới sẽ được đưa vào giảng dạy ở lớp 2, lớp 6, đặt ra nhiều yêu cầu về đổi mới trong phương pháp giảng dạy với giáo viên. (Ảnh minh họa)
Cô Tình chia sẻ, công tác tại điểm trường vùng sâu vùng xa của huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), cách trung tâm huyện gần 40km đường đồi núi, giao thông khó khăn, mọi năm, thời điểm này, cô Tình cùng nhiều đồng nghiệp đều phải tự chạy xe máy, xách cặp lồng cơm lên huyện tập huấn trực tiếp hàng ngày. Nhưng năm nay, theo phương pháp mới, giáo viên được tập huấn trực tuyến, được hướng dẫn bởi các giáo viên cốt cán và các giảng viên ĐH sư phạm qua hệ thống LMS của Bộ GD-ĐT.
“Tập huấn tập trung trực tiếp không chỉ vất vả, tốn kém cho giáo viên mà còn kém hiệu quả, hết giờ mọi người đi về, hiệu quả đến đâu khó có thể đo lường. Nhưng theo phương pháp mới, giáo viên đại trà được học online trên hệ thống LMS, có thể linh hoạt thời gian rảnh để học, bất kể cuối tuần hay buổi tối, miễn là hoàn thành các bài được giao. Bằng phương pháp này, mọi khoảng cách, giới hạn cũng được khắc phục”, cô Tình nói.
Ra trường công tác gần 20 năm, đến nay những gì được học trước kia cũng đã cũ, cơ hội để được đi dự giờ các trường bạn rất hạn chế, thông qua cộng đồng giáo viên cùng học tập online, chúng tôi được cập nhật thêm rất nhiều phương pháp giảng dạy mới từ giáo viên cốt cán, giảng viên các trường ĐH Sư phạm và cả cách làm hay của đồng nghiệp”, cô Tình chia sẻ.
Video đang HOT
Theo cô Ninh Thị Tình, tập huấn giáo viên theo mô hình trực tuyến đòi hỏi giáo viên cũng phải chủ động, tích cực và đặc biệt là học thật, thi thật, không có chuyện thi theo kiểu chép kín giấy lấy lệ. Kết thúc mỗi modul, giáo viên đều được kiểm tra, nếu chỉ học qua loa, hầu như giáo viên sẽ không thể qua ngưỡng điểm trung bình. Trong khi đó, chương trình tập huấn này yêu cầu, phải đạt chuẩn từng modul, giáo viên mới được chuyển sang học modul tiếp theo.
Giáo viên không học thật khó dạy được chương trình mới
Bám bản được hơn 7 năm, nơi cô Hoàng Thị Điệu công tác là điểm trường Tiểu học Chè Lỳ, nằm trên đỉnh Chè Lỳ A, xã Bảo Lạc, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, nơi thiếu nước, thiếu điện, thiếu mạng internet và giáo viên cũng thiếu cả những cơ hội được học hỏi. Hàng năm, giáo viên tại các điểm trường như cô Điệu vẫn được tham gia tập huấn, nhưng lại phải mất cả ngày chạy đường đồi núi, mùa mưa lội bùn dắt xe hàng chục cây số về trung tâm huyện tập huấn. “Nhiều khi về đến nơi đã mệt không còn sức mà học”, cô Điệu chia sẻ.
Trường học nơi cô Hoàng Thị Điệu công tác giao thông khó khăn, việc tập huấn trực tuyến phần nào giúp giáo viên vơi bớt vất vả, áp lực.
Năm nay, để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, cô Điệu được tham gia tập huấn các kỹ năng, phương pháp giảng dạy mới theo phương thức trực tuyến. Giáo viên này chia sẻ, điều kiện ở các điểm trường rất khó khăn, mỗi điểm trường chỉ có vài ba thầy cô, mọi người đều ít có cơ hội ra ngoài học hỏi, nên có dự giờ chéo, thì cũng ít có nội dung mới, phương pháp hay để cùng trao đổi. Khi tham gia học trực tuyến, lần đầu cô Điệu được thảo luận và học hỏi, được hướng dẫn từ giáo viên cốt cán, trao đổi cùng hàng chục, hàng trăm đồng nghiệp khác, nhiều phương pháp sư phạm mới được chia sẻ.
“Nếu trước đây giáo viên là trung tâm, cô giảng trò làm theo, thì nay mình học được cách làm sao để biến các em thành trung tâm, các em hoạt động là chính, giáo viên chỉ mang tính hướng dẫn, định hướng cho các em, quan trọng là để các em hào hứng, chủ động hơn khi học. Thời gian qua, khi vừa học vừa áp dụng thực tế, thấy học sinh dân tộc thiểu số mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều”, cô Điệu chia sẻ.
Giáo viên này cho biết, đã tốt nghiệp ra trường hơn chục năm, những phương pháp kỹ năng sư phạm được học trước đây đã có phần lạc hậu, cần thay đổi để theo kịp chương trình mới, chuyển từ dạy kiến thức sang hình thành các năng lực thật cho học sinh.
Được chủ động học bất cứ nơi nào, bất cứ đâu một cách thuận tiện nhất, song với những giáo viên như cô Điệu, việc tập huấn cũng gặp những khó khăn nhất định do hạn chế về cơ sở vật chất.
