Trung Quốc, Nga đề xuất dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên
Trung Quốc và Nga đề xuất dự thảo Nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, dỡ bỏ một số lệnh cấm đối với Triều Tiên nhưng Mỹ, Anh và Pháp không đồng tình.
Theo dự thảo Nghị quyết, Trung Quốc và Nga đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tượng, hải sản và dệt may đối với Triều Tiên. Dự thảo Nghị quyết cũng kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm đối với người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài và chấm dứt yêu cầu từ năm 2017 rằng tất cả lao động Triều Tiên sẽ phải hồi hương vào tuần tới. Dự thảo Nghị quyết đưa các dự án hợp tác đường sắt và đường bộ liên Triều khỏi danh sách các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Dự thảo Nghị quyết cũng hoan nghênh “việc tiếp tục đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên ở tất cả các cấp, nhằm thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, gây dựng niềm tin lẫn nhau và tham gia nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết mà Nga và Trung Quốc vừa đề xuất Hội đồng Bảo an cũng hướng đến việc chấm dứt một số lệnh trừng phạt “nhằm nâng cao đời sống của người dân Triều Tiên”.
Vẫn chưa rõ khi nào hoặc liệu dự thảo nghị quyết có thể được đưa ra bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên hay không. Một nghị quyết để được thông qua cần 9 phiếu ủng hộ và không có sự phủ quyết của một trong số các nước Mỹ, Pháp, Anh, Nga hay Trung Quốc.
Video đang HOT
Trung Quốc, Nga đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên (Ảnh: CNN)
Nga và Trung Quốc từ lâu nhiều lần kêu gọi Hội đồng Bảo an nên tạo cho Bình Nhưỡng cơ hội sau khi ông Kim Jong-un cam kết vào năm 2018 sẽ hướng tới phi hạt nhân hóa.
Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về Triều Tiên tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun nói rằng các biện pháp trừng phạt nên được điều chỉnh để “tránh sự đảo ngược” tình hình. Trong khi Đại sứ Nga Vassily Nebenzia nói: “Không thể đồng ý về một cái gì đó mà không được đáp lại một cái gì đó”.
Mỹ, Anh và Pháp khẳng định rằng không nên dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cho đến khi Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bình Nhưỡng đã phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc vì những chương trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân từ năm 2006.
Mối lo ngại trên phạm vi quốc tế đang gia tăng về khả năng Triều Tiên có thể nối lại vụ thử tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân – bị đình chỉ kể từ năm 2017 – vì các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington vẫn đang bị đình trệ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau ba lần kể từ tháng 6/2018, nhưng đàm phán Bình Nhưỡng – Washington không có tiến triển. Ông Kim Jong-un đưa ra thời hạn cuối năm cho Mỹ để thể hiện sự linh hoạt. Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song hôm 7/12 tuyên bố vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị xóa khỏi bàn đàm phán và Triều Tiên không cần các cuộc đàm phán với Mỹ.
(Nguồn: Reuters)
KÔNG ANH
Theo vtc.vn
Trung Quốc hối thúc Mỹ, Nga nỗ lực gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí
Đại sứ Trung Quốc ủng hộ Mỹ và Nga nhanh chóng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), song khẳng định Bắc Kinh sẽ không tham gia vào bất cứ hiệp ước kiểm soát vũ khí ba bên nào.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: AP)
Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/8, Trung Quốc kêu gọi Mỹ và Nga cần nỗ lực để gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START), sau khi hai bên đã chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Đại sứ của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân đã lên tiếng ủng hộ, khuyến khích Nga và Mỹ duy trì đối thoại về an ninh chiến lược cùng các vấn đề giải trừ vũ khí song phương cũng như cam kết gia hạn New START.
Tuy nhiên, Đại sứ Trương Quân khẳng định Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí ba bên nào. Đại sứ Trung Quốc cũng phản đối kế hoạch việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, bày tỏ hy vọng Washington sẽ cân nhắc hợp lý vấn đề này.
Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được tổ chức theo yêu cầu của Nga và Trung Quốc, sau khi Mỹ thử một loại tên lửa bị cấm trong INF. Ngày 2/8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này và từng ít nhất một lần triển khai loại tên lửa bị cấm trong hiệp ước dù Moskva luôn bác bỏ những cáo buộc này.
Nga và Mỹ ký New START năm 2010 và hiệp ước này chính thức có hiệu lực vào năm 2011. New START sẽ hết hiệu lực vào năm 2021. Trước đó, chính quyền Washington có nhiều ý kiến cho rằng hiệp ước này đã lỗi thời và không còn đáp ứng được lợi ích của Mỹ./.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Trung Quốc cảnh báo sử dụng sức mạnh chấm dứt bất ổn ở Hong Kong Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh khẳng định Bắc Kinh có đủ biện pháp và sức mạnh để chấm dứt tình trạng bất ổn tại Hong Kong nếu cần thiết. Phát biểu này được ông Lưu đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Hong Kong trong vài ngày trở lại đây khi cảnh sát và đám đông...