Trung Quốc gấp gáp xích lại gần Ấn Độ: Tính toán đầy thâm ý
Quan hệ Ấn Độ Trung Quốc luôn có những nghi kỵ do mưu đồ của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương và vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước. Chuyến đi vội vã đến New Delhi của Ngoại trưởng Trung Quốc trong bối cảnh Ấn Độ vừa có một tân chính quyền và xa hơn nữa là tình hình quốc tế hiện nay rất đáng để suy ngẫm.
Tân Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi
Chưa đầy một tuần sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhậm chức, Bắc Kinh đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị sang New Delhi (hôm 8-6). Phía Ấn Độ cho biết, các cuộc thảo luận giữa ông Vương và người đồng cấp chủ nhà Sushma Swaraj, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế và như phát biểu của Bộ Ngoại giao Ấn Độ thì đây là cuộc gặp mang tính chất xây dựng và thực chất, tất cả các vấn đề quan trọng đã được đề cập và thảo luận một cách thẳng thắn và thân mật. Vẫn theo New Delhi, đây là bước khởi đầu tích cực trong quan hệ giữa tân Chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, báo chí Trung Quốc mô tả tiến triển đầy hy vọng của quan hệ TrungẤn trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Narendra Modi. Báo China Youth Daily ví von hai nước như hai đội bóng đá: “Cuộc cạnh tranh TrungẤn giống như một trận đấu bóng. Trung Quốc đã dẫn trong hiệp 1 với tỉ số cao. Hiệp 2 đang bắt đầu khi Ấn Độ bước vào kỷ nguyên Modi”. Tờ China Daily thì có bài của Phó Tiểu Cường, một chuyên gia Trung Quốc về Nam Á nói Ấn Độ có thể “học” từ Trung Quốc: “Một cú hích mạnh cho kinh tế Ấn Độ sẽ không thể nào xảy ra nếu không có động lực của hợp tác kinh tế TrungẤn”. Trang China Net thì nói cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng chia sẻ cách tiếp cận các vấn đề quốc tế nên “không có cơ sở gì cho xung đột” xảy ra giữa hai bên…
Video đang HOT
Ông Narendra Modi, vốn nổi tiếng là người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, kể từ khi đảm nhận chức Thủ tướng, đã tuyên bố việc ủng hộ xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc và ông đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm New Delhi. Một trong những nội dung cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng hai nước ngày 8-6 là chuẩn bị cho chuyến đi của lãnh đạo Trung Quốc.
Ranjit Gupta, chuyên gia về quan hệ quốc tế, thuộc Viện MỹẤn Độ, một tổ chức tư vấn, có trụ sở tại Washington, nói: “Nhờ có quan hệ tốt đẹp (với các nước láng giềng, Trung Quốc, Pakistan), Ấn Độ sẽ tìm lại được con đường tăng trưởng và vị trí của mình tại châu Á”. Trung Quốc là đối tượng thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Trao đổi mậu dịch song phương lên tới 70 tỉ USD. Tuy nhiên, New Delhi nhập siêu 40 tỉ, trong khi con số này chỉ là 1 tỉ trong giai đoạn 2001-2002.
Các nhà quan sát chính sách đối ngoại ở Ấn Độ dự kiến Thủ tướng Narendra Modi sẽ tăng cường giao thương với Trung Quốc trong lúc ông tìm cách thực hiện lời cam kết khi vận động tranh cử là chấn hưng đất nước.
Nếu như trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, Ấn Độ đang rất cần Trung Quốc hỗ trợ cho công cuộc phát triển kinh tế, thì trong hầu hết các lĩnh vực khác, hai bên chưa có cùng tiếng nói, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biên giới. Nhiều vòng đàm phán trước đây giữa hai nước không giúp làm giảm căng thẳng. Tháng 10 -1962, quân đội Ấn Độ thời đó do trang bị tồi tệ, sau 4 tuần giao tranh với quân đội Trung Quốc dọc đường biên giới Himalaya, đã buộc phải rút lui. Quân đội Trung Quốc đã tiến sâu vào vùng đồng bằng Assam.
Sau đó, Trung Quốc đã rút quân về đường biên giới hiện nay, nhưng vẫn tiếp tục tuyên bố có chủ quyền đối với một phần lớn lãnh thổ bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc Ấn Độ, nơi có đường biên giới chung dài 1.080 km với Trung Quốc. Hiện nay, Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc vẫn chiếm đóng 38.000 km2 lãnh thổ của họ ở Jammu và Kashmir. Ngược lại, Bắc Kinh cho rằng tới 90 nghìn dặm vuông thuộc bang Arunachal Pradesh bên Ấn Độ là của họ. Năm 2013, căng thẳng đã gia tăng vì những vụ xâm nhập của binh sĩ Trung Quốc vào phần đất mà Ấn Độ cho là lãnh thổ của mình.
Ngoài tranh chấp lãnh thổ biên giới, TrungẤn còn đang tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Với Ấn Độ, khu vực này vốn là “sân sau” và có lợi ích sống còn đối với New Delhi. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã nhận thức rõ rằng sự kết nối giữa Trung Quốc với khu vực Ấn Độ Dương có thể đảm bảo cho sự phát triển kinh tế và an ninh của nước này. Do vậy, Trung Quốc đã áp dụng cả chiến thuật quyền lực cứng và quyền lực mềm để thiết lập, tranh giành ảnh hưởng tại đây. Trung Quốc đã đề xuất thiết lập “con đường tơ lụa trên biển” nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Bắc Kinh cũng đổ hàng tỉ USD đầu tư vào Sri Lanka và các nước khác ở Ấn Độ Dương để đổi lại sự ưu ái cho Hải quân Trung Quốc tại các cảng biển. Ngược lại, Trung Quốc cũng đang thực hiện các chính sách đối ngoại hướng Đông với trọng tâm là các nước Đông Nam Á. Ấn Độ đã tăng cường các hợp tác kinh tế và quân sự đối với các nước Đông Nam Á.
Với riêng Việt Nam, từ mấy năm trước, Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) đã kí hợp đồng hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 128 trong vùng Biển Đông của Việt Nam. New Delhi đã lên tiếng khẳng định quyết tâm hợp tác dầu khí với Việt Nam và bác bỏ mọi sự phản đối, hăm dọa phi lý của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và đồng nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj trước khi vào hội đàm tại New Delhi, ngày 8-6
Mặc dù trao đổi kinh tế song phương có tầm quan trọng, nhưng quan hệ ngoại giao giữa New Delhi và Bắc Kinh vẫn có nhiều nghi kị. Trong thời gian vận động tranh cử Quốc hội, ông Narendra Modi đã tố cáo “đầu óc bành trướng” của Trung Quốc. Vài giờ trước khi tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc, hôm 8-6, trong bài diễn văn gửi tới Quốc hội, tân Thủ tướng Ấn Độ cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại mạnh mẽ và kiên quyết trong quan hệ với Bắc Kinh.
Ông Modi nhấn mạnh: “Tân Chính phủ Ấn Độ mong muốn duy trì quan hệ hòa bình và thân thiện với các nước, nhưng sẽ không tránh đối đầu nếu thấy cần thiết”. Sự nghi kị trên được thể hiện rõ qua chính sách ngoại giao của Tân Chính phủ New Delhi. Các vấn đề Nam Á và sau đó là quan hệ với Tokyo hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu với Chính phủ Modi. Theo hãng tin Bloomberg, ông Modi sẽ có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Bhutan trong tháng 6 này, sau đó có nhiều khả năng ông sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 7, rồi đến Mỹ vào tháng 9. Ngoài ra, ông Modi sẽ có lịch trình dự một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Brazil và Nam Phi vào tháng 7 tới.
Nếu như Ấn Độ cần Trung Quốc thuần túy để phát triển kinh tế thì dường như Bắc Kinh không chỉ có vậy. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, các địa cực trên thế giới đang phân chia một cách mạnh mẽ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Nga vì vấn đề ukraina đang bị phương Tây cô lập, nay phải quay sang các đối tác phương Đông như Trung Quốc để tìm kiếm thị trường tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt. Nhật Bản, Philippines vì bị Trung Quốc chèn ép trên biển đang mạnh mẽ quay sang Mỹ và châu Âu.
Ấn Độ cũng là một cường quốc ở châu Á. Các Chính phủ ở New Delhi hiện nay không ưa gì Trung Quốc nhưng cũng không phải là đồng minh của phương Tây. Một tân chính phủ vừa lập nên rất cần những thể hiện ban đầu nhằm trấn an lòng dân, đặc biệt là về kinh tế. “Điểm yếu” này của tân chính phủ Modi phần nào giải thích sự vồ vập của Trung Quốc. Bằng việc xích lại gần hơn với New Delhi về kinh tế, cố gắng gác lại những căng thẳng về lãnh thổ, Trung Quốc đang tìm cách “mua chuộc” Ấn Độ hoặc ít nhất khiến nước này cô lập trước những hành động ngang ngược của Bắc Kinh trong khu vực.
Đây mới chính là thâm ý của Trung Quốc khi mau chóng cử “sứ giả” sang New Delhi.
Theo An ninh Thế Giới