Tại 4 điểm trường Chè Lỳ đều không có wifi, để học trực tuyến, giáo viên phải tự đăng ký mạng 4G trên điện thoại sau đó phát wifi dùng trên máy tính. Mỗi buổi tối học trực tuyến, các thầy cô nội trú lại mang ghế ra sân trường ngồi “hứng sóng, hứng mạng”.
Mong muốn duy nhất của những giáo viên này, là mạng wifi về bản để công tác dạy và học của thầy trò được thuận tiện hơn.
Cô Vi Thị Nhung, THCS Châu Thôn, huyện Quế Phong, Nghệ An năm nay đã 50 tuổi, có 27 năm thâm niên dạy Ngữ văn. Cô Nhung cho biết, trong chương trình GDPT mới, chủ yếu phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Với những địa bàn vùng cao, học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiệm vụ trước tiên của giáo viên Ngữ văn là phát triển khả năng ngôn ngữ cho các em. Tham gia tập huấn, cô Nhung được các giáo viên cốt cán và các giảng viên ĐH Sư phạm hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về phương pháp để giúp học sinh nâng cao năng lực ngôn ngữ, giao tiếp.
“Học sinh ở đây đa số là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, đặc biệt là những học sinh người Mông gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận chương trình mới. Tôi luôn cố gắng giúp học sinh hòa nhập, không còn trở ngại. Vừa tự bồi dưỡng, tự học thêm và vận dụng luôn những phương pháp mới vào quá trình dạy học. Trong hoạt động dạy học, tôi đã học được cách tổ chức các hoạt động nhóm để học sinh em nào cũng được nói, được tham gia, được thể hiện mình. Cách dạy này có nhiều ưu điểm như học sinh nào cũng phải hoạt động, thảo luận, nhưng lại buộc giáo viên phải tìm được phương pháp tối ưu nhất cho từng giáo viên ứng với mỗi vấn đề”, cô Nhung cho biết.
Gần năm học mới, ngày nào cô Vi Thị Nhung cũng tranh thủ thời gian, ngồi trước máy tính để học trực tuyến cùng những đồng nghiệp khác, vừa học vừa làm giúp cô có thêm những kinh nghiệm và kỹ năng thực tế./.
Phụ huynh ở TP.HCM chưa nhất thiết phải mua sách giáo khoa mới giữa thời điểm giãn cách
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ngay thời điểm cận kề năm học 2021-2022 đang khiến nhiều phụ huynh tại TP.HCM lo lắng khi chưa mua được sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình mới.
Phụ huynh và học sinh có thể nghiên cứu, tham khảo sách giáo khoa điện tử khi kế hoạch năm học mới vẫn chưa được thành phố công bố.
Những ngày qua, TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra ngoài, các mặt hàng không thiết yếu cũng tạm dừng kinh doanh. Do đó, phụ huynh khá lo lắng khi không thể đến các nhà sách để mua sách giáo khoa cho năm học mới. Việc đặt mua online cũng gặp khó khăn khi việc vận chuyển bị hạn chế, thậm chí nhiều phụ huynh phải mua sách giáo khoa với giá cao để an tâm hơn.
Phụ huynh tại TP.HCM lo lắng khi chưa mua được sách giáo khoa theo chương trình mới cho con
Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 cho biết, trước nhu cầu sách giáo khoa chương trình mới, trường đã hỗ trợ phụ huynh đăng ký đủ số lượng; phía nhà xuất bản cũng đang chờ hết thời gian giãn cách để giao. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhà trường sẽ chờ khung kế hoạch thời gian năm học mới và hình thức học từ Sở Giáo dục đào tạo TP để có phương án hỗ trợ sách giáo khoa phù hợp nhất.
"Trong trường hợp học trực tuyến nhà trường sẽ hướng dẫn phụ huynh sử dụng thư viện sách giáo khoa điện tử, không nhất thiết phụ huynh phải mua sách giáo khoa ngay thời điểm này", bà Chi cho hay.
Theo ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo Quận 8, phần lớn phụ huynh đã đăng ký sách giáo khoa tại trường nhưng tới nay vẫn chưa nhận được do các đơn vị phát hành đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Do đó, phụ huynh có thể tham khảo sách giáo khoa điện tử trên website của các nhà xuất bản hoặc chờ nguồn từ nhà trường, các đơn vị được phép phân phối để đảm bảo mua đủ danh mục sách mà TP.HCM phê duyệt, tránh tình trạng mua phải sách giả.
"Phụ huynh không nên nôn nóng, không nên mua vội bởi hiện nay sách giáo khoa không rõ nguồn gốc rất nhiều. Một số nơi đã phát hiện sách in lậu, xuất bản và phát hành không đúng quy định. Hơn nữa đã có sách giáo khoa điện tử để tham khảo và các trường cũng sẽ cố gắng gửi sách giáo khoa sớm nhất để phụ huynh yên tâm hơn", ông Dân khuyến cáo.
Trước đó, đầu tháng 4/2021, TP.HCM đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ năm học 2021-2022. Đa số các sách được đều thuộc bộ Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam./.
Gặp khó khi phát hành SGK lớp 2, 6 Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc in ấn và phát hành sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 của chương trình mới phải được hoàn thành trước ngày 31-7 Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ...